Kể từ khi thành lập cho đến thất bại
tai tiếng của mình vào ngày 30/4/1975, Quân đội Việt Nam Cộng hòa liên
tục bị cả kẻ thù lẫn đồng minh chỉ trích.
Một nhóm lính Việt Nam Cộng hoà và cố vấn quân sự Mỹ dừng chân nghỉ trong rừng, gần thị trấn Bình Giã, cách Sài Gòn hơn 64 km, tháng 1/1965. Ảnh: Horst Faas/AP. |
Đối
với phe cộng sản, Quân đội VNCH là một quân đội bù nhìn của ngoại bang,
là tấm màn che chắn cho sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Đối
với đồng minh thân thiết nhất của mình, Quân đội VNCH bị nhiều báo cáo
của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ chỉ trích là một con hổ giấy, một mớ hổ
lốn tha hóa và tham nhũng, kém hiệu quả và thiếu tinh thần yêu nước. Một
lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam thậm chí
còn tức giận lên tiếng rằng: “Họ không muốn chiến đấu. Ngoại trừ thiểu
số, hầu hết quân lính thuộc Quân đội VNCH đều không có tinh thần chiến
đấu. Thậm chí có người bỏ chạy ngay khi xảy ra giao tranh với những nhóm
Việt Cộng”.
Những
cáo buộc “tiện lợi” này nhanh chóng được cả hai bên cộng sản và Hoa Kỳ
lợi dụng. Đối với quân đội Bắc Việt, đây là một cơ hội không thể rõ ràng
hơn để hạ thấp tính chính danh của Quân đội VNCH và sự ủng hộ của người
dân miền Nam Việt Nam dành cho họ. Đối với Hoa Kỳ, đổ lỗi cho Quân đội
VNCH là cách tốt nhất để lý giải một cách ít nhục nhã nhất cho thất bại
của họ trong chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến tốn kém nhất mà Hoa Kỳ
từng tham gia sau Thế Chiến II.
Tuy
nhiên, cũng vì lý do đó, ít có tài liệu nào thật sự phân tích rõ các
yếu tố khách quan dẫn đến tính kém hiệu quả của Quân đội VNCH, và bài
học mà hậu thế có thể học được. Bài viết này hy vọng có thể tóm lược vài
vấn đề mà người viết cho là quan trọng.
Tinh thần chiến đấu rệu rã
Đối
với nhiều quân nhân của Quân đội VNCH, mối liên hệ giữa họ và giới lãnh
đạo chính trị Sài Gòn không được tốt đẹp cho lắm. Theo họ, chính quyền
Sài Gòn rất kém cỏi và thiếu hiệu quả trong việc quản lý các nguồn lực
quân sự khiến cho quân nhân phải tự lo nghĩ đến các nhu cầu thiết yếu
hằng ngày, và vì vậy bị sao nhãng khi thực thi nhiệm vụ.
Quân
đội VNCH có truyền thống luôn luôn phàn nàn về chất lượng cuộc sống
trong quân ngũ, đặc biệt khi so sánh với quân đội Hoa Kỳ. Điều này được
thể hiện khá rõ trong bình luận của đại úy Trâm Bửu, phát ngôn viên cho
tướng Nguyễn Việt Thanh và Nguyễn Hữu Hạnh, vào năm 1973:
“Quân
đội Hoa Kỳ đang rút khỏi Việt Nam, và chúng ta kỳ vọng quân nhân Việt
Nam Cộng hòa phải đảm nhận hoàn toàn vai trò mà Hoa Kỳ để lại. Nhưng hãy
nhìn vào chất lượng cuộc sống của quân nhân Hoa Kỳ: họ có mức lương
tốt, chế độ dinh dưỡng tốt, được hỗ trợ tốt với các quân trường và nhà ở
tốt, họ không phải lo lắng về sự an toàn của gia đình họ khi tham gia
chiến dịch , họ có những kỳ nghỉ phép, đôi khi còn được phép về thăm
nhà.
Còn
hãy nhìn lại các quân nhân Việt Nam Cộng hòa. Chúng tôi không được hỗ
trợ, thu nhập thấp, phải sống trong tình trạng thiếu thốn ngay cả khi
được cho nghỉ phép. Và chúng tôi phải đối mặt với sự thật là kỳ quân ngũ
của mình chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt”.
[Có
thể tìm đọc trong tài liệu: Memorandum to C. E. Mehlert from Lacy
Wright, April 24, 1970, Conversation with Captain Tram Buu, April
23,1973, Can Tho, Vietnam]
Một
lập luận có phần… ích kỷ trong chiến tranh, như thể Quân đội VNCH đang
đánh thay trận chiến của người Mỹ. Vậy nên không khó để hiểu vì sao Hoa
Kỳ khó chịu về cách tiếp cận này. Nhiều người cho rằng Quân đội VNCH
đang dành quá nhiều thời gian để phàn nàn về “chất lượng cuộc sống”,
không hề quan tâm đến việc chiến đấu chống lại quân cộng sản để bảo vệ
sự tồn tại của nhà nước VNCH. Một cựu đại tá quân đội Hoa Kỳ từng phục
vụ nhiều năm tại Việt Nam tức giận nói:
“Vấn
đề không phải ở chỗ quân nhân VNCH có được ăn no hay ở nhà đẹp hay
không, vấn đề ở chỗ là họ có thật sự muốn chiến đấu để bảo vệ miền Nam
Việt Nam để mọi người dân của quốc gia này được cơm no áo ấm hay không.
Và tôi nghĩ là họ không quan tâm đến chuyện đó”.
Điều
này không có nghĩa rằng Quân đội VNCH là một đội quân tệ hại. Các
chuyên gia và cố vấn quân sự Hoa Kỳ đều nhận định rằng Quân đội VNCH
không chỉ sở hữu khí tài quân sự với chất lượng vượt trội hơn (một bình
luận có vẻ khá chủ quan vì Hoa Kỳ là người hỗ trợ hoặc bán những vũ khí
này cho chính phủ VNCH), họ cũng có kỹ thuật chiến đấu hiện đại, hiệu
quả và ít tốn nhân mạng hơn so với các chiến thuật quân sự cổ điển mà
quân đội Bắc Việt hay áp dụng.
Song
điều này vẫn không đủ để ngăn Quân đội VNCH trở thành một tập hợp rời
rạc, rệu rã và thiếu tinh thần chiến đấu. Phân tích một cách khách quan,
đây là hệ quả của các chính sách quân sự và tổ chức thể chế yếu kém cho
thời chiến của chính quyền Sài Gòn.
Một toán quân Việt nam Cộng hoà. Ảnh: Tạp chí LIFE. |
Tỉ lệ đào ngũ cao nhất lịch sử quân sự hiện đại thế giới?
Các
sử gia quân sự thường xem tỉ lệ đào ngũ (desertion rate) là một chỉ số
để nhận diện tính kỷ cương, hiệu quả và tinh thần chiến đấu (morale) của
một đội quân. Tại miền Nam Việt Nam, tỉ lệ đào ngũ luôn là một cơn ác
mộng.
Theo
một báo cáo chính thức của Hoa Kỳ (xem thêm ở tài liệu: RWAF
Assessments, 1970, “Assessment of ARW/VNMC Operations, February 1970,
Center for Military History, Washington, DC) tỉ lệ đào ngũ của Quân đội
VNCH vào năm 1968 lên đến 17,7 người trên 1.000 quân nhân. Nếu đây là
con số chính xác, tỉ lệ đào ngũ của quân đội miền Nam Việt Nam có thể
xem là cao nhất trong lịch sử quân sự hiện đại thế giới – bao gồm cả các
cuộc chiến tranh tàn khốc như Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến.
Để
tìm hiểu nguyên do, cũng trong năm 1968, Tổ chức Cố vấn Quân sự Hoa Kỳ
thực hiện một khảo sát dành cho quân nhân Quân đội VNCH để tìm hiểu các
nhân tố gây ảnh hưởng đến vấn đề đào ngũ (Tìm đọc thêm trong ‘Causes for
Quân đội VNCH Desertion’ US Army Advisory Group, October 7, 1968, I1
Corps Tactical Zone, John W. Barnes, Brigadier General, USA Commanding,
CMH). Với số phiếu trả lời lớn và áp đảo, các nhóm bộ binh Quân đội VNCH
cho rằng có rất nhiều nguyên do, bao gồm việc họ không được tiếp xúc
thường xuyên với gia đình, các chiến dịch liên khu kéo dài quá lâu và xa
rời khu vực đóng quân thường trực của họ, và đóng góp của họ không được
tưởng thưởng xứng đáng, v.v.
Các
báo cáo khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (như State Department Briefing
Book on Vietnam, 1968) cũng cho thấy các cố vấn quân sự Hoa Kỳ hiểu được
thực trạng rằng rất nhiều quân nhân VNCH có gia đình làm nông (số lượng
rất đáng kể) thường xuyên bỏ đơn vị để về phụ giúp gia đình, đặc biệt
trong mùa thu hoạch. Sau đó họ mới trở lại đơn vị hoặc đôi khi báo danh
với đơn vị gần gia đình hơn.
Trong
khi đó, pháp luật liên quan đến mô hình quản lý quân ngũ của VNCH quá
cứng nhắc, gây phương hại lớn đến hình ảnh của quân đội trong mắt công
chúng cũng như tới tinh thần chiến đấu của quân đội. Ví dụ, bắt đầu từ
năm 1957, cơ quan chỉ huy Quân đội VNCH và chính quyền Sài Gòn sẽ xếp
một cá nhân vào danh sách đào ngũ bất kỳ khi nào người này không có mặt
trong các buổi duyệt binh sáng (morning muster). Đây là một biện pháp
quản lý quân ngũ khá bất thường, vì ngay cả quân đội Hoa Kỳ cũng chỉ xác
định những quân nhân không duyệt binh sáng nằm trong diện “vắng không
phép” (absent over leave – AOL / absent without leave – AWOL).
Tháng
7/1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục ban hành chính sách mới
với mục tiêu tách hoàn toàn quân nhân VNCH ra khỏi vùng đóng quân quen
thuộc gần với gia đình, bạn bè hay khu vực thành thị. Thậm chí, trong
một số trường hợp, đây cũng là nơi các quân nhân tìm được các nguồn thu
nhập từ hoạt động làm thêm, v.v. Chính sách kỳ vọng rằng tách rời quân
nhân hoàn toàn khỏi gia đình sẽ khiến họ buộc phải ở lại với đơn vị của
mình. Tuy nhiên, chính sách này lại có tác dụng ngược, nhiều người thậm
chí bỏ trốn, và tỉ lệ đào ngũ chỉ càng tăng cao hơn.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, năm 1968. Ảnh: Chưa rõ nguồn, lấy từ Pinterest. |
Chính sách quân dịch lạc hậu
Để
tham gia một cuộc chiến hiệu quả, một quốc gia cần kiểm soát toàn diện
và chắc chắn đối với nguồn cung nhân lực của mình. Do không thành công
trong việc hạn chế tỉ lệ đào ngũ, chính quyền Sài Gòn chỉ còn cách vét
quân để duy trì quân số mà họ nghĩ là cần thiết để duy trì cuộc chiến
với phe cộng sản. Để hoàn thành nhiệm vụ này, chính phủ miền Nam Việt
Nam cho thi hành một trong những chính sách quân dịch bắt buộc và luân
chuyển quân vụ lạc hậu nhất thế giới.
Tính
đến năm 1968, có một trên sáu đàn ông trưởng thành tại miền Nam Việt
Nam đang phục vụ trong Quân đội VNCH, với tổng số lượng quân nhân lên
đến 700 nghìn người. Để hình dung ra quy mô của cách thức huy động này,
chúng ta biết rằng nếu sử dụng chính sách quân dịch tương tự với chính
quyền Sài Gòn, Hoa Kỳ có khả năng gửi đến Việt Nam tám triệu quân mỗi
năm.
Sau
trận Tết Mậu Thân năm 1968, chính sách quân dịch tại miền Nam Việt Nam
lại ngày càng gắt gao hơn. Cơ chế hoãn nghĩa vụ quân sự dành cho sinh
viên đại học bị sửa đổi, bắt buộc nhiều sinh viên tham gia quân ngũ hơn.
Tuổi tuyển quân bị kéo dài ra thành từ 18 đến 33 tuổi. Tuổi xuất ngũ
dành cho quân nhân phục vụ trong các vị trí kỹ thuật lên đến 34 tới 45
tuổi. Mọi cựu chiến binh sẽ bị gọi trở lại quân dịch nếu còn trong tuổi
phục vụ.
Chính
sách mới cũng cấm toàn bộ các trường hợp miễn trừ nghĩa vụ dựa trên các
lý do khác như tôn giáo hay đang tạm trú ở nước ngoài, v.v. Làn sóng
phản chiến trong học sinh – sinh viên một phần được làm bùng phát từ
cách tiếp cận nói trên của chính quyền Sài Gòn.
Kén chọn thực phẩm
Napoleon
từng nói: Quân đội di chuyển bằng bụng. Nhưng có vẻ kể cả việc này quân
đội VNCH cũng thực hiện không tốt như quân đội Bắc Việt và Mặt trận
Giải phóng (Việt Cộng).
Trong
chiến tranh Việt Nam, các nhóm quân cộng sản lừng danh với khả năng
“bám đất mà sống” (living off the land). Với nguồn viện trợ lương thực
khó khăn từ miền Bắc, phe cộng sản vẫn có khả năng di chuyển nhanh và
sâu vào các khu vực đồi núi, rừng rậm để tránh né các cuộc hành quân của
quân đội Hoa Kỳ và VNCH.
Giới
quân sự Bắc Việt tiết lộ rằng các cán bộ cộng sản thường vận động được
những người dân có cảm tình với cộng sản tại địa phương cho thóc, gạo và
lương thực. Trong những trường hợp đặc biệt, vũ lực cũng có thể được sử
dụng. Tuy nhiên, do khẩu phần của quân cộng sản thường rất tối giản:
chỉ một vắt cơm nắm và muối cho một ngày hành quân, và vì vậy rất khó để
phát hiện ra hoạt động xin, thu mua hay cưỡng bức lương thực địa phương
của họ.
Ngược
lại, thực phẩm luôn là vấn đề với Quân đội VNCH – dù họ chiến đấu ngay
trên lãnh thổ của mình. Hầu hết các quân nhân bộ binh VNCH đều không hài
lòng với khẩu phần quân đội. Về mặt số lượng, Quân đội VNCH thường
xuyên dựa vào nguồn thức ăn chia sẻ từ quân đội Hoa Kỳ nếu cả hai cùng
thực hiện chung chiến dịch thông qua hệ thống “bằng hữu” (buddy system),
một cơ chế chia sẻ lương thực không chính thức nhưng được quân nhân Hoa
Kỳ thực hiện để thể hiện thiện chí và sự đồng lòng vì mục tiêu chung
của hai quân đội.
Tuy
nhiên, khi thực hiện chiến dịch một cách độc lập, quân nhân VNCH cũng
thường từ chối dùng khẩu phần chiến dịch (operational ration) và ưa
thích khẩu phần loại A hơn, một loại khẩu phần cho phép các nhóm quân
mua thịt và rau tươi từ các cửa hàng địa phương để nấu ăn. Việc này đi
kèm với các rủi ro an ninh, có thể làm lộ thông tin hành quân và vị trí
đóng quân, song cố vấn quân sự Hoa Kỳ vẫn buộc phải cho phép hoạt động
này diễn ra.
Một
quan chức thuộc Quân đội VNCH diễn giải rằng chế độ dinh dưỡng hằng
ngày rất quan trọng đối với người Việt Nam, rằng họ đã quen với những
món ăn truyền thống giàu dinh dưỡng và rau xanh. Họ muốn phát bệnh với
việc bị ép phải dùng thịt và đậu hộp nhập khẩu từ Mỹ.
Không
chỉ vậy, tình trạng tham ô, tham nhũng trong hoạt động phân bổ lương
thực quân đội cũng khiến cho tinh thần chiến đấu tồi tệ hơn. Một trong
những ví dụ cho vấn đề này là các khẩu phần tài trợ mà Hoa Kỳ dành cho
quân đội VNCH ít khi đến tay quân nhân.
***
Với
tất cả sự tôn trọng, vẫn khó có thể cho rằng Quân đội Việt Nam Cộng hòa
và giới cầm quyền tại Sài Gòn đã hoàn thành tốt trách nhiệm quản lý và
chiến đấu của mình. Tham nhũng, thiếu vắng lý tưởng và niềm tin, cũng
như các sai lầm chính sách khiến cho họ trở thành một tập hợp rệu rã
ngay sau khi quân đội Hoa Kỳ rời Việt Nam. Dù đó là định mệnh hay bị Hoa
Kỳ phản bội, nó cũng là một bài học đắt giá cho hậu thế.
Võ Văn Quản
(Luật Khoa Tạp Chí)
Không có nhận xét nào