Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Cộng
sản Việt Nam được tổ chức Năm năm một lần, nó được ví như một ngọn hải
đăng của hệ thống chính trị một Đảng tại Việt Nam. Mỗi lần Đại hội, Đảng
lại nỗ lực “trình làng” một thế hệ lãnh đạo mới chất lượng mang đậm hàm
ý “đổi mới”. Kể từ những ngày đầu năm trước Đại Hội cho đến những Hội
nghị Trung ương cuối cùng trước khi “chốt” các nhân vật ở tầng cao nhất,
chủ đề nhân sự luôn sôi động, thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư
luận.
Có
thể còn quá sớm để đưa ra các nhận định hay dự đoán về giàn lãnh đạo
chủ chốt mới tại Đại hội Đảng XIII, (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021).
Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta có thể dựa trên các dữ liệu “cứng” như
các quy định “thành văn” được Đảng ban hành về lựa chọn nhân sự, cấu
trúc hệ thống lựa chọn từ trên xuống theo truyền thống vẫn còn ổn định,
và cuối cùng là các quy ước “bất thành văn” để đưa ra những phân tích,
phán đoán cơ bản.
Không
thể phủ nhận rằng các Đại hội kể từ hai thập niên trở lại đây sự dân
chủ trong Đảng đã được gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt đối với vấn đề chuẩn
bị nhân sự chủ chốt cho mỗi kì Đại hội. Các quy định, tiêu chí, tiêu
chuẩn về các vị trí nhân sự chủ chốt của Đảng được ban hành chi tiết.
Các thông tin về nhân sự chủ chốt, quy trình bỏ phiếu đều được công khai
tối đa. Đó sẽ là những yếu tố quan trọng để các phân tích và phán đoán
trở nên chất lượng hơn.
Bộ Chính trị và ba nhóm thế hệ
Bộ
chính trị Đại hội khóa XII có 19 người nhưng hiện nay chỉ còn 16 Ủy
viên làm việc. Theo các quy định về độ tuổi, chúng tôi tạm thời chia làm
ba nhóm.
Nhóm thứ Nhất là những
người quá tuổi tái cử Ủy viên Bộ Chính trị theo quy định, và phải rời vị
trí sau Đại hội XIII (trên 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội), tạm gọi là
nhóm “Bộ Tám” bao gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước và 7 người sinh vào
những năm 1953, 1954, 1955. Cụ thể, nhóm này gồm Chủ tịch nước Nguyễn
Phú Trọng (SN 1944), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (SN 1954), bà Nguyễn Thị
Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội (SN 1954), ông Trần Quốc Vượng, Thường trực
Ban bí thư, (SN 1953), bà Tòng Thị Phóng, phó Chủ tịch thường trực Quốc
hội (SN 1954), ông Trương Hòa Bình Phó Thủ tướng thường trực (SN 1955),
ông Ngô Xuân Lịch Bộ trưởng Quốc phòng (1954), và ông Nguyễn Thiện Nhân,
Bí thư TP HCM (SN 1953).
Như
vậy “Bộ Tám” về nguyên tắc sẽ không tái cử Đại hội khóa XIII (chiếm 50%
số lượng Ủy viên Bộ chính trị hiện nay) tương đối phù hợp với nguyên
tắc kế cận.
Nhóm
thứ Hai gồm Sáu Ủy viên Bộ Chính trị, là nhóm theo quy định được cơ cấu
tái cử, (dưới 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội XIII) sinh vào các năm
1957, 1958, 1959 tạm gọi là nhóm “Bộ Sáu”. Cụ thể bao gồm, ông Phạm Minh
Chính, trưởng ban Tổ chức TƯ (SN 1958), bà Trương Thị Mai, trưởng ban
Dân vận (SN 1958), ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại
giao (SN 1959), ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ (SN 1957),
ông Tô Lâm Bộ trưởng Công an (SN 1957), ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà
Nội (SN 1959).
Nhóm
thứ Ba là nhóm sinh từ năm 1961 trở về sau, tạm gọi là “Nhóm 2026”, tức
là nhóm không những tái cử ở nhiệm kì Đại hội XIII, mà còn đủ tuổi để
tái cử vào nhiệm kì Đại hội XIV (2026), bao gồm hai ông là Võ Văn Thưởng
trưởng ban Tuyên giáo TƯ (SN 1970) và ông Nguyễn Văn Bình, (SN 1961)
trưởng ban Kinh tế TƯ.
Ai sẽ là Tổng Bí thư?
Trong
trường hợp Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không tái cử Đại
hội XIII, chúng ta bắt đầu tiến hành “diễn dịch” của Quy định 90-QĐ/TW
về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp
hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lí” được ban hành ngày 4.8.2017.
Đoạn quy định chức danh Tổng Bí thư ngoài các tiêu chí chung có một điều
kiện đặc biệt, ứng cử viên phải “có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Trong các phiên họp của
Ban chấp hành TƯ hiện nay ngoài Tổng Bí thư chỉ có Ba chức danh là Thủ
tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thường trực Ban bí thư được
phép ngồi Chủ tọa và điều hành phiên họp.
Trong
lịch sử và theo truyền thống kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn tại Đại hội
VI (1986), các nhân vật phải nắm giữ vị trí từ Thường trực ban bí thư
trở lên cho đến các vị trí cao nhất mới có khả năng kế cận trở thành
Tổng bí Thư.
Cụ thể ở đây, tại Đại
hội VI (1986) là ông Nguyễn Văn Linh, trước đó ông là Thường trực Ban bí
thư, Đại hội VII (1991) ông Đỗ Mười, trước đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng (tương đương Thủ tướng hiện nay), Đại hội VIII (1996) ông Đỗ Mười
tiếp tục tái cử. Tại Hội nghị TƯ tháng 12/1997, Ban Chấp hành T.Ư đã
bầu ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu lúc đó là Thường
Vụ Bộ chính trị, một trong bốn vị trí cao nhất, sau Tổng bí thư Đỗ Mười.
Đại hội IX (2001), là ông Nông Đức Mạnh, trước đó ông là Chủ tịch Quốc
hội, Đại hội X (2006) ông Nông Đức Mạnh tiếp tục tái cử. Đại hội XI
(2011) là ông Nguyễn Phú Trọng, ông lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, Đại hội
XII (2016), ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử.
Với
Quy định về chức danh Tổng Bí thư, và theo lịch sử lựa chọn các vị trí
quyền lực nhất từ trên xuống được “truyền thống hóa” kể từ thời Tổng bí
thư Lê Duẩn, thì hiện nay các ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim
Ngân, và ông Trần Quốc Vượng hiện sẽ có nhiều lợi thế.
Tuy
nhiên trong ba người, thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ như không được
truyền thống hay lịch sử “ưu ái”, vì trong lịch sử cũng như theo truyền
thống Đảng chưa có Tổng bí thư nào là nữ. Ngoài ra Tổng bí thư qua tất
cả các thời kì cũng đều là người miền Trung và miền Bắc.
Xét
trên nhưng quy ước bất thành văn đó thì hiện nay mọi cặp mắt đang đổ
dồn về bộ đôi hai ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng.
Với
các tiêu chí, “đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh
bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia
Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp
hành Trung ương quyết định), cho thấy việc quy định ứng cử viên Tổng Bí
thư phải “đi địa phương” hay tham gia trọn một nhiệm kì Bộ Chính trị đã
không còn “cứng” như trước.
Nhóm “Tứ trụ” và ẩn số “miền Nam”
Việc
Đảng chưa có chủ tương nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ
tịch nước, nên đến Đại hội XIII, khả năng cao chúng ta lại chứng kiến sự
quay lại của cấu trúc bốn chức danh chủ chốt (thường gọi là “Tứ trụ”).
Vậy
những ai có khả năng tiến đến những chiếc ghế còn lại trong “Tứ trụ”
bao gồm Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Quy
định 90-QĐ/TW đối với chức danh Chủ tịch Nước đều có các tiêu chí chung
cụ thể bao gồm uy tín (được hiểu là không bị các kỉ luật về Đảng, hoạc
mức độ tín nhiệm cao trong Bộ chính trị đã được bỏ phiếu), năng lực nổi
trội, lĩnh vực công tác. Nếu “áp” các tiêu chí chung cho nhóm “Bộ Sáu”,
và “nhóm 2026” thì cả 8 vị trí tái của Bộ chính trị đều có cơ hội ngang
nhau. Tuy nhiên theo tiêu chí của chức danh này là “kinh qua và nổi trội
trong các lĩnh vực công tác an ninh, đối ngoại, tư pháp..,” thì ba ông
Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, ông Tô Lâm Bộ
Trưởng Công an, và ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TƯ sẽ có lợi
thế hơn.
Đối
với chức danh Thủ tướng, ngoài các tiêu chí chung, theo lịch sử và
truyền thống tất cả các Thủ tướng hay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (trước
đây) kể từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều trưởng thành từ Phó Thủ
tướng. Đó là các ông Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải,
Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc. Điều này thể hiện tiêu chí cho việc
chọn lựa nhân sự Thủ tướng đặt yếu tố “kinh nghiệm trong điều hành bộ
máy Hành pháp” lên hàng đầu.
Như
vậy các lợi thế sẽ thuộc về các Phó thủ tướng hiện nay, ông Trương Hòa
Bình, ông Phạm Bình Minh, và ông Vương Đình Huệ. Hai ông Trịnh Đình Dũng
và ông Vũ Đức Đam không tham gia Bộ Chính trị.
Trong
Ba Phó thủ tướng thì ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955 thì hiện nay
không đủ tiêu chuẩn tuổi để tái cử Bộ Chính trị, và về lĩnh vực phụ
trách ông cũng chuyên trách về mảng nội chính, tư pháp. Ông Phạm Bình
Minh chủ yếu phụ trách lĩnh vực đối ngoại. Ông Vương Đình Huệ, nếu xét
về tiêu chí thứ ba trong quy định chức danh Thủ tướng là cần “có khả
năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất
nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế,” thì có vẻ như là
người có nhiều lợi thế nhất.
Cuối
cùng là chức danh Chủ tịch Quốc hội, cả hai nhóm “Bộ Sáu” và “nhóm 2026”
gồm Tám Ủy viên Bộ Chính trị có thể tái cử đều có cơ hội như nhau để
tiến đến chức danh đứng đầu cơ quan Lập pháp này. Tuy nhiên nếu theo
tiêu chí của chức danh Chủ tịch Quốc hội như “có năng lực nổi trội, toàn
diện trong các lĩnh vực công tác, xây dựng pháp luật, giám sát thực thi
pháp luật…” thì bà Trương Thị Mai (SN 1958), Trưởng ban Dân Vận hiện
nay đang có lợi thế hơn cả.
Bà
Mai, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề của Xã hội của Quốc hội, và
cũng là Ủy viên Thường vụ Quốc hội hai khóa liền từ 2007-2016.
Bà
Mai hiện cũng là một trong Ba người có thâm niên tham gia Ban chấp hành
TƯ chính thức lâu nhất (Ba khóa, từ Đại hội X, 2006) trong số “bộ Tám
tái cử” cùng với hai người còn lại là ông Hoàng Trung Hải tham gia ban
chấp hành TƯ Bốn khóa, từ Đại hội IX (2001) ông Vương Đình Huệ từ Đại
hội X (2006).
Bà
là đại biểu Quốc hội có thâm niên cao nhất trong nhóm “Bộ Tám” Ủy viên
Bộ Chính trị có khả năng tái cử hiện nay. Nếu không có gì thay đổi Bà sẽ
tham gia làm Đại biểu Quốc hội ít nhất trọn 24 năm (kể từ năm 1997 cho
đến Đại hội 2021) là người tham gia sinh hoạt nghị trường hơn hai thập
kỉ liên tục.
Cuối
cùng cần nói thêm một truyền thống “bất thành văn” có tính chất vùng
miền khó có thể bỏ qua đó là kể từ sau năm 1975, Bốn vị trí cao nhất
chưa bao giờ vắng mặt một nhân vật đến từ Miền Nam. Bộ Chính trị khóa
XII hiện nay có Bốn nhân vật đến từ Miền Nam bao gồm bà Nguyễn Thị Kim
Ngân (Bến Tre), ông Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh), ông Trương Hòa Bình
(Long An), ông Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long).
Tuy
nhiên trong Bốn nhân vật trên theo quy định bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông
Nguyễn Thiện Nhân và ông Trương Hòa Bình đã quá tuổi tái cử Bộ Chính
trị. Nhân vật miền Nam theo quy định đủ tuổi tái cử là ông Võ Văn Thưởng
(SN 1970), Trưởng ban Tuyên giáo TƯ trưởng thành khá trẻ, ông sinh năm
1970. Vì vậy việc “Tứ trụ” khóa XIII có “cơ cấu cứng” một nhân vật đến
từ Miền Nam hay không vẫn còn là một ẩn số lớn.
Nhóm “ngoài Tứ Trụ”
Theo
nguyên tắc đến hết Khóa này số lượng Ủy viên Bộ Chính trị vẫn có thể
được bổ sung để đạt trở lại con số 19 như Đại hội XII đã bầu. Nếu số
lượng Ủy viên Bộ Chính trị trở lại con số 19 thì các vị trị “Tứ trụ”
được dự kiến cho Đại hội XIII như phân tích ở trên theo chúng tôi không
bị ảnh hưởng. Nó chỉ ảnh hưởng đối với vị trí của nhóm ở dưới, nhóm “Bộ
Tám” tái cử.
Đối
với vị trí Thường trực Ban Bí thư, cơ hội cũng chia đều cho nhóm “Bộ
Tám” Ủy viên Bộ chính trị tái cử. Tuy nhiên các nhân vật đang điều hành
công tác Đảng hiện nay được chú ý hơn bao gồm các ông Phạm Minh Chính,
bà Trương Thị Mai, ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Văn Bình.
Vị
trí Bộ trưởng Quốc phòng, nếu ông Ngô Xuân Lịch không tái cử, theo
truyền thống kế cận sẽ là một nhân vật đến từ lực lượng vũ trang là Bộ
Quốc phòng. Hiện nay trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư chỉ có ông Lương
Cường (SN 1957) Bí thư TƯ Đảng, công tác tại Bộ Quốc phòng, ông là Đại
tướng, và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Những người ủng hộ ông đương
nhiên là muốn một kịch bản lặp lại như ở Đại hội XI, lúc đó ông Ngô Xuân
Lịch cũng là Bí thư TƯ Đảng và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Vị
trí Bộ trưởng Ngoại giao nếu ông Phạm Bình Minh rời đi để tiến đến một
vị trí cao hơn sau hai nhiệm kì chúng ta sẽ có Tân bộ trưởng Ngoại giao.
Nhân vật này theo truyền thống Bộ trưởng sẽ là người từ Bộ này, người
hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp. Duy nhất trong quá khứ tại Đại hội X
(2006), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm từ Chính phủ sang kiêm Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao, do lúc đó Bộ này khủng hoảng nhân sự (chỉ bầu được một Ủy
viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, đó là Thứ trưởng Phạm Bình
Minh). Bộ Ngoại giao hiện có hai thứ trưởng là Bùi Thanh Sơn và Lê Hoài
Trung đều là Trung ương Ủy viên.
Các
vị trí còn lại như các Trưởng các ban Đảng bao gồm, Tổ chức, Tuyên
giáo, Dân vận, Kinh tế, các Bộ trưởng Công an, Bí thứ Hà Nội, TP HCM
theo chúng tôi vẫn còn là ẩn số cho đến khi cấu trúc các vị trí chủ chốt
bên trên ổn định.
Theo
nguyên tắc việc cơ cấu các Ủy viên Bộ chính trị để bầu tại Đại hội
thường nhắm vào các chức danh cụ thể, ngược lại các chức danh đó phải
được cơ cấu “cứng” là Ủy viên Bộ chính trị nắm. Như vậy hai Bí thư TƯ
Đảng hiện nay là ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lí luận TƯ, và
ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ hiện nay đang có nhiều
lợi thế để “ngồi vào” chiếc ghế Ủy viên Bộ chính trị kế tiếp. Vì thường
hai vị trí này theo truyền thống đều được cơ cấu “cứng” phải là Ủy viên
Bộ Chính trị nắm.
“Khoảng trống 6X”
Trong
số 23 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư hiện nay, chỉ có ba nhân vật
sinh ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị (1961),
ông Trần Cẩm Tú, Bí thư TƯ Đảng (1961), và ông Trần Thanh Mẫn Bí thư TƯ
Đảng (1962).
Điều
đặc biệt lưu ý đó là hiện trong Bộ Chính trị chỉ có một nhân vật duy
nhất ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961, điều đó cho
thấy đang có một khoảng trống thế hệ cho nhóm lãnh đạo thế hệ 6X, hay sự
thiếu vắng những lãnh đạo chủ chốt thế hệ 6X.
Điều
đó dẫn đến việc Đại hội XIV (2026) một thế hệ lãnh đạo “6X,7X” nhiệm kì
Bộ Chính trị Ban Bí thư Khóa này nếu được tái cử chỉ còn Bốn nhân vật
là các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Trần Cẩm Tú và Trần Thanh
Mẫn. Đó là một tỉ lệ kế cận 6X khá khiêm tốn.
Do
vậy chúng tôi nhận định tại Đại hội XIII chủ yếu sẽ là sự bổ sung “thế
hệ tuổi từ giữa cho đến cuối 6X” cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư để đảm
bảo vững chắc nguyên tắc kế thừa các thế hệ lãnh đạo.
Theo
như phân tích trên đây cùng với truyền thống thâm niên và kế thừa lãnh
đạo nếu không có gì thay đổi, các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình,
ông Trần Cẩm Tú, và Trần Thanh Mẫn, sẽ tiến đến những vị trị cao nhất
trong hệ thống quyền lực tại Đại hội XIV (2026).
Trương Xuân Danh
(Nghiên cứu Quốc tế)
Không có nhận xét nào