Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam và các sân 'trục lợi' màu mỡ ở khu vực công

    Hiện tượng 'trục lợi' không phải là mới, nhưng tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng và lan rộng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt.

    Nền kinh tế VN được đổi mới theo hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN
    Từ góc nhìn chính sách công bài viết sau đây chia sẻ cách lý giải về căn nguyên của vấn đề trục lợi, từ đó gợi ý về hướng cải cách thể chế hiện nay.

    Luôn là 'diễn biến phức tạp'

    'Trục lợi tâm linh' nói chung và hoạt động 'thỉnh vong, oan gia trái chủ' thu nhiều tiền của người dân ở chùa Ba Vàng nói riêng là hiện tượng trục lợi điển hình.

    Truyền thông nhà nước, báo giấy, báo mạng, lề phải, lề trái, … dồn dập đăng tải tin nóng, bình luận, phê phán.

    Ngoài vụ việc lớn lâu nay như BOT và 'lợi ích nhóm', thì các vụ 'trẻ em trong trường mầm non bị nhiễm sán lợn khi ăn phải thực phẩm bẩn' và 'trục lợi chính sách trong dự thảo tiêu chuẩn cho nước mắm… cũng đang khiến dư luận dậy sóng.

    Cuộc họp báo ngày 25/03/2019 do Bộ Công an tổ chức thông tin một số hoạt động của ngành trong quý I/2019 nhận định rằng tình hình các loại tội phạm về bảo kê, xã hội đen, tín dụng đen, ma tuý, trật tự an toàn giao thông 'diễn biến phức tạp, nóng bỏng'…

    Theo đó, trong thời gian gần đây Bộ Công an đã xử lý gần 30.200 vụ phạm tội, trong đó có nhiều vụ án liên quan đến 'trục lợi' như tội phạm kinh tế 6.458 vụ; tội phạm tham nhũng, chức vụ 71 vụ; tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường 6.590 vụ…

    Trong cuộc họp báo nhiều câu hỏi được nêu về một số vụ 'điển hình' như: Vụ án 'can thiệp, nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại một số tỉnh.

    Trong vụ án 'Vũ Nhôm' đã khởi tố và xét xử sáu vụ án, trong đó riêng sai phạm về quản lý đất đai thì cơ quan điều tra khởi tố 21 cá nhân và hiện tiếp tục điều tra nhóm người ở TP HCM;

    Vụ 'sai phạm trong quản lý và đầu tư công tại MobiFone', Dự án ở Venezuela của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang điều tra…

    Vẫn là biểu hiện của thể chế bất cập

    Từ góc độ chính sách công, trục lợi là hành vi của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp tìm cách kiếm tiền thông qua hành vi thao túng môi trường kinh tế và pháp lý thay vì hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Trong bất kỳ thể chế nào hành vi trục lợi đều có thể xảy ra nhưng với mức độ nghiêm trọng khác nhau tuỳ thuộc vào chất lượng hệ thống kinh tế chính trị.

    Trong nhiều vụ việc thường thấy 'bóng dáng các quan chức'.

    Liên hệ với thực tế nước ta, xin nêu trường hợp 'nổi cộm' để giải thích.

    Chủ trương 'quân đội, công an làm kinh tế' chắc chắn dẫn đến những vụ án như Vũ Nhôm, Út trọc.

    Người ta có thể biện minh cho đặc thù khi Việt Nam khi còn trong điều kiện sau chiến tranh, lực lượng quân ngũ còn lớn, tiềm năng về phương tiện vật chất kỹ thuật, đất đai… chuyển sang làm kinh tế là phù hợp.

    Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn giữ kiểu hoạt động phi kinh tế dựa trên 'nước sông, công lính' thì kiểu trục lợi bởi các cán bộ quân sự tha hoá, ít hay nhiều, được che đậy bởi thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng là không tránh khỏi.

    Vấn đề sẽ nảy sinh khi một số 'thủ trưởng' các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh núp dưới vỏ bọc chắc chắn này có xu hướng bị cám dỗ bởi vật chất hoặc danh vọng dẫn đến cách hành xử cơ hội chủ nghĩa khi cho rằng mình sẽ thoát khỏi hình phạt, khi 'cấp trên' không có được đầy đủ thông tin hay vẫn đặt niềm tin vào phẩm chất 'người lính'.

    Giả sử trong trường hợp bị phát hiện họ cho rằng trong bối cảnh 'tham nhũng tràn lan' vẫn có thể thoát bằng cách 'làm hài lòng' hoặc tìm các quan hệ 'nhờ vả'.

    Môi trường thể chế đã lạc hậu và đang níu kéo sự chuyển đổi sang cơ chế thị trường, kìm hãm tăng trưởng kinh tế, trong đó điểm yếu cơ bản là vấn đề sở hữu không rõ ràng - dư địa của trục lợi.

    Các hình thức sở hữu nhà nước, tập thể hay tư nhân, chung hay riêng… nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài sản công luôn tạo nên tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.

    Trong bối cảnh cải cách thể chế ở Việt Nam vấn đề thân chủ - đại diện tạo nguy cơ trục lợi tràn lan. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp 'sân sau' của đảng, đoàn… thì hơn 6.000 đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội hưởng ngân sách, nắm giữ một khối lượng tài sản công, đất đai… là mảnh đất màu mỡ để trục lợi.

    Trong thực tế môi trường pháp lý còn nhiều bất cập các 'vị thủ trưởng' đại diện cho cho sở hữu nhà nước 'luôn biết cách' vận dụng cho lợi ích riêng, lợi ích cục bộ hay cá nhân.

    Họ là nhóm đối tượng có nguy cơ trở thành các nạn nhân của 'rủi ro đạo đức'.

    Bộ Công an gần đây có văn bản gửi PVN đề nghị cung cấp hồ sơ về dự án khai thác dầu khí ở Venezuela
    Điều gì thực sự ngáng đường cải cách?

    Trục lợi là kiểu hành vi bản năng, tự phát và cơ hội chủ nghĩa của con người dựa trên nhận định chủ quan về chi phí cơ hội. Các hành động mang tính mục đích có thể được thúc đẩy bởi các động cơ vì mình (vị kỷ), vì người khác (vị tha) và vì bị ép buộc.

    Tương thân, tương ái, nỗ lực vì lợi ích của gia đình, cộng đồng làng xã được coi trọng như một phẩm hạnh. Lòng vị tha thích hợp với các nhóm nhỏ.

    Chủ thuyết xã hội chủ nghĩa chuyển sang xã hội đại chúng, phần lớn bằng bạo lực chuyên chính vô sản, một vài trường hợp cá biệt mang tính dân tuý như Venezuela nó trở thành ý thức hệ: CNXH được dựa trên sự cống hiến và tạo ra sự vị tha. CNXH được dựa trên nhu cầu con người, 'làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu'.

    Tuy nhiên, khi vận hành hệ thống động cơ ép buộc, hành chính luôn được áp dụng dưới nhiều hình thức.

    Ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã được cảnh báo về sự giáo điều, duy ý chí và hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên chỉ đến khi hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ sự cảnh báo mới được minh chứng.

    Trong thế giới đương đại, người ta cho rằng chủ nghĩa tư bản, với thị trường tự do và mô thức duy lợi, được dựa trên sự ích kỷ, khuyến khích lòng tham, gây 'rủi ro đạo đức'.

    Tuy nhiên, trong thực tế thị trường tự do đòi hỏi hành động tự nguyện giữa các cá nhân, không có sự ép buộc. Theo đó, nếu bạn muốn một cái gì từ người khác, bạn phải làm một cái gì đó cho họ. Chính vì thế mà chủ nghĩa tư bản phát triển tự nhiên.

    Đường lối đổi mới ở Việt Nam đã trải qua chặng đường hơn một phần ba thế kỷ. Nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam dù có được diễn giải rằng đó là thị trường định hướng XHCN, thì trước hết vẫn cần hiểu đúng về thị trường để có thể cải cách đúng đắn.

    Nhưng thực tế đã cho thấy rằng sự níu kéo vào ý thức hệ giáo điều có thể sản sinh ra những chính sách và quản lý sai lầm, làm chậm quá trình chuyển sang kinh tế thị trường.

    Hiện nay chính sách thúc đẩy tự do kinh doanh đang làm tăng tốc quá trình chuyển đổi. Nó mang lại lợi ích kép, không chỉ tạo ra động lực tăng trưởng, mà còn tạo hứng khởi cho các doanh nghiệp, cá nhân nỗ lực tự mình đạt mục đích do làm hài lòng khách hàng thay vì các mối quan hệ 'nhờ vả' chính quyền.

    Tuy nhiên, mặt trái của chính sách cũng đang bộc lộ, trong đó trục lợi là hiện tượng đặc trưng. Nó trở nên nghiêm trọng và lan rộng trong thể chế có quá nhiều bất cập.

    Con người tạo ra thể chế để rồi bị ràng buộc bởi nó. Trong quá trình sinh tồn con người luôn điều chỉnh thể chế mỗi khi nó không còn phù hợp.

    Thể chế lạc hậu là rào cản lớn nhất, bởi vậy 'cải cách thể chế là dư địa lớn cho tăng trưởng'.

    Vận hành chính sách là một quá trình hai mặt: 'chống' và 'xây' đồng thời.

    Hiệu quả của cải cách hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc thiết kế các bộ phận cấu thành cơ chế thị trường, trong đó các nguyên tắc cơ bản như: sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, động cơ lợi nhuận, cạnh tranh công bằng và năng lực chủ thể tự quyết.

    Theo tôi, cải cách thể chế không khi nào là đơn giản và tuỳ thuộc vào lựa chọn của giới cai trị trên cơ sở những ý tưởng và triết lí xã hội.

    Chúng không chỉ để hiểu và diễn giải thế giới thực, mà quan trọng hơn còn để thay đổi vì lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc thay vì lợi ích cục bộ, riêng của nhóm người.

    Phạm Quý Thọ 
    Gửi cho BBC từ Hà Nội

    * Bài viết thể hiệnquan điểm riêng của TS Phạm Quý Thọ từ Hà Nội.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào