Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Đình Bá - Ý chí và tâm tư về đồng bằng sông Cửu Long

    Đồng bằng Sông Cửu Long chụp từ vệ tinh. Ảnh tư liệu

    Tiến sĩ Phạm Đình Bá- đại học Toronto, Canada.

    Các nghiên cứu khoa học dự đoán với tiến triển hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một phần của đáy biển Đông vào năm 2100 (2). Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục lún dần xuống mỗi ngày mỗi năm cho đến khi lối sống mà chúng ta biết từ bao đời trên giải đất một thời trù phú nầy sẽ hoàn toàn tan biến.

    Mỗi năm, hàng chục ngàn dân phải rời nơi sinh sống, thường là nơi sinh nhau cắt rún, để tha phương cầu thực. Họ phải di cư do ảnh hưỡng xấu đã và đang gây ra trên môi trường của đồng bằng sông Cửu Long. Những can thiệp kịp thời và giải quyết thỏa đáng cho thoái hóa môi trường có thể làm chậm đi rồi lần lần cải thiện môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long. Cứu cấp môi trường đang thoái hóa là một vấn đề rất cấp thiết.
    Theo thánh thư của hơn 260 năm trước thì đảng lãnh đạo và chính quyền quản lý. Thế thì đảng có đủ ý chí chính trị để giải quyết vấn đề thoái hóa môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long hay không? Đảng có đủ khả năng để làm chuyện nầy không?
    Theo cách thức khoa học, ý chí của giai tầng lãnh đạo chính trị cần phải được đánh giá theo nguyên tắc có hệ thống và theo các tiêu chí chuẩn định. Ý chí chính trị được định nghĩa là “mức độ hỗ trợ cam kết giữa các nhà lãnh đạo cho một chính sách cụ thể để giải quyết một vấn đề cụ thể”. Các tiêu chí để xem xét ý chí chính trị thường bao gồm 1) một tập hợp đủ các lãnh đạo có thẩm quyền quyết định 2) với sự hiểu biết chung về một vấn đề cụ thể trong chương trình nghị sự chính thức 3) cam kết hỗ trợ một giải pháp chính sách 4) và giải pháp được nhận thức từ dân là có hiệu quả (3).


    Vấn đề cụ thể ở đây là thoái hóa môi trường trên đồng bằng sông Cửu Long và hệ lụy của nó trên khoảng 17 triệu dân cư ngụ trên vùng đất thân thương nầy. Hãy thử lượng định ý chí chính trị của lãnh đạo về cải thiện môi trường trên Đồng Bằng Sông Cửu Long.


    1. Tập hợp các lãnh đạo có thẩm quyền quyết định


    Trong chính thống, ông Mác ông Lê nói “dân làm chủ”. Nhưng người dân hay đại diện chính danh của họ có vẻ vắng mặt trong tập hợp lãnh đạo để giải quyết vấn đề môi trường đồng bằng sông Cửu Long. Thí dụ như khi Tạp chí Cộng sản phối hợp Thành ủy, UBND TP Cần Thơ và Viện Khoa học – Công nghệ phương Nam tổ chức Hội thảo khoa học bảo vệ môi trường ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, có đến 70 đại biểu tham gia hội thảo, bao gồm các nhà lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước, những Việt kiều, và những tổ chức nước ngoài quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường (4). Tại sao không có đại diện dân trong hội thảo nầy?


    Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng Đồng Bằng (5). Nghị quyết nầy có khoảng 8.757 chữ nhưng không có chữ “trách nhiệm” trong Nghị quyết. Khó hiểu ai là những lãnh đạo chính có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm tối hậu về tiến trình thoái hóa môi trường. Cũng hơi khó hiểu là mức độ đóng góp của dân vào sự hình thành của Nghị quyết nầy.

    2. Hiểu biết của lãnh đạo về hiểm họa môi trường


    Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề để có Nghị quyết số 120/NQ-CP Về Phát Triển Bền Vững Đồng Bằng Sông Cửu Long Thích Ứng với Biến Đổi Khí Hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “Đồng Bằng Sông Cửu Long phát triển theo hướng thuận thiên là chính” (5). Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng thoái hóa môi trường là nhân tạo (2), được tạo ra hoặc gây ra bởi con người, trái ngược với việc xảy ra hoặc được tạo ra một cách tự nhiên. Như thế thì làm sao có thể hiểu và quản lý vấn đề nầy theo hướng “thuận thiên”?

    Theo nghiên cứu (2), Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam được hình thành do sự xâm lấn hơn 6.000 năm trước bằng phù sa với tốc độ nén cao, tạo nên sự sụt lún tự nhiên. Sự sụt lún tự nhiên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng bằng châu thổ vốn đã bị đe dọa bởi nước biển dâng cao, lũ lụt, nhiễm mặn. Các hoạt động của con người như bơm nước ngầm, sức tải của các cấu trúc cơ sở, khai thác cát và xây dựng đập đã làm trầm trọng thêm các tiến triển tự nhiên. Một nghiên cứu mô hình rất công phu mới đây báo cáo tốc độ lún rất cao chưa từng thấy của đồng bằng (lên tới gần 20 mm / năm), đe dọa vùng đồng bằng hạ lưu với ngập lụt vĩnh viễn và chắc chắn làm giảm tuổi thọ của các công trình thiết kế phòng chống lũ dọc bờ biển.

    Theo nghiên cứu (7), khai thác nước ngầm quá mức được đề xuất là động lực chính của sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong 25 năm qua, việc khai thác nước ngầm đã tăng lên đáng kể, biến vùng đồng bằng từ trạng thái thủy văn gần như không bị xáo trộn sang tình trạng cạn kiệt tầng nước ngầm. Sụt lún liên quan đến khai thác nước ngầm đã dần tăng lên trong những thập kỷ qua với tỷ lệ chìm cao nhất hiện nay. Trong 25 năm qua, đồng bằng chìm trung bình khoảng 18 cm do hậu quả của việc rút nước ngầm. Tỷ lệ sụt lún trung bình hiện tại do khai thác nước ngầm có dự tính lên tới 1,1 cm, vượt xa mực tăng của nước biển toàn cầu. Với xu hướng gia tăng nhu cầu nước ngầm ở đồng bằng, tỷ lệ sụt lún hiện tại có thể sẽ tăng trong tương lai gần.


    Theo nghiên cứu (2,7), các ưu tiên để làm chậm lại sự sụt lúng ở đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến việc quản trị khai thác nước ngầm, quản trị khai thác cát và đối phó với sự thiếu phù sa do các đập hiện đang hoạt động ở thượng nguồn và các đập khác đang xây và sẽ xây trong tương lai gần. Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP và tường thuật từ các báo chính thống (4, 5), điều không rõ là liệu cái Nghị quyết và các hoạt động để triễn khai Nghị quyết nầy có phản ảnh các ưu tiên xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học hay không. (Chú: vụ việc không rõ ràng nầy cũng có thể bởi vì sự thiếu hiểu biết của người viết).


    3. Cam kết hỗ trợ chính sách cải thiện môi trường


    Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các nhà tài trợ quốc tế để thực hiện các dự án quản lý môi trường (8). Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút khoản vay 310 triệu đô la Mỹ ban đầu từ Ngân hàng Thế giới. Các phần thứ hai và thứ ba của khoản vay với số tiền tương tự dự kiến ​​vào năm 2030. Tổng số khoản vay nầy là dưới 1 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2030. Để tạm so sánh, Chương trình Đồng Bằng (Delta) của Hà Lan có ngân sách khoảng 17 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2028. Kế hoạch Đồng Bằng của Bangladesh tìm cách thu hút 70 tỷ đô la đến năm 2050. Tuy có nhiều khác biệt trong các kế hoạch và tầm mức nghiêm trọng về thoái hóa môi trường ở các vùng liên hệ, theo nhận thức chung, độ cam kết hỗ trợ chính sách cải thiện môi trường từ chính phủ Việt Nam có vẻ thấp hơn so với các chính phủ liên hệ.

    Trong Nghị quyết số 120/NQ-CP Về Phát Triển Bền Vững Đồng Bằng Sông Cửu Long Thích Ứng với Biến Đổi Khí Hậu, chính phủ nói rằng cách thực hiện Nghị quyết nầy là theo phương pháp “tích hợp đa ngành” nhưng các chi tiết về cụm từ nầy thì không có giải thích trong nghị quyết. Có thể nghĩ rẳng chính sách mà không có chi tiết triển khai có thể rất khó thực hiện (bên dưới).

    4. Giải pháp được nhận thức từ dân là có hiệu quả


    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2017 nói “Thiên tai, biến đổi khí hậu tới rất nhanh. Chúng ta còn nhiều bất cập, chưa tập trung giải quyết, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì còn nhiều hạn chế, yếu kém, cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành”.

    Mỗi tỉnh và bộ theo đuổi lợi ích riêng của mình, và lợi ích ngắn hạn chiếm ưu thế, mặc dù các ưu tiên nầy có thể tổn hại đến môi trường và sinh kế địa phương (8). Ví dụ, các khu vực nông nghiệp được bảo vệ bởi đê nhân dụng đã phục vụ các mục tiêu sản xuất lúa gạo của Bộ Nông nghiệp, nhưng làm suy yếu tài nguyên thiên nhiên như trữ lượng cá. Ngoài ra, các khu vực bị phá hủy vĩnh viễn bởi các đê nhân dụng làm trầm trọng thêm lũ lụt ở hạ lưu, giảm dòng chảy của phù sa màu mỡ, làm giảm thu nhập từ nghề cá và góp phần tích lũy thuốc trừ sâu ở vùng đồng bằng ngập nước.

    Thông thường, các đảng viên, nhà quy hoạch và kỹ sư tạo các mạng lưới liên kết từ Hà Nội đến đồng bằng sông Cữu Long với các mục tiêu không rõ ràng (8). Bộ máy quan liêu này đã thể hiện sự ưa thích mạnh mẽ đối với cơ sở hạ tầng thâm dụng vốn lớn, như vành đê, cửa cống, hệ thống kênh và trạm bơm. Ví dụ như giá trị của các dự án để cài đặt các hệ thống sản xuất lúa thâm canh ở vùng ven biển là không rõ ràng, vì các dự án đắt giá nầy thường không tương thích với sinh kế địa phương và môi trường.

    Hệ thống lập kế hoạch cho các chính sách lớn nói chung là yếu (8). Kế hoạch thường bị phân mảnh, dựa trên mong muốn hơn là thực tế, và ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Đầu tiên, sự phối hợp được coi là phân tán cao giữa các bộ, giữa các tỉnh và giữa các bộ và các tỉnh. Điều này dẫn đến một loạt các kế hoạch và chính sách được lưu truyền từ Hà Nội đến đồng bằng sông Cửu Long. Ở cấp quốc gia, khoảng 270 quy trình lập kế hoạch đã được thực hiện, với hơn 19.000 kế hoạch có hiệu lực chỉ trong giai đoạn 2010 đến 2020. Các tỉnh và các bộ đặt ra các mục tiêu phát triển không khả thi cho đồng bằng sông Cữu Long, cụ thể là các mục tiêu về sản xuất ngày càng nhiều gạo, cá và công nghiệp. Để đạt được mức sản xuất đặt ra từ trung ương sẽ cần một diện tích lớn gấp bốn lần so với toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, đồng bằng nầy đang lún xuống và mất diện tích.


    Các chuyên gia Hà Lan và Việt Nam đã làm việc cùng nhau trong Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2011 đến 2013 (8). Kế hoạch nầy được mô phỏng theo Kế hoạch Delta Hà Lan của năm 2008. Mục tiêu của việc phát triển kế hoạch nầy là đảm bảo một đồng bằng bền vững, an toàn và thịnh vượng về kinh tế và môi trường trong tương lai.

    Công việc trong kế hoạch đã xác nhận sự cần thiết phải thay đổi tư duy ở tất cả các cấp để thực hiện tầm nhìn của Kế hoạch. Tuy nhiên, quá trình thay đổi tư duy đã xãy ra rất chậm. Kế hoạch đã đưa ra tiếng nói cho các nhóm ít được cho trình bày theo cách lập kế hoạch trước. Đặc biệt, các nhà khoa học cao cấp trên khắp đồng bằng được hưởng lợi từ tính toàn diện của quá trình.

    Những người đề xuất Kế hoạch đã hoạt động ở nhiều cấp độ khác nhau và các mô hình suy nghĩ mới dần dần xuất hiện. Những người đề xuất chính là các tác giả của Kế hoạch, các nhà khoa học, các chính trị gia khu vực, cố vấn cấp cao cho các bộ và các nhóm ũng hộ Kế hoạch. Các tác nhân này đã làm việc chủ động để thuyết phục những người khác trong hệ thống lập Kế hoạch. Họ đã tích cực tìm cách thay đổi mô hình suy nghĩ của người khác thông qua tiếp cận, thuyết trình và thảo luận về các tính năng chính của Kế hoach. Hầu hết những ảnh hưởng này vẫn còn sơ bộ và rất mềm. Chúng vẫn chưa phát triển thành những thay đổi vật chất cụ thể.

    Ý chí chính trị để bảo vệ môi trường ở Hà Lan

    Có thể tư duy dựa trên tự do tư tưởng (không giáo điều) là cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp (1). Để so sánh, cần nhấn mạnh đến tư duy của công đồng quan hệ đến bảo vệ môi trường ở Hà Lan. Tư duy của người Hà Lan thường được đặt trên các nguyên tắc sau (9).

    Quan niệm về đa nguyên trong lĩnh vực công cộng – Lĩnh vực công cộng không phải là một lĩnh vực có thể được cai trị bởi chính phủ từ một vị trí trung tâm. Lĩnh vực nầy có các chủ thể khác ngoài chính phủ quốc gia, hoạt động trong một năng lực từ địa phương hay chức năng, và các tổ chức xã hội. Các diễn viên và tổ chức này được thừa nhận là các thành phần chính danh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường.

    Một sự thừa nhận trên nguyên tắc về sự hiện diện của các quan điểm đối lập – Trong lĩnh vực chính trị, có đối lập trong các giá trị và lợi ích đến từ các đối trọng khác nhau. Đối lập không phải là một trở ngại, nhưng đây là điều kiện cần thiết để áp dụng hiệu quả các quy tắc và cho cách tiếp cận tích hợp để giải quyết vấn đề. Nhận thức nầy cũng bao gồm việc chấp nhận rằng khi có nhiều ý kiến ​​khác nhau, nếu được trao đổi trong quá trình đàm phán, có thể dẫn đến sự đồng thuận.

    Chấp nhận sự tự trị và trách nhiệm của xã hội dân sự – Trong lĩnh vực công cộng, quyền tự trị được trao cho các tổ chức dân sự để các tổ chức nầy bàn thảo hay tham khảo với các tổ chức dân sự khác, để có thể chịu trách nhiệm về một số quyết định xã hội và việc thực hiện các quyết định nầy.


    Kết luận


    Giải quyết các vấn đề trọng đại trong xã hội không phải là độc quyền của đảng. Đây là trách nhiệm của toàn dân. Lấy ví dụ từ thời phong kiến – Hội nghị Diên Hồng là hội nghị được tổ chức năm 1284 tại kinh thành Thăng Long do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược đất nước lần thứ 2. Một thể chế chính trị ở thế kỷ 21 không thể thiếu dân chủ hơn một triều đại phong kiến.


    Giáo dục dựa vào giáo điều là không thích hợp để tạo dựng nhân lực với các cách suy nghĩ đa diện trong tương lai. Bài học về sự hợp tác giữa các nhân viên Việt Nam và Hà Lan liên quan đến việc lập kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long cho thấy rằng tư duy cởi mở, suy nghĩ linh hoạt và hợp tác minh bạch sẽ hầu như là cách duy nhất để giải quyết một số vấn đề khó khăn mà công dân của thế giới phải đối mặt.

    Trong tinh thần nầy và để kết luận, xin chia xẽ một phần của bài “Nâng mỗi tiếng nói” (Lift Every Voice and Sing).
    Nâng từng giọng hát lên,
    Vòng trái đất và vút trời cao,
    Nhập chung với hòa âm của tự do,
    Hãy để niềm vui tăng cao,
    Cao như bầu trời trong,
    Hát vang dội như biển gào,
    Hát với niềm tin từ quá khứ đen tối,
    Hát đầy hy vọng từ hiện tại,
    Bắt đầu đối mặt với mặt trời của ngày mới,
    Hay đi chung đến trách nhiệm cuối cùng.

    Theo các nghiên cứu, học và dạy theo giáo điều thường đào tạo ra công dân có khuynh hướng suy nghĩ theo một chiều cố định, thiếu khả năng để có những suy nghĩ và tư tưởng cá nhân, từ chối sự thật và dữ liệu không trùng hợp với chính thống, thiếu đầu óc tò mò, có tính năng động kém, thiếu linh hoạt trong quan hệ với người khác và thiếu linh hoạt trong giải quyết vấn đề (*). Từ hơn 70 năm qua, nhân sự của đất nước đã được đào tạo theo cách thức nầy. Hàng triệu đảng viên kết nối bởi hàng triệu đoàn viên, rồi đội viên theo chân nhau cùng học từ một bảng – chủ nghĩa Mác Lê của hơn 260 năm trước. Trong thế kỹ thứ 21, sự tiến bộ và giàu mạnh của các dân tộc là dựa vào tự do tư tưởng, năng động trong suy nghĩ cùng hành động, và sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề.

    Tài liệu


    1. Phạm Đình Bá. Chúng ta lựa chọn giáo điều hay tư duy phê phán? https://nghiepdoansinhvien.org/2018/08/13/chung-ta-lua-chon-giao-dieu-hay-tu-duy-phe-phan/
    2. PhD defence Philip Minderhoud: The sinking Mekong delta (15 February 2019). http://www.delta-alliance.org/past-events/10897369/PhD-defence-Philip-Minderhoud-The-sinking-Mekong-delta-15-February-2019
    3. Lori Ann Post, Amber Raile, Eric Raile. Defining political will. Politics & Policy. 2010
    4. http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/12606402-.html
    5. https://www.thesaigontimes.vn/282912/tuong-thuat-truc-tiep-hoi-thao-sau-mot-nam-thuc-hien-nghi-quyet-120nq-cp-ve-dbscl.html
    6. PSJ Minderhoud et al. Impacts of 25 years of groundwater extraction on subsidence in the Mekong delta, Vietnam. Environment Research Letters; 12 (2017).
    7. https://laodong.vn/xa-hoi/dong-bang-song-cuu-long-co-the-ngap-nang-hon-du-doan-666016.bld
    8. Chris Seijger, Vo Thi Minh Hoang, Gerardo van Halsema, Wim Douven, Andrew Wyatt. Do strategic delta plans get implemented? The case of the Mekong Delta Plan. Regional Environmental Change 2019.
    9. Pieter Glasbergen. The green polder model: institutionalizing multi-stakeholder processes in strategic environmental decision-making. European Environment Eur. Env. 12, 303–315 (2002)
     

    Lê Ngọc Lan Hương, Nghiệp đoàn báo chí

     

    Không có nhận xét nào