Cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống
công quyền Việt Nam đồng loạt phản công Khá “Bảnh”, một You Tuber có
khoảng hai triệu người theo dõi.
Khá "Bảnh". Hình trích xuất từ website tintuc24h.info. |
Hôm
1 tháng 4, Khá “Bảnh”, tên thật là Ngô Bá Khá, 26 tuổi, ngụ tại xã Tam
Sơn, thị xã Từ Sơn, thành phố Hà Nội, bị tống giam theo hình thức “bắt
khẩn cấp”.
Công
an – lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật – đã cũng như đang phối hợp
chặt chẽ với hệ thống truyền thông chính thức để hạ bệ Khá “Bảnh”.
Ngoài
việc loan báo Khá “Bảnh” bị bắt vì có dấu hiệu “tổ chức đánh bạc”, công
an cho biết thêm, Khá “Bảnh” còn “dương tính với ma túy”, dường như có
liên quan đến “tín dụng đen”, tàng trữ vũ khí thô sơ (côn, kiếm). Công
an không quên nhấn mạnh, Khá “Bảnh” vốn nghiện ma túy, từng có tiền án,
tiền sự vì “gây rối trật tự công cộng”.
Song
song với việc loan báo rộng rãi những thông tin như vừa kể, hệ thống
truyền thông chính thức còn khai thác tận tình các chi tiết như Khá
“Bảnh”… khóc khi bị công an thẩm vấn, bày tỏ sự hối hận vì đã làm nhiều
điều sai trái, kèm theo những cảnh báo giới trẻ về tác hại của mạng xã
hội đến lối sống…
Tại
sao hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam phải tổ chức
phản công Khá “Bảnh”? Đại tá Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Bắc
Ninh, trần tình, đại loại: Không thể để con em chúng ta tung hô Ngô Bá
Khá. Nói cách khác, mục tiêu của cuộc phản công là để giành, giựt lại
ảnh hưởng trên hàng triệu thanh, thiếu niên.
Tại
sao Khá Bảnh, một nhân vật bị cả hệ thống chính trị, hệ thống công
quyền, lẫn hệ thống truyền thông chính thức miệt thị là “kẻ nghiện ngập,
cờ bạc”, một thứ “tội phạm… quèn” lại thu hút lượng thanh, thiếu niên
hâm mộ trên You Tube lớn tới mức có tháng kiếm được 20.000 Mỹ kim?
Tại
sao những nhân vật na ná Khá “Bảnh” (xuất thân và xuất hiện như du đãng
- thân thể vằn vện vì xăm, từ nói năng đến hành xử đều hết sức ngổ
ngáo): “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền Dũng Trọc, Quang Rambo, Huấn Hoa
Hồng, Khánh Sky,… càng ngày càng nhiều người hâm mộ, đặc biệt là giới
trẻ?
Tại
sao trong bốn thập niên vừa qua, cho dù hệ thống giáo dục ở Cộng hòa Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam cưỡng bức trẻ con làm Đội viên Đội Thiếu niên
Tiền phong Hồ Chí Minh, suốt từ lớp một đến lớp chín không ngừng nhồi
nhét, khuyến khích chúng làm “cháu ngoan bác Hồ nối nghiệp đảng tiên
phong”, tại sao bất kể năm nào hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh (Đoàn TNCS HCM) trải dài từ trung ương đến địa phương, vừa ngốn
hàng tỉ đồng tiền thuế, vừa thề thốt “làm theo lời bác” nhưng cuối cùng,
thanh, thiếu niên Việt Nam thế hệ trước chỉ dành sự ngưỡng mộ cho ca
sĩ, diễn viên,… Nam Hàn, còn thế hệ này bám theo xin chữ ký, xin chụp
hình với… du đãng?
Liệu
nỗ lực khống chế toàn bộ tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, kể
cả tôn giáo, nhằm duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN
có phải là “nhân”, tạo ra “quả” là thực trạng “nhạt đảng, khô đoàn, xa
rời chính trị” mà ông Nguyễn Phú Trọng, cảnh báo hồi cuối năm 2017, tại
Đại hội Đoàn TNCS HCM lần thứ 11 không? Khi hoạt động của tổ chức đặc
trách thanh, thiếu niên không nhắm đến lợi ích thật sự của mầm non, cũng
như của gia đình, xã hội, chỉ tạo ra bệ, phóng lên thượng tầng những
Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang,… thì tương
quan nhân – quả hẳn nhiên là mầm non “học tập và làm theo” những tấm
gương” như… Khá “Bảnh”?
***
Khi
hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xem tất cả những phân tích
nhược điểm, góp ý để cải sửa phương thức quản lý, điều hành quốc gia là
“luận điệu của các thế lực thù địch, phản động” thì còn bao nhiêu người
hăm hở trong việc chu toàn trách nhiệm công dân? Khi ông bà, cha mẹ xem
bàng quan với thời cuộc, với thực tại là điều tất nhiên để được an lành,
con cháu có bao nhiêu kẻ thấy rằng cần hành xử khác? Một dân tộc bị
buộc phải nhất trí “chưa bao giờ được như thế này” thì quốc gia đó còn
bao nhiêu cơ hội tự hoàn thiện để tiến bộ hơn? Bởi yên thân khác với yên
tâm, những cúng sao – gỉai hạn, cúng vong – giải nghiệp,… mới thành vấn
nạn!
Cho
dù ông bà, cha mẹ rồi hệ thống truyền thông chính thức giả mù, giả
điếc, giả câm thì hậu bối vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn cảm nhận được những
bất toàn của xã hội, khi hiện tại đáng chán, còn trăn trở không được
khuyến khích, khao khát thay đổi bị xem là cấm kỵ, thanh, thiếu niên tìm
những cái mới vô hại. Những Khá “Bảnh” thành công vì lạ và vô hại. Khá
“Bảnh” thật ra không phải là nhân vật mới. Khá “Bảnh” đã trở thành tiêu
điểm cho thanh, thiếu niên nhìn vào, dõi theo từ năm 2017. Hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng từng xem những nhân vật như
Khá “Bảnh” là vô hại đối với tham vọng và nỗ lực duy trì quyền lãnh đạo
toàn diện, tuyệt đối của mình.
Mãi
tới tháng rồi, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mới
giật mình khi chứng kiến những nhân vật như Khá “Bảnh” được đám đông,
đặc biệt là giới trẻ săn đón, bày tỏ sự ngưỡng mộ mà chân thành, nồng
nhiệt vượt xa mức độ dành cho ông Lê Quốc Phong (Bí thư thứ nhất Ban
Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM). Sự chân thành, nồng nhiệt ấy còn có
thể làm cho những lãnh đạo cao cấp như ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí
thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt
Nam), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tích Quốc hội), ông Nguyễn Xuân Phúc
(Thủ tướng),… cảm thấy tủi thân.
Tuyên
bố của Đại tá Nguyễn Văn Long: Không thể để con em chúng ta tung hô Ngô
Bá Khá! – là sự thú nhận rất đáng ngẫm nghĩ. Tại sao cúng sao – giải
hạn, cúng vong – giải nghiệp và những thanh niên nghiện ngập, cờ bạc, du
đãng nửa mùa như Khá “Bảnh”,… lại có thể tập hợp, dẫn dắt được đám
đông, đặc biệt là thanh thiếu niên? Những viên chức hữu trách như Giám
đốc Công an tỉnh Bắc Ninh có thể vô hiệu hóa một vài cá nhân như Khá
“Bảnh”song không thể chặn được những “giá trị” mà con cháu họ đang
ngưỡng mộ và tung hô. Đó cũng là một khía cạnh khác mà đại tá Long và
các đồng chí bị xem là đắc tội với xứ sở và dân tộc này.
Trân Văn
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào