Sinh viên Nguyễn Đức Anh từng du học Mỹ hiện đang sống ở Pháp vừa phổ biến video clip tiêu đề: "Chính trị Việt Nam cho người trẻ - Điều cần biết" với nội dung tuổi trẻ cần đọc sách, học hỏi, tham gia chính trị và bớt phàn nàn về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Đức Anh nói sau khi du học ở Mỹ và Pháp, anh nhận ra rằng tình hình kinh tế và chính trị ở Việt Nam thật tốt, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trên thế giới về tốc độ gia tăng GDP, lên đến 7% hằng năm.
Tăng trưởng GDP ở Mỹ chỉ chừng 3%, Pháp chưa được 2%, các quốc gia Âu châu tốt lắm mới được 2-3%, nên các quan chức Hà Nội cũng thường lấy con số GDP tăng 7% để ca ngợi kinh tế Việt Nam đang phát triển.
Thử tìm hiểu xem cách lập luận này có chính đáng không? GDP của Việt Nam có thể làm thước đo cho phát triển kinh tế và xã hội được không?
GDP của Việt Nam bị tính sai?
Con số GDP Việt Nam công bố được tính bằng tổng số giá trị hàng hóa sản xuất và phục vụ tại Việt Nam trong 1 quý hay 1 năm.
Có cách tính GDP khác dựa trên tổng giá trị các khoản tiêu dùng tại Việt Nam. Hai cách tính trên nguyên tắc phải cho kết quả tương đương. Nhưng cách tính này lại cho kết quả ít hơn vài % con số GDP được Việt Nam chính thức công bố.
Vì thế nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng con số GDP của Việt Nam nên dựa trên số tiêu dùng, như thế GDP của Việt Nam chỉ chừng 3 đến 4%.
Trả lời báo chí về sai lệch con số, ông Nguyễn Bích Lâm Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống Kê cho biết sai số tính toán GDP được quốc tế cho phép trong phạm vi 6%.
Sự phi lý trên đã được Chủ tịch quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào giữa tháng 10/2017, đặt vấn đề như sau:
“Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?… chỗ tăng trưởng đó lấy đâu mà ra?”
Theo bài viết trên BBC tiếng Việt “Chỉ số GDP của Việt Nam bị tính sai?”, các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, kinh tế gia Bùi Trinh, kinh tế gia Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Trần Đình Thiên đều nhìn nhận con số GDP của Việt Nam không đáng tin cậy.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A giải thích Tổng cục Thống kê không độc lập với hệ thống hành chánh, bị tác động bởi những vấn đề chính trị, nên phải tạo ra những con số phục vụ chính trị:
“Chừng nào còn có cái chế độ độc quyền, cái chế độ toàn trị hết tất cả mọi thứ kể cả thông tin, thì những căn bệnh như thế không bao giờ có thể chữa khỏi được.”
Vì sao Trump ca ngợi kinh tế Việt Nam?
Tham dự Thượng Đỉnh Trump – Kim, Tổng thống Trump cho biết “hiếm có nơi nào phát triển kinh tế nhanh như ở Việt Nam”, là ông Trump lập lại những gì Hà Nội ca ngợi để thúc đẩy Việt Nam mua vũ khí và hàng hóa của Mỹ.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có những báo cáo được công bố số liệu cũng thường lấy nguồn từ con số Hà Nội đưa ra. Bên cạnh đó là những phân tích và đánh giá riêng chỉ phổ biến giới hạn không cho báo chí và công chúng.
Cách đây vài năm Tổng Thống Mỹ Obama và các Tổ Chức Quốc Tế còn cho rằng kinh tế Trung cộng phát triển nhanh vượt bực và đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới.
Giờ đây nhiều tài liệu được phổ biến cho thấy từ lâu Mỹ và các Tổ Chức Quốc Tế đã đánh giá Trung cộng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội và cả đến chính trị.
So với Trung cộng
Hai nước có cùng một thể chế chính trị, cùng một mô hình tăng trưởng và cùng một cách tính GDP.
Trung cộng từ năm 1978-2018, tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 9,5%. Nhiều năm đạt trên 10% có năm còn trên 20%. Năm 2018, mặc dầu chiến tranh thương mãi, GDP vẫn đạt 6.6%.
Trong khi ấy GDP của Việt Nam từ năm 1986-2018 bình quân chỉ tăng 6,6% và chưa bao giờ vượt quá 10%.
Mức độ thặng dư ngân sách và thặng dư thương mãi Trung cộng luôn rất cao.
Ngược lại cán cân ngân sách, thương mãi Việt Nam thường xuyên thiếu hụt, nợ ngân sách, nợ quốc tế Việt Nam rất cao và không ngừng gia tăng.
Áp dụng mô hình Trung cộng, Việt Nam không đạt được những điều cơ bản Trung cộng đạt được cho thấy trình độ quản lý kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa của giới chức Việt Nam.
Phẩm chất GDP của Việt Nam
Vài câu hỏi về GDP của Việt Nam dưới đây sẽ giải thích tại sao Mỹ chỉ cần tăng trưởng 3% thì được xem là quá tốt, còn Việt Nam đến 7%, Trung cộng đến 10% vẫn không so sánh được.
Các hoạt động nhà nước, đảng và hội đoàn về mặt chi phí liên tục gia tăng, làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Tiền doanh nghiệp đút lót cho tham nhũng được tính vào giá thành sản phẩm, làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Các doanh nghiệp nhà nước lãng phí của công, làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Các công trình đầu tư, như Đường Sắt Cát Linh – Hà Đông chưa khánh thành đã xuống cấp phải sửa lại, đội vốn đến 5 lần so với dự kiến, tăng giá thành, tăng GDP, như thế có tốt không?
Khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, như boxit Tây Nguyên đầu tư không mang lại lợi nhuận, nhưng lại tăng GDP, như thế có tốt không?
Hạ tầng giao thông tồi, chi phí chuyên chở tăng, tăng giá thành, tăng GDP, như thế có tốt không?
Môi trường bị tàn phá, phải chi tiêu để phục hồi môi trường, cũng làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia, như Samsung hằng năm lên đến 5 tỷ Mỹ kim làm tăng GDP của Việt Nam, nhưng là tiền của người Nam Hàn, như thế có tốt không?
Quy định lương thấp để thu hút các công ty nước ngoài, đầu tư tăng, sản xuất tăng, GDP tăng, như thế có tốt không?
Lương thấp người lao động không đủ sống, phải làm thêm giờ, làm 2 việc, GDP tăng, như thế có tốt không?
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ vừa cho biết theo khảo sát 70% cử nhân công nghệ thông tin ra trường muốn có việc làm phải đào tạo lại. Đào tạo, tái đào tạo làm tăng GDP, như thế có tốt không?
Còn hằng trăm hay hằng ngàn các câu hỏi khác để có thể đánh giá phẩm chất của GDP tại Việt Nam.
Ở các nước dân chủ, Mỹ và Âu châu, các đảng chính trị thường xuyên tranh luận đường lối chính sách giúp loại bỏ các GDP xấu, liên tục gia tăng phẩm chất của GDP.
Kinh tế thị trường thực sự cạnh tranh sẽ giúp nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, gia tăng phẩm chất của GDP.
Còn ở Việt Nam tốt xấu không cần thiết cứ con số GDP tăng là giới chức cầm quyền đua nhau vỗ tay ca ngợi.
Mô hình tăng trưởng
Việt Nam học theo mô hình tăng trưởng Trung cộng: thu hút đầu tư nước ngoài, bóc lột sức lao động công nhân, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, phục vụ xuất cảng.
Còn Mỹ và các quốc gia Âu châu phát triển dựa trên giáo dục, nghiên cứu phát triển, kỹ năng lao động, thị trường tự do và phục vụ cho nhu cầu của dân chúng các quốc gia nói trên.
Tự Do và dân chủ còn là thành tố thúc đẩy tăng trưởng cả GDP về số lượng lẫn phẩm chất tăng trưởng.
Phẩm chất của xã hội.
Con số GDP không nói gì đến phẩm chất sức khỏe con người, an sinh xã hội, phẩm chất của giáo dục, đạo đức xã hội, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch thôn quê và thành thị, phẩm chất môi trường không khí, sông ngòi, biển cả… nói chung là phẩm chất của xã hội.
Vì thế ngày nay GDP không còn được sử dụng làm thước đo cho phát triển kinh tế và xã hội.
Tạm kết
Tuổi trẻ là giường cột của nước nhà, vì thế đọc sách, học hỏi, dấn thân chính trị là những điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là sự hiểu biết để chọn đúng đường dấn thân phục vụ xã hội, phục vụ đất nước.
Vài nét khái quát mong giúp những bạn trẻ như Nguyễn Đức Anh hiểu thêm về GDP của Việt Nam, một đề tài luôn được tranh luận nhất là khi Việt Nam đã có tự do, có dân chủ.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
3/04/2019
(Tin tức Hàng ngày)
Không có nhận xét nào