Header Ads

  • Breaking News

    Hoa Nghi - Một bức ảnh hoàn hảo!

    Một bức ảnh được TTXVN ghi lại cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bắt tay với nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn lên tươi cười.

    Bộ ba Dũng-Trọng- Mạnh
    So với cảnh đưa tang cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, với một ánh mắt không hề thân thiện của ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn về ông Nguyễn Phú Trọng thì đây là một bức ảnh hoàn hảo. Hoàn hảo bởi không khí bức ảnh tươi vui, trong bối cảnh chiến dịch đốt lò vẫn tiếp tục vây chặt những thân hữu của đồng chí X, gần nhất là con trai của Trần Bắc Hà bị bắt.

    Nụ cười của Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù nhìn nghiêng nhưng có thể nhận thấy sự tươi rói. Nó nhắc lại khuôn hình của ông Dũng trong lần họp cuối cùng của Chính phủ do ông đứng đầu, trong đó ông cười tươi và nhắc về việc trở thành người tử tế. Và từ sau sự kiện đó trở đi, những người ông quen biết tiếp tục bị đánh, và dư luận trên mạng xã hội tiếp tục đánh ông với nhóm từ khóa “tham nhũng, lạm quyền”.

    Nếu một bức ảnh chính trị Việt Nam có tính lịch sử, thì chính bức ảnh này xứng đáng để gọi tên, bởi lẽ nó thể hiện tính “đoàn kết, thống nhất trong Đảng”, cũng như cho thấy, dù đánh tham nhũng tới đâu, thì nhân văn cũng là yếu tố hàng đầu.

    Có đốt đồng chí X không?.

    PVN hay thậm chí Trần Bắc Hà sẽ không khiến đồng chí X gặp vấn đề lớn. Bởi dù bức ảnh không biết nói năng, nhưng nó lại đưa ra dự đoán, và triệt hạ toàn bộ những yếu tố gây nguy hiểm tới thành phần nhân sự kỳ sau, nhưng vẫn để cho người tử tế một con đường sống. Và khi vây cánh của người tử tế bị đốt, thì đấy là vừa răn đe, lại vừa để cho một con đường thối lui. Nó phù hợp hoàn toàn với quan điểm, đánh chuột nhưng không vỡ bình.

    Quan trọng nhất là không dồn vào đường cùng, và quan trọng hơn cả giữ bằng được sự đoàn kết trong đảng. Có vẻ ông Nguyễn Phú Trọng có đủ sự kiên quyết, nhưng cũng tinh tế nhận ra giới hạn của người tử tế.

    Bao trùm lên trên bức ảnh là nền chính trị Việt Nam với bộ mặt 3 người đàn ông là một nền chính trị tuân thủ theo đúng khuôn phép: Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi. Nếu trước đó, tỷ lệ tham nhũng được giữ mức ổn định, thì giờ đây, tỷ lệ ôn hòa chính trị nằm trong giới hạn.

    Gần đây, hình ảnh của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện trở lại, trước đó ông cùng với đoàn đại biểu Tp. HCM dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP (Đồi không tên, quận 9, TP HCM). Và so với nhóm lãnh đạo cấp cao nhất của đảng và nhà nước Việt Nam, thì ông là người “siêng” xuất hiện nhất. Và sự xuất hiện của ông đồng nghĩa, ông vẫn sẽ ổn. Nhưng suy cho cùng, thì ông Dũng có chỗ dựa liên quan đến sự thỏa hiệp về mặt chính trị, yếu tố mà nếu không duy trì, thì đấu đá nội bộ sẽ trở thành công khai.

    Do đó, hoặc ông Dũng sẽ ra đi như ông Trần Đại Quang, hoặc vẫn còn ở lại trong tình trạng không còn vây cánh để xoay chuyển trong đại hội sắp tới.

    Nhưng liệu sự làm chủ kéo dài bao lâu?

    Mặc dù “lòng dân” đang ủng hộ, và bản thân ông đang thâu vén được quyền lực, nhưng trong Hội nghị gặp mặt cán bộ lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu ông Nguyễn Phú Trọng cảnh báo về việc, tuyệt đối không được chủ quan, không được say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế, vì trước mắt còn nhiều khó khăn, tình hình diễn biến còn nhiều phức tạp.

    Phức tạp về mặt nội bộ và sự trở cờ có lẽ là điều trăn trở của ông Trọng. Chiến dịch đốt lò có thể ảnh hưởng bởi giá trị chính trị ở một nhà nước độc tài – “nước trong quá không có cá”. Nó nhắc lại câu chuyện 36% người không đồng thuận với việc đồng ý kỷ luật ông Tất Thành Cang tại Hội nghị T.Ư IX cuối năm 2018.

    Nền chính trị Việt Nam hoàn toàn đảo ngược qua 1 kỳ đại hội, và quả thực, ông Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố “Nhiệm vụ Đảng và Nhà nước phân công, tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua” trong năm 2012 với quyền uy của mình. Nhưng đến năm 2016, cũng câu nói quyền uy này lại được chuyển sang ông Trọng, dù với sự khiêm nhường hơn, “Tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối”. 
     
    Sự đảo chiều này chính là khi lực lượng trong đảng nhận thấy “mối nguy”, từ ông Nguyễn Tấn Dũng sang Nguyễn Phú Trọng vì thấy “mối nguy mất chế độ”; và nếu mối nguy bị hạn chế quyền lực trong tương lai, và khi mảnh đất màu mỡ của nền chính trị không còn sản sinh ra tiền thì có thể mối nguy “mất lợi quyền” khiến ông Trọng phải nhường ghế lại cho phe phái khác. Điều này cũng không khác bức ảnh hoàn hảo nêu trên là bao nhiêu, chính trị Việt Nam là sự thỏa hiệp, phải là đục chứ không bao giờ được trong.
     
    Hoa Nghi

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào