Header Ads

  • Breaking News

    Cá nuôi bè trên sông La Ngà lại chết trắng sau mưa lớn


    Cá bị chết chủ yếu là cá lăng, diêu hồng, leo… sắp xuất bán, ước tính khối lượng hàng chục tấn.

    Sau cơn mưa lớn đêm 15/5, đến sáng ngày 16/5, cá nuôi trên sông Là Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) lại chết trắng bè.

    Cá nuôi bè trên sông La Ngà lại chết trắng sau mưa lớn

    Theo phản ánh của các hộ dân nuôi cá, khoảng 7h sáng ngày 16/5, khi ra coi cá thì thấy nhiều con nổi lờ đờ lên mặt nước. Người dân tháo bè thả trôi xuống dưới để cứu cá, tăng cường chạy máy oxy để cứu nhưng vài giờ sau, cá vẫn chết hàng loạt, phơi trắng bụng.

    Đến trưa cùng ngày, nhiều chủ nuôi cá vớt cá bán tháo cho thương lái với giá 20.000 đồng/kg (giá thương phẩm từ 100.000-200.000 đồng/kg tùy loại). Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, người nuôi cá bè trên sông La Ngà phải gánh chịu sự cố cá chết.

    Một chủ bè cho hay khi phát hiện cá chết phải tháo bè cứu cá, nếm thấy nước sông có vị chua. Cũng theo người dân, trong sáng cùng ngày, cơ quan chức năng huyện Định Quán và Chi cục thủy sản Đồng Nai đã lấy mẫu nước ở khu vực xảy ra tình trạng cá chết để xét nghiệm tìm nguyên nhân, đồng thời thống kê thiệt hại.

    Trước đó 1 năm, sau nhiều trận mưa, khoảng 21h ngày 20/5/2018, cá nuôi lồng bè trên sông La Ngà có biểu hiện ngộp, lờ đờ, trồi lên mặt nước. 2 tiếng sau, cá đồng loạt chết trắng bè. Đến rạng sáng ngày 21/5, hơn 19.000 tấn cá nuôi trên sông chết. Chủ nuôi phải gom cá vào bao bán giá rẻ cho thương lái làm phân bón, một số vứt đi. Nhiều hộ trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần.

    Ngày 22/5, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết kết quả kiểm tra mẫu nước tại khu vực cá chết cho thấy hàm lượng ôxy hòa tan thấp, dao động trong khoảng 2,6-3,2 mg/lít (hàm lượng ôxy hòa tan tối ưu khuyến cáo cho đối tượng nuôi từ 4 mg/lít trở lên). Nồng độ NH4 (Amoni) vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi từ 5,6 -11 lần. Hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép 10-20 lần.

    Ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai công bố nguyên nhân cá nuôi trên sông La Ngà chết là do thiên tai, không phải nhà máy hay công ty xả thải gây ô nhiễm. Cụ thể, mưa lớn cuốn trôi tạp chất, rác thải trên mặt đất xuống sông và đổ về hạ nguồn, kết hợp mực nước tại khu vực nuôi cá đang thấp khiến lượng oxy bị pha loãng gây thiếu hụt.

    Ngày 23/11, UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 129 hộ dân có cá bị chết gần 12,3 tỷ đồng.

    Tình trạng cá chết trên sông La Ngà đã xảy ra nhiều lần, với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Vào đợt cá chết tháng 5/2016, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết một số chỉ tiêu xét nghiệm nguồn nước sông La Ngà vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần.

    Cụ thể, BOD: 21,1 mg/l (vượt 3,5 lần); COD: 31,7mg/l (vượt 2,1 lần); NO2: 0,15mg/l (vượt 3 lần); NH3: 1-2mg/l (cao hơn tiêu chuẩn quy định là dưới 1).

    Theo Chi cục Thủy sản Đồng Nai, nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ kết hợp mực nước hồ xuống thấp, mật độ nuôi dày, dòng chảy chậm, các yếu tố biến động thời tiết lúc giao mùa… là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

    Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, các nguồn thải từ hoạt động công nghiệp đổ vào sông La Ngà, gần khu vực nuôi cá bè có Cty Cổ phần mía đường La Ngà và Cty TNHH AB Mauri Việt Nam. Nhưng Cty mía đường La Ngà đã ngừng sản xuất từ ngày 15/3/2016, còn chất lượng nước thải của Cty AB Mauri Việt Nam thì đạt quy chuẩn cho phép. Về việc cá chết chủ yếu ở bè gần Cty AB Mauri Việt Nam (cá bè nằm xa 1 km không chết) thì do đó là vùng trũng, tất cả rác thải, chất độc hại, dòng chảy bị dồn ứ lại.


    Nguyễn Quân
     
    (trithucvn.net)

    Không có nhận xét nào