Header Ads

  • Breaking News

    Đi xa hơn trận thương chiến

    Một hậu quả đầu tiên của trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là trong Quý 1 năm 2019 số xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ giảm gần 14% mà xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lại tăng hơn 40% so với năm ngoái. Trước tin mừng đó, có lẽ chúng ta nên nhìn xa hơn. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao.
    Đi xa hơn trận thương chiến

    Lợi thế của Việt Nam

    Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trang kinh tế hôm 27 của Bloomberg đã trích dẫn dữ kiện của văn phòng U.S. Census Bureau rằng Việt Nam là một trong các nguồn xuất khẩu hàng hóa nhanh nhất tại Châu Á vào Hoa Kỳ vì trong ba tháng đầu năm nay số hàng nhập vào Mỹ đã tăng hơn 40% so với năm ngóai mà số hàng của Trung Quốc lại giảm gần 14% khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang. Ông nghĩ sao về biến cố đáng mừng này?

    https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-05-28/americans-are-snapping-up-vietnamese-imports-at-china-s-expense?srnd=premium

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta rất nên thận trọng vì bốn lý do.
    Việt Nam nên kiểm lại xem là trong lượng hàng bán qua Mỹ, có bao nhiêu là của doanh nghiệp Trung Quốc hầu khỏi có hiện tượng “Hồn Trung Hoa, da hàng Việt”, nôm na là dán nhãn “Chế tạo tại Việt Nam” lên hàng Trung Quốc để bán cho Mỹ.
    -Nguyễn Xuân Nghĩa

    - Thứ nhất, do trận thương chiến Mỹ-Hoa, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm, số đầu tư lên tới 65% của cả năm ngoái: họ dời cơ sở sản xuất vào Việt Nam để tránh thuế của Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam nên kiểm lại xem là trong lượng hàng bán qua Mỹ, có bao nhiêu là của doanh nghiệp Trung Quốc hầu khỏi có hiện tượng “Hồn Trung Hoa, da hàng Việt”, nôm na là dán nhãn “Chế tạo tại Việt Nam” lên hàng Trung Quốc để bán cho Mỹ. Nếu tỷ lệ này quá lớn, Việt Nam sẽ hết được Hoa Kỳ ngầm nâng đỡ như chúng ta đã thấy mà còn bị vạ lây vì được coi là một chi nhánh của Bắc Kinh.

    - Thứ hai, Việt Nam không thể quên là ngoài lượng hàng rất lớn được xuất khẩu qua Mỹ thì còn số nhập khẩu quá nhiều từ Trung Quốc, tức là còn lệ thuộc hơn vào nước láng giềng này

    Thứ ba, Việt Nam tưởng được lợi thế nhân công của mình rẻ hơn Trung Quốc, nhưng lợi thế đó không bền và lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp của Việt Nam chỉ có 14 triệu rưởi so với 200 triệu của Trung Quốc. Chưa kể rằng đầu tư gia tăng sẽ gây thêm đắt đỏ cho giá đất và các loại chi phí sản xuất và thu hẹp khả năng cạnh tranh nếu so với doanh nghiệp của các nước Á Châu ngoài Trung Quốc.

    - Thứ tư, về quyền lợi trường kỳ thì chiến lược thu hút đầu tư ngoại quốc để xuất cảng dẫn đến sự lệ thuộc vào luồng xuất nhập khẩu và đầu tư do nước ngoài quyết định trong khi lại cố ép lương công nhân của mình. Lời thì doanh nghiệp ngoại quốc hưởng phần lớn, trong khi tay nghề và điều kiện lao động của công nhân Việt Nam chưa chắc đã được cải thiện vì nhược điểm trong giáo dục và đào tạo. Sau vài năm hồ hởi với cơ hội mới của trận thương chiến, có khi doanh nghiệp Việt Nam mất khả năng cạnh tranh với Malaysia, Indonesia hay Bangladesh và kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

    Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ thì đâu là những lợi thế của Việt Nam?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là câu hỏi bạc tỷ và câu trả lời thật không dễ!

    - Đầu tiên, Việt Nam cần thấy ra mục tiêu lâu dài của xứ láng giềng khổng lồ này. Lãnh đạo Trung Quốc không hề che giấu mục tiêu, kể cả qua khái niệm “thao quang dưỡng hối”, là phát huy các điểm tích cực mà ghìm bớt ý đồ âm mưu để khỏi gây hãi sợ. Xưa nay, họ vẫn nói tới “phú quốc cường binh” mà ta tưởng là dân giàu nước mạnh, tức là lấy kinh tế làm đòn bẩy trợ lực cho quân sự và giờ này thì ai cũng e ngại đà bành trướng quân sự đó. Sau mấy thập niên tăng trưởng, Tổng bí thư Tập Cận Bình vẽ ra một viễn ảnh vĩ đại hơn. Đó là chẳng những vượt qua Hoa Kỳ mà còn thiết lập một trật tự quốc tế khác do Trung Quốc lãnh đạo. Viễn ảnh đó mới là chuyện đáng sợ cho tương lai Việt Nam.

    Nguyên Lam: Ông vừa trình bày khái quát cái viễn ảnh lãnh đạo thế giới của Bắc Kinh, thế Việt Nam nên làm gì hoặc không nên làm gì trong cái trật tự Trung Hoa đó?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh vẽ ra một trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp được các nước cùng tôn trọng mà chính họ lại không hề tuân thủ.

    - Về kinh tế họ tham gia các định chế quốc tế với rất nhiều cam kết, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, hay Liên hiệp quốc, mà lại lần lượt vi phạm những cam kết đó và đấy là cái gốc của trận thương chiến với Hoa Kỳ, nhưng ta đừng quên rằng các nước khác cũng bị thiệt hại và đang đứng ngoài giám trận để cân nhắc về quyền lợi của mình sau khi Hoa Kỳ đẩy lui Trung Quốc. Việc trợ cấp doanh nghiệp nội địa, bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nhập nhằng sử dụng doanh nghiệp có quy chế tư nhân mà chính là nơi tiếp thu hay đánh cắp công nghệ của thiên hạ cho mục tiêu an ninh và quân sự là các tệ nạn đang bị phơi bày.

    - Về an ninh và quân sự, Bắc Kinh công khai bành trướng và uy hiếp các nước lân bang mà phủ nhận mọi phán quyết của các tổ chức quốc tế. Điển hình là việc tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và khống chế các dòng hải lưu từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương tới Trung Đông và Âu Châu. Bắc Kinh không chỉ thách thức sức mạnh của Hoa Kỳ mà còn đòi khống chế các nước khác, từ bên trong là Tân Cương, Tây Tạng đến bên ngoài là Đài Loan và Hong Kong, xuống tới Nam Thái Bình Dương. Đấy là “trật tự quốc tế” đích thực của Trung Quốc.
    Việt Nam nên làm gì?

    Nguyên Lam: Khi đó Việt Nam nên làm gì, thưa ông?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam nên nhìn xa hơn trận thương chiến hiện nay mà tự xác định là một quốc gia biết tôn trọng trật tự quốc tế, và đấy là ưu thế cạnh tranh của mình. Muốn như vậy, nên kiểm điểm lại quá nhiều sai lầm đã qua.

    - Trước hết, các nước đều ưu lo về nạn ô nhiễm môi sinh và hiện tượng nhiệt hóa địa cầu mà Trung Quốc lại không tôn trọng và còn liên tục gây họa cho thiên hạ. Việt Nam nên ưu tiên tham gia vào nỗ lực chung và cải tiến môi trường sinh sống của mình cho người dân được hưởng và khỏi bị quá nhiều thiệt hại chồng chất như hiện nay. Đấy là biểu hiện của văn minh và tiến bộ bên cạnh một Trung Quốc ngang ngược tàn phá môi sinh của nhân loại.
    Tôi cho rằng Việt Nam không cần ra tuyên ngôn chống Tầu hay Thoát Trung hoặc công khai dựa vào Hoa Kỳ mà chỉ lặng lẽ đổi mới thể chế để cho thấy rằng mình khác và nhất là đáng tin hơn.
    -Nguyễn Xuân Nghĩa

    - Thứ nhì, sau môi sinh, hãy nghĩ tới quyền lợi của giới lao động mà ban hành rồi thực thi các luật lệ bảo vệ thích hợp, điển hình là sự cam kết trong khuôn khổ của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 10 nước kia. Vai trò của công đoàn tự do và độc lập sẽ là một ưu thế cạnh tranh, khác hẳn vai trò hiện nay của các chi bộ đảng trong mọi doanh nghiệp công, tư và nước ngoài tại Trung Quốc.

    - Thứ ba là cải cách hạ tầng cơ sở vô hình mà then chốt là hệ thống luật lệ nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, là điều không hề có tại Trung Quốc, vì vậy mới gây mâu thuẫn gay gắt trong trận thương chiến hiện nay.

    Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta thấy rằng Việt Nam nên cố gắng làm khác Trung Quốc. Phải chăng đấy là những đề nghị chính yếu của ông?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên ý thức ra một sự thật là cái trật tự quốc tế hình thành từ 75 năm nay, từ Thế Chiến Hai, đang cần cải thiện vì nhân loại đã bước vào một hình thái phát triển khác. Nhưng thay vì cùng các nước từng bước cải thiện trật tự đó thì Bắc Kinh muốn lập ra một trật tự mới, với Trung Quốc là trung tâm.

    - Khi ấy, Việt Nam nên xác định rằng mình không là một thuộc quốc cỏn con của Trung Quốc, với mọi nhược điểm đã thấy trong quốc gia láng giềng đáng sợ này. Càng làm rõ cái khác, Việt Nam càng có thêm bạn hàng và đồng minh để khỏi đơn phương đứng trên tuyến đầu, dưới tầm đạn của Bắc Kinh và cầu mong xứ khác bảo vệ, hay lại phải đu dây giữa hai thế lực đối nghịch ở hai bờ Thái Bình Dương.

    - Thành thử, tôi cho rằng Việt Nam không cần ra tuyên ngôn chống Tầu hay Thoát Trung hoặc công khai dựa vào Hoa Kỳ mà chỉ lặng lẽ đổi mới thể chế để cho thấy rằng mình khác và nhất là đáng tin hơn. Từ việc đổi mới thể chế, Việt Nam nên cải cách chiến lược vận động đầu tư nước ngoài vì không chỉ thiếu vốn nên cần thiên hạ mà còn gây lãng phí khi đi vay và sử dụng vốn. Bây giờ lại còn dùng vốn của Tầu để ngầm bán đồ vào Mỹ là một quyết định tai hại từ đầu vào là Trung Quốc cho tới đầu ra là Hoa Kỳ!
     
    (rfa)

    Không có nhận xét nào