Cuộc gặp gỡ mang tên Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ thường niên diễn ra vào ngày 15-5-2019, dường như không đề cập đến thực trạng về quyền sở hữu tài sản của người dân Việt Nam, là một thứ quyền lâu nay chỉ mới dừng lại ở ý nghĩa ‘mỹ từ trang sức’ của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền tài sản đất đai của người dân Sài Gòn đã không được chính quyền TP.HCM bảo vệ |
Quyền sở hữu đất đai của người dân đã không được chính quyền TP - Công văn nói một đằng, thực hiện một nẻo.
Quyền tài sản theo định nghĩa tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, đó là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Đại biểu của nhân dân nhưng lại là tiếng nói của chính quyền
Phân tích pháp lý, thì quyền là một quyền năng dân sự chủ quan của chủ thể và được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền tài sản hiểu theo nghĩa rộng là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình. Xét theo ý nghĩa này, quyền sở hữu (vật quyền) cũng là một loại tài sản.
Tuy nhiên các quy định và cách hiểu, vận dụng pháp luật nói trên đã không được chính quyền TP.HCM thực hiện. Vụ khiếu kiện kéo dài suốt hơn 20 năm qua ở Thủ Thiêm, quận 2 và mới đây là ở vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình là một minh chứng.
Tại kỳ họp thứ 14 diễn ra vào tuần trước, HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án hỗ trợ thu hồi đất trên khu đất công trình công cộng (vườn rau Lộc Hưng) ở phường 6, quận Tân Bình. Theo đó, dự án sẽ tăng tổng mức đầu tư từ 300 tỷ đồng lên 401 tỷ đồng. Dự án gọi là bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2015, do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 300 tỷ đồng, với thời gian thực hiện từ 2016 - 2020. Mức chi phí hỗ trợ cho các hộ dân được thông qua ban đầu là 4 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên văn kiện pháp lý liên quan vào năm 2015 cho biết không hề có dự án trường học được xây dựng ở nơi được gọi là “khu đất công trình công cộng”, mà là dự án công viên, và trước đó nữa là dự án nhà ở.
Cái đáng chú ý nhất ở đây là các vị đại biểu của nhân dân có mặt hôm 11-05 đã ‘hồn nhiên’ đồng ý với lập luận mà chính quyền đưa ra thể hiện trong nội dung tờ trình (trích): Trong quá trình rà soát pháp lý khu đất nói trên, UBND quận Tân Bình và các sở/ ngành nhận thấy đây là khu đất do nhà nước quản lý, không thực hiện bồi thường về đất mà chỉ giải quyết hỗ trợ cho các hộ dân di dời.
Từ lý do đó, dự án cần thiết điều chỉnh tên từ “Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình”, thành “Dự án hỗ trợ để thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập” theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình.
Hỗ trợ là hành vi ‘tùy tâm’, không chịu ràng buộc của quy phạm pháp luật
Luật Đất đai 2013, Điều 166 quy định về các quyền chung của người sử dụng đất như sau: 1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. 3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp. 4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. 5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. 6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Như vậy, với việc người dân có nhà cửa, đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng từ năm 1954 đến nay, theo luật định, nếu các quy trình thu hồi đất đai của chính quyền TP.HCM là tuân thủ đúng, thì người dân vườn rau Lộc Hưng phải có quyền được Nhà nước bồi thường, chứ không phải là ‘hỗ trợ’ mang tính tùy tâm đầy cảm tính của các viên chức nhân danh chính quyền.
Đất đai không chỉ là “phương tiện” hay “tài sản”, mà hơn thế, nó là không gian sống thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Không gian sống đó không chỉ là hiện hữu, mà còn bao gồm đầy đủ cả các yếu tố: quá khứ, hiện tại và tương lai. Đối với văn hóa người Việt, đất đai còn đồng nghĩa với “hương hỏa, tổ tiên và dòng họ”. Điều này lý giải vì sao những phản ứng hết sức mạnh mẽ của người dân mỗi khi bị thu hồi đất, đặc biệt là đất dành cho các dự án kinh doanh, bao gồm cả kinh doanh trá hình với tên gọi “thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập”.
Sở dĩ dùng từ ‘trá hình’, vì theo tài liệu liên quan cho biết, ở khu đất vườn rau Lộc Hưng sẽ có hai công trình là trường học và nhà ở thương mại. Ngoài ra, tương tự như nhiều vụ việc từng xảy ra khi chính quyền tiến hành thu hồi đất, khi thu hồi xong, họ chuyển đổi nội dung dự án. Đơn cử vụ việc ngày 25-8-2003, UBND TP.HCM có quyết định số 3503, thu hồi đất tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM, có tên là dự án 12,28 ha. Hơn 100 hộ dân buộc lòng phải dời khỏi nơi đất ở mà họ đã sinh sống từ năm 1976, vì lực lượng chức năng tới cưỡng chế, san phẳng.
Đến ngày 20-10-2005, tại khu đất này có tấm biển treo và ghi rõ nội dung: “Khu đất của quỹ phát triển nhà ở TP.HCM sử dụng để làm nhà ở cho CB.CNV thu nhập thấp của TP.HCM theo công văn số 6756/UBND-TM ngày 20-10-2005 của UBND TP.HCM”. Thế nhưng, trước đó, ngày 18-4-2005, chủ đầu từ chính là UBND TP. HCM đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, rao bán dự án trên với giá là 181 tỷ.
Công văn nói một đằng, thực hiện một nẻo. (xem ảnh) Và đến nay vụ việc vẫn còn treo lơ lững, bất chấp những khiếu nại kéo dài suốt từ đó đến nay.
Dự án Cụm công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy ở Củ Chi là một ví dụ khác. Khi vấp phản ứng quyết liệt của người dân, chính quyền TP.HCM thay vì sửa sai, thì lại ban hành quyết định điều chỉnh cụm từ “đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy” thành “Dự án đầu tư Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi” để tiếp tục ‘cướp’ đất đai của người dân. Điều này tương tự như đã và tiếp tục xảy ra ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cần trả lại quyền tư hữu đất đai cho người dân
Đang có một nghịch lý, khi Nhà nước đấu giá thì gọi là bán quyền sử dụng đất, còn khi dân bán thì lại phải gọi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà không được gọi là bán, mặc dù rõ ràng là họ có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, quyền sử dụng đất nếu như chỉ là quyền sử dụng, thì cơ quan hành chính mới có quyền thu hồi, còn đã là quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì không thể thu hồi, chỉ Toà án mới có quyền quyết định.
Như vậy, cần xử lý đúng bản chất, quy định về đất đai theo nguyên lý tài sản và cuộc sống đòi hỏi, không nên đánh tráo khái niệm giữa việc “sử dụng đất” và “quyền sử dụng đất”. Đã đến lúc phải thừa nhận quyền sở hữu đất của người dân trong Hiến pháp, nếu không muốn luật pháp tiếp tục rối loạn. Sau đó, soạn thảo lại Luật Đất đai, chứ không nên sửa chữa lặt vặt, trong khi lại bỏ qua vấn đề cốt yếu của quản lý đất đai. Đây là yêu cầu, là đòi hỏi của cuộc sống.
Ý nghĩa lớn nhất của đất đai từ muôn đời nay là không gian sinh tồn thiêng liêng của từng cá nhân và cả cộng đồng. Chính điều đó đòi hỏi trong số các vấn đề liên quan nhân quyền, thì vấn đề quyền về đất đai cũng cần phải được đặt lên bàn nghị sự của quá trình đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ.
Thảo Vy
Không có nhận xét nào