Cá Tháng Tư là ngày tha hồ đùa cợt
mọi người mà không sợ ai giận. Nhưng khi tạp chí Cầu Thị của đảng Cộng
Sản Trung Quốc đăng một bài diễn văn của Tập Cận Bình đúng vào ngày 1
Tháng Tư, năm 2019, thì không ai nghĩ đây là trò đùa, dù đó là một bài
cũ đã đăng từ lâu rồi. Ông Tập Cận Bình đã đọc bài này ngày 5 Tháng
Giêng, 2013, một tháng sau khi nhậm chức.
Cầu
Thị là tiếng nói “chỉ đạo” của Trung Cộng, do Đặng Tiểu Bình lập ra năm
1988, thay thế báo Hồng Kỳ thời Mao Trạch Đông. Cái tên bắt nguồn từ
một khẩu hiệu Đặng đưa ra, “Thực Sự Cầu Thị” (shí shì qiú shì, 实事求是) để
nhắn nhủ đảng viên hãy “đi tìm sự thật” chớ không nên chỉ lo hô những
khẩu hiệu rỗng tuếch.
Có
lẽ ông Tập Cận Bình ra lệnh in lại bài này để các đảng viên Trung Cộng.
Đặc biệt nhất là trong bản in lần này lại có thêm những đoạn không thấy
trong lần in trước.
Thao
bản dịch của nhật báo South China Morning Post, Hồng Kông, thì trong
đoạn mới được thêm ông Tập nói rằng, “các đồng chí phải biết các xã hội
tư bản có một khả năng tự sửa sai rất hay; không nên coi thường ưu thế
của những nước Tây phương đã phát triển về kinh tế, khoa học, quân sự…”
Trong
bài diễn văn cũ này, Tập Cận Bình cũng dẫn lời Đặng Tiểu Bình nói, rằng
“Xây dụng và củng cố chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa sẽ phải mất hàng
chục thế hệ!” Họ Đặng nói câu này hồi năm 1992, trong khi đi vận động
tiếp tục đổi mới kinh tế. Lúc đó, thế lực của Đặng đang bị đe dọa vì phe
bảo thủ muốn trở về thời “bao cấp.” Lúc đó đã 87 tuổi, Đặng vẫn phải đi
một vòng các thành phố đã thành công trong việc cải tổ, Vũ Hán, Thẩm
Quyến, Chu Hải, Thượng Hải, để chứng tỏ quyết tâm cải tổ.
Một
điều đáng chú ý là Tháng Chín vừa qua, con trai của Đặng Tiểu Bình là
Đặng Phú Phong (Deng Pufang) cũng mới trích dẫn câu nói của bố trong một
bài báo mà người ta thấy dụng ý muốn phê phán chính sách ngoại giao quá
nhiều tham vọng của Tập Cận Bình. Trong bài đó, Đặng Phú Phong còn
nhắc lại lời ông bố khuyên nước Trung Hoa đứng hăng say kiêu ngạo, hãy
“biết chỗ mình đứng;” với khẩu hiệu “Thao Quang Dưỡng Hối” (Tao Guang
Yang Hui, 韬光养晦), che giấu sức mạnh của mình trong bóng tối để chờ thời.
Cũng
trong bài diễn văn trên, Tập Cận Bình còn diễn tả ý kiến của Đặng Tiểu
Bình cho rõ hơn: “Phải học hỏi những thành tựu văn minh của các nước tư
bản và sẵn sàng đối phó với sự kiện người ta sẽ so sánh thành công của
các nước đó với những thiếu sót của phương thức phát triển theo chủ
nghĩa xã hội của Trung Quốc.”
Tập
nhắc lại lần nữa, “Trong một thời gian dài sắp tới, chủ nghĩa xã hội
trong thời kỳ sơ khai sẽ phải cộng tác và cạnh tranh với các nước tư
bản, họ được trang bị với hiệu năng sản xuất cao hơn.”
Tập
Cận Bình đã nhắc lại một câu của Đặng Tiểu Bình mà người con ông mới
nêu lên. Câu này lại được dẫn ra trong một bài mà Đặng Phú Phong viết
khuyên Trung Cộng không nên dương oai diễn võ quá. Đây không phải sự
tình cờ. Chúng ta thấy một tín hiệu được đưa ra: Trung Cộng sắp làm hòa
trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Tổng Thống Mỹ Donald Trump.
Hai
ngày sau khi bài diễn văn năm 2013 của Tập Cận Bình được in lại, phó
thủ tướng Trung Cộng tới Washington bàn tiếp chuyện mậu dịch.
Ông
Lưu Hạc qua Mỹ lần này có nhiều hy vọng sẽ ký kết một văn bản chính
thức hóa cuộc hưu chiến. Vụ “ngưng bắn” bắt đầu khi Tổng Thống Trump,
trước khi gặp Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un ở Hà Nội, tuyên bố hoãn không
tăng thuế nhập cảng từ 10% lên 25% trên $200 tỷ hàng hóa Trung Quốc.
Tổng
Thống Donald Trump có nhiều lý do để chấp nhận một cuộc hưu chiến vào
lúc này. Ông mới đắc thắng khi cuộc điều tra của ông Mueller kết thúc,
với kết luận không thấy ban vận động tranh cử năm 2016 của ông thông
đồng với tình báo Nga. Nhưng ngay sau dó, ông lại tuýt hai ý kiến vội
vàng. Ông tỏ ý quyết xóa sạch đạo luật y tế Obamacare. Ông lại dọa sẽ
đóng cửa biên giới với Mexico. Mấy ngày sau, nghe các đại biểu đảng Cộng
Hòa khuyên can, ông phải rút lại cả hai dự tính.
Nhưng
điều khiến ông Trump lo ngại hơn là ảnh hưởng của cuộc chiến mậu dịch
trên kinh tế nước Mỹ. Nếu kinh tế đi xuống trong vòng một năm nữa thì
cuộc vận động tái cử 2020 của ông Trump sẽ khó hơn nhiều.
Từ
một năm qua, các cuộc đầu tư trên thế giới trì trệ vì không ai biết
cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng sẽ đi tới đâu. Hiện
nay kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ, và cuộc chiến với Mỹ đẩy cho
xuống sâu hơn. Nền kinh tế Trung Quốc lớn hàng thứ hai trên thế giới;
khi hơn một tỷ người Trung Hoa bớt tiêu thụ thì sẽ cả thế giới sẽ bán ít
hàng hơn. Tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.
Cho
nên một cuộc hưu chiến cũng phù hợp với quyền lợi của Tổng Thống Trump
và nước Mỹ. Các nhà nông ở vùng Trung Tây đã thấm thía những đòn trả đũa
của Trung Cộng, với các sắc thuế đánh trên nông phẩm mua từ vùng này.
Ông Trump phải săn sóc họ!
Ngoài ra, ông Trump cũng cần một màn ngoại giao biểu diễn ngoạn mục sau chuyến gặp gỡ với Kim Jong Un không đi tới đâu cả.
Hình
bóng của Kim Jong Un luôn luôn lẩn quất bên cạnh những cuộc đàm phán
thương mại giữa hai nước. Ngay từ đầu, Trung Cộng đã tỏ cho Mỹ biết muốn
Kim Jong Un nhượng bộ thì phải nhờ bàn tay của Bắc Kinh.
Kinh
tế Bắc Hàn lệ thuộc Trung Cộng. Bị cả thế giới cấm vận, hiện nay 90%
ngoại thương của Bắc Hàn đi qua nước Tàu. Hai lần Kim Jong Un đi gặp
Donald Trump, Kim đều đến Bắc Kinh trước. Và gặp xong, lại qua trình báo
với Tập Cận Bình.
Khi
cuộc họp sau cùng thất bại, Kim đã dọa dẫm sẽ thử hỏa tiễn tầm xa và
làm bom nguyên tử trở lại. Chính phủ Mỹ không lên tiếng dọa lại Kim; mà
vẫn tỏ ra hy vọng có một cuộc họp mặt Trump-Kim thứ ba. Nhưng đi đường
nào tới đó? Con đường ngắn nhất đi qua Bắc Kinh.
Đặc
Sứ Stephen Biegun, đặc trách Bắc Hàn của Tổng Thống Trump, đã qua Bắc
Kinh. Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin cũng qua. Và người phụ trách
ngoại thương được coi là cứng rắn nhất với Trung Cộng, Robert
Lighthizer, cũng nối gót. Kết quả là Lưu Hạc trở lại nước Mỹ, sau chuyến
đi lần trước của ông ta không được gì cả.
Lần
này, chắc ông Lưu Hạc sẽ mang được một bản văn thỏa hiệp về nước. Chúng
ta sẽ thấy mỗi bên nhường nhịn một chút. Hai bên sẽ cùng ca ngợi tinh
thần cộng tác và bên nào cũng có thể tuyên bố mình thắng.
Tập
Cận Bình sẽ coi đây là một thành tích, làm theo đúng chủ trương của
mình, đã vạch ra từ năm 2013. Giới làm ăn Trung Quốc và thế giới sẽ yên
tâm hơn khi đầu tư. Trẻ em ở nước Tàu sẽ được học tập Tư Tưởng Tập Cận
Bình với những lời trích dẫn mới, mà không cần một cuốn sách nhỏ bìa màu
đỏ như thời Mao Trạch Đông. Vì bây giờ Tư Tưởng Tập Cận Bình đang được
lưu giữ trên “mây,” truyền đi bằng vệ tinh, có thể “đáp xuống” các điện
thoại và máy computer bất cứ lúc nào, nhiều lần mỗi ngày!
Còn ở Mỹ, cuộc chiến mậu dịch trên các thông điệp tuýt có thể tạm ngưng cho đến sau cuộc bầu cử 2020.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào