Từ Australia, chuyên gia nghiên cứu
lâu năm về chính trường Việt Nam, giáo sư Carl Thayer, cho rằng “quả
bóng hiện nằm trên sân của Việt Nam nhằm ngăn chặn đồn đoán và thông báo
về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng”.
Ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Cuba đầu năm 2018. |
Trong
bài nhận định công bố hôm 22/4, ông Thayer nhắc tới một bài viết của
tác giả Nguyễn Khắc Giang trên trang “The Diplomat” với tựa đề: “Có phải
Việt Nam đang dần rơi vào cuộc khủng hoảng kế nhiệm?”
Ông
Thayer cũng đề cập tới các đồn đoán trên mạng xã hội về chuyện ông
Trọng “bị tai biến mạch máu não trong khi thăm tỉnh Kiên Giang” rồi
“được đưa tới bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh” cũng như về thông tin
“ông đã được đưa sang Nhật để chữa trị”.
“Giả
sử những đồn đoán về bệnh tình của ông Trọng là đúng, điều quan trọng
là phải biết được Tổng bí thư Trọng đã bị nặng đến mức nào. Nếu ông chỉ
bị nhẹ, thì có lẽ còn quá sớm để bắt đầu suy đoán về một cuộc khủng
hoảng kế nhiệm”, chuyên gia lâu năm về Việt Nam đánh giá. “Chúng ta cần
phải chờ xem liệu ông có hồi phục sau một thời gian nghỉ dưỡng và có thể
tiếp tục làm việc, dù khối lượng công việc có thể giảm đi nhiều”.
Nhà
nghiên cứu này cho rằng nếu ông Trọng “bị nặng hoặc không thể hồi phục
để làm việc toàn thời gian”, Việt Nam “có thể tránh một cuộc khủng hoảng
kế nhiệm bằng cách tách chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, và bổ
nhiệm người tạm quyền điều hành mỗi vị trí”.
“Phó
Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh có thể đảm nhiệm vai trò Chủ tịch tạm
quyền như bà từng làm sau khi Chủ tịch Quang qua đời tháng Chín năm
ngoái”, ông Thayer nhận định. “Bộ Chính trị có thể chỉ định một lãnh đạo
đảng tạm quyền từ nay cho tới Đại hội đảng 13 dự kiến diễn ra vào đầu
năm 2021”.
Nhà
nghiên cứu kỳ cựu về chính trường Việt Nam đề cập tới hai ứng cử viên
tiềm năng cho chức vụ Tổng bí thư, đó là bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch
Quốc hội, và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy TP HCM.
“Cho
đến khi chúng ta biết chính xác về bản chất và mức độ nghiêm trọng của
bệnh tình của ông Trọng, tất cả những điều này chỉ là phỏng đoán. Ông
Trọng có thể hồi phục trong những tháng tới và nghỉ hưu vào kỳ đại hội
tiếp theo”, ông Thayer nhận định tiếp.
Chuyên
gia về Việt Nam cho rằng “một chỉ dấu về tình trạng sức khỏe của Tổng
bí thư Trọng là liệu ông có thể phát biểu tại phiên khai mạc và bế mạc
của Hội nghị Trung ương tiếp theo thường diễn ra vào tháng Năm hay
không”.
Tới ngày 22/4, Việt Nam chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ các thông tin trên mạng xã hội về tình trạng sức khỏe của ông Trọng.
Ông
Trọng tuần trước đã không đón tiếp phái đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến
thăm Việt Nam như lịch trình được công bố bởi thượng nghị sĩ Patrick
Leahy hôm 12/4.
Chính
phủ Việt Nam hôm 22/4 thông báo rằng theo lời mời của Tổng bí thư và
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ “dẫn đầu
đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn hợp tác ‘Vành đai và
Con đường’ lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25 - 27/4/2019”.
Năm 2017, Chủ tịch Việt Nam khi ấy là ông Trần Đại Quang đã dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Quốc dự diễn đàn lần đầu.
(VOA)
Không có nhận xét nào