Header Ads

  • Breaking News

    Nguyên Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam cùng 4 thuộc cấp bị bắt

    Năm người từng đứng đầu Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) bị cáo buộc gây thất thoát tài sản trong dự án có tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng.
    Gang thép Thái Nguyên: Nợ chồng nợ gần 5.700 tỷ đồngCông ty Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: tisco.com.vn)

    Nguyên Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam cùng 4 thuộc cấp bị bắt
    Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) thông báo ngày 18/4 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – TISCO.

    Đồng thời, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét người, nơi ở, nơi làm việc đối với 5 bị can.

    Trong đó, ông Mai Văn Tinh – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam và ông Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam bị cáo buộc tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015).

    Ông Trần Trọng Mừng – nguyên Tổng Giám đốc TISCO; ông Trần Văn Khâm – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO; ông Ngô Sỹ Hán – nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – TISCO cùng bị cáo buộc tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 224 ) và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219).

    Các quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét do VKSND Tối cao phê chuẩn. C03 thông báo đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án và xác minh thu hồi tài sản bị thiệt hại.


    Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được thành lập vào năm 1962. Năm 2009, doanh nghiệp này chuyển sang mô hình cổ phần (Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ) và được quản lý thông qua Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS).

    Năm 2005, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO được phê duyệt với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, dự kiến thời gian thực hiện là 2,5 năm, thời hạn thu hồi vốn dự kiến là 6,87 năm.

    Tháng 9/2007, dự án được khởi công, dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 5/2011.

    Năm 2012, TISCO và VNSTEEL có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014.

    Năm 2013, dự án tạm dừng thi công, kéo dài cho đến nay. Hiện dự án chỉ là một công trường ngổn ngang, các thiết bị trong tình trạng hư hỏng nặng.

    Tháng 12/2016, Bộ Công thương loại Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3 khỏi Dự thảo Quy hoạch sản xuất thép; tháng 2/2017, công bố Dự án mở rộng giai đoạn 2 – TISCO nằm trong 12 đại dự án “thua lỗ” của Bộ, đưa ra 3 phương án xử lý (bán dự án; kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư hoặc thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu TISCO).

    Tháng 2/2019, trong kết luận thanh tra toàn diện, Thanh tra Chính phủ xác định dự án đã được TISCO điều chỉnh sai quy định từ 3.800 tỷ đồng lên hơn 8.100 tỷ đồng. Tại thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO thanh toán cho dự án là hơn 4.400 tỷ đồng; trong đó thanh toán cho Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) (đơn vị tổng thầu) trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục đều chưa hoàn thành.

    Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển hồ sơ sai phạm tại gang thép Thái Nguyênsang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

    Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự mà cơ quan này đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra vào tháng 11/2017.

    Nguyễn Sơn
     
    (trithucvn.net)

    Không có nhận xét nào