Ngay sau có khi tin tức về các vụ tấn
công nghiêm trọng ở thủ đô Colombo, truyền thông Việt Nam đăng tin
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời chia buồn tới chính
phủ Sri Lanka. Trong lúc đó, sức khỏe của nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp
tục là chuyện được nhiều người quan tâm, với các 'phiên bản tin đồn'.
GS Carl Thayer:
Đầu tiên, tôi phải nói rằng cả Đảng Cộng sản lẫn Chính phủ Việt Nam
đều chưa đưa ra một tuyên bố chính thức nào về tình hình sức khỏe của
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Cho nên những gì tôi nêu ra sau
đây hoàn toàn là dựa vào những đồn đoán mà chúng ta có thể nghe được
trong những ngày qua. Mà bởi đó là những đồn đoán, cho nên tất cả đều có
thể sẽ là không chính xác.
Chúng
ta biết rằng hôm 14/4, ông Nguyễn Phú Trọng có mặt ở Kiên Giang. Có vẻ
như ông ấy bị xuất huyết não và phải nhập viện, đầu tiên là ở bệnh
viện địa phương rồi sau đó là bệnh viện ở Sài Gòn.
Tiếp
sau đó thì những lời đồn đoán trở nên khó xác định hơn. Có đồn đoán là
ông ấy được đưa sang Nhật và đã trở về, nhưng tôi không chắc là tin này
có chính xác hay không.
Tin tức mới nhất nói rằng ông ấy đang phục hồi và vẫn bị liệt một tay.
Chúng ta không biết là tình hình nghiêm trọng đến đâu, ông ấy sẽ mất bao lâu để phục hồi.
Việt Nam không có hàng ngũ kế cận rõ rệt trong trường hợp Tổng Bí thư Đảng trở nên không đủ khả năng đảm nhiệm công tác.
Với
vị trí Chủ tịch nước thì người thay thế được xác định rõ là Phó Chủ
tịch. Như trong trường hợp Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời, bà Phó Chủ
tịch [Đặng Thị Ngọc Thịnh] lên làm quyền Chủ tịch nước.
Trở
lại với vấn đề chúng ta đang nói đến, thì ông Nguyễn Phú Trọng đang
phục hồi, còn Đảng và chính phủ chọn cách không nhắc gì tới bệnh trạng
của ông ấy.
Có
một điểm đáng chú ý là Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Patrick Leahy đang tới
thăm Việt Nam, liên quan tới việc Mỹ giúp Việt Nam tẩy hóa chất da
cam ở khu vực sân bay Biên Hòa.
Trang
web của ông ấy ra thông cáo báo chí nói rằng ngay từ đầu chuyến thăm
tới Việt Nam, ông ấy sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thế nhưng mà điều đó đã không xảy ra. Điều đó phải được giải thích rằng ông Trọng bị ốm bệnh.
Theo
kế hoạch, Hội nghị Trung ương Đảng sẽ diễn ra trong tháng Năm. Theo
thông lệ thì Tổng Bí thư sẽ là người đọc diễn văn khai mạc cũng như bế
mạc hội nghị. Cho nên chúng ta chưa biết hội nghị sắp tới thì sẽ thế
nào.
Thông cáo báo chí của văn phòng Thượng nghị sỹ Leahy ra hôm 12/4/2019 nói ông sẽ gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước VN trong chuyến công du |
BBC: Ông
có nhắc tới chi tiết ông Trọng bị liệt một cánh tay và đang hồi phục.
Ông biết từ nguồn tin nào đó hay chỉ nghe các đồn đoán?
GS
Carl Thayer: Không, tôi không nhận được nguồn tin chính thức nào xác
nhận việc này. Tôi phải nói rõ là những thông tin tôi nêu ra đều chỉ
là các đồn đoán.
BBC:Trong
tuần này, tại Bắc Kinh sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng về Sáng kiến
Vành đai, Con đường của Trung Quốc, với nhiều lãnh đạo hàng đầu thế
giới có mặt. Với những gì đang diễn ra hiện nay, thì ông đánh giá thế
nào về sự tham gia của Việt Nam tại diễn đàn lần này?
GS Carl Thayer:
Tôi cho rằng đó phải là một người giữ vị trí cao trong hệ thống lãnh
đạo, mà cái tên đầu tiên tôi nghĩ tới là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bởi
đây là sự kiện quan trọng, có sự tham dự của khoảng 40 nguyên thủ,
lãnh đạo quốc gia.
Nhìn
vào các sự kiện như diễn đàn Vành đai, Con đường ở Bắc Kinh trong tuần
này, Hội nghị Trung ương trong tháng Năm, và lời mời của Tổng thống
Trump, mời ông Trọng tới thăm Mỹ trong năm nay, cùng nhiều sự kiện nữa
lấp kín lịch, tôi không rõ là Việt Nam sẽ hướng ra toàn thế giới bên
ngoài bằng cách giữ im lặng được bao lâu.
Chuyện này thực ra không liên quan gì tới sự thành, bại của Đảng Cộng sản.
Ông
Nguyễn Phú Trọng là một con người. Ông ấy ở cùng độ tuổi với tôi, ở
tuổi này chúng tôi lúc nào cũng có thể phát sinh bệnh tật. Chính ông
ấy cũng đưa vấn đề sức khỏe vào làm một trong các tiêu chí đánh giá đối
với các lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bản
thân ông Trump cũng phải đi kiểm tra sức khỏe hàng năm, rồi kết quả y
tế cũng gây phát sinh tranh cãi. Vậy tại sao Việt Nam lại không làm
được điều tương tự? Chẳng có gì phải xấu hổ khi tuyên bố rằng Tổng Bí
thư Đảng bị ốm bệnh.
Nhưng
mà điều không rõ ràng ở Việt Nam là khi Tổng Bí thư Đảng ngã bệnh,
thì ai sẽ là người lên thay, khác với vị trí Chủ tịch nước.
BBC: Gần
đây, ông có nhắc tới tên bà Tòng Thị Phóng và ông Nguyễn Thiện Nhân.
Vì sao ông lại đề cập tới những cái tên này trong bối cảnh đang có các
đồn đoán tại Việt Nam hiện nay?
GS Carl Thayer:
Tôi chú ý tới các quan chức chủ chốt trong hệ thống chính trị hiện
nay. Tôi cũng chú ý tới cả những người khác nữa, chẳng hạn như ông Trần
Quốc Vượng, ông Phạm Minh Chính.
Việt
Nam thường trao các chức vụ hàng đầu cho những người có kinh nghiệm
dày dạn. Khi ông Trần Đại Quang qua đời, tôi nhận được những email gợi ý
rằng Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng có thể lên thay. Nhưng
rồi kết quả là họ đã hợp nhất vị trí Chủ tịch nước với vị trí Tổng Bí
thư. Họ không thể trao một chỗ trống cho một người bất kỳ.
Cho
nên dự đoán của tôi là để đảm nhận vị trí tổng bí thư hay chủ tịch
nước, tức là một trong bốn tứ trụ của Việt Nam, thì ứng viên phải có
ít nhất là tròn một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị trước đây có 19 ủy viên, giờ thì ít hơn.
Bà Tòng Thị Phóng, [Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội] hiện là người duy nhất đạt tiêu chuẩn dày dạn kinh nghiệm đó.
Có
một thế hệ mới nổi lên trong Đại hội Đảng, và ông Nguyễn Thiện Nhân
[Bí thư TP Hồ Chí Minh] là một người trong số đó. Cho nên tôi thử suy
nghĩ xem liệu đó có phải là những ứng viên có thể được cân nhắc không,
nhưng đây là điều có lẽ là rất khó xảy ra. Nếu bệnh tình của Tổng Bí
thư là nghiêm trọng, thì Việt Nam phải ra quyết định.
Nhìn
lại lịch sử, thì trước khi có Đại hội Đảng VI, 12/1986, Tổng Bí thư Lê
Duẩn qua đời. Họ đã bổ nhiệm ông Trường Chinh, người từng là tổng bí
thư, lên thay. Nhưng ông Trường Chinh chỉ giữ chức trong sáu tháng, rồi
Đại hội Đảng sau đó đã bầu chọn ông Nguyễn Văn Linh.
Tôi cho rằng vào thời điểm này, họ cũng có thể làm điều tương tự.
Việt
Nam vẫn chưa quyết định là việc nhất thể hóa chức danh tổng bí thư với
chức danh chủ tịch nước sẽ trở thành chính thức, dài hạn hay không.
Nếu
ông Trọng không thể đảm đương chức vụ được trong một thời gian, thì họ
có thể đưa Phó Chủ tịch lên làm Quyền Chủ tịch nước, mà trong trường
hợp này sẽ là 20 tháng chứ không phải chỉ bảy tháng.
Còn
với vị trí Tổng Bí thư, họ có thể đưa lên một người trông coi tạm
(caretaker). Chuyện ai sẽ là người kế nhiệm ông Trọng với nhiệm kỳ 5
năm kể từ 2021 là vấn đề rất nhạy cảm. Nếu nhìn lại cách lựa chọn của
Đảng trong quá khứ, nhìn vào mức độ dày dạn kinh nghiệm của các gương
mặt trong Đảng lúc này, thì khó đoán đó là ai.
BBC: Nếu
nhìn vào thông tin về các hoạt động được cho là của Tổng Bí thư trong
mấy ngày qua, thì ta thấy ông Trọng tích cực gửi thư chúc mừng, thư chia
buồn tới lãnh đạo các nước, từ Bắc Triều Tiên cho tới Indonesia hay Sri
Lanka, trong lúc có nhiều đồn đoán về vấn đề sức khỏe của ông ấy. Liệu
có thể đánh giá các tín hiệu mà Việt Nam đưa ra thông qua các hoạt
động này như thế nào?
GS Carl Thayer: Chúng ta hiểu rằng những lá thư như thế là do văn phòng soạn thảo, mà hiển nhiên là phải được cấp cao duyệt.
Nhìn
lại chuyện xưa, chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng
trước kia, người đã tổ chức cuộc tấn công Đại thắng Mùa xuân 1975, thì
ông ấy đã biến mất một thời gian để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công,
nhưng họ lại cố đưa tin là ông ấy vẫn đang chơi bóng chuyền.
Việt
Nam có truyền thống che giấu thông tin về lãnh đạo khi vị lãnh đạo đó
hoặc là ốm bệnh, hoặc là ở trong tình thế cần giữ kín hành tung để
làm nhiệm vụ bí mật.
Các
thư gửi đi thì do văn phòng soạn thảo, và việc ghi tên ông Trọng là
người gửi sẽ khiến báo chí phải im lặng về chuyện ông ấy có ốm bệnh
hay không. Đó cũng là cách khiến người dân thường tin rằng mọi chuyện
diễn ra vẫn bình thường.
Nhưng
mà trừ một chuyện không bình thường, như tôi đã nêu ở trên, là Thượng
nghị sỹ Patrick Leahy ra thông cáo báo chí nói ông ấy đi Việt Nam từ
17 đến 22/4, sẽ gặp Tổng Bí thư và các quan chức cao cấp khác. Thế
nhưng ông Thượng nghị sỹ đã không gặp ông Trọng.
Trong
trường hợp sức khỏe của ông Trần Đại Quang, ông Đinh Thế Huynh [ủy viên
Bộ Chính trị] và các lãnh đạo khác, Việt Nam luôn thích chọn cách im
lặng thay vì tuyên bố thông tin.
Tôi
phải nhắc lại là ở Việt Nam không có người thay thế rõ ràng cho Tổng
Bí thư trong trường hợp người đứng đầu Đảng bị mất khả năng làm việc.
Có
một số cái tên được người ta nhắc đến. Chẳng hạn như Trần Quốc Vượng,
Thường trực Ban Bí thư, người đang có vị trí quan trọng trong Đảng.
Nhưng, như tôi đã đề cập, vấn đề kinh nghiệm là điều rất quan trọng.
Tôi cho rằng họ sẽ để lại vấn đề ai thay thế ông Trọng cho đến 2021, còn
trong lúc này họ sẽ chỉ sắp xếp ai đó trông nom tạm.
Từ
những gì tôi theo dõi được, thì lần xuất huyết não này của ông Trọng
không quá nghiêm trọng. Ông ấy có thể hồi phục sau vài tháng.
Sẽ
phải có ai đó thay mặt ông ấy khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương
sắp tới. Có thể diễn giải rằng đó sẽ là người sẽ thay thế ông ấy không?
Tôi không nghĩ thế. Hiện vẫn còn quá sớm để nói.
(BBC)
Không có nhận xét nào