Trên Asia Times, có bài viết mang tựa
đề « Có phải nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đang hấp hối ?
». Tác giả David Hutt đặt vấn đề, nếu tin này được xác nhận thì có ý
nghĩa như thế nào đối với một đất nước chia rẽ về chính trị, vốn thường
giữ bí mật, trong khi sự kế thừa quyền lãnh đạo cho năm 2021 vẫn chưa
được quyết định ?
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Hà Nội ngày 27/03/2019. |
Các
mạng xã hội tại Việt Nam trong tuần lễ vừa qua sôi sục với thông tin
tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã được
đưa cấp tốc vào bệnh viện hôm 14/04/2019. Cho đến nay vẫn chưa thấy ông
xuất hiện trước công chúng.
Cơn bão tin đồn
Một
số bài đăng trên mạng cho biết nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam chỉ
bị sốc nhiệt vì cảm nắng, số khác nói rằng ông bị xuất huyết não hay
đột quỵ, và hiện đang hấp hối.
Trong
cơn bão tin đồn, một số còn cáo buộc những người ủng hộ địch thủ của
ông Trọng là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ám hại ông. Đó là do lúc
ông Trọng đi công cán Kiên Giang, căn cứ địa của ông Dũng, thì ông mới
ngã bệnh.
Người
thì khẳng định đây là một cú đảo chính trong triều đình, có lẽ do ông
Trần Quốc Vượng cầm đầu. Ông Vượng hiện là thường trực Ban Bí thư, phụ
trách những công việc hàng ngày của đảng, là người có quyền lực thứ nhì
về mặt đảng, chỉ đứng sau tổng bí thư.
Những
thông tin đáng tin cậy hơn cho rằng ông Trọng đã được đưa đến bệnh viện
Chợ Rẫy ở Saigon, hoặc đưa sang Nhật chữa bệnh. Nếu việc sang Nhật trị
bệnh là sự thật, thì tình trạng của ông có vẻ nghiêm trọng : đa số quan
chức cao cấp đều được điều trị trong nước vì tinh thần dân tộc - theo
tác giả - trừ trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Chuyên
gia về Việt Nam Carl Thayer, trường đại học New South Wales dẫn các
nguồn tin riêng cho biết ông Trọng « đã hồi phục lại phần nào », rất có
thể là từ tai biến mạch máu não, nhưng bị liệt một cánh tay. Tình hình
sức khỏe của ông có mức độ nghiêm trọng như thế nào có thể quan sát được
trong Hội nghị trung ương sắp tới, được ấn định vào tháng Năm.
Asia
Times cho biết không thể kiểm chứng một cách độc lập tất cả các thông
tin và tin đồn trên đây. Cho dù báo chí nhà nước tránh đề cập đến, việc
ông Nguyễn Phú Trọng bị bệnh là một bí mật nay ai cũng biết cả, trong
một Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ cả về xã hội lẫn internet. Tờ báo ghi
nhận hôm 14/4, cái tên « Nguyễn Phú Trọng » đã trở thành từ khóa được
tìm kiếm nhiều nhất trên Google tiếng Việt.
Nắm chắc quyền lực
Ông
Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam vào năm
2011. Nhưng nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông không hề yên ả, do sự kèn
cựa với thủ tướng thời đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng có quyền hành
« oai trùm thiên hạ » trong bộ máy chính phủ, lấn át phía đảng.
Tại
Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Trọng đã thành công trong việc hình thành
một liên minh để ngăn chận tham vọng trở thành tổng bí thư của ông
Dũng, và rốt cuộc ông thủ tướng phải về vườn.
Với
quyền lực được củng cố, ông Nguyễn Phú Trọng đã tung ra chiến dịch
chống tham nhũng, để loại trừ những nhân vật thuộc phe ông Nguyễn Tấn
Dũng ra khỏi đảng, cắt đứt mối quan hệ giữa các quan chức đảng với các
lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh tham nhũng.
Ông
Trọng càng có nhiều quyền hành hơn từ khi kiêm luôn chức chủ tịch nước
vào cuối năm 2018, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vào tháng Chín.
Điều đáng chú ý là báo chí nhà nước giữ im lặng về bệnh tình của ông
Quang đến tận lúc ông này qua đời.
Nếu
ông Trọng bất ngờ bị mất quyền hành, có thể gây tác động như một trận
địa chấn, trong một đất nước có truyền thống bí mật, khép kín.
Danh chính ngôn thuận khi đối ngoại
Trong
nhiều thập niên qua, đảng vẫn tôn trọng một thỏa thuận bất thành văn là
không ai trong « tứ trụ » có thể cùng lúc nắm hai chức vụ. Một số nhà
phân tích nghĩ rằng khi hợp nhất hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước,
ông Nguyễn Phú Trọng muốn tăng cường quyền lực trong tay, đi theo con
đường của Tập Cận Bình, cũng nắm cả hai chức vụ ở Trung Quốc. Một cách
giải thích khác, theo tác giả có vẻ thuyết phục hơn, là ông Trọng muốn
đóng vai trò tích cực hơn trong đối ngoại.
Quan
hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể là quan hệ giữa hai đảng cộng
sản. Nhưng Hoa Kỳ, nay đã trở thành một trong những đồng minh thân thiết
của Việt Nam, muốn trao đổi với các thành viên chính phủ thay vì quan
chức đảng.
Hồi
tháng Hai, khi Hà Nội đóng vai trò nước chủ nhà của cuộc đối thoại giữa
Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã mời
ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm chính thức Washington trong năm nay.
Nếu ông Trọng đi thăm với tư cách tổng bí thư đảng thì sẽ phức tạp đôi
chút. Nhưng với tư cách chủ tịch nước, nay ông là người đứng đầu Nhà
nước Việt Nam, khiến tiếng nói của đảng có trọng lượng hơn trong đối
ngoại.
Tuy
nhiên nếu việc ông Trọng kiêm luôn chủ tịch nước được cho là sẽ tạo
điều kiện cho quan hệ với bên ngoài, thì ngược lại tình trạng sức khỏe
của ông - nếu kéo dài và làm ông suy nhược đi - có thể gây nguy hiểm cho
tham vọng độc chiếm quyền lực. Trong trường hợp bệnh tật nên không thể
đi nước ngoài, điều đó có nghĩa ông Trọng sẽ phải rời bỏ chức vụ.
Gậy ông đập lưng ông ?
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện nghiên cứu kinh tế - chính sách
(VEPR) của Việt Nam, nhấn mạnh rằng ông Trọng có thể bị « gậy ông đập
lưng ông ».
Vào
đầu năm 2018, dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, Bộ Chính trị đã ban hành
Quy định số 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá các cán bộ cao
cấp được Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý.
Theo đó họ phải « có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ ».
Ông
Giang viết trên The Diplomat tuần trước : « Động thái này được coi như
một nỗ lực nhằm ngăn chận ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang. Nhưng nay sẽ
mang ý nghĩa mỉa mai nếu quy định này giờ đây quay ngược lại, đánh vào
ông Nguyễn Phú Trọng ».
Tuy
nhiên tình hình sẽ càng xáo trộn hơn trước câu hỏi, ai sẽ thay ông
Trọng lên làm chủ tịch nước. Đặc biệt vào thời điểm đảng bắt đầu bàn bạc
về việc ai sẽ nắm quyền lãnh đạo vào năm 2021.
Kế
thừa chính trị là một vấn đề rắc rối, có khả năng gây bất ổn tại Việt
Nam. Các mạng lưới bảo trợ, quan hệ với các tỉnh và phe nhóm khiến các
quan chức cao cấp phải tả xung hữu đột để đưa được những đồng minh của
mình vào các ủy ban quan trọng, được bầu vào Bộ Chính trị. Cuộc đối đầu
chính trị này thường bắt đầu ít nhất hai năm trước khi diễn ra Đại hội
Đảng.
Nhân sự tương lai và việc định hướng chính sách
Đại
hội kỳ tới sẽ được tổ chức vào đầu năm 2021, có nghĩa bây giờ là thời
điểm để Hội nghị trung ương đảng bàn về nhân sự tương lai. Hầu như chắc
chắn là ông Trọng sẽ rời ghế vào năm 2021 – quy định của đảng chỉ cho
phép hai nhiệm kỳ.
Nhưng
nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn bảo đảm các đồng minh bảo thủ của mình sẽ
lên lãnh đạo đảng sau khi ông về hưu, thì tình hình sức khỏe được cho
là xấu của ông sẽ làm ý định này khó thể thực hiện. Thấy tình trạng ông
Trọng như vậy, các đối thủ của ông trong đảng sẽ nghĩ rằng đây là cơ hội
để yêu sách các vị trí họ mong muốn.
Nhiều
chính khách cho rằng cần phải tự do hóa nền kinh tế, đặc biệt là giải
thể các doanh nghiệp nhà nước chỉ chuyên khai thác tài nguyên. Người
khác muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và bớt dần lệ thuộc vào
Trung Quốc. Vẫn còn những người muốn có một dạng dân chủ hơn của chế độ
cộng sản.
Trên
thực tế, cho dù chủ nghĩa của ông Trọng có được định nghĩa theo kiểu
nào đi nữa, thì nỗ lực nhằm giữ cho đảng không bị rạn vỡ và quyền lực
của ông vẫn yếu dần đi, khi đất nước đang có những thay đổi đáng kể về
kinh tế xã hội.
Ông
Trọng từng nói rằng nếu mở cửa trong đảng dù chỉ nhẹ nhàng, có thể dẫn
đến sự sụp đổ. Đó là lý do khiến ông cố gắng diệt trừ tham nhũng và loại
các nhân tố phi đạo đức, không tuân theo ý thức hệ ra khỏi đảng.
Asia
Times kết luận, với sự lên ngôi của ông Trọng trong ba năm qua, các phe
nhóm đối địch không có bao nhiêu tiếng nói trong đảng. Nhưng nếu sức
khỏe ông Trọng yếu đi, các đồng minh của ông đứng ngoài lề trong việc kế
tục, thì các phe phái này có thể tấn công để nắm quyền kiểm soát đảng,
định hướng lại về chính trị và kinh tế.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi vừa nhận được, thì sức khỏe ông Trọng « đã ổn ».
Thụy My
(RFI)
Không có nhận xét nào