Header Ads

  • Breaking News

    Stéphane Courtois : « Hồ Chí Minh đã lập ra một chế độ toàn trị »

    « Sự khắc khổ và thanh thản toát ra từ nơi làm việc của ông Hồ Chí Minh cho thấy tinh thần lao động, sự bình tĩnh, kiên trì, quyết tâm phục vụ các kế hoạch của Nhà nước ». Trên đây là những dòng cảm tưởng được thủ tướng Pháp Édouard Philippe ghi vào sổ lưu niệm ở Khu di tích Phủ chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến công du Việt Nam tháng 11/2018.

    Ông Hồ Chí Minh tại Paris năm 1946.
    Nhận xét này đã làm dấy lên một số ý kiến chỉ trích tại Pháp. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, nhà sử học Stéphane Courtois nhắc nhở về tính cách nhân vật Hồ Chí Minh (tất nhiên là dưới góc nhìn của phía Pháp - ND).

    Là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), ông Stéphane Courtois giảng dạy tại Viện đại học Công giáo (ICES) và phụ trách tạp chí mang tên Chủ nghĩa cộng sản. Gần đây ông đã xuất bản tác phẩm « Lênin, người sáng tạo ra chủ nghĩa toàn trị » (NXB Perrin, 2017) và chủ biên công trình biên khảo « Chủ nghĩa cộng sản : 1917, cuộc cách mạng bôn-sê-vích » (Vendémiaire, 2017).

    Le Figaro : Ông Hồ Chí Minh là người như thế nào ?

    Stéphane Courtois : Huyền thoại về các nhà cách mạng, đặc biệt từ năm 1968, coi nhân vật được gọi là « Bác Hồ » như một nhà lãnh đạo chống chính sách thuộc địa, của một dân tộc nhỏ bé đã đánh bại thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Đành rằng chống thực dân, nhưng Hồ Chí Minh trước hết là một người cộng sản thuần túy và cứng rắn theo kiểu Stalin ; và là người đã lập nên một chế độ toàn trị, gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người Việt Nam.

    Các giai đoạn chính yếu trong sự nghiệp của ông Hồ là gì ?

    Hồ Chí Minh đã tham gia Đại hội Tours năm 1920, Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra đời từ đây. Sau đó ông đến Matxcơva, rồi trở thành một cán bộ quan trọng của Quốc Dân Đảng ở Đông Dương. Trong cuộc sống hoạt động bí mật, ông thường sang Trung Quốc.

    Hồ Chí Minh là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930, và tổ chức chính trị quân sự mang tên Việt Minh năm 1941. Ông Hồ đã truy lùng và thanh toán tất cả những ai bị nghi ngờ là chống lại ông : từ các trí thức trốt-kít người Việt cho đến những người quốc gia không cộng sản, cả người Công giáo lẫn Phật giáo.

    Trong chiến tranh Đông Dương, sau khi bí mật tiếp xúc tại Matxcơva với Stalin và Mao Trạch Đông vào cuối năm 1949, Hồ Chí Minh có được sự ủng hộ tích cực của hai nhà độc tài này. Sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 và Hiệp định Genève, chỉ trong vài tháng đã có gần một triệu người dân miền Bắc phải chạy trốn vào phía Nam vĩ tuyến 17. Hồ Chí Minh trở thành người lãnh đạo Bắc Việt cho đến khi qua đời năm 1969.

    Tù binh Pháp được Việt Minh đối xử ra sao ?

    Đa số bị chết vì đối xử tệ hại và vì tra tấn. Những người cai quản bỏ đói họ, buộc họ phải dự những buổi học tập nhằm tẩy não. Việt Minh có hai mục tiêu. Một mặt, bắt tù binh tham gia các chương trình tuyên truyền, trong đó họ phải thú tội. Mặt khác, lôi kéo họ quay lại tham gia hàng ngũ cộng sản (Ở Nga, Beria đã áp dụng phương pháp này từ 1930 đến 1940 đối với các sĩ quan Ba Lan bị Hồng quân bắt, nhưng thất bại). Đừng quên rằng Georges Boudarel, nhà hoạt động cộng sản Pháp, cũng từng là một trong những người đã tra tấn tù binh Pháp tại trại tù nối tiếng 113 tại Láng Kiều (Hà Giang, gần biên giới Trung Quốc).

    Chế độ mà ông Hồ Chí Minh thành lập có những đặc tính gì ?

    Thủ tướng Édouard Philippe đã sử dụng từ « Nhà nước » để chỉ chế độ do Hồ Chí Minh thiết lập. Từ này không chính xác. Đó là một Nhà nước Đảng trị, và như vậy là khác hoàn toàn. Đảng chiếm lấy độc quyền về chính trị, ý thức hệ và kinh tế. Đảng nô lệ hóa dân tộc mình. Tuyên truyền, tập hợp vào đội ngũ là cơ sở của chế độ. Đối với ông ấy, trấn áp hàng loạt là một phương thức để cai trị.

    Người cộng sản Bắc Việt đặc biệt cứng nhắc và giáo điều. Một cuộc thanh trừng nghiêm khắc đã diễn ra trong Đảng vào đầu thập niên 50. Ông Hồ Chí Minh từ chối việc « phi Stalin hóa » từ năm 1956. Ông ta chưa bao giờ tuân thủ Hiệp định Genève mà ông đã ký kết, trong đó quy định tổ chức bầu cử tự do tại Bắc Việt và tôn trọng sự độc lập của miền Nam Việt Nam.

    Ngoài ra Hà Nội còn đào tạo một số cán bộ cộng sản Cam Bốt, mà sau đó trở thành Khmer Đỏ. Vào cuối những năm 70, sự tuyệt vọng của những người Việt Nam bị cầm tù trong đất nước của chính mình dâng cao cho tới nỗi, nhiều người bất chấp mọi hiểm nguy, đã vượt biển bằng những chiếc thuyền mong manh. Dư luận phương Tây ngỡ ngàng phát hiện những « boat people » (thuyền nhân).

    Nếu vậy, ông nghĩ gì về câu mà thủ tướng Édouard Philippe đã viết trong sổ lưu niệm ở Khu di tích Hồ Chí Minh ?

    Đó là một cách nhìn không hay đối với 47.000 lính Pháp tử trận ở Đông Dương. Cũng tương tự như thế đối với việc Việt Minh giam hãm những đồng bào của mình. Có một sự tương phản nổi bật giữa những từ ngữ êm ái của ông Édouard Philippe, và thực tế bạo lực toàn trị của chính quyền do Hồ Chí Minh thành lập.

    Để giải thích những từ của thủ tướng Pháp, chúng ta có sự chọn lựa giữa ý muốn làm vui lòng chủ nhà, hoặc không hiểu biết lịch sử, hoặc cả hai. Chúng ta đang được lãnh đạo bởi một thế hệ đứng ngoài lịch sử, nếu có thể nói như thế. Những nhà lãnh đạo trẻ tuổi này hầu như không biết đến thế giới trước thời bức tường Berlin sụp đổ như thế nào, và dường như không cảm thấy thực sự có liên quan đến những thảm kịch lịch sử, trong đó nước Pháp có tham gia.

    Thụy My

    (RFI)

    Không có nhận xét nào