Tư lệnh Lục quân Thái Lan hôm 2/4
cảnh báo dân chớ đi biểu tình để phản đối cuộc bầu cử đang bị tranh
chấp, chớ xúc phạm chế độ quân chủ được tôn kính, và chỉ trích những
người mà ông nói là “xuyên tạc” nền dân chủ.
Tướng Apirat Kongsompong-chỉ huy quân đội Thái Lan. |
Theo
Reuters, phát biểu của Tư lệnh Lục quân Thái Lan là một trong một loạt
dấu hiệu mới nhất xuất phát từ quân đội và các định chế thân hoàng gia,
chống lại các đảng đối lập trung thành với cựu Thủ tướng bị lật đổ
Thaksin Shinawatra.
Cuộc
bầu cử ngày 24/3 đã đặt đảng của nhà lãnh đạo chính quyền quân sự vào
thế đối đầu với một liên minh đối lập. Kết quả không dứt khoát của cuộc
bầu cử dẫn đến việc cả đảng thân quân đội Palang Pracharat lẫn phe đối
lập, đều tuyên bố chiến thắng.
Kết quả chung cuộc sẽ không được công bố cho đến ngày 9/5.
Đại
Tướng Apirat Kongsompong tuyên bố quân đội sẽ giữ thái độ trung lập
trong cuộc bầu cử mà người tiền nhiệm của ông, cựu Tư lệnh quân đội
Prayuth Chan-ocha đang tìm cách duy trì quyền lực trong cương vị Thủ
tướng dân cử, năm năm sau khi ông lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính.
“Tướng
General Prayuth phải đi theo con đường của riêng ông và quân đội phải
lùi lại”, Reuters dẫn lời Tướng Apirat nói. “Quân đội chúng tôi không
thể tham chính”.
Mặt
khác, Tướng Apirat khẳng định rõ rằng quân đội sẽ không cho phép lặp
lại các cuộc biểu tình quy mô trên các đường phố như trước đây, trong đó
cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối ông Thaksin đã làm tê
liệt thủ đô Bangkok trong nhiều tháng trời.
“Tôi
không thể để người Thái giải quyết những khác biệt quan điểm trên các
đường phố”, Reuters dẫn lời Tướng Apirat nói với các phóng viên. Ông nói
thêm rằng người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong cuộc bầu cử phải giải
quyết những khác biệt của họ tại diễn đàn quốc hội.
Tướng
Apirat cũng giành những lời lẽ gay gắt cho các chính khách mà theo ông
đã “bóp méo” các nguyên tắc dân chủ, khiến các nguyên tắc này không phù
hợp với văn hóa Thái Lan, là tôn kính nhà vua và đặt ngài lên trên hết,
một ám chỉ rõ ràng nhắm tới đảng của ông Thaksin và các đồng minh của
đảng này.
“Làm như vậy là không phải”, ông Apirat nói. “Thái Lan là một nền dân chủ và nhà vua là vị nguyên thủ quốc gia”.
Các
đảng trung thành với ông Thaksin đã dành được thắng lợi trong tất cả
mọi cuộc bầu cử từ năm 2001, ngay cả sau khi ông Taksin bị lật đổ trong
vụ đảo chính năm 2006.
Ông
Thaksin vẫn là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng mặc dù đã tự nguyện
sống lưu vong từ khi trốn khỏi Thái Lan vào năm 2008 để tránh một phiên
tòa về tham nhũng mà ông nói cho là có động cơ chính trị.
Tuần
trước, sáu đảng đã liên minh với đảng thân Thaksin Pheu Thai trong một
“mặt trận dân chủ”, mà họ tuyên bố sẽ hội đủ số ghế trong quốc hội để
thành lập chính phủ và ngăn chặn ông Prayuth tiếp tục nắm quyền.
“Mọi
người nên chấp nhận thắng thua”, ông Apirat nói. “Thay vào đó, họ xây
dựng một phe dân chủ và một phe độc tài, điều đó không đúng. Tất cả
chúng ta đều là người Thái”.
Người
đứng đầu quân đội cũng nhắc tới một tuyên bố của Quốc vương Maha
Vajiralongkorn vào đêm trước bầu cử. Phát biểu với các phóng viên hôm
2/4, nhà vua nói: “Chúng ta phải chọn người tốt ra để cai trị, để những
kẻ xấu không còn quyền lực”.
Quốc
vương Vajiralongkorn bất ngờ ra tuyên bố đó vào ngày 23/3, một động
thái được xem là phá vỡ cung cách ứng xử của vua cha, là không bàn về
chính trị. Ông đề cập đến “người tốt” và “kẻ xấu”, nhưng không đề cập cụ
thể tới bất kỳ đảng phái hay chính khách nào.
Chưa
đầy một tuần sau bầu cử, nhà vua ban hành một chiếu chỉ, tước bỏ mọi
danh hiệu hoàng gia hoặc tước hiệu mà ông Thaksin từng được trao tặng.
Lệnh vua được ban hành tiếp theo sau những động thái của quân đội nhằm tước đi công trạng của ông Thaksin.
Tuần
trước, quân đội nói rằng ông Thaksin đã hành động “một cách đáng chê
trách” để tước đi một giải thưởng về thành tích học tập trước đây của
ông trong tư cách sinh viên sĩ quan, đồng thời xóa tên ông khỏi danh
sách danh dự của nhà trường.
(VOA)
Không có nhận xét nào