Tướng công an ở Sài Gòn nhìn nhận sự
thật phũ phàng rằng, nếu quyết liệt dẹp “sa tặc” (quân cướp cát) thì cả
“công trình trọng điểm quốc gia” cũng kẹt.
Xáng cạp khai thác cát trên sông Tiền Giang đoạn giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. (Hình: Tuổi Trẻ) |
“Thiếu
Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công An ở Sài Gòn, cho rằng hầu hết
các công trình, kể cả công trình trọng điểm quốc gia đều sử dụng cát
khai thác trái phép. Nếu các cơ quan chức năng làm căng thì sẽ không đủ
cát thi công, công trình đình trệ,” báo Dân Trí hôm Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2019, đưa tin.
Tướng
Phan Anh Minh được thuật lời “chia sẻ thẳng thắn” về việc “sử dụng cát
tại thành phố” vào dịp chính quyền địa phương tổ chức “hội nghị bàn về
phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ (giáp ranh
các tỉnh và thành phố Sài Gòn) diễn ra ngày 23 Tháng Tư.
Thực
tế như ông Minh nhìn nhận, thiên hạ đã biết lâu nay, đây là lần đầu
tiên người ta được một ông tướng có trách nhiệm về an ninh trật tự và
luật pháp thú thật. Điều ông nói ra, cũng gián tiếp xác nhận, dù có lệnh
từ chính quyền trung ương buộc các địa phương tăng cường các hoạt động
trên sông rạch để trị “giặc cát” thì “giặc cát” vẫn hoành hành.
Trong cuộc họp kể trên Tướng Phan Anh Minh kêu rằng “hầu
hết những phương tiện tải trọng trên 1,000 tấn bị bắt về hành vi khai
thác cát trái phép đều từ ngoài Bắc vào.” Việc xử phạt thì “chỉ xử phạt
cá nhân điều khiển phương tiện chứ chưa xử lý được chủ phương tiện,”
trong khi “lực lượng chức năng” thì “ngại đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu
thụ, chủ phương tiện.”
Một
trong những lý do không truy cứu trách nhiệm hình sự của chủ tàu vì “Họ
lách luật bằng cách ký hợp đồng, cho thuê phương tiện để khi xảy ra
chuyện thì đổ trách nhiệm cho cá nhân.”
Đã
nhiều lần, báo chí trong nước phanh phui những vụ “sa tặc” hoành hành
có sự bảo kê của các cấp từ chính quyền địa phương tới công an cấu kết
với nhau. Nhiều vụ dân chúng tự động đi bắt quân cướp cát dẫn đến các vụ
xô xát đổ máu trên sông. Vì cát bị hút số lượng quá lớn, nhà cửa ven
nhiều con sông đổ sập xuống nước, thiệt hại có khi cả người.
Một tuần lễ trước cuộc họp ở Sài Gòn kể trên, tờ Tuổi Trẻ đưa tin: “Sáng
15 Tháng Tư, người dân tại khu vực sông Đồng Nai (địa phận phường Long
Phước, quận 9, Sài Gòn) cấp báo: tình trạng nhiều tàu thuyền đang tổ
chức bơm hút cát trái phép làm tăng nguy cơ sạt lở, nguy hiểm cho dân
sinh sống ở đây. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc
Trạm Cảnh Sát Đường Thủy Cát Lái đã có mặt tại hiện trường, theo dõi và
bắt giữ hai tàu ‘sa tặc.’”
Ngày 4 Tháng Tư, báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Sáng
3 Tháng Tư, chủ trì họp về tình hình vi phạm trong khai thác cát sỏi,
Phó Thủ Tướng Thường Trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh không để người dân
đơn độc chống lại ‘sa tặc’ và yêu cầu Bộ Công An chỉ đạo mở đợt cao điểm
trấn áp.”
Trong cuộc họp này, Thứ Trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tình
hình khai thác trái phép cát sỏi trên các tuyến sông và cửa biển hoạt
động trở lại phức tạp với thủ đoạn tinh vi, có nơi công khai, có tính
chất lộng hành như tại Hà Nội, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bến Tre,
Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.”
Theo
ông Sơn, quân cướp cát “lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan
chức năng, việc mua bán hóa đơn để đưa một số lượng lớn khoáng sản cát
được khai thác trái phép để tiêu thụ tại các dự án có nhu cầu san lấp
lớn diễn ra ở nhiều địa phương, gây thất thu thuế cho nhà nước, trong
khi ‘xử lý còn có những bất cập, xử lý hành chính chưa có tính răn đe,
xử lý hình sự còn hạn chế.’”
Mới ngày 16 Tháng Tư, báo chí trong nước cho hay bốn căn nhà thuộc thành phố Cần Thơ bị kéo sập xuống sông ngay giữa trưa.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào