EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) là
Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) thêm một lần nữa kể từ thời
Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng đội mồ sống dậy
bằng hình ảnh những bóng ma tài phiệt tăng giá phi mã bất chấp dân sinh
khốn khó và cũng bất chấp phản ứng công luận.
Những bóng ma giữa ban ngày
Khác
với từ ngữ ‘nhóm lợi ích’ như một giới hạn trên mà báo chí nhà nước chỉ
dám nói đến thế và đang trở nên nhàm chán, tập đoàn tài phiệt không chỉ
là nhóm vơ vét lợi ích mà còn móc nối cấu kết với giới quan chức cấp
trung cao để can thiệp và thao túng chính sách kinh tế - xã hội trong
một chính quyền ‘của dân, do dân và vì dân’.
Cấp
trên trực tiếp của EVN và Petrolimex vẫn là Bộ Công thương - một ‘cá
mập’ lớn mà suốt từ thời cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến bộ trưởng đương
nhiệm là Trần Tuấn Anh, con trai của Trần Đức Lương cựu chủ tịch nước và
thuộc diện cán bộ ‘hót hay nhảy giỏi’, đều trắng trợn bao che cả hai
tập đoàn tài phiệt trên không chỉ cho những âm mưu tăng giá điện và xăng
dầu giảm ít tăng nhiều và trực chỉ ‘nâng lên một tầm cao mới’, mà còn
về hàng loạt cú xả lũ thủy điện bất nhân của EVN từ năm 2013 đến nay ở
các tỉnh miền Trung mà đã trở thành tác nhân chính giết sống ít nhất
hàng trăm mạng dân nghèo nơi rốn lũ.
Nhưng
EVN, Petrolimex, Vũ Huy Hoàng trong quá khứ đen tối và Trần Tuấn Anh
trong hiện tại đen đúa có phải là toàn bộ thủ phạm gây ra thảm họa tăng
giá xăng dầu và điện khiến ít ra một nửa dân số Việt Nam bị móc túi
trắng trợn, càng thêm khốn quẫn trong khi nền kinh tế đã lao vào năm suy
thoái thứ 11 liên tiếp kể từ năm 2008?
Thủ tướng và ‘người nhà thủ tướng’
“Sau
khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương mới ban hành quyết
định tăng giá” - quan chức Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thanh
minh với báo chí về việc tăng giá điện khi kể lể việc doanh nghiệp này
đã đề xuất để “Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành liên quan trình
Chính phủ phương án tăng giá điện”.
Lời
thú nhận trên buộc phải phát ra sau khi dư luận xã hội và báo chí gầm
gào phẫn nộ về việc tại sao EVN đã tăng giá điện đến 8,36% vào đầu năm
2019, nhưng đến khi tính giá điện cụ thể với các hộ gia đình thì lại xảy
ra quá nhiều trường hợp người dân ngã ngửa khi mức thu hàng tháng vọt
đến 50 - 70% so với tháng trước.
Lời
thú nhận trên là bằng chứng lộ diện và trần trụi nhất cho thấy tính
‘liêm chính’ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ lộ ra đến mức nào, sau khi
Nguyễn Xuân Phúc vội vã chỉ đạo kiểm tra lại cách tính giá điện vì lo sợ
bị dư luận xã hội phản ứng gay gắt và làm ảnh hưởng đến chính phủ mà bị
người đời xem là ‘may là Kiến tạo, chứ Voi tạo hay Khủng Long tạo thì
không biết đến thế nào’ của ông ta.
Cùng
lúc, trên mạng xã hội hiện ra thêm một bằng chứng ác nghiệt: một Quyết
định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 -
2020. Quyết định này là của Thủ tướng chính phủ, mang số 34, được ký
ngày 25/7/2017 và dóng dấu ‘MẬT’, trong đó duyệt mức giá bán lẻ điện
bình quân tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.
Cần
nhắc lại, theo phương án mà Bộ Công Thương đưa ra, Tập đoàn Điện lực
Việt Nam (EVN) đã tăng giá điện ở mức 8,36% từ ngày 20/3/2019. Mỗi kWh
điện sẽ tăng gần 144 đồng, lên mức bình quân 1.864,44 đồng so với giá
bán điện thương phẩm bình quân trước đó là 1.720 đồng/kWh.
Như
vậy, chắc chắn giá điện sẽ còn tăng nữa, chưa tính đến lời đe dọa của
quan chức Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN - rằng ‘giá diện sẽ
tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay nếu giải tán EVN’ khi bị báo chí truy buộc
nguồn gốc độc quyền của EVN đã dẫn đến tình trạng tăng giá vô tội vạ.
Quyết
định số 34 của ‘Thủ tướng chính phủ’ được đóng dấu ‘MẬT’ là một thủ
đoạn chính trị để phục vụ cơ chế tăng giá lén lút và bất chấp như thế.
Bất cứ ai sống lâu năm trong một chế độ độc tài đều biết thủ đoạn này là
món ăn khoái khẩu của những kẻ chỉ muốn ngu dân. Mới đây, ngay sau khi
bị dư luận lên áp dữ dội về giá xăng dầu và điện tăng phi mã, Bộ Công
thương của Trần Tuấn Anh còn đòi đưa kế hoạch tăng giá xăng dầu và điện
chưa công bố của ngành này vào diện… ‘bí mật nhà nước’.
Còn
với bằng chứng về Quyết định số 34 của ‘Thủ tướng chính phủ’ trên, ngay
cả những dư luận viên cùng nhóm bồi bút của chính phủ và Bộ Công thương
cũng không thể ngụy biện là ‘thủ tướng không biết việc tăng giá điện’.
Chưa
kể đến một luồng dư luận xã hội đang cho rằng trong âm mưu tăng giá
điện kể từ sau đại hội 12 đến nay còn có vai trò và có ‘dây máu ăn phần’
của ‘người nhà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc’.
Vậy Thủ tướng Phúc về thực chất có vai trò gì trong thảm họa tăng giá điện và xăng dầu?
Dung dưỡng độc quyền và ‘bù giá vào dân’
Tới giờ phút này, đã có thể kết luận rằng có một mối quan hệ đáng ngờ, rất đáng ngờ giữa chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với EVN.
Vào
cuối tháng Sáu năm 2017, tức ngay trước khi ‘Thủ tướng chính phủ’ ký
Quyết định số 34 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai
đoạn 2016 - 2020, ông Phúc đã ký phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN nhưng
lại không có bất cứ một cải cách nào để xóa bỏ vai trò độc quyền tàn hại
dân sinh của tập đoàn mà báo chí quốc tế đặt cho biệt hiệu “cậu ấm hư
hỏng” này.
Trong
đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà
không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ
là “hướng đến thị trường điện cạnh tranh.”
Cũng
trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ
có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của
chính phủ thì nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không
hề có cơ hội để tham gia…
Dung dưỡng độc quyền đã “nối giáo” cho chuyên chế tăng giá điện.
Ngay
sau đề án tái cơ cấu EVN được Thủ Tướng Phúc ký phê duyệt, nỗi lo sợ
thường trực của nhân dân đã biến thành sự thật khi cũng chính thủ tướng
này lại ký tiếp quyết định số 24/2017, thay thế quyết định số 69/2013 về
cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ
chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, có hiệu lực
từ ngày 15 Tháng Tám, 2017.
Quyết
định trên cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với
mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công Thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến
10%.
Nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế!
Đến
khi đó, cùng với Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của “cá mập” EVN,
sự nghiệp “lobby tăng giá” của EVN đã thành công bước đầu.
Có
thể không cần đến trường hợp phải tăng giá điện trên 10% mà do đó Bộ
Công Thương phải xin ý kiến chính phủ, vì đối với nhóm lợi ích EVN và Bộ
Công Thương mà từ rất lâu rồi người ta vẫn ví là “nhóm cá mập” hay
“bạch tuộc” chỉ cần được chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng
vài chục phần trăm mỗi năm đã đã đủ để “bù giá vào dân.” Vào những năm
2007-2009, EVN cũng là tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến
30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo
hiểm.
Theo
đó và trong trường hợp “nhân đạo” nhất, EVN sẽ được quyền tự quyết định
tăng giá diện dưới 5% và được tăng hai lần một năm, nghĩa là giá điện
ngay trong năm 2017 sẽ tăng khoảng gần 10%.
Còn
kém “nhân đạo” hơn, không phải EVN mà chính là Bộ Công Thương sẽ “trảm”
dân. Nối tiếp truyền thống “đi đêm” và “bảo kê” từ thời Bộ Trưởng Vũ
Huy Hoàng, đương kim Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh của bộ này - nhân vật suýt
thành công với người anh em cọc chèo Lê Phước Vũ trong dự án Thép Hoa
Sen-Cà Ná ở Ninh Thuận, sẽ có hai lần tăng giá điện trong năm với biên
độ gần 10%/lần, để “kết quả dân chúng” bằng tỷ lệ tăng cả năm lên đến
gần 20%!
Quyết
định tăng giá điện mà Thủ Tướng Phúc ký lại xảy ra trong bối cảnh một
khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được báo cáo. Chi tiết cần
đặc tả không kém là phần lớn vốn vay của EVN là nợ vay được chính phủ
bảo lãnh.
Nhưng
9,3 tỷ USD chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam,
đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh: Tổng nợ phải trả của tập đoàn
này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tương đương đến 22 - 23 tỷ USD
theo tỷ giá đầu năm 2019.
EVN
- một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi
“thú tính” tăng giá điện bất chấp dân sinh. Nếu lấy lợi nhuận trước thuế
những năm gần đây của EVN vào khoảng 5.000 tỷ đồng để tính mức bình
quân cho các năm, để trả hết nợ hiện thời, EVN sẽ phải liên tục tăng giá
điện như thiêu thân hàng trăm năm nữa!
Bế
tắc toàn diện giai đoạn cuối của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang được
kết liễu bằng công cuộc vơ vét tàn mạt mang tính tư bản chủ nghĩa dã man
của giới quan chức vẫn xưng hô là đồng chí: đã đến thời các tập đoàn
tài phiệt xăng dầu và điện lực tăng giá phi mã bất chấp dân sinh khốn
khó và cũng bất chấp phản ứng công luận, trong đó có phần ‘cống hiến’
không nhỏ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào