Thất vọng trước chiến thuật cứng rắn
của Washington, Bình Nhưỡng quay sang Matxcơva tìm hậu thuẫn. Cuộc hội
kiến Kim-Putin tại Vladivostock dự trù cuối tháng Tư là cơ hội để Nga
đóng vai trò quan trọng hơn trong hồ sơ được xem là một trong những điểm
nóng nhất thế giới. Thực tế không đơn giản, theo hai nhà phân tích từ
Seoul và Matxcơva.
Kim Jong Un mời Putin tham gia ván cờ hiểm hóc Bắc Triều Tiên |
Theo
AFP, cho dù bán đảo Triều Tiên có vẻ giảm nhiệt từ sau cuộc gặp đầu
tiên giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un hồi tháng 6
năm 2018, trong những tuần lễ gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu không
cho phép lạc quan.
Trước
hết là thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, được dàn dựng rất công phu
hồi tháng Hai năm nay, cuối cùng đã thất bại. Kim Jong Un đòi Mỹ giảm
nhẹ cấm vận để tỏ thiện chí, Donald Trump muốn Bắc Triều Tiên giải trừ
toàn bộ vũ khí chiến lược « vĩnh viễn và kiểm chứng được ».
Tuần
này, vòng thương thuyết mới tại Washington cũng kết thúc trong thất
bại. Bình Nhưỡng thông báo thử vũ khí mới, Kim Jong Un tuyên bố sẽ đập
tan hàng rào cấm vận, trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên đòi tẩy chay
ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Kim cầu cứu, Putin sẵn sàng, nhưng…
Về
phần nước Nga, từ lâu nay, tổng thống Vladimir Putin cho biết sẵn sàng
gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên và muốn tham gia tiến trình đàm phán về vũ
khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng minh từ thời chiến tranh lạnh.
Trích
dẫn một nguồn tin ngoại giao Nga, nhật báo Izvestia cho biết thượng
đỉnh Nga-Triều sẽ diễn ra vào cuối tuần tới tại Vladivostock, thủ phủ
miền Viễn Đông Nga, trước khi tổng thống Putin sang Trung Quốc ngày 26
và 27/04.
Mục
đích của Matxcơva là nhắc nhở các cường quốc khác là nước Nga có một
tiềm năng kinh tế và trọng lượng chính trị trong khu vực. Chuyên gia Nga
Andrei Lankov, đại học Kookmin (Quốc Dân) ở Seoul cho rằng Nga phải lấy
lại ít nhiều chủ động tại bán đảo Triều Tiên, bởi vì từ hơn một năm nay
chỉ có Washington và Bình Nhưỡng chiếm trung tâm thời cuộc.
Cũng
theo chuyên gia Andrei Lankov, Putin đã có ý mời Kim Jong Un từ năm
2018. Thế nhưng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên không có thời giờ và tâm trí
gặp lãnh đạo Nga, tuy có uy thế, nhưng không phải là tác nhân chính
trong cuộc khủng hoảng.
Bây
giờ, trước chiến thuật cứng rắn của Mỹ, đánh tan mọi hy vọng « đột phá »
của Bình Nhưỡng, Kim Jong Un tìm hỗ trợ ở bất cứ nơi nào.
Matxcơva
cũng đã bắn tiếng khi chỉ trích các yêu sách của Hoa Kỳ là « thiếu hiệu
quả » bởi vì « có qua mà không có lại ». Mỹ tố lại Nga giúp Bắc Triều
Tiên lách né lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, điều mà Matxcơva phủ nhận.
Syria trước đã và không đụng sân sau Trung Quốc
Trên
thực tế, thiện chí của điện Kremlin cũng có giới hạn. Matxcơva không có
ảnh hưởng mạnh như Bắc Kinh, đồng minh và bạn hàng số một của Bình
Nhưỡng. Trong chính sách duy trì láng giềng Bắc Á trong vòng tay anh cả,
Trung Quốc đã cấp cho Kim Jong Un chiếc chuyên cơ đi dự thượng đỉnh
Singapore, theo phân tích của chuyên gia Constantin Asmolov, thuộc Viện
Viễn Đông ở Matxcơva.
Trong
thế trận này, Matxcơva sẽ lập nhóm tay ba, phối hợp với Bắc Kinh và
Bình Nhưỡng thương lượng với Mỹ. Bởi lẽ, trọng tâm của ngoại giao Nga
hiện nay không phải là chế độ Bắc Triều Tiên mà là Syria của Bachar al
Assad.
Còn Mỹ nữa
Do
vậy, theo suy đoán của Andrei Lankov, rất có thể Vladimir Putin sẽ
không cam kết gì cụ thể ngoài những tuyên bố tình thế sẽ bị lãng quên
chỉ một vài năm sau.
Đã
vậy, Hoa Kỳ cũng đã rào trước đón sau. Hôm thứ Năm 18/04/2019, cùng
ngày với tin tổng thống Nga sẽ tiếp chủ tịch Bắc Triều Tiên, đặc sứ Mỹ
về hồ sơ Bắc Triều Tiên Stephen Biegun đến Matxcơva gặp thứ trưởng ngoại
giao Nga Igor Morgulov. Trong cuộc thảo luận được mô tả là « xây dựng
», hai bên Nga-Mỹ cùng xem xét các biện pháp « phi hạt nhân hóa vĩnh
viễn và kiểm chứng được tại Bắc Triều Tiên ».
Tuy
suy đoán thượng đỉnh Nga-Triều diễn ra tại Vladivostock ngay trước khi
Putin bay sang Bắc Kinh dự hội nghị về Con Đường Tơ Lụa Mới, nhưng nhiều
tờ báo Nga cũng dự kiến khả năng thượng đỉnh bị hủy vào giờ chót.
Tú Anh
(RFI)
Không có nhận xét nào