Header Ads

  • Breaking News

    Tham vọng bành trướng qua ‘Một Vòng Đai, Một Con Đường’

    Bắc Kinh đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh “Một Vòng Đai, Một Con Đường” lần hai, từ Thứ Năm tuần này, 25 Tháng Tư, 2019. Có 37 quốc gia gửi người cầm đầu tới dự, không có Mỹ, Ấn Độ và các cường quốc Âu Châu. Tập Cận Bình sẽ nhân dịp này nhắc lại rằng “Nhất Đới Nhất Lộ” chỉ là một kế hoạch phát triển kinh tế hòa bình. Nhưng ai cũng biết đây là một chương trình nhằm chinh phục thế giới.
    Tham vọng bành trướng qua ‘Một Vòng Đai, Một Con Đường’

    Kể từ ngày Tập Cận Bình công bố chương trình tại Đại Học Nazarbayev ở thủ đô Kazakhstan, Tháng Chín, 2013, trang website chính thức bằng tiếng Anh luôn luôn gọi đây là một “sáng kiến” (initiative) và tuyệt đối không bao giờ dùng những chữ “strategy” (chiến lược), “programme” (chương trình), “project” (dự án), hay các chữ gợi ý là một kế hoạch.

    Ba mươi năm trước, khi Trung Quốc mới ngoi lên khỏi vũng lầy lạc hậu thời Mao Trạch Đông, họ thấy nước Mỹ đã có mặt khắp nơi. Bây giờ khác. Trong lúc chính phủ Mỹ chăm chú vào những “điểm nóng” như Iran, Bắc Hàn, hay Venezuela, thì đã có 129 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế tham gia “Một Vòng Đai, Một Con Đường,” như Dương Thiết Trì, thành viên Bộ Chính Trị Trung Cộng mới khoe. Một người dân Trung Hoa bình thường cũng thấy nước họ phải vươn lên ngang hàng rồi vượt qua nước Mỹ.

    “Nhất Đới Nhất Lộ” là chiến lược toàn cầu của Trung Cộng trong thế kỷ 21.

    Nếu nhìn trên bản đồ chúng ta thấy Vòng Đai xuyên qua lục địa Trung Á sang tới Trung Đông và Địa Trung Hải. Đây chính là Con Đường Tơ Lụa cũ, đã phát triển hàng ngàn năm, được Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) hoàn tất vào thế kỷ 13, giúp Venise (Ý) và Hàng Châu có thể trao đổi hàng hóa. Con đường cũ chỉ lỗi thời, bị quên lãng, sau khi người Ả Rập mở đường hảng hải qua Đông Nam Châu Á. Con Đường Tơ Lụa Trên Biển là sáng kiến của Tập Cận Bình, đi vòng qua vùng Biển Đông nước ta, qua Ấn Độ Dương rồi tiến qua Châu Âu.

    “Một Vòng Đai và Một Con Đường” nhắm nối kết hai lục địa có lịch sử lâu dài, Châu Âu và Châu Á – EurAsia; đó sẽ là trọng tâm mới của thế giới trong thế kỷ này.

    Theo ngân hàng ING của Hòa Lan thì trong năm 2018 số hàng hóa trao đổi giữa Châu Âu và Châu Á chiếm 28% tổng số thương vụ thế giới – trong đó không kể tới những vụ buôn bán giữa các nước Âu Châu với nhau.

    Tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Bruxelles cho biết từ năm 2013 giao thương Âu-Á đã lên tới $1.8 ngàn tỷ, gấp đôi số thương vụ giữa Châu Âu và Mỹ. Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang chủ trương phát triển thương mại với Châu Á. Nga cũng mở kế hoạch Liên Hiệp Kinh Tế Âu-Á (Eurasian Economic Union) Với cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ và Tây Âu đang lo có thể phát nổ, cán cân có thể còn nghiêng hơn nữa.

    Với “Một Vòng Đai và Một Con Đường,” Trung Quốc đang tìm cách đóng vai trò cường quốc Á-Âu lớn nhất. Trong mấy năm qua, Bắc Kinh đặt những trạm rải rác trên những đường giao thương huyết mạch giữa hai lục địa.

    Hơn 600 cơ sở đã được thiết lập trong hai trăm quốc gia. Ngân hàng Xuất Nhập Cảng Trung Quốc đã cho vay $149 tỷ để tài trợ hơn 1,800 dự án. Ngân hàng Phát Triển (CDB) cho vay $190 tỷ.

    Đường vận tải từ Trung Quốc sang Anh Quốc đang nối liền 48 thành phố Trung Hoa với 42 địa điểm ở Châu Âu. Ngày 26 Tháng Tám, 2018, đã có chuyến hàng thứ 10,000 đi từ Hamburg, nước Đức, tới Vũ Hán, bên bờ Trường Giang. Một đặc khu kinh tế Trung Hoa-Belarus được thành lập ở Minks đã có 36 công quốc tế đặt trụ sở.

    Các nước Hy Lạp, Luxembourg và Ý mới ký Bản Ghi Nhận (MOU) việc tham dự “Nhất Đới Nhất Lộ.” Thụy Sĩ cũng đang chuẩn bị. Đại sứ Trung Cộng ở London kêu gọi nước Anh giúp giải thích cho các nước khác hiểu rõ “Nhất Đới Nhất Lộ” hơn!

    Mục tiêu đầu tiên của “Một Vòng Đai, Một Con Đường” là giúp cho công nghệ xây dựng đang thặng dư ở Trung Quốc có thêm việc làm, sau khi Bắc Kinh đã chi biết bao nhiêu tiền ở trong nước, với nhiều công trình hoàn toàn vô ích, chỉ để ghi vào sổ phát triển kinh tế.

    Nhưng Bắc Kinh cũng sử dụng tiền chi cho dự án ở các nước để gây ảnh hưởng chính trị, ngoại giao; từ đó, có thể đặt những căn cứ quân sự. Và sau cùng họ còn muốn đưa “mô hình Trung Quốc” ra làm mẫu cho các nước đang phát triển; không nói đến tự do dân chủ, mà đã thành công.

    Cuối tuần qua, ông Kong Dan, cựu chủ tịch tập đoàn tài chánh Citic Group và Everbright Bank mới đọc một bài diễn văn tại Viện Nghiên Cứu Mộ Can San (Moganshan 莫干山), tỉnh Triết Giang. Theo báo South China Morning Post, ông nói rằng Trung Quốc đang lo xuất cảng một mô hình chính trị và kinh tế; mục đích là đưa nước mình trở lại “vai trò đúng” của một siêu cường đứng giữa thế giới. Vì mô hình đó đã thành công trong bốn thập niên qua.

    Muc tiêu cốt yếu của “Nhất Đới Nhất Lộ” là tạo nên một trật tự thế giới mới trong đó Trung Quốc đóng vai quan trọng nhất. Đó cũng là một cách chắc chắn nhất để bảo vệ độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản trên hơn một tỷ người dân Trung Hoa. Điều đó cũng chứng tỏ Tập Cận Bình xứng đáng với vai trò lãnh tụ suốt đời!

    Nhưng tham vọng của ông Tập Cận Bình không chắc sẽ thành công. Con đường ông đi đang khập khiễng, giống như bước chân ông trong các cuộc công du gần đây ở Châu Âu, mà báo chí đang hỏi không biết cẳng chân ông “có vấn đề gì!” Khi hội kiến Tổng Thống Pháp Macron, ông Tập phải vịn cả hai tay trên thành ghế trước khi ngồi xuống!

    Nhiều quốc gia tham gia “Nhất Đới Nhất Lộ” đang gặp nạn vì phải vay tiền của Trung Cộng, bị sập bẫy vì các món nợ này. Vụ tai tiếng lớn nhất là chính phủ Sri Lanka cũ bị dụ dỗ xây dựng một hải cảng ở Hambantota, tiền vay của Trung Cộng, giao cho các công ty quốc doanh Trung Cộng làm, cuối cùng vừa vô ích vừa vỡ nợ, phải giao tất cả cho Trung Cộng sử dụng. Nhiều dự án tại Malaysia, Maldives, Ethiopia, và Pakistan cũng bị đình hoãn trước mối lo mắc bẫy nợ nần.

    Thủ Tướng Mahathir mới ký lại hợp đồng làm con đường xe lửa, sau khi Trung Cộng chịu cắt giảm chi phí một phần ba, từ 65.5 tỷ ringgit xuống chỉ còn 44 tỷ, tiết kiệm được hơn $5 tỷ và sẽ mua thêm dầu dừa của Malaysia!

    Thủ tướng mới phải công khai nói rằng “Tôi sẽ không để cho Trung Quốc chiếm Cambodia,” sau khi dư luận phản đối Đặc Khu Kinh Tế ở gần Sihanoukville, hải cảng nước sâu duy nhất của xứ này. Hàng chục công ty Trung Cộng đã vào đóng trụ trong đặc khu, với số vốn đầu tư lên tới gần $4 tỷ trong năm 2018 – trong đó mở một sòng bạc MGM. Hải cảng này do người Nhật xây dựng, là nơi 70% hàng xuất nhập cho cả nước, nhưng hiện nay 30% dân số là người Hoa.

    Trong Tháng Tư, 2019, Liên Hiệp Âu Châu đã đồng thanh kết án “Nhất Đới Nhất Lộ” là phá hoại tự do mậu dịch vì các công ty quốc doanh Trung Cộng được chính phủ trợ cấp; và vạch ra rằng kế hoạch này chỉ nhắm vào mục đích chính trị. Năm ngoái, cựu Ngoại Trưởng Đức Sigmar Gabriel đã nói thẳng rằng Trung Cộng chỉ muốn phát triển một kiểu mẫu chính trị không màng đến tự do, dân chủ và nhân quyền, qua chương trình “Nhất Đới Nhất Lộ.”

    Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích tương tự. Nhưng chính phủ Mỹ đã rút ra khỏi thỏa hiệp (TPP) được vẽ ra để cản sức bành trướng của Trung Cộng; và Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lỏng lẻo dần vì các xung đột thương mại.

    Trong khi các nước ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh đang cần phát triển, nếu Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước Châu Âu không có một kế hoạch chung để cạnh tranh thì Trung Cộng vẫn có thể múa gậy vườn hoang. 
     
    Ngô Nhân Dụng
     
    (nguoi-viet.com)

    Không có nhận xét nào