Đảng viên quấy rối tình dục dưới mọi hình thức chỉ bị khiển trách? |
Điều 33. Vi phạm về đạo đức, nếp sống văn minh
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a)
Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, mừng thọ, kỷ
niệm ngày cưới, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác xa hoa, lãng
phí hoặc trái quy định.
b) Vi phạm các quy định về cấm uống rượu, bia làm ảnh hưởng đến tư cách đảng viên.
c) Có hành vi quấy rối tình dục dưới mọi hình thức.
Rất tiếc, sau khi kiểm tra qua nhiều nguồn chính thức, thì điều (c) trên kia, là có thật.
Nó
nằm trong điều 33 Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi
phạm. Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm
Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị
ký ban hành vào tháng 12/2017.
Nhắc lại cho rõ, vào năm 2017, tức cách đây mới hai năm chứ không phải vào thời bàn đá chông chênh dịch sử Đảng… tận thế kỷ nào.
Cứ ba phụ nữ Việt Nam có một người từng bị bạo lực tình dục
Tháng
12 năm ngoái, bà Đỗ Thị Thu Hà, phụ trách Văn phòng UNFPA (Quỹ Dân số
Liên hợp quốc) tại Việt Nam, cho biết theo một khảo sát thực hiện ở Việt
Nam, thì cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có một người từng bị bạo lực tình
dục.
Đại
diện Vụ bình đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì công bố
có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận trong thời gian
qua. Trong nhiều vụ việc, thủ phạm chính là người thân ruột thịt của các
em gái.
Tôi
cảm thấy thật châm biếm khi đọc được những thông tin này trên báo Tuổi
trẻ. Vì cũng chính tờ Tuổi trẻ, năm ngoái từng nổi tiếng vì Trưởng ban
truyền hình có bút danh là Anh Thoa bị đình chỉ công tác do có một nữ
sinh viên báo chí, CTV Ban truyền hình tố cáo vì xâm hại tình dục cô ấy.
Sau nhiều tháng đấu tranh giữa việc tố cáo hay không tố cáo, cô gái đã
từng chọn giải pháp tự tử.
Sau
tố cáo nói trên, một quan chức khác của báo Tuổi trẻ là ông Nguyễn Hoài
Phong, bút danh Vân Trường, Trưởng Văn phòng đại diện sông Tiền cũng bị
một nữ CTV của báo tên Trần Thị Hiền (nickname trên mạng xã hội là Kim
Nguyen) viết status tố cáo cụ thể. Từ gạ gẫm, tấn công tình dục đến đe
dọa và trừng phạt khi cô gái này dám phản kháng.
Nhưng
hơn một năm trôi qua, cho đến nay báo Tuổi trẻ vẫn còn nợ bạn đọc về
kết quả xác minh và xử lý tố cáo bị quấy rối tình dục của các CTV trên.
Thực
ra, nói báo Tuổi trẻ nợ… cũng không chính xác. Vì với cương vị Trưởng
phòng, Trưởng ban, dĩ nhiên hai kẻ bị tố cáo kia đều phải là đảng viên
(theo quy định chung của chính quyền Việt Nam, phải là đảng viên mới
được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo). Vậy, căn cứ theo điểm c điều 33 Quy
định 102 thượng dẫn- “quấy rối tình dục dưới mọi hình thức” chỉ bị khiển
trách- hai vị lãnh đạo này chỉ bị khiển trách là đã xong trách nhiệm.
Chấm dứt vụ việc.
Trường
hợp báo Tuổi trẻ chỉ là một ví dụ khá điển hình lý giải một phần vì sao
quấy rối tình dục lại bị xem nhẹ trong Quy định về trách nhiệm của đảng
viên.
Ưu quyền của đảng viên
Văn
phòng UNFPA Việt Nam giải thích thuật ngữ quấy rối tình dục là “các cử
chỉ, hành vi khiến đối phương cảm thấy khó chịu về mặt tâm lý và tình
dục như việc nam giới nhìn chằm chằm, cố ý để lộ các bộ phận sinh
dục, huýt sáo trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bên ngoài hay ve vãn,
tán tỉnh bằng các tin nhắn gợi dục.”
Thông
tin trên báo chí cho thấy các hành vi này khá phổ biến ở Việt Nam, đặc
biệt trong các môi trường có nhiều sự lệ thuộc vào cấp trên hay người có
quyền hạn, như công nhân trong nhà máy, nữ nhân viên trong các cơ quan
Nhà nước (đặc biệt ở phía Bắc Việt Nam, khi tư tưởng dùng tiền chạy việc
vào cơ quan Nhà nước được xem là bình thường), nữ sinh viên với giảng
viên nam giới. Nhắc lại, trong các công sở, cơ quan Nhà nước, người có
chức vụ đều phải là đảng viên.
Đặc
biệt trong môi trường hoạt động nghệ thuật như sàn diễn thời trang hay
điện ảnh, kịch nghệ, ca múa, việc các mầm non nghệ thuật bị gạ gẫm và đe
dọa đổi lấy cơ hội xuất hiện với công chúng hầu như là bình thường
trong nghề. Nó phổ biến đến nỗi không ít người xem đó là cuộc đổi chác
sòng phẳng: Giữa hai người có thanh sắc hoặc khả năng chuyên môn như
nhau hoặc không chênh lệch đáng kể, ai muốn thăng tiến người ấy phải
chấp nhận đánh đổi.
Nhìn
vào Quy định 102, thấy tư tưởng này cũng ăn rất sâu vào các đồng chí
đảng viên-tổ chức được gọi là tinh hoa của xã hội Việt Nam, tự lãnh
trách nhiệm tiên phong và dẫn dắt cả đất nước. Nó vừa thể hiện sự trịch
thượng của giai cấp cầm quyền (đảng viên ưu tú hơn quần chúng; đảng viên
có đặc quyền khi quấy rối tình dục thì chỉ bị khiển trách; đảng viên
xấu thì bị trả về làm… quần chúng!), vừa tối sầm tư tưởng trọng nam
khinh nữ, cương quyết giữ một khoảng cách rất xa với văn minh.
Quy định trên mâu thuẫn với chính những luận cương, quan điểm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tạp
chí Cộng sản của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cuối tháng 12/2018
đăng bài viết “Nêu gương-một phương thức lãnh đạo của Đảng” của Giáo
sư-Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn và Nguyễn Thị Thanh Dung. Bài viết dẫn
chiếu: “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam
(…) lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược (…) và bằng hành động gương
mẫu của đảng viên”.
Vai
trò nêu gương của đảng viên được chính Đảng đề cao. Đầu tháng 6/2012,
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành hẳn một quy định
riêng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (Quy định số
101-QÐ/TW Trung ương Đảng).
Trong
đó quy định rõ bảy nội dung nêu gương, mà đạo đức, lối sống, tác phong
là lĩnh vực được đặt ở vị trí quan trọng thứ hai, chỉ sau sự nêu gương
về tư tưởng chính trị.
Vậy mà tận 5 năm sau, lại có một điều khoản quy định đảng viên quấy rối tình dục DƯỚI MỌI HÌNH THỨC thì chỉ bị khiển trách.
Cựu Phó viện trưởng Viện kiểm sát Đà Nẵng không đủ tư cách công dân tốt nhưng vẫn đủ tư cách đảng viên
Vụ
công khai dâm ô trẻ em trong thang máy tại một chung cư ở Sài Gòn đang
gây xôn xao mấy ngày gần đây, một phần lớn vì thủ phạm từng giữ chức vụ
cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật: ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng.
Cơ
quan cấp trên (cũ) của ông Linh là Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thể
hiện quan điểm trên công luận: “Nếu xác định có hành vi như vậy sẽ xử lý
nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Nhưng
như thế sẽ có một điều rất ngộ nghĩnh xảy ra. Đó là về mặt công dân,
ông cựu Phó viện trưởng có thể (nhiều khả năng) bị xử lý theo pháp luật.
Nhưng về tư cách đảng viên thì ông ta chỉ bị khiển trách (tức là rất
nhẹ)!
Suy
diễn sâu hơn một chút nữa thì: ông Linh KHÔNG ĐỦ tư cách là một công
dân tôn trọng pháp luật, nhưng VẪN ĐỦ tư cách là đảng viên!
Câu
chuyện trên là một ví dụ cho thấy đã đến lúc để Đảng Cộng sản Việt Nam
chấm dứt những văn bản rất trống kèn về mặt hình thức nhưng không có
hiệu lực thực tế, không những thế còn tiềm tàng khả năng bị đem làm đề
tài cho những câu chuyện châm biếm bất tận, như Quy định 102 kể trên.
Đối
chiếu với chính những luận cương nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam và
mong muốn của người dân, đảng viên chỉ cần tuân thủ mọi quy định của
pháp luật, và khi vi phạm pháp luật thì không được tính là một yếu tố
giảm nhẹ. Thế là đủ, và may mắn cho xã hội lắm rồi. Không cần vẽ rắn
thêm chân, tưởng tượng ra những hình tượng phi thực tế và đầy ảo giác để
khi va chạm với (vẫn) hệ thống pháp luật của chính quyền thì nó vỡ
toang ra một cách đầy hài hước và mỉa mai như vậy.
Tre
------------------
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào