Header Ads

  • Breaking News

    Thủ tướng Phúc: ‘Bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay’ khi TT Trump giơ cao cờ VN

    Cộng đồng người Việt hải ngoại đang phản ứng khá mạnh với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông cho rằng “bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ cao lá cờ đỏ của Việt Nam trong chuyến đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh Trump-Kim.

    Tổng thống Donald Trump trao lá cờ Mỹ cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bản thân ông cầm lá cờ Việt Nam để vẫy chào đám đông trong chuyến công du đến Hà Nội vào ngày 27/2/2019.
    Trong đoạn video đang được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại buổi tiếp xúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa, một khu chợ do người Việt làm chủ ở thành phố Praha, Cộng hòa Séc, khi ông có chuyến thăm nước này từ ngày 16/4 – 18/4, người đứng đầu nhà nước Việt Nam nói rằng ông “rất tự hào” về cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung và đặc biệt tại Cộng hòa Séc vì họ đã “tự vươn ra, tự làm ăn, tự khẳng định” và “không chỉ có tiền, mà còn yêu quê hương đất nước”.

    “Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên cao thế này, lên khỏi đầu ổng, bà con có thấy hình ảnh đó không? Đó là gì? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn”, đoạn video ghi lại lời ông Phúc kèm theo mô tả của ông trước cộng đồng Việt kiều.

    Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã nhận được tiếng vỗ tay nồng nhiệt từ phía cử tọa, những người mà theo thông tin từ một số người Việt tại Cộng hòa Séc, là đã được chọn lựa và phải đóng một khoản tiền khoảng 2500 CZK (tương đương với 100 Euro) cho Ban tổ chức để được tham dự buổi gặp mặt này.

    Hiện VOA chưa nhận được trả lời về yêu cầu xác minh thông tin về khoản đóng góp này từ phía đại diện của Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhà báo David Nguyễn ở CH Séc, thì khoản tiền trên được kêu gọi đóng góp theo kiểu “tình nguyện”.

    “Họ thường xuyên dùng một thuật ngữ là phải lựa chọn những người ‘có tâm, có tầm và có lực’. Khi mời những người đi dự buổi gặp mặt thì họ có khuyến khích đóng góp. Những người bình thường thì có ai bỏ tiền ra để mò vào những chỗ đấy đâu. Còn những người hôm đó có mặt thì tuyệt đại đa số là có đóng góp. Nhưng nếu nói là bắt buộc thì không phải, cũng giống như ngày xưa quân Việt Nam sang Lào thì cũng là tình nguyện sang thôi”, nhà báo David Nguyễn nói với VOA.

    Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự Việt Nam từng sống ở Đông Âu, nhận xét với VOA về phát biểu của Thủ tướng Phúc,

    “Ông ta [Thủ tướng Phúc] đã nói một cách bộc trực và thiếu suy nghĩ. Một, chứng tỏ ông ta không thể trở thành một chính trị gia ra hồn được, bởi vì một chính trị gia ra hồn sẽ không bao giờ nói một cách hồ đồ như vậy”.

    “Nhưng ở đây, ông ấy nói một cách rất bộc trực. Ông nghĩ thế nào ông nói như vậy. Nó là dấu hiệu chứng tỏ sự hiểu biết của ông rất kém. Bởi vì một chính trị gia thì không bao giờ nên gây ra sự hận thù, không bao giờ nên bới sâu những hố ngăn cách”.

    Theo ông, bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam tại CH Séc đã đi ngược lại với chính phát biểu trước đây của ông nói rằng “bà con Việt kiều là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”.

    Cũng trong đoạn video trên, sau khi kêu gọi Việt kiều ở Séc hãy xây dựng một “cộng đồng lớn mạnh để giám sát, hạn chế tối đa những tổ chức chống đối đất nước”, Thủ tướng Việt Nam còn “khuyên các anh chị hãy quay về con đường lương thiện, lo làm ăn, xây dựng quê hương đất nước hơn là chống đối đất nước”.

    Ông cho rằng khuyết điểm ở đâu cũng có, kể cả “các nước công nghiệp sừng sỏ vẫn có tham nhũng, tiêu cực, chuyện này chuyện khác”, và mong rằng thông qua cộng đồng “kêu gọi những người hướng thiện trong bà con hướng tới quê hương đất nước”. Ông cũng nhắc đến một số trường hợp bị cấm nhập cảnh vì đã “quá đáng trong chuyện này chuyện kia”.

    Đoạn video dài hơn 30 phút đang nhận được khá nhiều sự quan tâm và phản ứng từ phía cộng đồng mạng xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

    Facebooker Hoàng Hùng nhận xét:

    “Ông sang thăm nước Cộng hoà Séc, ông không biết đến lịch sử nước Séc, thì ông cũng phải tham khảo những cố vấn của ông, để biết rằng nước Séc cũng từng là một nước cộng sản và nhờ vào những “phản động” làm nên cuộc Cách Mạng Nhung thì mới có đất nước Séc như hiện nay. Nhờ đập tan chế độ cộng sản mà người Việt mới được ở lại Séc định cư và mới có cái nơi mà ông đứng nói chuyện.

    Chính ông và cái đảng của ông mới phải là những người quay trở lại con đường lương thiện và đưa đất nước Việt Nam hoà nhập vào thế giới loài người, chứ không phải là cứ bảo vệ một chế độ cộng sản đã bị chính nơi sinh ra nó là châu Âu vứt vào sọt rác!”

    TS. Nguyễn Quang A gọi việc sử dụng ngôn từ và não trạng phân biệt những người không nghe theo mình là “phản động” của Thủ tướng Việt Nam và nhiều chính trị gia khác là một sự “bạo hành về ngôn từ”.

    Ông nói thêm rằng các chính trị gia “không nên làm chính trị” nếu như không học được những bài học sơ đẳng trên.

    (VOA)

    Không có nhận xét nào