Thời gian tôi làm việc ở Galang,
Indonesia, trong một lần qua đảo Tanjung Pinang công tác, đi ăn cơm tối
cùng với nhân viên Cao ủy Tị nạn tôi gặp một nhà ngoại giao Hoa Kỳ, đến
từ Singapore, ông có hỏi: “Do you know Lee Tong? What is he doing now?” –
Anh có biết Lý Tống không, bây giờ ông ấy đang làm gì?
Lý Tống tuyệt thực để phản đối Thành phố San Jose không theo nguyện vọng của dân đặt tên Little Saigon cho khu phố Việt (Ảnh: Bùi Văn Phú) |
Lúc
đó là hè năm 1986. Nghe nhà ngoại giao hỏi, tôi biết ông nói đến ai,
nhưng tôi không thực sự biết sinh hoạt của Lý Tống khi đó ra sao, chỉ
biết đến ông qua bài báo đăng trên nguyệt san Reader’s Digest đã được
đọc. Tôi trả lời là không rõ Lý Tống hiện nay làm gì, vì tôi rời Hoa Kỳ
đi làm việc ở nước ngoài cũng đã mấy năm.
Tôi
biết đến tên tuổi của Lý Tống nhiều hơn sau khi trở về Mỹ. Gây tiếng
vang nhất là vụ uy hiếp máy bay dân sự từ Bangkok để rải 5 vạn truyền
đơn xuống Sài Gòn vào đầu tháng 9/1992, trong tình hình các chế độ cộng
sản Đông Âu đã sụp đổ và Liên bang Sô-viết tan rã. Công an và an ninh
thành phố Hồ Chí Minh đã phải vất vả đi thu truyền đơn kêu gọi nổi dậy,
không cho dân tìm đọc hay lưu giữ.
Sau khi thả truyền đơn, Lý Tống nhảy dù ra khỏi máy bay, rồi bị bắt, bị Hà Nội kết án 20 năm tù.
Tám
năm sau Lý Tống lại có phi vụ rải truyền đơn xuống Havana trong ngày
đầu năm dương lịch 2000, rồi an toàn bay về Florida, Hoa Kỳ, không bị án
tù mà chỉ bị thu bằng lái máy bay.
Cuối
năm 2000 ông lại dùng máy bay nhỏ, bay vào Sài Gòn rải truyền đơn một
lần nữa, dịp Tổng thống Bill Clinton qua thăm Việt Nam. Quay trở lại
Thái Lan an toàn, ông bị bắt và một toà án ở Bangkok đã kết án ông nhiều
năm tù, trong khi Hà Nội muốn dẫn độ ông về Việt Nam để xét xử.
Ông cũng đã từng có kế hoạch rải truyền đơn ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên nhưng không thực hiện được.
Qua
những việc làm đó cho thấy tinh thần chống cộng sản của Lý Tống rất
cao, thể hiện qua những hành động phi thường, không ai khác làm được, dù
trước đó đã có những người tìm đường về nước như Hoàng Cơ Minh từ Mỹ,
Võ Đại Tôn từ Úc hay Trần Văn Bá từ Pháp.
Câu
chuyện của Lý Tống bắt đầu vào những ngày cuộc chiến tranh Việt Nam gần
kết thúc. Là sĩ quan không quân, ông có phi vụ cuối cùng trong tháng Tư
1975, trước khi chiến đấu cơ bị bắn rơi và ông bị bắt giam từ đó cho
đến nhiều năm sau ngày Việt Nam Cộng hoà sụp đổ 30/4/1975.
Năm 1980 Lý Tống vượt ngục, rồi vượt biên là khởi đầu của những hành trình đầy huyền thoại.
Khi
công tác ở Đông Nam Á tôi đã được nghe nhiều về những chuyến vượt biên,
vượt biển do chính người trong các trại tị nạn kể. Có người đến được
Galang, Bidong nhưng gia đình còn kẹt lại nên đã đóng thuyền bè, quay
trở lại Việt Nam đưa gia đình cùng đi vượt biển một lần nữa, đến được
đảo an toàn.
Nhưng
hành trình dài có đến hai nghìn dặm, xuyên qua nhiều quốc gia với các
phương tiện băng rừng bằng đường bộ hay đi xe đò, tầu hoả, và mất 17
tháng, để đến được Singapore của Lý Tống thật như chuyện bí hiểm đường
rừng.
Vượt
ngục, về Sài Gòn với ý định đánh cắp phi cơ chiến đấu từ căn cứ Tân Sơn
Nhất để trở lại trại giam ném bom vào bộ chỉ huy quản giáo và cứu đồng
đội nhưng không thành.
Sau đó ông vượt biên giới đường bộ qua Kampuchia, Thái Lan, Malaysia rồi cuối cùng đến đại sứ quán Mỹ ở Singapore xin tị nạn.
Chỉ
riêng chuyện ông đến được đất Thái, sau khi băng rừng Kampuchia, không
xin tị nạn ở đó và tiếp tục hành trình để tới Singapore cũng là điều lạ
lùng. Ông chọn đường đi nước bước xa xăm như thế là có tính toán, có kế
hoạch, vì đến đâu, qua những nơi nào, khi ở nhà trọ, mua thức ăn, đồ
dùng ông đều giữ lại biên nhận. Đến khi gặp nhân viên ngoại giao Mỹ ở
Singapore, không ai tin cuộc vượt thoát đầy hiểm trở của ông, nhưng Lý
Tống đã chứng minh hành trình mấy nghìn dặm đường ông trải qua là có
thực.
Tôi
cũng thực sự không hiểu được vì sao ông đã không bị cảnh sát Thái bắt,
đưa vào trại tị nạn, vì tôi đã từng đi xe đò, xe lửa giữa Singapore và
Thái Lan mà một lần trên tàu hoả nhiều người tưởng tôi trốn từ trại tị
nạn ra, vì tôi không biết tiếng Thái, định kêu cảnh sát bắt, nhưng nhờ
anh bạn đồng nghiệp giải thích rằng tôi gốc Việt nhưng có quốc tịch Mỹ
nên an ninh Thái thôi làm khó dễ.
Bài
báo của Anthony Paul trên nguyệt san Reader’s Digest số tháng 6/1984,
và qua các ấn bản bằng nhiều ngôn ngữ khác, đã cho thế giới biết đến
hành trình tìm tự do của Lý Tống từ khi vượt ngục khỏi trại tù cải tạo
A30 ở Tuy Hòa năm 1980 cho đến lúc được định cư tại Hoa Kỳ cuối năm
1983.
Đến
Mỹ, Lý Tống vừa đi học vừa đi làm. Với lý tưởng trừ gian, diệt bạo, ông
đã có lần bắn chết kẻ cướp, đã đưa một tay anh chị băng đảng vào đường
tử mà không bị án tù vì hành động của ông hoàn toàn mang tính tự vệ.
Ông
tốt nghiệp cử nhân, rồi cao học ở Đại học Louisiana và đang chuẩn bị
bảo vệ luận án tiến sĩ thì lên đường thực hiện một sứ vụ.
Ngày
4/9/1992 vào dịp kỷ niệm sinh nhật và húy nhật Hồ Chí Minh, Lý Tống đã
uy hiếp phi công của một chuyến bay dân sự từ Bangkok đến Việt Nam, cho
phi cơ bay thấp trên không phận Sài Gòn để rải truyền đơn. Sau đó ông
nhảy dù ra và bị bắt, bị kết án 20 năm tù.
Cộng
đồng người Việt hải ngoại tìm mọi cách vận động cho ông được tự do. Các
tổ chức nhân quyền quốc tế không lên tiếng can thiệp vì coi đó là hành
vi không tặc.
Thế
nhưng đến dịp Quốc Khánh 2/9/1998 của Việt Nam ông đã được Hà Nội ân xá
và trục xuất, cùng với các tù nhân khác là giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác
sĩ Nguyễn Đan Quế – hai nhà bất đồng chính kiến bị Hà Nội mà bị kết án
tù nhiều năm – và Jimmy Trần, một người Mỹ gốc Việt khác bị kết án với
tội âm mưu đặt bom phá tượng đài Hồ Chí Minh trước trụ sở ủy ban nhân
dân thành phố.
Hành
trình vượt biển của Lý Tống đã như một huyền thoại. Việc ông thực hiện
được việc rải truyền đơn xuống Sài Gòn, xuống Havana cũng là huyền
thoại.
Nhưng
sự kiện Hà Nội thả tự do cho Lý Tống còn là điều lạ lùng hơn, vì ông
mới chỉ thụ án 6 năm của một bản án 20 năm tù, mà theo luật Việt Nam thì
tù nhân chỉ được ân xá sau khi đã thi hành 2 phần 3 bản án và có những
hành vi tốt trong tù.
Trường
hợp Lý Tống hoàn toàn khác. Ông được ra khỏi nhà tù ở Việt Nam khi thi
hành chưa đến một phần ba bản án, ngắn hơn cả thời gian ông ở tù bên
Thái Lan sau vụ lái máy bay vào Sài Gòn thả truyền đơn lần thứ hai vào
cuối năm 2000.
Những
sự việc mà sau này ông tiếp tục thực hiện vì lý tưởng chống cộng sản,
như tuyệt thực cho “Little Saigon San Jose”, xịt sơn vào hình ảnh Hồ Chí
Minh ở Nam California, xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay dự
định xâm nhập vào đại sảnh thành phố San Francisco nhân có hội nghị
“Meet Vietnam” để lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam cho thấy ông là
người mưu trí và gan dạ.
Tôi
có dịp gặp Lý Tống nhiều lần sau khi ông từ Thái Lan trở lại Hoa Kỳ,
trong những dịp như diễn hành Tết, biểu tình phản đối văn công Việt
Cộng, trong vụ “Little Saigon San Jose” hay đôi lần ngồi ăn cơm, ông
luôn nói là: “Mình phải thực hiện những biện pháp bất tuân dân sự, civil
disobedience, thì mới tạo tiếng vang cho chính nghĩa được.”
Những phi vụ của Lý Tống quả thật là phi thường để được thế giới biết đến ông như là James Bond hay Papillon của Việt Nam.
Đối
với nhiều người Việt, Lý Tống với gần hai mươi năm qua các nhà tù ở
Việt Nam, ở Thái Lan mà ông vẫn hiên ngang trực diện đối đầu với cộng
sản, đó đích thực là con người của huyền thoại.
Lý
Tống tên thật Lê Văn Tống, sinh ngày 1/9/1945 tại Huế, Việt Nam, mất
ngày 5/4/2019 tại San Diego, California sau một cơn bệnh. Hưởng thọ 73
tuổi.
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào