Hàng năm, sắp đến sinh nhật Hồ Chí Minh,
báo chí lại nhộn nhịp các bài viết về “học tập và làm việc theo tấm
gương “Bác”. Năm nay không khí còn “dữ dội” hơn vì Tuyên giáo yêu cầu
đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền nhân “50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ”.
Hàng trăm tờ báo đã đồng loạt đăng những bài viết na ná nhau, ca tụng
“Bác” với cùng một giọng, tôn vinh “Bác” với cùng một ngôn ngữ. Nó như
một vở kịch khổng lồ với cách diễn quen thuộc cùng dàn diễn viên quen
thuộc.
Tại
lễ “biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019” vào ngày
14-5-2019, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân “nhắn nhủ”: “Những lúc khó,
cực, lúc không hài lòng với công việc, hãy nghĩ tới Bác” (Tuổi Trẻ
14-5-2019). Cùng ngày, Đảng ủy Khối Dân-Chính-Đảng TP. HCM cũng tổ chức
“Lễ tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh” và trao tặng Huy hiệu Đảng cho các đảng viên. Phát
biểu tại buổi lễ, ông Dương Công Khanh, Bí thư Đảng ủy Khối
Dân-Chính-Đảng TP.HCM, nói rằng cuộc đời Hồ Chí Minh là “một cuộc đời
trong sáng, cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại; Người là biểu tượng
cho những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc ta, mà nổi bật hơn là lòng
yêu nước, thương dân”. Ông Khanh “gửi gắm” thêm: “Để xứng đáng với Bác
hơn nữa, mỗi cá nhân phải thường xuyên tự soi rọi để nhận thức một cách
đầy đủ trách nhiệm của mình với mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và
nhân dân ta đã lựa chọn” (Pháp Luật TP.HCM, 14-5-2019).
Theo
Hướng dẫn số 90-HD/BTGTW ngày 10-4-2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương,
gần như không cơ quan đoàn thể nào không “hình thức hóa” chiến dịch
tuyên truyền này. Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ học tập
và làm theo lời Bác năm 2019”, với ba nhóm đối tượng: 1/ Học sinh phổ
thông (kể cả học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên); 2/ Công dân
Việt Nam đang theo học tại các đại học, học viện, trường đại học, cao
đẳng sư phạm và học sinh trung cấp sư phạm ở trong và ngoài nước; 3/ Cán
bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên trẻ, đoàn viên, thanh niên,
lưu học sinh Việt Nam, những người quan tâm và dự thi (dưới 35 tuổi)...
Chiến dịch còn được “địa phương hóa”, từ các khu vực miền Trung Tây
Nguyên, tỉnh thành, quận-huyện-phường-xã…, đến “khối đảng ủy công an,
quân đội…” và thậm chí “khối doanh nghiệp”. “Huy động cả hệ thống chính
trị vào cuộc” là cụm từ miêu tả ngắn gọn và chính xác hoạt động tuyên
truyền này.
Mặc
dù tạp chí Đảng Cộng sản (dangcongsan.vn) ngày 17-4-2019 viết rằng
chiến dịch này thể hiện sự “sáng tạo từ cách làm” và “lựa chọn những đột
phá để thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhưng kiên nhẫn
đọc hàng chục, thậm chí cả trăm bài viết, liên quan nội dung tuyên
truyền cũng sẽ không thấy bất kỳ “sáng tạo” hoặc “đột phá” nào. Ngôn ngữ
ca tụng “Bác” cùn mòn đến sáo rỗng. Nó quen thuộc đến mức đọc câu
trước, người ta có thể đoán được ý câu sau. Hàng chục năm qua, viết mãi
một đề tài như thế thì còn gì để viết. Nói mãi một điều như thế thì còn
gì để nói. Ca tụng mãi một người như thế thì còn gì để ca tụng. “Luộc”
mãi một vở kịch cũ mèm như thế thì còn gì để “sáng tạo” trong “cách nghĩ
và cách làm”! Thế nhưng hậu duệ “Bác” vẫn lặp đi lặp lại không biết
ngượng. Người ta vẫn neo vào “Bác”, bám vào “Bác”, lợi dụng hình ảnh
“Bác”, và nói không ngoa, thậm chí “trục lợi” từ việc khai thác “Bác”.
Mỗi chiến dịch tuyên truyền hàng năm như vậy ngốn bao nhiêu tiền thuế
của dân? Nó được phân bổ và chi xài như thế nào? Chẳng có cuộc “tổng
kết” màn trình diễn “học tập và làm theo” nào có nêu ra minh bạch nguồn
ngân sách “dành cho” “Bác”.
Một
thực tế không thể không nhận thấy: sô diễn về “Bác” càng “hoành tráng”
thì nó càng mâu thuẫn với thực trạng. Hình ảnh “Bác” càng được cố tình
nâng lên thì tư cách đảng viên càng lún thấp. Đạo đức “Bác” càng được tô
vẽ “sáng ngời” thì đạo đức đảng viên càng tối mờ. “Học tập và làm theo”
ngày càng là một sáo ngữ rỗng tuếch mà bản thân đảng viên sau khi dự
các cuộc thi “noi gương “Bác” có thể sẽ cười thầm về mức độ “thuộc bài”
của nhau để “trả nợ” Tuyên giáo. Vở diễn này, do đó, không chỉ diễn trên
sân khấu quần chúng. Nó còn là vở diễn của đảng viên với Đảng. Vở diễn
này không chỉ “gạt bà con”. Đám diễn viên còn gạt nhau, bịp nhau, xem ai
diễn tốt và ai làm đạo diễn tốt. “Những lúc khó, cực, lúc không hài
lòng với công việc, hãy nghĩ tới Bác” – phát biểu này của Nguyễn Thiện
Nhân có lẽ nhận được nhiều tiếng cười thầm nhất trong hàng ngũ đảng
viên.
Có
lẽ không chỉ người dân, mà chính đảng viên, cũng nhìn thấy rằng sự phát
triển kinh tế đất nước, sự hưng thịnh quốc gia, sự tiến bộ xã hội…,
chẳng liên quan gì đến “Bác”. Các cuộc phát động “học tập và làm theo”,
thậm chí ngay cả khi đảng viên có thực tâm “làm theo”, không mảy may
đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng GDP. Các chương trình mời vốn đầu tư nước
ngoài hoặc kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng kiều bào cũng chẳng liên
quan đến “Bác”. Mức độ hiện đại hóa, công nghiệp hóa, “4.0 hóa”, “rồng
hóa”… của tương lai quốc gia không dính dáng gì đến hình ảnh một lãnh tụ
quá cố. Sự phát triển của thế giới ngày nay, kể cả trong lịch sử, cho
thấy không đất nước nào xây dựng và kiến thiết “dựa trên nền tảng” ca
ngợi giả dối và sáo rỗng một lãnh tụ, cho dù chỗ đứng trong quá khứ của
ông ta như thế nào. Đòn bẩy đưa đất nước đi đến phú cường là chính sách
đúng đắn, là thể chế thuận lòng người, là nền chính trị trong sạch được
dân tin. Hãy thôi lấy “Bác” làm “điểm tựa”. Vở diễn “yêu Bác” nhàm chán
đã đến lúc cần phải hạ màn.
Mạnh Kim
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào