Việc dùng “phương pháp” so sánh để
“giải thích” vấn đề ngày càng được sử dụng phổ biến. Mỹ cũng có tội
phạm, ăn xin đứng đầy đường, hút chích ma túy tràn lan… Mỹ cũng có tình
trạng mua bằng bán chức, Mỹ cũng có hiện tượng “chạy trường” cho con…
Thử đến Paris xem, phân chó đầy đường… Tuy nhiên, bản chất sự việc và
tính tương đồng không nằm ở bề mặt…
Nhu cầu điện đang là thách thức quan trọng của EVN. (Ha Nguyen/VOA) |
Ví
dụ thời sự nhất là giá điện. So sánh giá điện giữa Mỹ và Việt Nam để
chứng minh việc tăng giá điện tại Việt Nam là hợp lý và chẳng có gì khác
thường thật ra là điều rất không bình thường. Khi so sánh giá, người ta
đã không xét đến vô số yếu tố khác ảnh hưởng đến giá điện. Trong khi
việc quản lý điện năng và định giá điện ở Việt Nam nằm trong “cơ chế”
hoàn toàn độc quyền, giá điện tại Mỹ tùy thuộc vào thị trường. Chẳng có
mức giá cụ thể nào ở Mỹ, kể cả giá trung bình, có thể dùng để so sánh
một cách hợp lý và thuyết phục so với Việt Nam.
Tại
Mỹ, giá điện không ổn định. Nó thay đổi liên tục, tùy thuộc thời điểm
sử dụng (một số nhà cung cấp đưa chương trình giảm giá, thậm chí miễn
phí, đối với hộ dân xài điện từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng). Ngoài ra,
thời gian sử dụng cũng ảnh hưởng giá. Tháng hè có giá khác tháng đông.
Tại các bang nóng, giá điện mùa hè có thể tăng so với mùa đông vì tỷ lệ
người sử dụng máy lạnh tăng. Và nơi bạn sống cũng ảnh hưởng giá điện.
Mỗi bang mỗi khác. Thậm chí trong cùng một bang, giá điện từng vùng cũng
khác, dựa vào mức thu nhập và mật độ tập trung công nghiệp. Nơi có
nhiều hộ dân bình thường sẽ có giá điện khác với nơi có nhiều nhà máy.
Theo một nguồn (1), tính đến thời điểm cập nhật mới nhất (tháng 3-2019),
giá điện trung bình tại Mỹ là 13,19 cent/kWh. Cụ thể tại tiểu bang
Alabama, giá điện tháng 6-2018 là 12,41 cent/kWh - giảm 2,971% so với
tháng 6-2017; tại bang California, tháng 6-2018 là 19,90 cent/kWh - tăng
2,630% so với tháng 6-2017; tại bang New York, tháng 6-2018 là 19,30
cent/kWh – tăng 2,878% so với tháng 6-2017…
Còn
một yếu tố nữa cần xem xét. Đó là chính sách cho người có thu nhập
thấp. Ở Việt Nam, nhà nghèo đóng tiền điện với mức giá như nhà giàu.
Tỉnh miền núi cũng đóng tiền điện bằng giá như thành phố lớn. Tại Mỹ,
các tiểu bang đều có chính sách giảm giá. Riêng tại California, ngoài
chính sách hỗ trợ của chính quyền bang, các công ty điện lực còn có
chương trình giảm giá riêng biệt, được áp dụng tùy thành phố. Với khách
hàng của công ty Thành phố Palo Alto (“City of Palo Alto”), người bệnh
tật có thể được giảm đến 20% hóa đơn điện-nước và khí đốt; với khách
hàng “City of Ukiah”, người già có thể được giảm hàng tháng tối đa 25
USD và gia đình thu nhập thấp được giảm tối đa 20 USD; với khách hàng
“Sacramento Municipal Utility District”, người ta có chương trình
“EnergyHELP” với sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện địa phương và tổ
chức phi lợi nhuận như Sacramento Food Bank Services, Salvation Army,
Folsom Cordova Community Partnership và Travelers Aid, theo đó, người
nghèo có thể được hỗ trợ đến 200 USD/năm trong hóa đơn tiền điện không
chi trả nổi [xem thêm (2)].
Lấy
ví dụ thêm về “nạn dùng súng ở Mỹ”. Không ít người đã nhắc đến việc sử
dụng tràn lan tại Mỹ để đối chiếu và “minh họa” cho sự ổn định xã hội
Việt Nam. Người ta chỉ nói đến hiện tượng bề mặt mà không nhắc đến yếu
tố căn bản rằng việc sử dụng súng tại Mỹ thuộc khuôn khổ quyền công dân
được hiến định, tức được Hiến pháp bảo vệ, theo đó, mọi người đều có
quyền tự bảo vệ mình. Một khi Hiến pháp Việt Nam không có những điều
khoản tôn trọng quyền tự do tối đa của con người, cùng với vô số hàng
rào luật kèm theo và một bộ máy luật pháp lẫn công quyền hoạt động chặt
chẽ để kiểm soát xã hội, thì không thể so sánh với Mỹ. Nếu các trường
hợp xả súng tại Mỹ được thực hiện bởi những kẻ có vấn đề tâm thần hoặc
khủng hoảng tâm lý thì tại Việt Nam, một khi được quyền sử dụng súng
được cho phép, thì người gây án sẽ là những ai, tỷ lệ bắn chết người bừa
bãi sẽ “biến động theo năm tháng” như thế nào, mỗi tháng có bao nhiêu
vụ bắn người, mức độ kiểm soát được thực hiện ra sao…, trong một xã hội
mà chỉ cần “nhìn đểu” đã có thể lập tức lãnh một nhát dao chí mạng?
Ở
đâu cũng có tham nhũng nhưng tham nhũng ở Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật đều bị
“quyền lực thứ tư” phanh phui đến cùng, con cái tổng thống (như trường
hợp hai con trai của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung) đều bị ra tòa,
kể cả tổng thống cũng có thể ngồi tù. Mỹ cũng xảy ra tình trạng “mua
điểm” nhưng hệ thống quản lý giáo dục Mỹ đã không bao che điều đó. Mỹ
cũng đầy ăn xin nhưng “ăn mày” Mỹ được tôn trọng quyền con người đến mức
chẳng ai có quyền bắt và tống họ vào nhà tế bần…
Khi
so sánh, cần xét đến cơ chế vận hành, cấu trúc hệ thống, chính sách nhà
nước và cả cấu trúc chính trị. So sánh yếu tố giá là dễ. So sánh cơ chế
tạo ra giá mới là vấn đề cần bàn. So sánh tham nhũng thì dễ. So sánh
yếu tố tạo ra cơ chế tham nhũng và yếu tố trừng phạt tham nhũng mới cần
đáng nói. Một khi hai mô hình không tương đồng, thậm chí trái nghịch, so
sánh bề mặt dễ trở thành những diễn giải ngụy biện. So sánh cần đề cập
thêm đến so sánh bản chất chứ không phải hiện tượng. Nói đến sự kiện, ở
đâu cũng có các sự kiện ít nhiều giống nhau. Nói đến “tiêu cực”, ở đâu
cũng có “mặt trái”, vì bản chất con người ở đâu cũng gần như giống nhau.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là ở đâu thì người ta xử lý vấn đề theo
cách như thế nào, để chặn đứng “tiêu cực” và sự phát triển của “mặt
trái”. Sự khác biệt này, nếu không nhắc đến, thì tốt hơn là nên tránh so
sánh.
Mạnh Kim
--------------------------
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào