Header Ads

  • Breaking News

    Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ- Việt 2019: Tiếp tục còn khác biệt!

    Đối Thoại Nhân Quyền là cuộc họp thường niên giữa đại diện Bộ Ngoại Giáo Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam. Năm nay, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam là ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động, hiện là cố vấn cấp cao trong Bộ Ngoại Giao Mỹ.
    Ông Scott Busby, Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động, hiện là cố vấn cấp cao trong Bộ Ngoại Giao Mỹ.

    Trở về Washington sau Vòng Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ Việt lần thứ 23 ngày 15 tháng Năm vừa qua, ông Scott Busby đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn sau đây:

    Thanh Trúc: thưa ông Scott Busby, ông đánh giá thế nào về cuộc đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam hồi trung tuần tháng Năm này?

    Ông Scott Busby: Đây là vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 23 trong một chuỗi những vòng thảo luận hàng năm, được coi là dài nhất so với bất cứ nước nào khác. Đây cũng là dịp trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn về nhiều vấn đề quyền con người của Việt Nam. Có thể nói chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với nhau trên nhiều việc, tiếp tục có sự khác biệt lớn lao trên nhiều vấn đề khác nhau. Phải nói sự khác biết lớn nhất chính là cách cư xử với người bất đồng chính kiến dám phê bình chính phủ, hình phạt và án tù nặng nề mà nhà cầm quyền gán ghép cho những người này. Đó là những vụ việc khiến chúng tôi khó kiếm được đồng thuận với Việt Nam. Tuy nhiên hai phía vẫn có thể đối thoại trong tinh thần xây dựng, tôi nghĩ Việt Nam đã cố gắng thay đổi cũng như có cải thiện một số lãnh vực liên quan đến nhân quyền.

    Thanh Trúc: Trước khi bước vào cuộc đối thoại lần này với Việt Nam thì ông có đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền Việt Nam trong một năm qua?

    Ông Scott Busby: Chúng tôi đã có nhiều quan ngại trong vòng 2 năm qua về sự gia tăng đàn áp đối với những người muốn bày tỏ chính kiến của mình. Tình hình cho thấy con số những người bị bắt trong trường hợp đó đã tăng cao, tiếp đến là những án tù lâu năm dành cho họ. Tôi xin nhắc lại những điều này là mối quan tâm chính của chúng tôi tính đến lúc này.

    Chúng tôi cũng rất quan ngại về Luật An Ninh Mạng mới đây của Việt Nam, về ảnh hưởng của Luật này không chỉ đối với giới doanh nghiệp Mỹ mà còn đối với quyền tự do ngôn luận ở người Việt Nam.

    Thanh Trúc: Vậy ông nghĩ Hoa Kỳ có đạt được điều mình mong muốn lần này?

    Ông Scott Busby: Tôi nghĩ là có, hai phía đã có thể nêu ra với nhau những vấn đề đáng quan tâm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, Việt Nam có thực sự lắng nghe và muốn thay đổi hay không là công việc và quyết định của họ. Hãy còn một quan ngại nữa là trước khi vòng đối thoại diễn ra thì chúng tôi đã tìm cách liên lạc để gặp một số nhà hoạt động cũng như đại diện các xã hội dân sự lớn nhỏ ở Việt Nam. Tiếc rằng đã có 3 nhà hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh không thể đến gặp chúng tôi vì bị ngăn cản. Điều này chứng minh cho chúng tôi thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã gián tiếp không cho phép chúng tôi được gặp các nhà hoạt động đó.

    Thanh Trúc: Nhưng sau cùng ông cũng đã gặp được một vài nhà hoạt động phải không?

    Ông Scott Busby: Chúng tôi có gặp một số nhà hoạt động nhưng rất không may là có 3 nhà hoạt động đã bị ngăn cản không được đến cuộc gặp.

    Đó là những người bao gồm luật sư Lê Công Định một nhà hoạt động rất nổi tiếng ở Việt Nam, một lãnh đạo tôn giáo thuộc đạo Cao Đài và một người nữa là một blogger và đồng thời là một nhà hoạt động dân sự.

    Thanh Trúc: Thưa ông Busby, Amnesty International mới đây có báo cáo cho biết Hà Nội vẫn gia giữ 128 tù nhân lương tâm, vấn đề này đã được thảo luận thế nào trong vòng đối thoại lần thứ 23 này?

    Ông Scott Busby: Chúng tôi đã đề cập đến những quan ngại về tình trạng gia tăng những tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Phản hồi của chính phủ Việt Nam là những người này đã vi phạm luật pháp Việt Nam và họ bị trừng phạt theo luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam không chấp nhận định nghĩa của chúng tôi về tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Họ nói những người này đe dọa an ninh, họ phạm tội đòi thay đổi chế độ ở Việt Nam và vì vậy họ bị trừng phạt theo pháp luật.

    Thanh Trúc: Thượng nghị sĩ Tim Kaine sau chuyến thăm Hà Nội hồi tháng trước về có nói rằng đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có một danh sách gồm 7 tù nhân chính trị mà phía Washington luôn muốn nêu ra với Hà Nội. Xin ông cho biết cụ thể về những yêu cầu của Washington đối với các tù nhân chính trị này?

    Ông Scott Busby: Chúng tôi yêu cầu Hà Nội trả tự do cho toàn bộ các tù nhân lương tâm nhưng chúng tôi cũng có danh sách ưu tiên để đưa cho chính phủ Hà Nội và chúng tôi đề nghị họ xem xét và trả tự do cho họ càng sớm tốt.

    Thanh Trúc : Ông đã có dịp gặp người tù llương tâm nào ở Việt Nam hay không?

    Ông Scott Busby: Có, chúng tôi rất mừng là chính phủ Hà Nội cho phép chúng tôi được gặp bà Trần Thị Nga, người đang bị giam giữ trong tù ở gần Pleiku. Chúng tôi có 1 giờ gặp. Sức khỏe của bà ấy có vẻ bình thường. Tuy nhiên bà ấy có nêu quan ngại về việc bà ấy bị đối xử tệ trong tù. Chúng tôi nói với bà ấy rằng chúng tôi luôn lưu tâm đến trường hợp của bà ấy và chúng tôi sẽ tiếp tục đưa trường hợp của bà ấy với chính phủ Việt Nam và gây sức ép đòi trả tự do cho bà.

    Thanh Trúc: Xin được trở lại chuyện là trước vòng đối thoại thì một số nhà hoạt động bị ngăn cản không cho gặp mặt phái đoàn Hoa Kỳ. Đây không phải lần đầu tiên an ninh Việt Nam thực hiện việc này. Ông nghĩ như thế nào về chuyện đó?

    Ông Scott Busby: Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề các nhà hoạt động bị ngăn cản, chúng tôi đã sắp xếp cuộc gặp với các nhà hoạt động này từ trước đó rất lâu. Đại sứ Mỹ, các nhân viên Đại sứ quán đã gặp gỡ các nhà hoạt động này từ trước đó. Cho nên chúng tôi rất lo ngại là họ đã không đến được cuộc gặp. Chúng tôi biết là nhà họ bị công an bao vây trước khi cuộc gặp diễn ra và kết quả là họ không đến được. Tôi đã nêu quan ngại này với chính phủ Hà Nội và họ đã biết.

    Thanh Trúc: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những vòng đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam trong suốt nhiều năm quá?

    Ông Scott Busby: Tôi cho rằng cuộc đối thoại cũng tương tự như năm trước. Đối thoại là những trao đổi đầy đủ, thẳng thắn về một loạt các vấn đề. Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc đối xử với cộng đồng người LGBT, và họ cũng có một số tiến bộ nhất định trong vấn đề tự do tôn giáo, ít nhất là đối với những nhóm tôn giáo đã được đăng ký theo luật Việt Nam. Những nhóm tôn giáo không được đăng ký vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Việt Nam đã có một số tiến bộ trong những năm qua khi hai bên có những đối thoại. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi có những quan ngại về tình trạng gia tăng tù nhân lương tâm và những bản án tù nặng nề mà một số người phải chịu.

    Thanh Trúc: Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá rằng chính phủ Mỹ hiện nay không chú trọng nhiều đến nhân quyền ở các nước bao gồm Việt Nam và đó là lý do khiến tình hình nhân quyền ở Việt Nam trở nên tồi tệ trong khoảng 2 năm qua, ông nghĩ sao về nhận xét này?

    Ông Scott Busby: Chúng tôi xem đây là cơ hội tốt để chúng tôi bày tỏ những lo ngại với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đã nhìn thấy một số chuyển động tích cực trong các năm qua khi hai nước đã có những đối thoại về nhân quyền bao gồm thực tế là đã có một số tù nhân lương tâm được trả tự do nhờ kết quả của những đối thoại này.

    Thực tế mà chúng tôi có thể có đối thoại và tôi có thể đến Việt Nam và chúng tôi đã đưa ra các hồ sơ của tù nhân lương tâm cho thấy là chính phủ Mỹ hiện tại có quan tâm đến tình hình nhân quyền.

    Thanh Trúc: Sau cùng, thưa ông Scott Busby, ông sẽ có đề nghị gì với Bộ Ngoại Giao trong việc góp phần cải thiện tình hình nhân quyền cho Việt Nam?

    Ông Scott Busby: Tôi không thể nói về những khuyến nghị trong nội bộ nhưng tôi có thể nói là chúng tôi đã nói rõ với chính phủ Việt Nam rằng khi quan hệ hai nước đang được tăng tiến trong nhiều mặt nhưng nó sẽ không thể đạt hết được tiềm năng chừng nào Việt Nam nhìn nhận đầy đủ vấn đề nhân quyền của mình. Chúng tôi đã nói điều này trong quá khứ và đó sẽ vẫn tiếp tục là quan điểm của chúng tôi.

    Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
     
    (RFA)

    Không có nhận xét nào