Header Ads

  • Breaking News

    Luật Sư Đào Tăng Dực: Tài liệu hướng dẫn về Liên Minh Chính Trị Không Cộng Sản cho Việt Nam.


    I. Vì sao cần phải Liên Minh (LM)?

    Trong môi trường chính trị thực tế đương đại, LM chính trị là lẽ sống duy nhất của mỗi tổ chức cá nhân người Việt quốc gia. Không có LM mỗi tổ chức hay thực thể riêng biệt không khác nào một đàn cá nhốt trong ao tù, không bao giờ thoát ra biển khơi để lớn mạnh vùng vẫy.

    Ví dụ Liên Minh cận đại nhất là tổ chức PLO (Palestine Liberation Organization) tại Trung Đông, Sinn Fein vốn là mặt trận chính trị của IRA (Irish Republican Army) tại Bắc Ái Nhĩ Lan, Federal Democratic Alliance of Burma tại Miến Điện. LM là một điều kiện ắt có cho những tổ chức chính trị, tạo ra đủ lực để lật đổ một chính quyền độc tài sở hữu những phương tiện đàn áp như quân đội và công an trong tay.

    Đến giai đoạn này trong lịch sử, lý do người Việt quốc gia chúng ta chưa có một LM chính trị có thực lực được vì đa số những nhà tranh đấu và tổ chức chính trị suy nghĩ sai lầm và thụ động trong tư tưởng rằng:

    1. Chúng ta phải chờ đợi khi các điều kiện chín mùi và đáp ứng mong đợi của chúng ta, lúc đó mới LM.

    Thực tế cho thấy, trong môi trường chính trị, đây là một tư duy sai lầm trầm trọng. Thực ra lịch sử không bao giờ hoàn hảo cả. Lịch sử chỉ thiên vị cho những cá nhân và tập thể, không những biết nắm bắt thời cơ, mà còn tạo ra thời cơ cho mình.

    Chính vì thế, đã đến lúc:

    2. Một mặt chúng ta nắm bắt thời cơ

    3. Mặt khác chúng ta phải tích cực tạo những điều kiện để chúng ta có thể LM chứ không nên chờ đợi.

    Chúng ta không thể viện những thất bại trong quá khứ của chính mình hay của tha nhân mà quyết định rằng: không thể nào LM được, cần phải chờ thêm.

    Mỗi tổ chức hoặc cá nhân chúng ta phải dấn thân tạo điều kiện, LM này thất bại, rồi phải cố gắng LM khác nữa cho đến khi thành công. Không hề sợ kẻ khác chê cười. Thành quả cuối cùng mới là quan trọng cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

    Chúng ta phải đối diện với nhiều trở lực:

    - Khách quan: từ CSVN đánh phá, chia rẽ, đàn áp, xâm nhập, chống cộng cuội …

    - Chủ quan: từ nội bộ của người quốc gia tinh thần chia rẽ cố hữu, kém hiểu biết, bản ngã cao, khả năng thiếu….

    Tuy nhiên chúng ta cũng có những yếu tố thuận lợi:

    - Thiên thời: Kỹ nghệ tin học xóa tan biên giới giữa người và người, đem lại sự hiểu biết và thông tin nhanh chóng

    - Địa lợi: Kỹ nghệ tin học cũng rút ngắn khoảng cách giữa quốc nội và hải ngoại và gắn liền dân tộc với những trào lưu hiện đại nhất của nhân loại

    - Nhân hòa: Cả nhân loại, kể cả người Việt Nam, đều bắt đầu ý thức quyền làm người và trào lưu dân chủ thực sự là bất khả vãn hồi.

    Thời điểm đã đến cho sự hình thành một LM chính trị mạnh hầu đối trọng chính thức với CSVN.

    II. Yếu tố chính nào để LM có thể chiến thắng CSVN?

    Vì Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế cộng sản, do Lê Nin khai sáng là tập hợp những cá nhân chuyên nghiệp trong công tác vận dụng và khai thác những bản năng vị kỷ thấp hèn nhất của nhân loại, hầu tạo ra một trật tự chính trị bá quyền và bá đạo để thống trị thế giới. Chính vì thế muốn chiến thắng các đảng CS, trong đó có CSVN, chúng ta phải làm ngược lại chúng.

    Đó là khai sáng một tập thể cán bộ chuyên nghiệp:

    1. Một mặt có viễn kiến và trí tuệ vượt lên trên các cán bộ CS nắm bắt trong trí tuệ mô hình một trật tự chính trị nhân bản và khai phóng nhất của thời đại.

    Theo quan điểm của tôi, ngoài sự đóng góp của những tổ chức và thức giả khác trong cộng đồng dân tộc, trật tự chính trị đó có thể bao gồm những nét chính sau đây:

    a. Nhu cầu phục hưng văn hóa và đạo đức dân tộc

    b. Xây dựng dân chủ hiến định pháp trị và đa nguyên

    c. Thế nào là một tương quan nghiêm chỉnh giữa văn hóa và dân chủ

    d. Vai trò chiến lược của quan điểm pháp trị trong tiến trình dân chủ hóa

    e. Tương quan giữa ý thức hệ và tự do tư tưởng

    f. Tương quan giữa các định chế xã hội và con người cá thể

    2. Mặt khác gồm thâu trong nhân cách những bảng giá trị đạo đức vị tha và cao thượng nhất của nhân loại.

    Vì chúng ta là một xã hội Đông Á, truyền thống đạo đức của chúng ta sẽ bao gồm những bản giá trị truyền thống như:

    Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và những bản giá trị từ Phật Giáo như Từ Bi hoặc Thiên Chúa Giáo như Bác Ái

    Ngoài ra một số các bản giá trị nền tảng của nhân loại như: chân lý và công bằng xã hội cũng có giá trị về đạo đức.

    Chính vì thế, các cá nhân và tập thể tham gia LM chỉ có thể thành công ở mức độ họ phải chinh phục các bản năng vị kỷ và thấp hèn con người hầu thể hiện các đức tính sau đây:

    1. Sự chí thành trong tư duy và hành động

    2. Sự tương kính

    3. Tinh thần vị tha

    4.Khả năng sửa đổi nếu sai lầm

    Những trò mánh mung, cướp công, bá quyền hoặc dối trá lừa gạt quần chúng lẫn những cộng sự viên của mình phải tuyệt đối gạt bỏ.

    Qua nhiều thập niên tranh đấu tại hải ngoại cũng như trong nước, cộng với sự phát triển vượt bực của tin học, những gian dối và lọc lừa không còn lừa gạt được ai. Chúng ta phải chứng minh “tính thiện” của chúng ta qua hành động thực thế. Chúng ta tư duy và sống thật tính thiện của mình và người cộng sự của chúng ta sẽ nhìn thấy. Tính thiện này vô cùng cần thiết để đối nghịch với “Tính Ác” của người cộng sản Việt Nam.

    Đây không phải là lý thuyết vẩn vơ mà đòi hỏi khách quan của lịch sử để gầy dựng lại niềm tin trong cộng đồng dân tộc vì sự gian dối của đảng CSVN và tính lọc lừa cố hữu của một vài tập thể chống cộng đã làm suy kiệt niềm tin này.

    III. Một vài mô hình LM tiêu biểu:

    Sau đây là một vài mô hình kết hợp tiêu biểu giữa các tổ chức chính trị, từ chặc chẽ tối đa đến lỏng lẻo tối đa.

    A. Mô hình thống hợp

    1. Giải thể các tổ chức khác nhau tham gia

    2. Thành lập một tổ chức thống hợp mới

    3. Một cương lĩnh và nội quy hoàn toàn mới

    4. Ví dụ điển hình trên phương diện quốc gia là Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc và thành lập một nước Trung Hoa duy nhất. Các tiểu quốc biến thành tỉnh huyện trong nước Trung Hoa thống nhất này.

    B. Mô hình liên kết chặt chẽ

    1. Các tổ chức tham gia vẫn giữ danh xưng, cấu trúc, cương lĩnh và nội quy của mình

    2. Các tổ chức tham gia đồng ý nhường một số lãnh vực đấu tranh cho một thực thể đấu tranh chung

    3. Thành lập một thực thể đấu tranh chung với một danh xưng mới

    4. Thành lập một cương lĩnh và nội quy cho thực thể đấu tranh chung

    5. Ví dụ điển hình trên phương diện quốc gia là một quốc gia theo thể chế liên bang như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi hoặc Cộng Hòa Liên Bang Đức. Ví dụ tổ chức đấu tranh hải ngoại là Lực Lượng Cứu Quốc

    C. Mô hình liên kết lỏng lẻo

    1. Các tổ chức tham gia vẫn giữ danh xưng, cấu trúc, cương lĩnh và nội quy của mình

    2. Các tổ chức đồng thuận thành lập một thực thể đấu tranh chung với một danh xưng mới

    3. Thực thể này không cần cương lĩnh hay nội quy riêng, chỉ cần một vài mục tiêu đồng thuận giữa các tổ chức như:

    a. Lật đổ độc tài đảng trị tại Việt Nam

    b. Xây dựng một nền dân chủ hiến định pháp trị và đa nguyên cho dân Việt

    4. Nền tảng của một liên minh lỏng lẻo như vậy chỉ cần xây dựng trên một bản tuyên ngôn chung (joint declaration hay memorandum of understanding) là đủ

    5. Ví dụ một liên minh chính trị như thế là Liên Đảng Tự Do- Quốc Gia tại Úc Đại Lợi (Liberal/National coalition)

    D. Mô hình kết hợp hành động

    1. Các tổ chức tham gia vẫn giữ danh xưng, cấu trúc, cương lĩnh và nội quy của mình

    2. Các tổ chức đồng thuận thành lập một thực thể đấu tranh chung với một danh xưng mới

    3. Thực thể này không cần cương lĩnh hay nội quy riêng, chỉ cần một vài mục tiêu đồng thuận giữa các tổ chức như:

    a. Lật đổ độc tài đảng trị tại Việt Nam

    b. Xây dựng một nền dân chủ hiến định pháp trị và đa nguyên cho dân Việt

    4. Thực thể này không cần cương lĩnh hay nội quy riêng, chỉ cần một sự phân chia công tác trên các căn bản sau đây:

    a. Tùy theo nhu cầu của công cuộc đấu tranh

    b. Tùy theo khả năng của mỗi tổ chức

    c. Tổng hợp 2 điều trên

    5. Tuy nền tảng của một liên minh lỏng lẻo như vậy nhưng vẫn cần xây dựng trên một bản tuyên ngôn chung nói lên các mục tiêu đồng thuận và căn bản phân chia công tác

    E. Một hội đồng điều hợp các tổ chức

    1. Các tổ chức tham gia vẫn giữ danh xưng, cấu trúc, cương lĩnh và nội quy của mình

    2. Các tổ chức tham dự hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên khi có một công tác quan trọng có thể hợp tác hoặc phân chia công tác tùy theo nhu cầu đấu tranh

    3. Hội đồng có thể có một danh xưng riêng

    4. Các quyết định của hội đồng không có tính ràng buộc

    5. Một ví dụ điển hình là Bàn Tròn Dân Chủ của GS Đoàn Viết Hoạt

    F. Mô hình kết hợp một vài yếu tính của mỗi mô hình nêu trên

    Bất cứ một hình thức LM nào gồm một hay nhiều yếu tính từ các mô hình khác nhau.

    G. Vài nét về Liên Đảng Tự Do- Quốc Gia tại Úc như là một LM đang vận hành

    Hai đảng Tự Do (Liberal) và Quốc Gia (National) đại diện cho các lực lượng chính trị bảo thủ tại Úc và đối đầu với đảng Lao Động (Labour) là lực lượng chính trị cấp tiến. Đảng Tự Do có căn cứ tại các vùng đô thị. Đảng Quốc Gia tại các vùng nông thôn. Úc là một chế độ đa đảng ngoài các đảng nêu trên còn có nhiều đảng nhỏ hơn và cá nhân độc lập khác.

    Giữa Tự Do và Quốc gia có một khế ước liên minh. Một cách tổng quát thì Tự Do là senior partner và Quốc Gia là junior partner. Lý do đơn giản là vì Úc là một quốc gia kỹ nghệ và vùng đô thị đông dân hơn. Chính vì thế số dân biều đắc cử trong quốc hội của đảng Tự Do đông hơn là đảng Quốc Gia.

    Vì Úc theo quốc hội chế, nếu LM thắng cử đa số trong Hạ Viện thì Lãnh tụ của đảng Tự Do trở thành thủ tướng và lãnh tụ đảng quốc gia trở thành phó thủ tướng. Nội các sẽ gồm đa số thuộc đảng Tự Do và thiểu số thuộc đảng Quốc Gia như hiện nay.

    Nếu thua trong cuộc bầu cử thì các sắp xếp trong chính phủ đối lập (Opposition- hay shadow cabinet) cũng phản ảnh tương tự.

    Một LM như thế hoàn toàn cởi mở và chúng ta có thể học được nhiều bài học từ kinh nghiệm này.

    IV. Những yếu tố cần cân nhắc khi thành lập LM:

    Trước khi quyết định chọn hình thức LM nào phù hợp với nhu cầu tranh đấu cho tự do và dân chủ cho đất nước, chúng ta cần cân nhắc các yếu tồ sau đây:

    1. Cân nhắc lợi và hại giữa một LM chặc chẽ và một LM lỏng lẻo:

    Thông thường một LM chặc chẽ tạo ra nhiều sức mạnh và dễ điều hợp hay lãnh đạo hơn một LM lỏng lẻo. Tuy nhiên đòi hỏi nhiều thời gian và khó tìm tổ chức tham gia hơn. Một LM lỏng lẻo ngược lại dễ thành lập hơn vì số tổ chức hoặc nhân sự tham gia nhiều hơn nên có thể bao trùm nhiều phương diện và đa dụng hơn.

    2. Cân nhắc giữa mục tiêu chung và khả năng chuyên biệt:

    Trong một mô hình B (Liên Kết chặt chẽ) hoặc C (Liên Kết lỏng lẻo) chúng ta không những có nhu cầu nhu cầu nhận diện các mục tiêu chung (common objectives) mà chúng ta còn có nhu cầu cần nhận diện và phân chia công tác tùy theo khả năng (distribution of work according to capacity) của từng tổ chức hoặc cá nhân tham gia, hầu những hoạt động của LM đạt đến thành quả tối đa.

    3. LM là một nổ lực liên tục:

    Thành lập LM không dễ chút nào. Đây là một công tác khó khăn nhưng có tính sinh tồn (existential) đối với các lực lượng đấu tranh dân chủ. Chúng ta thành công trong việc hình thành một LM có thực lực và uy tín trong quốc nội lẫn quốc tế là đã đi được hơn nửa con đường lật đổ CSVN rồi. Chính vì thế chúng ta phải cố gắng thành lập LM liên tục và sau đó duy trì LM liên tục vì LM là lẽ sống của dân tộc. Không thể buông bỏ vì trở lực hay thất bại nhiều lần đầu tiên.

    4. LM không phải nhất thiết chỉ thuần nhất là LM các tổ chức chính trị.

    Mọi thực thể đấu tranh chống lại độc tài, từ các đảng phái, tổ chức chính trị, đến xã hội, văn hóa, từ thiện và nhân sĩ, cá nhân đều có thể tham gia LM. LM chỉ có sức mạnh nếu chúng ta huy động toàn bộ xã hội dân sự. Phải làm sao để tạo một tổng lực càng hùng mạnh càng tốt để đối đầu với CSVN.

    5. LM không nhất thiết chỉ là LM các hội đoàn và tổ chức:

    LM còn có chỗ cho các nhân sĩ có khả năng và yêu nước chân chính. Một cấu trúc để đoàn ngũ hóa cá nhân tham gia LM tạm gọi là Hội Đồng Nhân Sĩ nên được thành lập như một phần của cấu trúc LM hầu các nhân sĩ có thể có chỗ đứng và góp phần hiệu năng.

    6. Liên Minh giữa những Liên Minh:

    Một LM đang hoạt động gia nhập thành lập một LM khác làm việc hữu hiệu hơn là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra và vẫn có giá trị tích cực

    7. Tác động gia nhập hoặc rời khỏi một LM:

    Một tổ chức tham gia một LM sau đó thay đổi ý kiến và rời khỏi LM tuy có thể làm suy yếu LM hoặc làm giảm uy tín của tổ chức đó. Tuy nhiên sự suy yếu LM hay giảm uy tín của tổ chức không phải lúc nào cũng tiêu cực. Trong một LM càng nhiều tổ chức tham gia thì sự tiêu cực càng giảm thiểu. Chúng ta không nên vì điều này mà quá dè dặt tới mức độ không dám tham gia vào một LM chính trị nào

    8. Một hay nhiều LM:

    Không nhất quyết chỉ có một LM mà nhiều hơn một LM vẫn tốt hơn là mỗi thực thể hoạt động đơn độc. Chúng ta chủ trương đa nguyên và mục tiêu của chúng ta là tạo ra những LM có thực lực và đủ khả năng đối trọng CSVN. Chúng ta không chủ trương nhất định phải chỉ có một LM duy nhất.

    9. Cấu trúc hòa giải các tranh chấp và xung đột nội bộ một LM:

    Một trong những điều không thể tránh khỏi là những tranh chấp và xung đột có thể xảy ra trong một LM. Chính vì thế sự hiện hữu của một cấu trúc dưới dạng một Ủy Ban hoặc Hội Đồng hòa giải với những nguyên tắc căn bản được sự đồng thuận của các thành viên vô cùng quan trọng.

    10. Tương quan giữa danh xưng và thực tế:

    Thông thường nếu có thể thì danh xưng của một LM nên phản ảnh đúng thực tế khách quan của LM đó. Có nghĩa là một LM không nên sử dụng danh xưng là một chính đảng hoặc phong trào …

    Tuy nhiên, trên bình diện chính trị thực tế, chúng ta không cần phải cứng nhắc như thế. Miễn là chúng ta tạo được một thực thể chính trị đủ thực lực để đối trọng với CSVN và hoàn tất hiệu năng tiến trình dân chủ hóa là đủ. Danh xưng nào cũng sẽ được quần chúng ủng hộ.

    Trên bình diện này thì nguyên tắc “Thực chất ưu thắng hình thức” (substance will prevail over appearance) sẽ áp dụng.

    Ngay cả khi phiên dịch danh xưng tiếng Việt sang tiếng Anh, quy luật này cũng sẽ được áp dụng.

    11. Tương quan giữa các cấu trúc (structures) và sự vận hành (functional dynamics) của một LM:

    Các cấu trúc để điều hành một LM như một Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương, Một Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát, Một Hội Đồng Nhân Sĩ, các ban, ủy ban …dĩ nhiên là rất cần thiết cho một LM. Tuy nhiên sự vận hành của các cấu trúc trên thực tế lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng khéo léo lãnh đạo của những nhân sự liên hệ. Chính vì thế nhu cầu huấn luyện cán bộ chuyên nghiệp là then chốt cho sự vận hành tốt của các cấu trúc, hầu đem lại hiệu năng tối đa.

    V. Kết luận:

    Tài liệu này chỉ nêu ra một vài đường nét chính để người Việt quốc gia chúng ta cùng thảo luận, hoặc có thể thảo luận với các đối tương của một LM trong tương lai.

    Nó không có tính chung quyết hay toàn diện.

    Tuy nhiên, ở mức độ giới hạn, tài liệu không những là một tài liệu hướng dẫn các tổ chức chính trị và xã hội mà còn hướng dẫn cả nhân sĩ và quần chúng về viễn tượng một LM chính trị của tương lai.

    (diendannguoidanvietnam.com)

    Không có nhận xét nào