Tìm mọi cách câu giờ để không chịu
sửa đổi Luật Đất Đai theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng lại
đẩy nhanh tốc độ ‘tập trung tích tụ đất đai’ vào tay các nhóm lợi ích
mafia, đã quá rõ là Chính phủ, Bộ tài nguyên và Môi trường của các tập
đoàn lợi ích móc xích với quan chức đang lao vào hội chứng ‘hốt cú chót’
khi chứng kiến màn đêm buông trùm lên chế độ.
Không
bao lâu sau chủ trương 'tập trung tích tụ ruộng đất', khu Vườn Rau Lộc
Hưng của người dân đã bị chính quyền TP.HCM phá sạch và 'cướp sạch'.
Tại
phiên họp của Ủy ban Pháp luật quốc hội diễn ra trong hai ngày 25 và 26
tháng 3 năm 2019, sau khi xuất hiện một số ý kiến của đại biểu quốc hội
yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ Luật Đất đai sửa đổi để sẵn sàng đưa vào
chương trình trình Quốc Hội, phía Chính phủ đã đề nghị rút dự án Luật
Đất đai sửa đổi khỏi chương trình năm 2019 cho đến sau năm 2020, với lý
do để cho việc sửa đổi thật “chín”.
Bộ
trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà, đại diện của cơ quan được
chỉ định nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013, cũng là tác giả kiêm đạo
diễn của thảm họa xả thải môi trường Formosa mà đã đẩy đến nửa triệu dân
các tỉnh miền Trung vào cảnh khốn quẫn nhưng vẫn không hề bị xử lý bằng
bất kỳ hình thức pháp luật nào, cho rằng “đất đai tại Việt Nam là một
lãnh vực nhạy cảm và phức tạp và khi thực hiện sửa đổi thì càng thấy khó
khăn và vướng mắc”.
Đề
nghị rút Luật Đất Đai của phía chính phủ - bị nghi ngờ rất lớn về việc
có bàn tay ‘thày dùi’ của một số nhóm lợi ích, tài phiệt cùng một lũ một
lĩ quan chức được vấy máu ăn phần trong đó, xảy đến trong bối cảnh cơn
ung thư cưỡng chế đất vẫn không hề thuyên giảm trên toàn cõi Việt Nam,
khiến cho ngày càng nhiều người dân trắng tay ngay trên mảnh đất chôn
rau cắt rốn của mình. Vụ ‘cướp sạch’ 5 ha đất Vườn Rau Lộc Hưng do chính
quyền TP.HCM đích danh thủ phạm vào giáp tết nguyên đán 2019 là chứng
cứ mới nhất, quá đủ để thiết lập một phiên tòa xử giới quan chức về tội,
lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và biến người dân thành kẻ
thù bất đắc dĩ của chế độ cầm quyền cường bạo này.
Vườn
Rau Lộc Hưng cũng là một trong những biểu hiện đấu tiên về chủ trương
‘tập trung tích tụ đất đai’ của đảng cầm quyền - phát sinh từ năm 2017 -
khiến người nông dân Việt Nam mất đi mảnh đất ở và kế sinh nhai cuối
cùng.
Trong
khi hoàn toàn chưa có cơ sở nào để tin rằng chủ trương “Tập trung tích
tụ đất đai” của đảng cầm quyền sẽ “tăng năng suất lao động và làm cho
nông dân đỡ khốn khổ hơn” như lối tuyên giáo không còn biết liêm sỉ là
gì của hệ thống báo đảng, chủ trương này đã bị biến thành công cụ của
những kẻ “tay không bắt giặc”, không chỉ là tai họa xã hội mà còn là một
nguy cơ chính trị khủng khiếp đối với chế độ theo cách “chở thuyền là
dân mà lật thuyền cũng là dân.”
Trong
thời gian gần đây, đã diễn ra một làn sóng nhẹ nhiều doanh nghiệp
chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2016, như “đánh hơi”
được chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” sắp được đảng khởi phát,
một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản bắt đầu tính toán
“nhảy” vào lĩnh vực nông nghiệp, bất chấp tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh
vực này luôn thuộc loại thấp trong số các ngành sản xuất và kinh doanh ở
Việt Nam.
Dù
chưa chính thức, “Tập trung tích tụ đất đai” bắt đầu bị soi mói lợi
dụng, và nếu không được kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung chủ trương này
có thể tiếp tay cho hành vi “lấy của người nghèo chia cho người giàu.”
Hậu
quả ghê gớm có thể nhìn thấy trước là chủ trương “Tập trung tích tụ đất
đai” nếu không được kiểm soát và chế tài trong quá trình triển khai,
đặc biệt về việc doanh nghiệp phải triển khai đúng công năng đối với đất
nông nghiệp, tất sẽ phát sinh tràn lan tình trạng nhiều doanh nghiệp
lợi dụng chủ trương này để cưỡng bức nông dân phải vào cơ chế “tập đoàn
hóa” của họ như thời “kinh tế mới” ngay sau năm 1975, hoặc tồi tệ hơn là
doanh nghiệp “tay không bắt giặc” khi cấu kết với chính quyền địa
phương để cưỡng bức thu hồi đất của nông dân, biến những người đang sở
hữu mảnh đất chôn rau cắt rốn và là kế sinh nhai duy nhất thành dân oan
đất đai, sau đó chuyển công năng đất nông nghiệp thành đất đô thị để bán
kiếm lời khủng.
“Triển
vọng mất trắng” của nông dân là có thực. Một trong những phương án “hợp
tác giữa doanh nghiệp và nông dân” mà chính quyền nêu ra là doanh
nghiệp sẽ tổ chức canh tác trên đất của nông dân, còn nông dân sẽ biến
thành “công nhân nông dân” làm thuê cho doanh nghiệp đó. Lẽ dĩ nhiên,
mức thu nhập của nông dân được “vẽ” theo phương án này là không tệ (4-5
triệu đồng/người/tháng). Nhưng trong thực tế, đã có quá đủ kinh nhiệm
xương máu về việc nhiều doanh nghiệp đã “từ tâm” đến thế nào để từ lợi
dụng nông dân đến cướp đất của họ. Một khi đã lấy được đất của nông dân,
không có gì bảo đảm là doanh nghiệp sẽ thuê nông dân làm công cho họ,
mà nếu có thuê thì cũng chẳng có gì chắc chắn là nông dân sẽ được hưởng
một mức lương đủ sống.
(VNTB)
Không có nhận xét nào