Header Ads

  • Breaking News

    Mùa bán điểm đã đến

    Các bạn thân mến thường ghé trang FB này thấy hầu như tôi chưa “đụng” đến vụ thi cử gian lận. Trong các lý do khiến tôi “chậm chân” tham kiến về đề tài này chính là bởi tôi biết nó rõ từ lâu rồi, những hiện tượng dăm bảy tỉnh (diện bị phát hiện) kia chỉ là con tôm con tép.
    Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải) – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La – chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh, trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ cắt từ clip.

    Kể cả khi Bao Công xuống tay mạnh mẽ, lôi hết mấy trăm Đại phụ huynh, kể cả Bí thư tỉnh Giang Hồ hay giám đốc sở GD tỉnh Bao La cùng cánh đồng đẳng này vào tù sạch vì tội “đưa hối lộ” rất rõ ràng, riêng tôi, cũng chẳng sung sướng gì!

    Một vấn đề song hành là bấy lâu nay, dư luận cứ nằng nặc đòi trảm ông Phùng xuân Nhạ vì sự suy sụp (chứ không còn gọi là suy thoái) của ngành giáo dục, tôi cũng không mấy vui mà chỉ thấy buồn.

    Riêng với cậu này, tôi chỉ thấy một điều lạ là ở bất cứ đâu, khi ống kính truyền thông soi vào bản mặt là thấy cậu này cười rất tươi! Không hiểu là tay này mắc bệnh gì hay đang cười vào mặt quốc dân “Các vị dốt lắm, chẳng ai làm gì được tôi đâu, mọi việc đang đúng quy trình…”

    Với gian lận thi cử, vì sao tôi buồn?

    Ví dụ bây giờ Ban kiểm tra trung ương đảng (lại phải là Ban này) làm một cú, ở dăm bảy tỉnh được một mẻ khoảng ba trăm “đại phụ huynh” đi tù, liệu có hết tiêu cực trong thi cử không? Liệu con số đó có phải toàn bộ “đương sự” hoặc toàn bộ tiềm năng tiêu cực của giáo dục không?

    Nếu hạ bằng được ông Phùng Xuân Nhạ ngay đầu tuần sau, liệu vị Bộ trưởng kế nhiệm có thật đáng tin cậy, có đủ trong sạch, đủ năng lực “làm sạch” nền GD không? Câu trả lời rất mong manh.

    Làng mạng XH thì phần lớn phát biểu để xả bức xúc, chưa thấy mấy ai mạnh dạn đưa ra một kịch bản tổng phổ cho một tương lai giáo dục nước nhà 5 năm, 10 năm hoặc hơn.

    Chưa thấy ai có một công trình KHXH nào nghiêm túc phân tích ra cái cốt lõi của sự phát triển tịnh tiến của những tiêu cực, khả năng thoát hiểm của tiêu cực hoặc khá hơn là những giải pháp thay đổi, sáng tạo cho một cơ chế đủ sức chặn đứng tiêu cực.

    Hôm nay, đang trên đường thiên lý, tôi hẹn bạn đọc sẽ có một stt sâu sắc hơn về những nét trên trong một ngày gần đây.

    Trước hết, tôi chỉ nêu vài gợi mở ở dạng “có thể” để ta cùng tư duy theo cái nền tôi trình bày trên đây.

    Tôi nêu một ví dụ: Bây giờ, một kỳ thi được tổ chức nghiêm cẩn ở cơ sở.
    Người chấm thi nghiêm túc. Bảng điểm chính xác. Đâu ra đó. Tất cả được niêm phong, gửi kết quả về trường đại học mà các thí sinh nhằm tới.

    Tại đây, ở khâu ráp nối, các “thầy” ở tuyến Đại học biết được TÊN THÍ SINH. Bây giờ chúng ta đặt một giả thiết. Nếu có một liên lạc nào đó tin cậy, kín đáo, cong mềm mại với nội dung “Con tôi tên là Vạn Sự Song, sinh ngày 1 tháng 1 năm 2001, ký hiệu trong bài là viết sai chính tả tất cả những chữ X thành chữ S.

    Giá đề xuất 3 tỷ “đỗ bằng mọi giá” (giá này rẻ hơn giá mỗi điểm một tỉ) ở chợ bán điểm địa phương. Có thương lượng.

    Chúng ta thử đặt thẳng cương vị mình vào vị trí được “cho” hay “không cho” xem sao. Cho hay không cho? To be or not to be? Money or Danh dự?

    Khi ấy, có thể trong ban giám hiệu trường đại học XYZ kia có một tiểu ban chuyên đi tìm những bài thi viết sai chính tả.

    Thưa các bạn, một tiến sỹ của Học viện ngoại giao bên phương Tây đã thành công trong việc gạ bán mấy hạm tàu cho một nước châu Phi không có mét bờ biển nào.

    Một tù nhân tết đến ký sổ thưởng cho toàn bộ cán bộ một trại giam. Một tù nhân có thể dựng một kịch bản đuổi việc một CS giám thị.
    Cái gì cũng có thể xảy ra.

    Cho nên, nếu một mùa tuyển sinh mà phải lục tìm dăm chục thí sinh viết sai chính tả để thu về vài trăm tỉ, không phải là việc khó làm.

    Năm ngoái, có thể cái chết của các hội đồng thi, chấm thi cấp cơ sở muốn “qua mặt” các Trường đại học, mà lại tham nữa, chơi đến hết ga hết số, cho các cháu còn non bấy thành “thủ khoa” nên mới chết, nên mọi việc mới vỡ lở.

    Nhưng nếu có sự hợp tác chặt chẽ với “đầu ra” là chính các trường, như kịch bản trên đây với Tổ chấm thi, với Đại phụ huynh thì sẽ không có những bất cập, những trúc trắc như đã thấy.

    Khi ấy, khỏi phải “nâng” điểm, cứ việc thi, cứ việc công bố với mọi người là đã trúng tuyển và cứ việc đi học.(đừng cố “thủ khoa” thủ khiếc làm gì cho rách việc).

    Trường đại học đã công nhận, không thắc mắc thì thôi! Mọi việc cứ ổn như bản in!

    Có không ít hơn 10 cung cách để một học sinh hạng bét vào được đại học! Đó. Đừng ai trách tôi không “tham chiến” vào cái ồn ào ở chợ bán điểm kia.

    Có nhiều cách khác nhau và cách làm của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình v.v… năm ngoái là cách làm thô thiển nhất.

    Hãy tập trung vào cái “cơ chế”, cái nền tảng của “Những sự có thể” để mà âu lo cho dân tộc này.

    Câu chuyện buồn của mấy tỉnh miền núi hôm qua chỉ là rủi ro!
     
     
     

    Không có nhận xét nào