Header Ads

  • Breaking News

    Thượng đỉnh Nga–Triều: Kim Jong Un thêm một lần phá thế cô lập

    Hôm nay 24/04/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tới Vladivostock, thành phố viễn đông của nước Nga để gặp tổng thống Vladimir Putin vào ngày mai. Cuộc gặp thượng đỉnh mang nhiều mục tiêu cho cả Matxcova và Bình Nhưỡng. Một trong những mục tiêu của Bình Nhưỡng là tăng cường quan hệ kinh tế với Matxcova, thoát khỏi vòng vây cấm vận kinh tế của quốc tế trong lúc mà quan hệ ngoại giao với Washington bế tắc.

    Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nói chuyển với thống đốc vùng Primorsky Oleg Kozhemyako khi ông đến nhà ga Vladivostok ở miền viễn đông Nga ngày 24/04/2019.
    Ý đồ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Bắc Triều Tiên-Nga này đã được thông báo chỉ vài ngày sau khi thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội thất bại cùng với những nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm thoát khỏi cấm vận kinh tế bị Washington dập tắt.

    Cải thiện kinh tế đất nước vẫn luôn là mối quan tâm đầu tiên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ông đã nhìn thấy ở nước Nga lúc này một lối thoát khả dĩ nhất. Bởi lẽ mỗi khi đề cập đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Kremlin và cá nhân tổng thống Nga Putin luôn tỏ lập trường phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng. Vậy Kim Jong Un đến Nga với mối quan tâm chính nào ?

    Theo cách ví của AFP thì ông Kim Jong Un lần đầu tiên đến Nga gặp ông Putin, nhưng ông không phải là người Bắc Triều Tiên duy nhất có mặt ở Nga, đất nước đang sử dụng hàng chục nghìn lao động Bắc Triều Tiên giá rẻ nhưng lại là một nguồn thu ngoại tệ lớn cho Bình Nhưỡng từ lâu nay.

    Đó chính là một trong mối quan tâm chính của chủ tịch Kim Jong Un trong cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Putin trong vài giờ ngày mai.

    AFP dẫn các số liệu chính thức của Nga, hơn 10.000 lao động Triều Tiên hiện vẫn đang làm việc ở Nga, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác gỗ và mỏ hay xây dựng trong vùng Viễn Đông, và họ sẽ phải về nước vào cuối năm nay theo nghị quyết 2397 của Liên Hiệp Quốc tháng 12/2017 về cấm vận Bắc Triều Tiên. Nghị quyết Liên Hiệp Quốc gia hạn 2 năm để các lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải về nước. Đội ngũ nhân công này – trước đây được thống kê vào khoảng 50.000 người – cung cấp cho Bình Nhưỡng một nguồn thu mà giới chức Mỹ ước tính lên đến hàng trăm triệu đô la. Đây là một khoản ngoại tệ không nhỏ cho Bình Nhưỡng.

    Tuần trước, một số quan chức Bình Nhưỡng đã lên tiếng đề nghị Matxcova tiếp tục sử dụng nhân công Bắc Triều Tiên hiện làm việc ở Nga sau hạn chót lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Nga vốn thường xuyên ủng hộ nới lỏng trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên, hơn nữa đây là nguồn nhân lực rẻ tiền. Nhà nghiên cứu Ahn Chan Il tại Hàn Quốc, bản thân từng đào thoát khỏi miền Bắc, nhận định : « Matxcơva có thế có những mục tiêu dài hạn. Quan trọng trước mắt là tiếp cận nguồn nhân lực Bắc Triều Tiên rẻ tiền trước tính đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thậm chí các dự án lớn, nếu một khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ ».

    Gần đây, nhiều quan chức Nga đã thi thoảng nhắc tới các dự án lớn – trong đó có các tuyến đường sắt tới châu Âu, đường ống dẫn dầu khí trên Bán đảo Triều Tiên, dù tất cả chỉ là trong tương lai nhưng sẽ thành hiện thực nếu Nga tạo điều kiện cho các nhu cầu cấp bách của Kim Jong Un lúc này là cải thiện kinh tế cho đất nước.

    Trên bán đảo Triều Tiên thì miền Bắc là nơi tập trung nhiều khoáng sản tài nguyên hơn miền Nam. Hiện tại trao đổi với Trung Quốc chiếm tới 90% quan hệ buôn bán quốc tế của Bắc Triều Tiên. Nga chưa có được dấu ấn lớn, tỷ trọng quan hệ buôn bán với láng giềng Bắc Triều Tiên vẫn chỉ ở mức vài chục triệu đô la. Nhưng trái lại, trước khi có lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, Nga là nguồn nhập khẩu năng lượng quan trọng của Bắc Triều Tiên. Mátxcova từ lâu đã có tham vọng mượn bán đảo Triều Tiên để chuyển khí đốt sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí cả tới Đài Loan. Năm 2011, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, Kim Jong Il đã tới Siberi gặp tổng thống Nga lúc bấy giờ là Dmitri Medvedev thảo luận về một dự án ống dẫn khí và đường dây tải điện xuyên quốc gia. Nhưng ông Kim Jong Il đã qua đời sau đó 3 tháng và các dự án đó bị bỏ rơi.

    Các đây hơn 1 năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã có bước đột phá ngoại giao ngoạn mục để thoát khỏi cô lập quốc tế và bắt tay với Hàn Quốc, đồng thời mở cửa đối thoại phi hạt nhân hóa với Washington và thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.

    Nhưng Trung Quốc dù là đồng minh cận kề lâu năm, nhưng đang bị chi phối bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bình Nhưỡng không khỏi lo lắng khi bị phụ thuộc vào nước láng giềng lớn này. Mục tiêu hòa giải, hợp tác làm ăn liên Triều, hướng tới một tương lai thống nhất 2 miền thì vấp phải quan hệ liên minh quân sự Mỹ-Hàn. Seoul sẽ không bao giờ dám vượt qua lệnh cấm vận miền Bắc nếu chưa có đèn xanh của Mỹ.

    Chọn hướng nước Nga lúc này có thể là một giải pháp một lần nữa giúp Bình Nhưỡng thoát thế cô lập và nếu thành công thì có khi đó lại là một áp lực trở lại với nước Mỹ của tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán hạt nhân tương lai.

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào