Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hiền - Chiến tranh thương mại: Việt Nam cần chọn phe?

    Việt Nam sẽ phải chọn phe, thay vì tiếp tục chiến lược “đu dây”, tất nhiên, lựa chọn phe không hề vội vã, mà sẽ là tiến trình vận động liên tục từ cấp chính phủ đến dân sự, nhưng bài học lịch sử cho thấy, khi Hà Nội chọn phe theo ý thức hệ, thì nó mở đầu cho thời kỳ kinh tế - xã hội đi xuống, gây tổn thất tiềm lực quốc gia và con người, như vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh.


    Trung Quốc vẫn duy trì một tinh thần AQ (Lỗ Tấn) khi mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng kêu gọi Washington sẽ thể hiện sự chân thành và có bước đi sửa sai, sau khi hai bên đều tuyên bố sẽ áp thuế lên hàng hóa của nhau.

    Bắc Kinh vẫn tư duy nước lớn, dù Huawei đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn trên bản đồ công nghệ thế giới sau khi bị Mỹ cấm cửa.

    Báo Tuổi Trẻ sáng ngày 27.05 đã đăng tải bài viết với tiêu đề, “Trung Quốc hôm nay là sai lầm của Mỹ 20 năm qua”, trong đó đi từ Bill Clinton đến Barack Obama.

    Nếu Bill Clinton trợ giúp Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) thì “thời kỳ của Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ” (theo cuộc khảo sát do C-SPAN), Bắc Kinh đã nổi lên và liên tiếp “vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ trên quy mô lớn; mở rộng lực lượng quân sự nhằm đẩy Mỹ phân tán khỏi Nhật Bản và Philippines; xây dựng và quân sự hóa Biển Đông, vi phạm luật quốc tế…”.

    Và xét trên thực tiễn những gì mà Trung Quốc đã làm với Mỹ và thế giới thời kỳ hai nhiệm kỳ của Barack Obama, nhiều người đã chế nhạo vị Tổng thống da màu đầu tiên này là vị “Tổng thống vĩ đại nhất mà Trung Quốc có được”. Cũng trong giai đoạn này, sự trỗi dậy gắn với quân sự hóa Biển Đông cũng gây không ít tổn thương cho chính chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

    Nhưng giờ đây, với nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, mọi thứ đã khác đi. Bằng nhiều sắc luật cứng rắn, vị Tổng thống này đã và đang làm cho nước Mỹ cứng rắn trở lại, khôi phục quyền lực của Mỹ tại Trung Đông, và châu Á – Thái Bình Dương.

    Ai hưởng lợi và lựa chọn phe nào?

    Cuộc chiến thương mại đã và đang diễn ra, và cụm từ “quy mô thâm hụt thương mại giữa Mỹ - Trung” luôn hiện diện. Tuy nhiên, bản chất của sự “thâm hụt” ở 2 quốc gia là khác nhau. Với 44% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc là hàng điện tử, tổng thâm hụt thương mại là 215 tỷ USD/ 419 tỷ USD thâm hụt trong năm 2018. Nhưng vấn đề là số lượng lớn các sản phẩm điện đến từ Trung Quốc lại được công ty Mỹ sản xuất (Iphone là điển hình, với 40% số điện thoại thông minh được bán tại Mỹ).

    Theo thị phần thiết bị điện tử thông minh (như điện thoại) thì Samsung, Iphone, là hai trong số những công ty sản xuất điện thoại chiếm thị phần lớn.

    Mới đây, Samsung đã ra tuyên bố, bất cứ ai sở hữu điện thoại thông minh của Huawei và đang lo ngại về những rủi ro trong tương lai, giờ đây sẽ có thêm cơ hội để chuyển sang điện thoại của hãng này. Và hầu như, mặt sau của Samsung luôn được ghi nhận sản xuất ở Việt Nam.

    Samsung đang hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi một cách gián tiếp (từ mở rộng sản xuất của Samsung và sự di chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang để né thuế quan của Mỹ).

    Ông Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng, trong một bài phỏng vấn của báo điện tử VnEconomy đã nhấn mạnh: Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc chuyển hướng đầu tư do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các công ty đang tìm cách thay đổi chiến lược chuỗi cung ứng và chuyển bớt cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc.

    Nhưng, hưởng lợi từ cơ hội này nhiều hay ít phụ thuộc vào cách mà lãnh đạo Hà Nội chọn “phe”.

    Chiến tranh thương mại với hàng rào kỹ thuật số được dựng lên, tương tự như Chiến tranh lạnh với hàng rào Đông Đức.

    Nếu lựa chọn Trung Quốc, Bắc Kinh không những trợ giúp xây dựng một hệ thống 5G hoặc nhiều hơn thế với sự hỗ trợ của Huawei, ZTE (mà đằng sau là chính phủ Trung Quốc). Rộng hơn là nguồn vốn và đầu tư đến từ sáng kiến “Vành đai và con đường” gắn với tuyến đường sắt tốc độ cao, các cảng và sân bay.

    Nhưng nếu Hà Nội đồng ý với thiết lập mạng kỹ thuật số hoặc cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, sẽ có nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị Mỹ “chiếu cố đặc biệt” dưới vỏ bọc an ninh quốc gia Mỹ, Bangkokpost cho biết.

    Và tin tức mới nhất gần đây do Bloomberg đăng tải, Mỹ chưa muốn đưa Việt Nam vào danh sách nước thao túng tiền tệ. Bên cạnh “Việt Nam còn rất nhỏ, chưa có thể đe dọa gây thiệt hại cho Mỹ” như chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định, thì người viết kỳ vọng hơn vào sự “khác biệt với Trung Quốc” theo hướng “mong muốn gia tăng thiết lập quan hệ tốt với Mỹ”, không chỉ theo hướng thương mại, mà còn là đổi mới chính trị.

    Và bằng cách đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, khi Mỹ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

    Ngược lại, Hà Nội vẫn sẽ là đồng minh tự nhiên của Bắc Kinh, nhưng canh cánh nỗi lo trỗi dậy quyền lực của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, và với sự hấp dẫn từ đồng vốn của Bắc Kinh trong các dự án hạ tầng – phát triển.

    Việt Nam sẽ phải chọn phe, thay vì tiếp tục chiến lược “đu dây”, tất nhiên, lựa chọn phe không hề vội vã, mà sẽ là tiến trình vận động liên tục từ cấp chính phủ đến dân sự, nhưng bài học lịch sử cho thấy, khi Hà Nội chọn phe theo ý thức hệ, thì nó mở đầu cho thời kỳ kinh tế - xã hội đi xuống, gây tổn thất tiềm lực quốc gia và con người, như vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

    Nguyễn Hiền

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào