Ngày 25/4, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Một vành đai, Một con đường” đã được khai mạc tại Bắc Kinh. Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lưu Côn đã trả lời về những nghi ngờ của dư luận về “bẫy nợ” liên quan đến các dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường”.
Diễn đàn “Vành đai và Con đường”: Bắc Kinh có cách nói mới về “bẫy nợ” |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện tại Diễn đàn cấp cao “Một vành đai, Một con đường” (Ảnh: Getty Images)
Diễn đàn cấp cao “Một vành đai, Một con đường” lần thứ 2 khai mạc từ ngày 25/4, và kết thúc vào ngày 27/4, địa điểm tổ chức là Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, tính đến cuối tháng 3/2019, số nước tham gia vào “Một vành đai, Một con đường” đã tăng từ 64 nước (năm 2013) lên 115 nước.
Điều khác biệt so với diễn đàn năm ngoái đó là năm nay có sự tham gia của hai nước châu Âu gồm Ý và Thụy Sĩ. Hồi tháng 3 vừa qua, Ý trở thành nước đầu tiên thuộc khối các nước G7 tham gia vào “Một vành đai, Một con đường”.
Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra diễn đàn, Tổng thống Liên bang kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer sẽ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ “Một vành đai, Một con đường”.
Dù vậy, liên tiếp có những tiếng nói phê bình đến từ các chuyên gia, các học giả, họ cho rằng kế hoạch này của Trung Quốc sẽ khiến cho một số nước chìm trong nợ. Các nước phê bình Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, cho rằng kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc đang giúp cho quốc gia này mở rộng sức ảnh hưởng chính trị và kinh tế ra quốc tế.
Đối với những nghi ngờ từ bên ngoài, Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn đã trả lời tại diễn đàn “Một vành đai, Một con đường” rằng, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố “Khung phân tích nợ bền vững của ‘Một vành đai, Một con đường’”, chủ yếu là cung cấp công cụ quản lý phân tích nợ, thích hợp với nước có thu nhập thấp tham gia “Một vành đai, Một con đường” dùng để đánh giá nợ bền vững. Mục đích là hợp tác với cộng đồng quốc tế, cùng nỗ lực cho sự lưu thông tài chính bền vững của “Một vành đai, Một con đường”, thực hiện tăng trưởng mang tính dung hòa, ngăn chặn khủng hoảng nợ.
Hầu hết các dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường” đang ngày càng gặp khó khăn tại nhiều nước, ví dụ có nhiều dự án bị tạm dừng do nguyên nhân vốn đầu tư và tài chính, trong đó có dự án nhà máy điện tại Pakistan và dự án sân bay tại Cộng hòa Sierra Leone. Tuy nhiên, phía chính quyền Trung Quốc vẫn nói một cách quả quyết rằng, không có một nước nào rơi vào cái gọi là “bẫy nợ”.
Nhưng thực tế, Pakistan là một trường hợp điển hình khi rơi vào khủng hoảng nợ. Trung Quốc và Pakistan hợp tác xây dựng vành đai Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan trị giá 62 tỉ USD, tổng cộng có 22 dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường”. Cuối cùng Pakistan không cách nào trả nợ, và phải nhờ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ 8 tỉ USD để giải quyết khó khăn. Mỹ cho rằng IMF không nên giúp Pakistan trả tiền cho Trung Quốc.
Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ mới (CNAS) gần đây đã công bố báo cáo chỉ ra, “Một vành đai, Một con đường” là công cụ quan trọng thúc đẩy dã tâm địa chính trị của Trung Quốc, đồng thời CNAS cũng nhắc nhở các nước tham gia “Một vành đai, Một con đường” cảnh giác với 7 vấn đề lớn như xâm phạm chủ quyền quốc gia, tham ô tham nhũng, v.v, mà đầu tư từ Trung Quốc có thể gây ra.
Bản báo cáo “Đánh giá về ‘Một vành đai, Một con đường’ của Trung Quốc” của CNAS cũng chỉ ra, sáng kiến này được Trung Quốc đưa ra từ năm 2013, không chỉ khởi xướng về kinh tế, mà nó còn là công cụ quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy dã tâm địa chính trị của của mình.
Một trong những tác giả của báo cáo là ông Daniel Kliman, một nhà nghiên cứu cấp cao về các dự án an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc CNAS đã trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do hôm 23/4, ông cho biết, “Một vành đai, Một con đường” không giống như những gì Trung Quốc tuyên truyền, và mang đến cục diện cùng thắng lợi cho nước tham dự, mà là có lợi hơn cho Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc mượn cơ hội đầu tư để thu được nhiều lợi ích thương mại hơn, cũng như chiếm cứ các vùng đất chiến lược.
Nói về phương thức Trung Quốc thúc đẩy dã tâm địa chính trị, ông Daniel Kliman nói lấy ví dụ: “Cộng hòa Djibouti đã gặp phải tình huống là, Trung Quốc biến một cảng dân dụng thành căn cứ quân sự. Còn mượn sự trợ giúp của đòn bẩy lợi ích kinh tế, để khiến một nước phải gánh khoản nợ khổng lồ, và rồi họ không cách nào thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và dễ dàng nghe theo Trung Quốc. Nắm bắt tinh anh (Elite Capture) cũng là phương thức giúp ‘Một vành đai, Một con đường’ thúc đẩy dã tâm địa chính trị.”
Một tác giả nữa của bản báo cáo này là Zack Cooper – một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (AIE). Zack Cooper cho biết, nhờ tác dụng đòn bẩy của dự án “Một vành đai, Một con đường”, nên sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại một số nước đang dần tăng lên. Bởi vì rất nhiều nước tham gia muốn đảm bảo có được đầu tư từ Trung Quốc, nên đã tránh các việc có thể chọc giận Bắc Kinh. “Không có gì quá kỳ lạ, nếu Trung Quốc xây dựng một dự án lớn ở nước khác, Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng ảnh hưởng đến nước này để tránh các tuyên bố tiêu cực về Trung Quốc, ví dụ như tránh phê bình các hoạt động của Trung Quốc tại Tân Cương chẳng hạn. Nước tham gia ‘Một vành đai, Một con đường’ cũng né tránh dính líu đến vấn đề liên quan đến Trung Quốc, ví dụ như thông cáo về vấn đề bảo mật công nghệ được Liên minh châu Âu công bố.”
Trí Đạt
(nguoi-viet.com)
Không có nhận xét nào