Tội ác không được trừng trị thích
đáng ngay lập tức phát sinh tội ác khác. Sau vụ “hôn tặc” chỉ bị xử phạt
200,000 đồng đã có nhiều câu chuyện châm biếm lan truyền trên mạng ngụ ý
mức giá hời ấy sẽ khuyến khích hành vi dâm ô lan rộng. Những dự báo dân
gian lập tức thành sự thật qua vụ Nguyễn Hữu Linh cựu phó viện trưởng
Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP Đà Nẵng “nựng” cháu bé trong thang máy.
Nguyễn Hữu Linh ấu dâm trẻ em trong thang máy. (Hình: motgiadinh.net) |
Vụ xử phạt tên hôn tặc trong thang máy 200,000 đồng gây bão trên mạng Internet và thông tin lan rộng ra quốc tế.
Người
dân nổi giận nhưng chỉ trong lời nói, trên bàn phím. Đến lượt tên cựu
phó viện trưởng “nựng” cháu bé thì sự cuồng nộ đã tăng ngút trời và đã
biến thành hành động. Nhà tên dâm tặc biến thành điểm chụp hình bêu
riếu, ném vật bẩn, sơn chữ… Sự thóa mạ ấy chừng như không chỉ dành cho
kẻ dâm ô mà còn là cái “nựng” cảnh báo đến bộ máy tư pháp vô cảm, bất
lực trước tội ác. Chủ tịch Đà Nẵng hốt hoảng chỉ đạo điều tra xử lý ngăn
chặn. Liệu chính quyền có đủ sức ngăn chặn sự căm phẫn của người dân
khi chính quyền ấy bất lực thậm chí bao che cho tội ác?
Trước
sự kiện hiển nhiên, clip vidéo thể hiện rất rõ ràng, hành vi dâm ô
không thể lầm lẫn nhưng các cơ quan tư pháp Việt Nam vẫn loanh quanh
đủng đỉnh xác minh và bốn ngày trôi qua vẫn chưa khởi động quy trình tố
tụng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa sôi sục của người dân. Như những quan
chức bị lộ khác, cách chối tội sống sượng, trân tráo của kẻ thủ ác lại
càng thách thức người dân.
Hành động phản kháng tự phát.
Theo
đúng quy luật lượng đổi thì chất đổi của Marx, sự giận dữ của người dân
lần này đã vượt ra ngoài lời nguyền rủa bằng miệng hay trên bàn phím mà
đã thành hành động. Chờ chính quyền lâu quá, người dân đã “thế thiên
hành đạo,” ra tay thực thi công lý bằng phương cách của họ, tổ chức tour
du lịch đến nhà kẻ ấu dâm chụp ảnh, ném đồ dư, mảnh chai… thậm chí dùng
sơn đen viết lên hàng rào hai chữ Ấ. DÂM to tướng. Báo chí sôi nổi
thông tin mô tả hiện trạng và khuyên người dân tự kiềm chế sống theo
pháp luật và không làm ảnh hưởng đến những người vô tội là vợ con, các
thành viên của gia đình
Ngày
5 Tháng Tư, báo Tuổi trẻ đăng tin “Ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Linh –
cựu phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng – nằm trên đường Lê Lợi đã bị
ném chất bẩn, xịt sơn lên tường rào vào tối qua (4-4). Sáng nay, người
nhà ông Linh đã cho sơn lại cửa. Trên cánh cổng màu trắng của ngôi nhà
này có dòng chữ ‘Ấ DÂM’ xịt bằng sơn đen, phía trước cửa bị ném nhiều
chất bẩn. Hàng xóm của ông này cho biết sáng nay khi đi qua cửa nhà ông
Linh thì thấy có dòng chữ trên cùng nhiều chất bẩn ném phía trước cổng.”
(1)
Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vốn đang nằm trong danh sách đen chuẩn bị vào lò đã lo lắng lên tiếng chỉ đạo: “Chiều
5 Tháng Tư, tại cuộc họp với các quận huyện về công tác đảm bảo trật tự
đô thị, Chủ Tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu chính quyền và
công an quận Hải Châu khẩn trương xác minh, xử lý những người ném rác,
bôi vẽ lên cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh.”
Huỳnh Đức Thơ lập luận rằng: “Hành
động quá khích trên là thiếu suy nghĩ, không phù hợp với văn hóa, văn
minh đô thị. Người nào sai sẽ có pháp luật xử lý, nhưng gia đình, người
thân của họ thì không ai được phép làm tổn thương.” (2)
Lập
luận này mới nghe thì rất nhân văn, đạo đức nhưng nhiều người phản bác
rất chặt chẽ là, nếu dư luận cứ ôn hòa thì liệu Linh có được xử lý
nghiêm, thích đáng không hay vẫn là 200,000 như vụ trước đây? Lo ngại
các thành viên gia đình Linh bị tổn thương thì ngoài em bé đã bị tổn
thương cả hồn lẫn xác thì liệu các thành viên gia đình em bé có bị tổn
thương vì hành vi dâm ô của Linh không?
Vấn
đề đặt ra là không phải mới lần đầu, cũng không phải là duy nhất, nhiều
vụ tương tự đã xảy ra và cách, mức độ xử lý của chính quyền với kẻ dâm ô
thì quá nhẹ nhàng đến mức như là khuyến khích người bị phạt tiếp tục vi
phạm vì đã được “ai đó” bảo kê.
Pháp luật không bảo vệ người bị hại
Pháp
luật và cơ quan pháp luật Việt Nam chừng như khá cởi mở, nhân ái với
hành vi dâm ô, kể cả ấu dâm. Một lão cựu giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước ở
Vũng Tàu dâm ô với nhiều cháu bé, cha mẹ các bé tố cáo, kêu cứu, dư luận
báo chí lên án suốt hàng năm trời, vụ việc vẫn bị nhận chìm xuồng mãi
đến khi lãnh đạo cấp nhà nước có ý kiến thì kẻ ác mới bị bắt giữ.
Mới
đây, vụ cô gái bị tấn công tình dục trong thang máy được camera ghi
nhận hình ảnh rõ ràng thế nhưng các cơ quan pháp luật lại nhân ái không
công bố tên tuổi kẻ vi phạm và chỉ xử phạt nhẹ nhàng 200,000 đồng. Lý do
là luật hình sự chỉ ghi nhận tội hiếp dâm, hành vi dâm ô chỉ bị xử lý
hành chính. Dư luận, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài đã bùng vỡ
bức xúc, cuồng nộ về cách hành xử này. Người ta lên án sự đê tiện của
têm dâm tặc với tất cả sự căm thù nhưng sự phẫn nộ cao hơn lại dành cho
các cơ quan thực thi pháp luật vì thái độ lơ là đến mức như bao che cho
tên tội phạm tình dục, thậm chí cơ quan pháp luật không thực hiện được
cam kết buộc gã dâm tặc xin lỗi nạn nhân.
Báo
chí Anh, Hàn Quốc và nhiều nước khác cũng thông tin về sự kiện này.
Không phải họ ác ý chuyện xấu cỏn con của người Việt cũng thành sự kiện
quốc tế mà có lý do chính đáng là họ đồng tình ủng hộ sự phẫn nộ của
người dân.
Thật
vậy, dâm ô trong thang máy hay những chỗ công cộng khác, nước nào chẳng
có, nó là chuyện thường ngày ở thế giới này. Nhưng giá trị thân thể,
nhân phẩm, sự đau khổ về tinh thần của người phụ nữ đã bị cơ quan pháp
luật Việt Nam định giá quá thấp.
“Chỉ
có 200,000 đồng.” Tờ Dailymail của Anh giật dòng tít, tấn công tình dục
trong thang máy chỉ phạt 8 USD gây phẫn nộ ở Việt Nam. Báo này cũng dẫn
lại dư luận bức xúc ở Việt Nam sau khi có quyết định xử phạt người đàn
ông sàm sỡ, cưỡng hôn một cô gái trong thang máy chỉ bị phạt 200 ngàn
VNĐ được quy đổi ra 8 USD.
Trang
Dispatch của Hàn Quốc cho đưa tin cụ thể về vụ việc và nhấn mạnh rằng
thủ phạm chỉ bị phạt 200,000 đồng (tương đương 10,000 won), một số tiền
quá nhỏ so với những gì người này đã gây ra cho cô gái. Trang Dispatch
còn lấy hình ảnh chế trên mạng xã hội Việt để nói đến làn sóng phản đối
của cư dân mạng Việt Nam về hình phạt dành cho kẻ tấn công. “Họ lấy 5 tờ
200,000 và ghi vào đó tên của từng người đẹp nổi tiếng tại Việt Nam để
giễu cợt về hình phạt,” trang báo đưa tin. (4)
Với
tâm thức người Việt và cư dân các quốc gia tiến bộ thì ấu dâm là hành
vi tội ác phải xử lý thích đáng để trừng phạt, ngăn ngừa và thực tế họ
đã xử lý thật hiệu quả bằng cơ chế quản lý xã hội phù hợp
Còn
ở Việt Nam, luật pháp lỏng lẻo và kẻ thi hành pháp luật lại càng bạc
nhược đến mức như đồng lõa. Đến nay, trước làn sóng dư luận lên án,
trước sự trừng phạt tự phát của người dân, tên Linh vẫn ung dung sống tự
do.
Cơ
chế, giải pháp chính sách xã hội mang tầm vĩ mô hạn chế thấp nhất những
tội ác tương tự bị bỏ ngỏ. Thậm chí trong mỗi vụ như vậy, nhiều quan
chức Việt Nam lại có những phát biểu “ngây thơ” đến hoang mang.
Gắn cửa kính để chống dâm ô?
Một
thứ trưởng Bộ Công An đề nghị giải pháp chống dâm ô trẻ em là “tốt nhất
trong thang máy phải lắp đặt hệ thống camera hoặc lắp cửa kính. Thang
máy cần được lắp kính như nhiều nước vẫn làm, rất an toàn. Người bị kẹt
trong thang máy hay gặp vấn đề gì, bên ngoài nhìn thấy ngay.” (5)
Lập
luận này thể hiện tâm lý, tầm nhìn quản lý xã hội kiểu sai đâu sửa đó,
càng sửa càng sai. Vấn đề ở đây là biện pháp cơ chế hữu hiệu để bảo vệ
trẻ em không bị tấn công tình dục. Việc tấn công tình dục có thể xảy ra
bất cứ ở đâu chứ chứ không phải chỉ thực hiện trong thang máy.
Xã
hội Việt Nam có rất nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em như: Ủy Ban Thiếu Niên
Nhi Đồng của Đoàn, Đội Thiếu Niên Tiền Phong, Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em Việt
Nam, Ủy Ban… Mỗi năm các tổ chức này tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng tiền
thuế của dân nhưng ngay ở trung tâm văn hóa kinh tế như Sài Gòn, vụ việc
xảy ra ngày 1 Tháng Tư mãi đến ngày 5 Tháng Tư chỉ duy nhất một tổ chức
đứng đơn tố cáo và đề nghị xử lý hôn tặc Linh.
Trong
một hội thảo về phòng chống ấu dâm gần đây, bà Vân Anh – giám đốc Trung
Tâm Nghiên Cứu, Ứng Dụng Khoa Học Về Giới, Gia Đình, Phụ Nữ và vị Thành
Niên chia sẻ: “Một trẻ em Việt Nam hiện có 15 cơ quan, tổ chức có chức
năng bảo vệ, nhưng khi một đứa trẻ bị lạm dụng, cưỡng hiếp không biết
gọi ai.”
Hệ
thống tư pháp u tối, bất minh, bất lực; bộ máy chính quyền quan liêu vô
hiệu; những tổ chức chính trị xã hôi vô cảm sống như thứ ký sinh rúc
rỉa ngân sách là môi trường tốt để tội ác phát sinh. Hành vi phạm pháp
quả tang của gã cựu phó viện trưởng đủ điều kiện để ai cũng có thể bắt
giữ, đủ điều kiện để cơ quan điều tra bắt người trong tình trạng khẩn
cấp, thế nhưng y vẫn tự do, vẫn ung dung cãi chày cãi cối là y “nựng”
chứ không phải dâm ô mà giới công quyền vẫn im lặng lắng nghe không một
lời tranh luận.
Đó là sự thách thức của chính quyền với người dân.
Trước
tình trạng tội ác tràn lan, bạo lực học đường, xã hội lan rộng, sinh
mạng con người trở nên nhỏ nhoi, mỏng manh, sức mạnh của chuyên chính vô
sản chỉ dành để đàn áp người dân, cưỡng chiếm đất đai, bảo vệ cho lợi
ích nhóm của các quan chức và thế lực sân sau. Người dân không được
hưởng quyền thiết yếu của công ân ngay cả quyền sống an toàn mà trở
thành con sâu, cái kiến.
Đừng
trách người dân quá khích, đừng kêu gọi sự nhân đạo khi mà thân thể,
nhân phẩm, danh dự của những bé thơ và gia đình họ đang bị chà đạp tàn
nhẫn. Những cái “nựng” của người dân trước ngôi nhà tên phó viện trưởng
dâm ô chỉ mới là hành động tự phát khởi đầu. Nếu chính quyền Việt Nam
vẫn tiếp tục lao theo vết xe cũ, không thay đổi thể chế, không thật sự
bảo vệ người dân hữu hiệu thì sự căm phẫn sẽ cộng dồn, những cái “nựng”
tự phát sẽ thành tự giác đủ sức phá tan những thành lũy độc tài xiềng
xích. Lúc đó, cho dù không phải là chủ tịch sắp thành củi như Huỳnh Đức
Thơ mà là một quan chức tai to mắt lớn nào khác cũng sẽ phải vỡ trận vì
sức mạnh của lòng dân.
Gió Bấc
------------------
6-https://tuoitre.vn/15-co-quan-bao-ve-nhung-tre-bi-xam-hai-khong-biet-goi…
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào