Header Ads

  • Breaking News

    Học thuyết Trump đang làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại?


    Học thuyết (doctrine) là gì?

    Từ điển Cambridge định nghĩa “học thuyết” (doctrine) là: một niềm tin hoặc tập hợp niềm tin, đặc biệt là những niềm tin chính trị hoặc tôn giáo, được tuyên truyền và chấp nhận bởi một nhóm cụ thể.

    Học thuyết Trump đang làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại?

    Từ điển Oxford cũng định nghĩa “học thuyết” (doctrine) là: một niềm tin hoặc tập hợp các niềm tin được tổ chức và giảng dạy bởi một Giáo hội, một đảng chính trị, v.v., hoặc một tuyên bố chính sách của chính phủ.

    Geopolitical Features định nghĩa: học thuyết là cách một tổng thống vận hành chính sách đối ngoại theo quan điểm của ông ấy.

    Lịch sử nước Mỹ cho thấy các tổng thống luôn muốn tạo dấu ấn nhiệm kỳ qua những học thuyết chính sách (policy doctrine) hay đại chiến lược (grand strategy), và nhiều tổng thống được cả thế giới biết đến với học thuyết chính sách đối ngoại của một cường quốc/siêu cường có thể làm xoay chuyển cục diện quan hệ quốc tế trong từng giai đoạn lịch sử. Thậm chí có học thuyết mang giá trị lâu dài, đôi khi còn được vận dụng lại trong hoạch định chính sách bởi các vị tổng thống kế nhiệm về sau này.

    Có thể kể ra một số học thuyết nổi bật mà tên gọi của nó gắn liền với tên tuổi của các vị tổng thống như: “Học thuyết Monroe” năm 1823 với quan điểm nổi tiếng “châu Mỹ là của người Mỹ”; “Học thuyết Truman” năm 1947 về “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản”, khơi mào cho Chiến tranh Lạnh; “Học thuyết Domino” và về ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Tổng thống Eisenhower; “Học thuyết Nixon” (hay còn gọi là “Học thuyết Guam”) năm 1969 với quan điểm Hoa Kỳ mong đợi các đồng minh châu Á của mình có trách nhiệm tự bảo đảm an ninh quân sự của họ.

    Học thuyết Clinton” năm 1995 của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, “Học thuyết Obama” với quan điểm dùng quyền lực để đảm bảo các lợi ích cốt lõi của Mỹ nhưng sẽ không lạm dụng quyền lực để dẫn đến sa lầy và những tốn kém không cần thiết.

    Mỗi một học thuyết ra đời phản ánh không chỉ tư duy của cá nhân lãnh đạo (tổng thống, ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia) và chính phủ cầm quyền, mà còn cả sự thắng thế của một trường phái/luồng tư tưởng, cũng như hoàn cảnh lịch sử trong và ngoài nước tại từng thời điểm lịch sử nhất định.

    Về nguyên tắc, các tổng thống Mỹ không nhất thiết cần các học thuyết đối ngoại, một phần vì quá trình xây dựng học thuyết đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và tiền đề bối cảnh lịch sử thật đặc biệt, phần khác vì học thuyết cũng chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi của tổng thống hơn là nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, xét từ góc độ hoạch định chính sách, học thuyết là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại, giúp xác định ưu tiên (về đối tác, địa bàn, lĩnh vực, phương thức), phân bổ nguồn lực triển khai (thường là hạn chế) và là thông điệp chính sách đối ngoại quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất gửi đến bạn bè/đồng minh, kẻ thù/đối thủ, dư luận trong nước và quốc tế, Quốc hội và cử tri Mỹ.

    Học thuyết Trump (Trump Doctrine)

    Cùng với các tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang dần định hình “Học thuyết Trump” nhằm để lại dấu ấn nhiệm kỳ của riêng mình. Một số điều trong đó đã trở thành trụ cột trong Chiến lược An ninh Quốc gia mà chính quyền Trump công bố tháng 12/2017.

    Từ việc “giảm nhiệt” đối với những lời đe dọa tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đến việc đánh bại tổ chức khủng bố IS tại Iraq và Syria, chống lại Nga bằng cách khẳng định rằng thành viên khối NATO phải chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách “công bằng”. Trump đang đánh thẳng vào tất cả các trụ cột quan hệ quốc tế.

    “Học thuyết Trump” bao gồm các quan điểm phản ánh tư duy chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tất cả đều xoay quanh bốn chữ: “Nước Mỹ Trên Hết” (America First), tức Hoa Kỳ sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên tất thảy mọi mối quan hệ ngoại giao, tập trung phát triển kinh tế Mỹ, và chỉ tham gia và đổ nguồn lực vào các tổ chức quốc tế nếu thấy có lợi cho mình. Thuật ngữ “America First” không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu, đó là một triết lý.

    Với chủ trương đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết, trong hơn hai năm đầu, chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi một số thể chế đa phương, song phương như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Chúng cho thấy “Học thuyết Trump” muốn từ bỏ lập trường xây dựng trật tự thế giới dựa trên quy tắc và luật lệ Mỹ theo đuổi từ sau Thế chiến II; ông chủ Nhà Trắng cho rằng những tổ chức và hiệp định này hiện tại không đem lại lợi ích quốc gia cho Hoa Kỳ, mà chỉ khiến Mỹ thêm “nặng gánh” bởi những điều khoản ‘không công bằng’.

    Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đã rút lại các cam kết dài hạn ở những quốc gia hoặc khu vực mà chính quyền ông nhận thấy hiện đã không còn là mối đe dọa đến lợi ích sống còn của Hoa Kỳ.

    Rút quân khỏi Syria là ví dụ hoàn hảo về Học thuyết Trump. Sau khi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Syria đánh bại ISIS (ít nhất là trên báo cáo), thay vì ở lại quá lâu và bị cuốn vào một cam kết lâu dài, Tổng thống Trump đang rút quân đội Mỹ trở về để có thể giữ nguồn tài nguyên cho các cuộc chiến khác.

    Mỹ cũng thay đổi chính sách đối với cuộc xung đột Israel-Palestine bằng việc công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái. Động thái gây phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo và các quốc gia trên thế giới của chính quyền Trump xuất phát từ cam kết tranh cử của ông chủ Nhà Trắng trong việc chiều lòng những người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ Trump, mà theo nhiều thuyết âm mưu có ảnh hưởng lớn đến nội bộ chính trị Hoa Kỳ.

    Sự tương tác của Tổng thống Trump đối với các quốc gia NATO và vùng Vịnh là cũng là hai ví dụ về cách tiếp cận đối với các liên minh quốc tế của ông. Từ quy tắc thương mại đến biến đổi khí hậu, từ ngân sách quốc phòng đến thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump phá vỡ hầu hết những đồng thuận tồn tại giữa Hoa Kỳ và đồng minh từ thời người tiền nhiệm Barack Obama trở về trước.

    Trong bảy thập kỷ hợp tác từ sau Thế chiến II, châu Âu chưa bao giờ đối mặt với một nước Mỹ công khai phản ứng lại liên minh này đến vậy. Thông điệp mà Trump gửi tới những quốc gia NATO rất rõ ràng: chia sẻ công bằng, tăng cường khả năng phòng phủ của chính các quốc gia đó và “ngưng lợi dụng Mỹ”.

    Thông điệp Trump gửi tới Saudi Arabia cũng rõ ràng không kém: Nếu bạn muốn chống lại sự bá quyền của Iran ở Trung Đông, thì không có nơi nào thích hợp để làm điều đó hơn là tại Syria.

    Có lẽ bởi Tổng thống Trump đã bày tỏ quan điểm quá rõ ràng với các đồng minh, các quốc gia NATO có vẻ hiện đang “tự giác” chi nhiều tiền hơn cho an ninh quốc phòng của chính mình, và Ả Rập Xê Út đang triển khai quân đội để chiến đấu với ISIS và thăm dò Iran tại Syria.

    Song điều này lại không khiến nước này chi ít tiền lại cho quân sự. Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ trong hai năm qua đạt quy mô lịch sử. Các ưu tiên được nêu bật trong chi tiêu ngân sách nhấn mạnh tới sự cần thiết phải chống lại Nga và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực tên lửa, hạt nhân, kinh tế và không gian mạng.

    Thêm vào đó, với bối cảnh Bắc Kinh đang không ngừng xây dựng quân độimở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị, không khó hiểu khi các quan chức tại Washington lo ngại sự phụ thuộc của các công ty Mỹ vào các nhà máy ở Trung Quốc khiến Mỹ dễ bị các tổn thương về mặt chiến lược, gây ra thặng dư thương mại. Đó là nguyên nhân cuộc chiến thương mại tiêu tốn hàng trăm tỷ USD diễn ra. Và bây giờ, chính quyền Trump có thể bắt đầu ăn mừng khi các công ty trong nhiều lĩnh vực sản xuất đang tìm cách chuyển các nguồn lực tới các thị trường khác ngoài Trung Quốc, và thậm chí là về Mỹ.

    Chính quyền Trump cũng đồng thời tấn công mặt trận không gian mạng khi kêu gọi các quốc gia và đồng minh trên thế giới tẩy chay các thiết bị do công ty hàng đầu Trung Quốc Huawei sản xuất, nhấn mạnh những rủi ro sâu sắc liên quan đến an ninh quốc gia đến từ các thiết bị này.

    Ngoài những khu vực trên, Triều Tiên cũng là một ví dụ hoàn hảo cho việc đạt được tất cả các mục tiêu xác đáng về ngoại giao, thông tin, và quân sự. Sau những phát ngôn kịch tính leo thang lẫn đe dọa tấn công hạt nhân, hai cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim đã ít nhiều cho thấy tín hiệu giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù Trump khẳng định các đòn trừng phạt vẫn được giữ nguyên trừ phi Bình Nhưỡng hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa. Nhà Trắng cũng đã khai thác tối đa các biện pháp kinh tế buộc Trung Quốc phải ủng hộ Mỹ trong các nỗ lực trừng phạt quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử ở Đông Bắc Á. Song song với đó, chính quyền Trump hiện vẫn rất tích cực trong thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với nhà lãnh đạo Triều Tiên thông qua các hoạt động ngoại giao. Như vậy, trong hơn hai năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump, người thường có những phát ngôn hiếu chiến, lại được gắn liền với một cột mốc lịch sử trong quá trình mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, một điều mà những người tiền nhiệm của ông không đạt được (dù hiện tại tình hình cũng chưa khả quan mấy).

    Về an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Bộ Quốc Phòng Mỹ thừa lệnh Tổng thống Trump cũng đã triển khai một lực lượng khổng lồ gồm máy bay ném bom, hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu tới Biển Nhật Bản và đảo Guam. Động thái phô diễn sức mạnh quân sự tại khu vực năng động về kinh tế, nhạy cảm về mặt chính trị cho thấy chính quyền Trump muốn răn đe các âm mưu của Nga và Trung Quốc trong giấc mộng làm bá chủ khu vực.

    Giới quan sát nhận định, Học thuyết Trump hiện đã nêu bật một thông điệp giờ đã không còn xa lạ với cộng đồng quốc tế: chủ quyền và sức mạnh vượt trội của Mỹ không phải là thứ có thể bị thách thức, cũng như quyền hành động đơn phương của Washington trên vũ đài thế giới.

    Donald Trump và chủ nghĩa dân tộc – điều đáng bị phê bình, lên án, hay tổng thống Trump đã đúng với phương châm “Học thuyết Trump” và “Nước Mỹ trên hết”, điều đó sẽ được đánh giá toàn diện nhất khi Trump kết thúc nhiệm kỳ với di sản của mình.

    Từ khóa:

    Học thuyết Trump: Trump Doctrine (np)
    Chính sách đối ngoại: foreign policy (np)
    Lợi ích quốc gia: national interest (np)
    Thặng dư thương mại: excessive trade surplus (np)
    Các đồng minh an ninh truyền thống: traditional security alliances (np)
    Các thể chế quốc tế: international institutions (np)
    Trụ cột: pillar (n)
    Chính quyền: administration (n)
     
    By Phạm Minh Trung
     
     
    (luatkhoa.org)

    Không có nhận xét nào