Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gọi tắt
là EVN, có lẽ là cơ quan quốc doanh được người dân biết đến nhiều nhất
mặc dù Việt Nam hiện nay có không ít tập đoàn kinh tế nhà nước. EVN được
dư luận quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của
mọi công dân trên lãnh thổ này vì lý do duy nhất: giá điện.
Kinh tế tăng trưởng làm tăng nhu cầu điện; và điện tăng giá nhưng không giải thích được. |
Nếu
nói EVN là tập đoàn tai tiếng nhất cũng không sai vì từ nhiều năm qua
báo chí không ngớt đưa những tin tức bất lợi chống lại tập đoàn này từ
việc đầu tư ngoài ngành cho đến những nham nhúa trong việc đem cả những
chi phí xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập hay song
lập, chung cư cao tầng có tiện nghi cao cấp như nhà trẻ, bể bơi, sân
tennis… với giá trị gần 600 tỷ đồng rồi tính vào khoản lỗ để làm lý do
tăng giá điện.
Quyết
định tăng giá mới nhất có hiệu lực từ tháng 3 năm 2019 qua thông báo
giá điện tăng 8,3% nhưng qua thực tế người dân cho rằng hóa đơn tiền
điện của họ đã tăng 50% thậm chí gấp đôi và có những bài viết phân tích
của nhiều người lại xác định giá điện có thể tăng lên tới 75% tùy theo
số điện sử dụng.
Qua
phân tích của các chuyên gia kinh tế thì tuyên bố của EVN chỉ tăng 8.3%
giá điện rõ ràng là sai, cố tính lập lờ, 8.3% là mức tăng của giá điện
cơ bản, chứ không phải mức tăng của giá điện bình quân.
Người
dân nổi giận vì sự qua mặt này một phần, một phần khác họ có cảm giác
như bị bóc lột và không được kêu ca hay phàn nàn. Đứng trước một đối
tượng “tầm cỡ” như EVN họ không còn chọn lựạ nào khác cách duy nhất là
tiết kiệm số điện tiêu thụ được bao nhiêu hay bấy nhiêu và giao phó con
đường “tiền điện” phía trước cho nhà nước gánh vác.
Nhưng
nhà nước gánh vác cách nào khi bất lực trước những sai trái có tính hệ
thống của EVN bày ra trước mắt nhưng không thể có biện pháp mạnh đối với
những lãnh đạo trực tiếp ký vào các dự án đầu tư ngoài ngành, những
hoạt động kinh doanh được dựng lên để bòn rút ngân sách và cấu kết với
các nhóm lợi ích nhằm chiếm dụng dòng vốn của nhà nước để rồi sau đó báo
cáo lỗ triền miên hết năm này sang năm khác?
Nhưng EVN có thực sự làm ăn thua lỗ trong ngành điện hay không thì lại là chuyện khác.
Căn
cứ trên báo cáo thường niên của EVN thì từ năm 2013 đến nay tập đoàn
này luôn thu được lợi nhuận trong kinh doanh điện. Chỉ riêng năm 2017
thì mới thất thu. Tuy nhiên nếu bình quân cho 6 năm từ 2013 tới 2018 thì
số tiền lời lên tới hơn 20 ngàn tỉ chưa kể tiền thu được của năm 2019.
Không
phải giá điện thấp làm cho EVN phải khai phá sản như nó từng hăm dọa
trước đây mà chính là đầu tư ngoài ngành mới làm cho khuôn mặt của nó bệ
rạc, vay đầu này, đắp đầu kia. Hình ảnh của nó không khác gì một con nợ
điển hình của Việt Nam ngày nay tuy có bề ngoài bề thế nhưng mục ruỗng
bên trong không phương cứu vãn.
Theo
kết luận thanh tra mới đây cho biết EVN đã đầu tư ra ngoài với số vốn
lên đến 121 ngàn tỉ vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo
hiểm, chứng khoán, thậm chí vào giáo dục…nhưng không có nơi nào có lãi
kể cả đầu tư vào giáo dục vẫn lỗ. Trước đây EVN và Đại học Quốc gia Hà
Nội đã ký hợp đồng đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh cho 164 cán bộ
thuộc EVN. Số tiền đã thanh toán cho khoa sau đại học là 1,648 tỷ, các
chi phí khác gần 500 triệu đồng do Đại học Griggs của Mỹ đào tạo và cấp
bằng. Toàn bộ số tiền đều đã được chuyển cho Đại học Griggs. Tuy nhiên,
bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường này cấp không được cơ quan
nhà nước của Việt Nam công nhận. Vậy là lỗ trắng vừa tiền vừa công sức
của người đi học.
Câu
hỏi mà người không rành về kinh tế nhất cũng có thể đặt ra: Tại sao EVN
lại đầu tư vào lĩnh vực mà nó không chuyên môn là điện? Và rất nhiều
người biết lý do: vì nó là công ty quốc doanh, mà quốc doanh thì không
ai trách nhiệm cho sự thành bại của chính nó.
Một
vài quan chức muốn bênh vực cho sự bất cập trong việc liên tục tăng
tiền điện đưa ra ý kiến cho rằng ngành điện mang “nhiệm vụ chính trị”
nên nó chịu lỗ để khuôn mặt chính trị của Đảng có ý nghĩa chia sẻ gánh
nặng cho người dân. Lập luận này hoàn toàn ngụy biện, ngành điện hay bất
cứ đơn vị kinh doanh nào đều không mang gánh nặng “nhiệm vụ chính trị”
như quan chức của chế độ vẽ vời. Nếu cho rằng mạng lưới điện quốc gia là
hình thức “nhiệm vụ chính trị” cũng là cách nói hào nhoáng đánh bóng
nhiệm vụ mà một chính phủ có bổn phận đối với quốc gia với thể chế mà nó
đang phục vụ.
Người
dân từng nghe tôn vinh rằng các tập đoàn kinh tế quốc doanh là những
quả đấm thép, chúng góp sức làm cho kinh tế Việt Nam phát triển nhưng sự
thật lại khác đi, những quả đấm thép ấy không đấm được ai mà chỉ nhắm
vào dân, tức vào túi tiền mà người dân móc ra trả thuế. Những cái tên
như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Than khoáng sản, hay Tập đoàn Điện
lực….đang điển hình cho sự ngạo mạn quốc doanh mà chúng được đảng giao
phó.
EVN
ngạo mạn trong việc xem thường túi khôn của quần chúng. Hóa đơn tiền
điện nhảy vọt vì sự độc quyền kinh doanh mà một doanh nghiệp nhà nước
được thụ hưởng. Cung cách EVN không khác gì cách phục vụ của những cửa
hàng quốc doanh ở miền Bắc khi nhân viên hoạnh họe, quyền lực và khinh
bỉ khách hàng là thuộc tính.
Cái
ngạo mạn thứ hai là quyền lực được đảng giao cho nó là vô giới hạn. Nó
có quyền được lỗ và thu tiền dân bù vào cái lỗ khả nghi ấy. Nó có quyền
được chia cho nhân viên những phương tiện xa hoa từ nguồn tiền nhà nước
mà không ai được chỉ trích.
Cái
ngạo mạn thứ ba là nó có quyền cắt giòng điện quốc gia bất cứ lúc nào
và biện giải rằng do lỗ lã không thực hiện được “nhiệm vụ chính trị”.
Và
cái ngạo mạn cuối cùng là nó sẽ vẫn đứng đó, thách thức thời gian và
công luận về những sai trái mà nó làm dưới cái mác Tập đoàn Điện lực
Việt Nam.
Mặc Lâm
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào