Vụ “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn
tự xưng với một lô lốc “danh hiệu” đang gây ồn ào thật ra là “sự kiện”
mới nhất của chuỗi hành vi lố bịch của mốt khoe danh xưng bùng nổ nhiều
năm qua. Nó phản ánh chính xác diện mạo xã hội như là kết quả tất yếu
của một nền giáo dục không được xây dựng và bồi đắp dựa trên yếu tố “học
làm người”. Nó cũng cho thấy khi mà xã hội được dựng trên căn bản của
sự “nói láo không chớp mắt” thì đương nhiên xã hội nhan nhản kẻ nói láo…
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn khi về thăm trường cũ. (Hình: Trích xuất từ Soha.vn) |
Chỉ
có nền giáo dục tử tế mới có những con người tử tế và biết cách khiêm
cung, biết cách giới hạn lòng tự tôn và biết cách kiểm soát bản thân
trước những lời khen cũng như biết mắc cỡ không dám khoe khoang bản
thân. Những người thật sự tài năng thường hiếm khi, hoặc không bao giờ,
phô trương cá nhân, đặc biệt phô trương sự học. Họ ý thức rõ biển học và
tri thức là vô cùng tận. Thử nhìn lại thái độ khiêm nhường của những
học giả đích thực ngày trước. Sự khiêm cung thể hiện ở ngay trong tác
phẩm họ soạn hoặc dịch.
Trong
“Nam Hoa Kinh” (Tủ sách Tân Việt xuất bản, 1962), dịch giả - cụ Nhượng
Tống - viết lời mở đầu như sau: “… Tôi mong các bạn sẽ phân-tích và được
chịu những lời dạy-bảo cao-minh. Tài học tôi có lẽ chưa đủ hiểu hết
phần cao-siêu trong học-thuyết Trang và chưa đủ quyền nói đến những
chuyện mà phạm-vi là “vô cực”… Trong “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam”
(NXB Hiện Tại, 1959), Linh mục Mậu Hải viết lời giới thiệu cho tác
giả-Linh mục Nguyễn Hồng: “… Nhưng trí một người có hạn, óc cá nhân có
mức nên tác giả cũng như kẻ cầm bút viết mấy lời này vẫn thành thực thầm
ước được nghe lời chỉ giáo của chư độc giả bốn phương”. Trong “Việt Nam
Văn học Sử yếu” (Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục VNCH, 1968), cụ Dương
Quảng Hàm viết: “Quyển sách này còn có nhiều chỗ thiếu-thốn sơ-lược, sau
này cần phải bổ-khuyết hoặc giải-thích thêm…, ngõ-hầu một ngày kia tìm
thấy những hoa lạ quả quý hiện nay còn ẩn khuất trong đám cành lá
rậm-rạp, thì thật là hân-hạnh cho chúng tôi lắm”. Và trong “Việt-Nam
Văn-Phạm”, tác giả Trần Trọng Kim (cùng làm với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ
- NXB Lê Thăng, Hà Nội, 1940) viết: “Chúng tôi không dám chắc rằng sách
này đã là hoàn-toàn, không có chỗ khiếm-khuyết và sai-lầm. Điều đó xin
để độc-giả xét cho. Chúng tôi chỉ xin độc-giả lượng-tất cho ít nhiều vì
nỗi chúng tôi muốn vỡ cánh đồng bỏ hoang mà mở ra một con đường mới.
Mong rằng các nhà thức-giả cùng với chúng tôi đi vào con đường ấy, rồi
chỉ-bảo giúp chúng tôi mà sửa đổi những điều lầm-lỗi. Nếu mọi người biết
cho chúng tôi vì chút lòng nhiệt-thành muốn nâng cao cái địa-vị tiếng
nước nhà lên cái chỗ xứng-đáng, được như thế thì chúng tôi đã là
mãn-nguyện lắm vậy”.
Không
phải trong giới nghiên cứu học thuật mới có sự khiêm cung và thái độ
chừng mực. Có thể thấy điều này trong giới khoa học lừng lẫy hải ngoại.
Người ta đã nghe nói đến kỹ sư Đinh Trường Hân (đoạt giải môi sinh của
Nhà Trắng năm 2006, được tạp chí Public Works chọn là một trong 50 nhà
lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ năm 2006); từng nghe nói đến bà
Lê Duy Loan (kỹ sư Texas Instruments-TI; với hàng chục bằng sáng chế;
trở thành phụ nữ đầu tiên và là gương mặt châu Á đầu tiên được bầu làm
viện sĩ TI – chức danh trước đó chỉ được trao cho bốn gương mặt nam
trong lịch sử TI); từng nghe nói đến bà Dương Nguyệt Ánh (cựu tổng giám
đốc Phòng khoa học-kỹ thuật thuộc Trung tâm chiến sự Hải quân Hoa Kỳ,
người thiết kế bom cực mạnh chuyên phá hầm bêtông); từng nghe nói đến
ông Trung Dũng (tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Boston; cử nhân toán
và khoa học máy tính Đại học Massachusetts; từng xuất hiện trên các tạp
chí Forbes, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco
Chronicle cũng như trong quyển The American Dream của nhà báo kỳ cựu Dan
Rather)… Nhiều người đã nghe về tài năng và sự nổi tiếng của họ. Điều
người ta chưa nghe đến, và có lẽ không bao giờ, là thái độ ngạo mạn, tự
cao, tự đại của họ.
Trong
chương trình “Tôi Là Người Việt Nam” (Paris By Night 99), MC Nguyễn Cao
Kỳ Duyên đã kể đến trường hợp ông Trịnh Tiến Trinh, người dù từng được
giải "NASA's Inventor of The Year 1992" nhưng vẫn thấy… “mắc cỡ” khi
được ông Ngọc Ngạn dùng từ “khoa học gia” gọi mình! Hoặc chuyện ông Đinh
Xuân Anh Tuấn (bác sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu). Khi được ông Ngạn hỏi
"Ông vừa là một bác sĩ vừa là một nhà giáo vậy ông muốn tôi xưng bác sĩ
hay giáo sư?". Ông Tuấn trả lời: "Thưa anh Ngạn, tôi chỉ là một bác sĩ
khi đứng trước bệnh nhân và một giáo sư khi đứng trước học trò, còn ở
đây anh cứ gọi bằng tên thường được rồi".
Tại
sao những vị này nhún mình khiêm cung? Họ hẳn hiểu rằng chẳng ai có thể
toàn bích và sự hiểu biết dù mênh mông của họ vẫn luôn có những giới
hạn nhất định. Thái độ này cũng là kết quả của một nền giáo dục không
chỉ biết dạy người ta học những điều tử tế mà còn biết hướng người ta
đến việc làm thế nào để “hành” cho đúng mực. Ngày nay, tính khiêm cung
đã phải nhường chỗ cho lối thể hiện kiểu khác. “Nhà báo quốc tế” Lê
Hoàng Anh Tuấn không là người duy nhất “nổ” và “xạo không có căn”. “Nổ”
đã trở thành “hiện tượng thời đại”. “Nổ” càng “phát huy” khi người ta
“tin” rằng thế giới quanh họ có nhiều người mù hơn người sáng mắt. Tỷ lệ
những “ông chột” do vậy cứ thế bùng nổ, đặc biệt khi mà nền giáo dục
không tạo ra một môi trường cạnh tranh bằng năng lực và do đó không thể
có nhiều người tài thật sự để họ nể nang nhau và phải thể hiện sự khiêm
cung và khiêm nhường cần có.
Cái
sự “nổ”, nói rộng ra, còn nảy sinh bởi nền văn hóa “nổ” hình thành một
phần từ nền chính trị “nổ”. Báo chí hàng ngày vẫn nói dối công khai về
“thành tích” và “thành tựu”. Báo chí vẫn “được phép” nói láo, hoặc “buộc
phải” nói láo, về “tài năng” điều hành của chính phủ, trong khi thành
viên chính phủ và bộ máy chính quyền nói chung cũng nói láo về năng lực
lẫn bằng cấp của mình. Báo chí vẫn cứ tô vẽ “công trạng” những vị “công
thần” và “tài liệu lịch sử” vẫn dựng lên những “chiến công”, thậm chí
“con người”, không có thật. Trong một xã hội như vậy thì trách sao không
xuất hiện những kẻ như Lê Hoàng Anh Tuấn, mà nói cho cùng, chẳng là gì
so với các ông trùm nói láo, dù luôn miệng “không có gạt bà con”, đang
ngồi ở vị trí “lãnh đạo nhân dân”.
Những
kẻ như Lê Hoàng Anh Tuấn thật ra là “sản phẩm” của một xã hội đảo điên,
từ một nền giáo dục đảo điên, “có được” từ một nền chính trị thường
xuyên tỏ ra “thiếu khiêm tốn” đến mức luôn khiến người dân thắc mắc
không biết chính quyền này đang tỉnh hay điên. Dân chúng vẫn cứ phải
sống chung với những cái “thùng rỗng kêu to” cùng với nền văn hóa “nổ”,
không giới hạn và không một chút ngượng, rằng Việt Nam là quốc gia có
“nền giáo dục thuộc hàng top 10 thế giới”, rằng Việt Nam là “hình mẫu
phát triển kinh tế của Đông Nam Á”, rằng đất nước ta rồi sẽ “hóa rồng”…
Những quả bom kiểu Lê Hoàng Anh Tuấn xét cho cùng chẳng ảnh hưởng gì mấy
với xã hội nhưng “bom” từ chính quyền thì luôn mang lại mức độ “sát
thương” đáng kể cho chính nhà cầm quyền. Nó trực tiếp tàn phá uy tín
chính quyền và tiêu diệt niềm tin người dân. Điều này chẳng phải là
“cảnh báo” gì cả. Vì nó đang xảy ra...
Mạnh Kim
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào