Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Trần - Nguyễn Phú Trọng vẫn như ông Bình Vôi

    Ông Trọng là một chuyên gia “xây dựng đảng”, từng là Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (sau đổi thành Ban Tuyên giáo) nên lời ăn tiếng nói của ông được chuẩn bị phải trong cái lồng quyền lực phục vụ đảng cầm quyền bất tận.
     
    Nguyễn Phú Trọng vẫn như ông Bình Vôi
    Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại phiên họp khai mạc Quốc hội kỳ 7, và trong đoàn Quốc hội viếng lăng Hồ Chí Minh ngày 20/05/2019?

    Thời Nhân văn Giai phẩm 1956, Cụ Phan Khôi đã viết về sự tích “Ông bình vôi” như sau: “…Cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông. 

    Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt: 

    Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
    Y như một cái bình vôi (1)
    Càng sống càng tồi,
    Càng sống càng bé lại”.

    (1) Có nơi ghi “Y như một dãy bình vôi

    (Bài thơ “Ông bình vôi” của Lê Đạt – Phong trào Nhân văn Giai phẩm 1956)

    Đem chuyện kể của Cụ Phan Khôi và bài thơ về “Ông bình vôi” của Nhà thơ Lê Đạt (tên khai sinh Đào Công Đạt, 1929-2008) thời Nhân văn Giai phẩm năm 1956 để soi vào đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), sau hơn 33 năm gọi là “Đổi mới” (1986-2019) thì cũng thấy có nhiều “ông Bình vôi” như thế.

    Thứ nhất, Đảng vẫn tự áp đặt Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đã thoái trào lên đầu dân để một mình cai trị độc tài, chống đa nguyên, đa đảng dù chưa bao giờ hỏi ý dân qua bỏ phiếu hay trưng cầu ý kiến.

    Thứ hai, lãnh đạo miệng nói dân chủ nhưng chỉ “dân chủ trong đảng”. Dân chủ trong dân thì phải “xin-cho”.

    Thứ ba, tuyên truyền nhân dân làm chủ nhưng nhà nước quản lý mọi thứ, đặc biệt về đất đai và các quyền tự do cơ bản của công dân. Dù Hiến pháp tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, hội họp và tự do lập hội, nhưng nhà nước lại không cho tư nhân ra báo; tiếp tục trì hoãn trình Luật Biểu tình do Bộ Công an soạn thảo ra Quốc hội với lý do “vì còn nhiều ý kiến khác nhau”. Dự Luật về Hội của Bộ Nội vụ cũng đã bị Chính phủ rút lại với lý do “vì việc chuẩn bị “chưa đảm bảo chất lượng” và “quá phức tạp”.

    Thứ bốn, đảng hô hào xây dựng, chỉnh đốn đảng; cổ võ phong trào làm gương; sống là làm theo phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh theo phương châm: cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư, nhưng cán bộ, đảng viên vẫn nịnh trên nạt dưới; vẫn chạy chức chạy quyền; vẫn sống theo phong cách “không nhúc nhích” để “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” và tham nhũng tự do.

    Thứ năm, Đảng và Nhà nước, vì sợ làm mất lòng đàn anh Trung Cộng, mà đã đàn áp không nương tay các cuộc biểu tình tự phát của dân, dù để lên án các hành động xâm lược lãnh thổ và lãnh hải và đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông của Trung Cộng. Thậm chí Nhà nước còn ra lệnh cho Cộng an chìm, nổi đội nốt côn đổ tấn công cả những người dân, dù mới có ý định, hay tập hợp tri ân những người lính và công dân đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ tại Hoàng Sa năm 1974, Biên giới Việt-Trung từ 1979 đến 1989 và tại Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988.

    Thứ sáu, ngoài miệng tuyên truyền “hòa hợp” và “hòa giải” dân tộc nhưng đảng lại hành động gây chia rẽ và gây hận thù giữa kẻ thắng và người thua sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động (1945-1975).

    Thứ bảy, tuy theo đuổi nền “Kinh tế thị trường” và đề cao vai trò của “kinh tế tư nhân” để hội nhập với thế giới, nhưng vẫn bám lấy cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” để bảo vệ quyền kiểm soát của chính phủ trên nền tảng kinh tế nhà nước, (hay “doanh nghiệp nhà nước, DNNN”) phải giữ vai trò chủ đạo.

    Nhưng DNNN lại là nơi quyền lợi của đảng và của các “nhóm lợi ích quyền thế” trong hệ thống cai trị được hưởng các đặc quyền đặc lợi về trụ sờ, đất đai, vay vốn và thuế đã gây ra những bất bình đẳng trong kinh doanh, và cũng là trung tâm đẻ ra tham nhũng và thua lỗ kéo dài.

    BẰNG CHỨNG

    Theo báo cáo trình Quốc hội của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2018 thì ” Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi”, báo Tuổi trẻ online đưa tin ngày 22/05 (2019).

    Tuổi Trẻ viết chi tiết: “Theo Kiểm toán Nhà nước, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí là 3.377 tỉ đồng; Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỉ đồng. 

    Từ thua lỗ, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã âm vốn chủ sở hữu như Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm vốn 1.780 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí VN 172 tỉ đồng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỉ đồng. 

    Vì thua lỗ lớn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) phải giải thể Công ty TNHH Vận tải sông Sài Gòn.

    Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư, góp vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng thua lỗ. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) có 7 khoản đầu tư ngoài ngành lỗ lũy kế lớn. Công ty mẹ – PVOil đầu tư vào 11 đơn vị bị lỗ. 

    Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cũng đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Quản lý, kinh doanh nhà TP.HCM đầu tư vào 1 đơn vị, lỗ lũy kế tới 286 tỉ đồng. 

    Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế 315 tỉ đồng”.

    Riêng về lãng phí đất đai, theo Tuổi Trẻ, “Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một loạt những sai sót, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quản lý và sử dụng đất công. Theo Kiểm toán Nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn. Song bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chưa chặt chẽ khiến nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí”.

    Kiểm toán cũng báo cáo: “Đặc biệt, nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN (Vietnam Oil and Gas Group, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) không hiệu quả. 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD), dự án Danan – Iran và dự án Junin 2 – Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD), 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD)”. (Theo báo Tuổi Trẻ online ngày 22/05/2019).

    Làm ăn lỗ chổng gọng lên như thế mà ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản của đảng vẫn vênh váo bao che khi nói rằng: “Kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng 19 tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước tại sao cứ thua lỗ mãi? Đó là chuyện phải chỉnh đốn cả về tư duy và hành động.

    Song nếu vì chuyện đó mà ai đó trong chúng ta hoang mang, phủ nhận vị thế, vai trò và đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thì lại là một sự thất bại được báo trước.

    Thậm chí một số người cổ xúy kinh tế tư nhân là chủ đạo, đó lại là một sai lầm, không chấp nhận được về mặt nguyên tắc. Tôi chưa thấy có quốc gia nào trên toàn cầu, ở bất cứ thể chế nào, dám vứt bỏ kinh tế nhà nước với vai trò cầm trịch hay điều tiết chủ yếu nền kinh tế quốc gia cả”. (Trích phỏng vấn của Zing)

    Như thế thấy rõ đảng càng kéo dài ngồi lỳ càng hỏng như nhà thơ Lê Đạt viết:

    Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
    Y như một cái bình vôi (1)
    Càng sống càng tồi,
    Càng sống càng bé lại”.

    (1) Có nơi ghi “Y như một dãy bình vôi

    ĐI TIẾP ĐƯỜNG CŨ

    Cũng với cái ý từ những “Ông Bình Vôi”, ta thử lân la vào lời ăn tiếng nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 (Trong các ngày từ 15-18/05/2019) xem có gì mới không.

    Theo nội dung thì: “Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII bàn về các nội dung: Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng”.

    Ông Trọng nói: “Cùng với Báo cáo chính trị thì sẽ có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991 – 2021) thực hiện Cương lĩnh, để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để chúng ta định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả cương lĩnh. Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó”.

    Nhưng ý đó chẳng phải của riêng ông Trọng mà là của cả Hội đồng Lý luận Trung ương, “cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng Toàn quốc”, theo Bách khoa toàn thư mở.

    Cơ quan này hiện có trên 44 người, do Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cầm đầu từ ngày 02/03/2018, thay ông Đinh Thế Huynh nghỉ bệnh dài hạn và thôi giữ chức Thường trực Bí thư.

    Vậy những điểm cốt lõi của Cương Lĩnh 2011 viết gì?

    Trong đó có đoạn viết theo kiểu nhét chữ vào miệng dân rằng: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
    Nhưng bằng chứng “khát vọng của nhân dân ta” ở đất nào chui lên vậy?

    Về kinh tế, Văn kiện này ghi: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…”.
    “…Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất”.

    Về chính trị, Cương lĩnh viết rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản…”.

    “….Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên..”.

    Như đã vạch ra trong Cương Lĩnh, những điều trên đây còn được ghi lại trong Điều 4 Hiến pháp 2013, theo đó, Khoản 1 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
    Như vậy, rõ ràng là đảng đã tự viết ra điều mình muốn cả trong Cương lĩnh và Hiến pháp để bắt dân phải làm theo không qua bất cứ qúa trình lựa chọn hợp pháp và dân chủ nào.

    Đó là độc tài, phản dân chủ và chống lại nguyện vọng chính đáng và đúng đắn của dân.

    Vì như ông Trọng đã khẳng định: “Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó”, thì lại có những viên chức cao cấp trong đảng không biết muối mặt để ngợi ca ông Trọng hết lời.

    Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ qua lý luận của Trung ương đảng, là người nổi bật lên trong nhóm nịnh thần này.

    Ông nói với báo điện tử Zing.VN: “Tầm tư duy chiến lược của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là nhìn tận chân trời nhưng vẫn thấy được bước đi cụ thể dưới chân mình. Đó là tầm tư duy của người lãnh đạo, có thể tạo ra “thế nước, lòng dân, vận đảng”.

    ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?

    Rất tiếc, “tầm tư duy” của một người chưa khỏe hẳn sau cơn bạo bệnh như ông Trọng, sau chuyến thăm Kiên Giang ngày 14/4/2019, đã mở ra nhiều thách đố nhưng cũng rất mơ hồ cho đảng viên.

    Ông nói trong Diễn văn khai mạc: “Như vậy, nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 – 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước.

    Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó”.
    Có ai hình dung được không, hay ông Trọng, trước khi nghỉ hưu, dự đoán sau Đại hội XIII vào tháng 01/2021, đã đặt ra những bài toán khó giải cho mọi người. Ông đánh cuộc với Hội nghị 10: “Như vậy, lần này so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình. Tôi chỉ nói một ví dụ:Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó”.

    Nghe ông Trọng nói liền tù tì như thế hẳn đã có khối người chóng mặt, nhất là những ai ảo tưởng bị mê hoặc bời nhóm chữ “đổi mới chính trị”.

    Ông Trọng là một chuyên gia “xây dựng đảng”, từng là Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (sau đổi thành Ban Tuyên giáo) nên lời ăn tiếng nói của ông được chuẩn bị phải trong cái lồng quyền lực phục vụ đảng cầm quyền bất tận.

    Do đó, khi giải thích “đổi mới chính trị” là đổi mới cái gì, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói trong Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 10/Khóa đảng XI ngày 12/01/2015 như sau:
    “Tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề “đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế.” Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”.

    Cũng với nội dung này, theo bản tin của báo VnExpress ngày 10/04/019, thì: “Trả lời câu hỏi phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhạt dần? Tổng bí thư cho hay Việt Nam trước sau kiên định theo chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không đổi màu, nhiều thành phần kinh tế nhưng phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông thông tin, cách đây hai hôm Tiểu ban văn kiện họp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, đã yêu cầu phải kiên định cương lĩnh, không ai được nói trái, làm trái cương lĩnh”.
    Ông Trọng, người có bằng Tiến sĩ chuyên khoa “Xây dựng đảng”, là một người cực kỳ bảo thủ, giáo điều, một tín đồ trung thành tuyệt đối với Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

    Ông Trọng nói tiếp: “Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, các thành phần kinh tế phải bình đẳng, độc lập, tự chủ nhưng hội nhập quốc tế, hội nhập nhưng không được hòa tan”.

    Như vậy, ông Trọng, người đã vắng mặt tại buổi họp khai mạc Quốc hội kỳ 7, khóa XIV và cũng không có mặt trong đoàn Quốc hội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 20/05/2019, vẫn một mực muốn Việt Nam phải tiếp tục kiên định và tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Cộng sản, trong lăng kính “đổi mới chính trị” của những “ông Bình vôi”, giống như Thi Sỹ Lê Đạt đã viết:

    Càng sống càng tồi,
    Càng sống càng bé lại”.
     
    Phạm Trần
     
    (Dân Làm Báo)

    Không có nhận xét nào