Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông : Malaysia chống chiến thuật « chia rẽ Đông Nam Á » của Bắc Kinh

    Sau Philippines, Malaysia là mục tiêu thứ hai của Trung Quốc trong chiến thuật bẻ gãy từng thành viên Đông Nam Á để thống trị Biển Đông. Nhưng Mahathir không phải là Duterte. Theo South China Morning Post hôm 18/05/2019, Kuala Lumpur từ chối đàm phán song phương với Bắc Kinh.

    Thủ tướng Malaysia Mahathir (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 20/08/2018.
    Phát biểu trên đài phát thanh độc lập Malaysia BFM 89.9 hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Saifuddin Abdulla cho biết sẽ không có chuyện đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo ông, xung khắc chủ quyền tại Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán đa phương, và Trung Quốc phải đàm phán với 10 nước ASEAN.

    Theo các nguồn tin riêng của South China Morning Post , « Bắc Kinh đã gợi ý với Kuala Lumpur thành lập một cơ chế tham khảo song phương » để hai bên thảo luận « riêng với nhau » những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng Ngoại trưởng Malaysia bác bỏ ý kiến này. Ông giải thích : Đó là chiến thuật của Bắc Kinh đàm phán riêng với từng nước nhỏ ở Đông Nam Á theo kiểu lấy thịt đè người để rồi khi họp chung lại, ASEAN bị phân hóa lập trường, không thảo luận chung được, cuối cùng chỉ thụ động thông qua theo ý Trung Quốc.

    Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật « chia để trị » với Kuala Lumpur nhằm vô hiệu hóa Malaysia, như đã thành công trong việc trói tay Philippines của tổng thống Duterte trong hồ sơ Biển Đông. Philippines bỏ qua một bên chiến thắng trên mặt luật pháp quốc tế, đánh đổi chủ quyền quốc gia để được tài trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, South China Morning Post nhắc lại.

    Tuy nhiên, Trung Quốc đụng phải lập trường cứng rắn của Kuala Lumpur từ khi thay đổi đa số cầm quyền.

    Thời thế cũng thuận lợi hơn cho các nước Đông Nam Á.

    Được South China Morning Post đặt câu hỏi, chuyên gia Trung Quốc Trương Minh Lượng, đại học Tế Nam, phân tích : Chiến tranh thương mại với Mỹ buộc Trung Quốc tìm cách tạo thế bình ổn với các nước láng giềng, nhưng chiến thuật « chia để trị » có khả năng đụng phải sự đề kháng của Malaysia.

    Với sự lãnh đạo của thủ tướng Mahathir, Kuala Lumpur thấy rõ tình hình sáng sủa hơn và lợi thế của Malaysia so với Trung Quốc. Do vậy, không có lý do để thảo luận riêng với Bắc Kinh.

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào