Nếu không có gì thay đổi, năm nay,
“Việt sử kiêu hùng” (1) sẽ hoàn tất 25 video clip về “Lam Sơn”, thời
lượng của mỗi video clip dao động trong khoảng từ 10 phút đến 15 phút.
“Việt sử kiêu hùng” còn nuôi tham vọng hoàn tất một phim hoạt hình dạng
3D về “Trần Quốc Toản”,…
Hình minh họa lấy từ trang web vietsukieuhung.com |
“Việt
sử kiêu hùng” là một nhóm mở, mời gọi tất cả người Việt tham gia quá
trình thực hiện truyện tranh và các video clip diễn họa sử Việt, tạo sự
chú ý, cảm hứng nơi giới trẻ người Việt về sử Việt. Người Việt có thể
tham gia “Việt sử kiêu hùng” ở nhiều góc độ, từ trực tiếp (soạn nhạc,
họa hình, dàn dựng,…) đến trợ giúp tài chính, quảng bá sản phẩm.
“Việt
sử kiêu hùng” khởi đi từ hoạt động của… “Đuốc mồi”. “Đuốc mồi” vốn là
một nhóm mà đa số rành máy tính hơn… sử, thành thạo với các ứng dụng của
công nghệ thông tin hơn những đặc điểm khoa học xã hội. Ý tưởng làm
“đuốc” để “mồi” sự chú ý, cảm hứng nơi giới trẻ về Việt sử chủ yếu chỉ
vì họ là người Việt (2).
Sau
hai năm kể từ khi tập tễnh bước những bước đầu tiên, “Việt sử kiêu
hùng” đã hoàn tất: Võ Tánh, Đại chiến Như Nguyệt Giang, Tử chiến thành
Đa Bang (3). Chọn trận tử chiến Đa Bang là mở một hướng cho thấy Việt sử
vẫn còn nhiều góc cạnh, đủ sức lôi cuốn, thu hút nhiều giới…
Đa
Bang (tọa lạc ở huyện Ba Vì, Hà Nội) từng là một pháo đài của người
Việt hồi thế kỷ 15, tâm của hệ thống phòng thủ được ước đoán dài chừng
400 cây số do Hồ Quý Ly đôn đốc người Việt tạo dựng để chặn quân Minh.
Đầu năm 1407, Đa Bang thất thủ, quân Minh tràn vào Thăng Long… Đa Bang
một đoạn bi sử nhưng hào hùng!
***
Cho
dù những “Võ Tánh”, “Đại chiến Như Nguyệt Giang”, “Tử chiến thành Đa
Bang”,… chưa phải là tuyệt phẩm, chẳng riêng người xem, các thành viên
trong nhóm thực hiện cũng thừa nhận những video clip đã thực hiện còn
không ít hạn chế nhưng nội dung các cuộc thảo luận qua lại giữa hai bên
cho thấy, họ cùng mơ Việt sử sẽ hấp dẫn hơn!..
Thời
gian, công sức của các thành viên nhóm “Đuốc mồi” dồn vào những tập
truyện tranh, những vdeo clip Việt sử rõ ràng là không hề uổng phí.
Những sản phẩm của “Việt sử kiêu hùng” đã đạt hàng triệu lượt xem cả
trên facebook lẫn youtube. Số tiền ủng hộ “Đuốc mồi” dấn tới với “Việt
sử kiêu hùng” đã lên tới gần 200 triệu (4)...
Thành
công đó khiến người ta không thể không liên tưởng tới thất bại của
những bộ phim do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam
đầu tư để quảng bá sử Việt. Gần nhất là “Sống cùng lịch sử” – ngốn 21 tỉ
đồng nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - dẫu chiếu miễn
phí nhưng vẫn không có ai thèm xem (5)!
Tại
sao người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ quay lưng với sử Việt, kể cả môn
sử trong chương trình giáo dục phổ thông, song lại ủng hộ những “Võ
Tánh”, “Đại chiến Như Nguyệt Giang”, “Tử chiến thành Đa Bang”,… một cách
nhiệt thành? Không chỉ tạo ra “Việt sử kiêu hùng” mà còn lập cả những
diễn đàn như “Sử Talk” (6)?..
***
Cách
nay hơn mười năm, khi các bộ phim về lịch sử Trung Quốc từ cổ đại đến
cận đại độc chiếm cả màn hình hình nhỏ (TV) lẫn màn ảnh rộng (hệ thống
rạp chiếu phim) của Việt Nam, Cao Tự Thanh – một chuyên gia về lịch sử,
văn hóa – từng nhận xét, công chúng Việt Nam yêu thích các bộ phim về
lịch sử Trung Quốc không phải vì hâm mộ lịch sử Trung Quốc mà vì những
câu chuyện, truyền thuyết lịch sử Trung Quốc có màu sắc hiện đại, giới
làm phim dùng những câu chuyện, truyền thuyết lịch sử Trung Quốc để gửi
gắm suy tư về cuộc đời, về con người...
Theo
ông Thanh, có những người Việt không kế thừa được truyền thống văn hóa
Việt Nam nhưng chắc không có người Việt nào không rung cảm với lịch sử
dân tộc của mình. Nếu có những bộ phim về thời Nam - Bắc triều, Trịnh -
Nguyễn phân tranh hay về Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, thậm chí cả Lê Chiêu
Thống, Gia Long… được thực hiện một cách chu đáo, chắc chắn sẽ góp phần
không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức lịch sử và tự hào về văn hóa của
khán giả Việt Nam. Vậy thì vì sao Việt Nam không có những phim truyện
lịch sử hấp dẫn như Trung Quốc dù “tao ngộ” của nghệ sĩ Việt Nam không
kém (7)?..
Đồng Phụng Việt
-----------------------
Chú thích
(2) http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-ngon-duoc-moi-thap-len-tinh-yeu-su-viet-c7a713016.html
(3) https://www.youtube.com/duoc-moi
(4) http://vietsukieuhung.com
(5) http://baoangiang.com.vn/phim-ngon-21-ty-chet-khi-ra-rap-can-xem-xet-trach-nhiem-a70889.html
(6) https://www.facebook.com/Lichsutalk/
(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2267768123303410&id=494634687283438
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào