Thời điểm hiện tại, tình hình Biển
Đông đang đi vào thời điểm quan trọng khi những bước tiến của Trung Quốc
đang tích tụ dần còn dư địa cho Mỹ hành động đang giảm đi, và các nhà
quan sát tại khu vực thì đang tự hỏi liệu Mỹ đã sẵn sàng đối mặt với
thách thức này hay chưa. Và Mỹ vẫn đang loay hoay đi tìm một chiến lược.
Hình minh họa |
Mỹ
đang gặp khó khăn do không có chiến lược tại Biển Đông. Trong gần một
thập kỷ qua - và với cường độ ngày càng cao kể từ 2014 - Trung Quốc đã
dùng biện pháp “góp gió thành bão” [salami slicing: tiến dần từng bước -
ND] để dần có được ưu thế tuyệt đối tại vùng biển quốc tế quan trọng
này. Cùng với đó, Trung Quốc cũng làm xói mòn các chuẩn mực và lợi ích
Mỹ luôn tìm cách bảo vệ. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn đang vật
lộn để tìm ra biện pháp ứng phó hiệu quả. Chính quyền Obama, thông qua
các tuyên bố, phản đối hành vi mở rộng trên biển của Trung Quốc và nỗ
lực cải thiện thế trận quân sự cũng như vị thế địa chính trị của Mỹ tại
Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính quyền Obama thi thoảng mới
tập hợp đủ sức mạnh cần thiết để kiềm chế tham vọng bá chủ của Trung
Quốc tại Biển Đông, thường thì chính quyền Obama không thể áp đặt cái
giá phải trả đủ lớn trong dài hạn đối với những hành động ngắn hạn của
Bắc Kinh. Về phần mình, chính quyền Trump chưa xây dựng hoặc chưa thực
thi một chiến lược Biển Đông nhất quán, khi họ nói rằng Mỹ có thể dùng
sức mạnh để ngăn Trung Quốc tiếp cận tới các đảo - đây là điều gần tương
tự như chiến tranh, nhưng sau đó họ dường như tìm cách đánh chìm vấn đề
Biển Đông.
Thời
điểm hiện tại, tình hình Biển Đông đang đi vào thời điểm quan trọng khi
những bước tiến của Trung Quốc đang tích tụ dần còn dư địa cho Mỹ hành
động đang giảm đi, và các nhà quan sát tại khu vực thì đang tự hỏi liệu
Mỹ đã sẵn sàng đối mặt với thách thức này hay chưa. Và Mỹ vẫn đang loay
hoay đi tìm một chiến lược.
Không
nghi ngờ gì, một phần của vấn đề là giải quyết việc Trung Quốc thường
sử dụng hành động tấn công đầy toan tính, vừa táo bạo lại vừa tinh tế,
đến mức có thể thay đổi mạnh mẽ nguyên trạng địa chính trị nhưng một
cách dần dần, tích tụ, theo cách thức không đủ gây ra một phản ứng quyết
liệt. Tuy nhiên, để tìm ra một chiến lược Biển Đông đúng đắn cho Mỹ,
chúng ta cũng cần phải suy nghĩ một cách có hệ thống hơn về một bên là
những gì mà Washington mong muốn đạt được và một bên là những gì mà nước
này sẽ chấp nhận mạo hiểm. Những năm qua, chúng ta đã quá quen với
những lời kêu gọi Mỹ cứng rắn với Trung Quốc vì hoạt động xây đảo trái
phép, vì việc quân sự hoá các thực thể tranh chấp, và vì các hành vi
cưỡng ép với đồng minh và đối tác Mỹ.[1] Nhưng chúng ta lại không mấy
khi được nghe tới những thảo luận chuyên sâu về mục tiêu lâu dài của
hành động như vậy là gì, liệu mục tiêu đó có đạt được trên thực tế hay
không, và trong quá trình đó, Mỹ nên chấp nhận mạo hiểm và đánh đổi ở
mức nào.[2] Đây là điều nguy hiểm, bởi nó làm tăng nguy cơ Mỹ dồn công
sức cho những mục tiêu mà để đạt được thì cái giá phải trả sẽ là vô cùng
lớn, hoặc đơn giản hơn là Mỹ sẽ thực thi một chính sách mơ hồ, thiếu rõ
ràng cho một vấn đề địa chính trị vô cùng quan trọng.
Điều
cần làm là nâng tầm các tranh luận mang tính chiến lược bằng việc xác
định rõ ràng - và đánh giá thấu đáo - các lựa chọn chính để chống lại
"đòn tấn công" của Trung Quốc tại Biển Đông. Có sẵn bốn chiến lược cơ
bản để chúng ta lựa chọn.
1.
Đảo ngược với mục đích đảo ngược những gì mà Trung Quốc có được tại
Biển Đông và khôi phục hiện trạng như trước; chiến lược này chấp nhận
mạo hiểm với nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ở mức cao, bởi đây là cái
giá cho việc đạt được mục tiêu tham vọng này.
2.
Ngăn chặn chấp nhận những gì Trung Quốc đã đạt được cho đến nay, với
nhận thức rằng sẽ rất khó khăn và nguy hiểm nếu muốn đảo ngược những gì
Trung Quốc đã có được, nhưng vạch ra ranh giới rõ ràng - bao gồm cả việc
đe doạ hoặc sử dụng vũ lực - nếu có hành động lấn tới.
3.
Đáp trả không tìm cách ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc trên Biển
Đông, mà mục đích là nhằm trừng phạt những hành vi gây bất ổn của Bắc
Kinh, đồng thời với đó là đáp trả tác động của những hành động này thông
qua các biện pháp tăng cường vị thế của Mỹ tại khu vực.
4.
Thích nghi chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông, trên
lý thuyết chiến lược này đơn giản là cho rằng cạnh tranh với Bắc Kinh
tại khu vực sân sau của họ là hành động quá nguy hiểm, tốn kém, nên thay
vào đó, Mỹ sẽ tìm cách để đảm bảo sự chuyển giao vị thế bá chủ cho
Trung Quốc diễn ra suôn sẻ.
5.
Không chiến lược nào trong số này là hoàn hảo, và mỗi chiến lược đều có
những điểm mạnh và điểm yếu đáng kể. Tuy nhiên, sau quá trình phân
tích, một chiến lược trong đó pha trộn những khía cạnh hợp lý của ngăn
chặn và đáp trả sẽ là phù hợp nhất cho việc bảo vệ lợi ích của Mỹ với
cái giá vừa phải - và để có chính sách đúng đắn tại vùng nước dữ Biển
Đông.
TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG
Tình
hình Biển Đông vừa phức tạp lại vừa đơn giản. Phức tạp ở thực tế là
vùng biển này là đối tượng của nhiều loại tranh chấp giữa Trung Quốc,
Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và gần nhất là
Indonesia.[3] Thực tế đơn giản là chỉ một trong số các bên yêu sách – cụ
thể là Trung Quốc – có tính toán bài bản cho vị thế bá chủ khu vực.
Năm
2009, Trung Quốc gây ngạc nhiên cho những nhà quan sát khu vực khi đệ
trình lên Liên Hợp Quốc cái gọi là bản đồ đường chín đoạn, trong đó yêu
sách lên tới 90% Biển Đông. Kể từ đó, Trung Quốc ngày càng sử dụng hình
thức cưỡng ép với các nước láng giềng Biển Đông, bằng các biện pháp như
khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” với các thực thể tranh chấp
và chiếm quyền kiểm soát hữu hiệu với Bãi cạn Scarborough từ tay
Philippines vào năm 2012. Cùng với đó, Trung Quốc nâng cấp các cơ sở tại
Quần đảo Hoàng Sa, cụ thể là căn cứ quân sự tại Đảo Phú Lâm (Woody
Island). Hiện giờ, Đảo Phú Lâm đã có một sân bay có thể tiếp nhận cánh
máy bay quân sự, nhà chứa máy bay, và bệ phóng tên lửa. Tuy nhiên, từ
2013, Trung Quốc đã “cải tạo” khoảng 3200 mẫu đất tại Quần đảo Trường
Sa, con số này của Việt Nam chỉ là 120 mẫu và các bên yêu sách khác thậm
chí còn ít hơn (có quốc gia còn không có hoạt động cải tạo).[4] Bắc
Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trên bảy thực thể
tại Trường Sa, ba trong số đó hiện có sân bay dài 3km với nhà chứa máy
bay, radar tối tân và các cứ điểm phòng thủ.
Ngoài
việc mở rộng thế đứng quân sự, Bắc Kinh còn công bố và thực thi các
biện pháp hạn chế hoạt động đánh cá và khai thác tài nguyên tại nhiều
khu vực khác nhau ở Biển Đông, trao quyền cho lực lượng cảnh sát biển và
dân quân biển được phép can thiệp vào hoạt động của tàu các quốc gia
khác, thường xuyên cho phép các tàu cá mang cờ Trung Quốc khai thác các
loài có nguy cơ tuyệt chủng tại các khu vực tranh chấp, và thể hiện rõ
rằng nước này sẽ phớt lờ bất kỳ hình thức thách thức pháp lý nào đối yêu
sách của họ. Ví dụ, vào năm 2016, Bắc Kinh lạnh lùng gạt bỏ phán quyết
của toà trọng tài trong đó bác bỏ về cơ bản đường chín đoạn và kết luận
rằng phần lớn yêu sách và hoạt động trên biển của Trung Quốc là không
phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.[5] Cuối cùng, Bắc Kinh
đã quyết đoán hơn trong hoạt động thách thức hoạt động của các nước khác
tại Biển Đông bằng việc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, quấy
nhiễu tàu và máy bay của Mỹ (cũng như của các nước khác), và cảnh báo
Washington với việc "can thiệp" vào các tranh chấp trên biển đang tồn
tại của Trung Quốc.[6]
Do
đó, dù là xét dưới bất kỳ tiêu chuẩn thông thường nào, mô thức hành
động và tuyên bố của Trung Quốc trong những năm qua đang nhằm hướng nước
này trở thành cường quốc thống trị tại Biển Đông.[7] Những gì Trung
Quốc giành được đang tăng dần thay vì tăng đột ngột, và Bắc Kinh đã hiệu
chỉnh hành vi của mình một cách thận trọng để tránh gây ra xung đột vũ
trang với Washington hoặc đủ nghiêm trọng để khuyến khích khu vực tìm
cách cân bằng lại nước này. Tuy nhiên, thành quả mà Bắc Kinh tích góp
được là đáng kể. Theo một cựu quan chức trong chính quyền Obama, "trong
một khoảng thời gian ngắn ngủi, Trung Quốc đã đặt nền tảng cho việc kiểm
soát Biển Đông".[8]
Vậy
tại sao điều này lại quan trọng với Mỹ? Một số chuyên gia về Châu Á của
Mỹ khẳng định rằng điều này chẳng quan trọng - rằng "lợi ích cốt lõi
[của Washington] không thật sự đang bị đe doạ" tại Biển Đông.[9] Suy cho
cùng, Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
và các thực thể tại đó, ngoài việc nói rằng tranh chấp cần được giải
quyết hoà bình thông qua đàm phán không bị cưỡng ép. Vậy, tại sao
Washington lại phải mạo hiểm ngăn chặn Bắc Kinh kiểm soát và khai thác
các thực thể trên biển mà Mỹ vẫn nói rằng có thể là cũng thuộc về Bắc
Kinh từ trước [do quan điểm không đứng về bên nào của Mỹ trong tranh
chấp - ND]?[10] Câu trả lời là đòn tấn công của Trung Quốc không chỉ đơn
giản là việc ai kiểm soát "một nhóm đảo đá nằm ở phía bên kia thế
giới"; nó là sự thách thức với một loạt lợi ích chủ chốt của Mỹ tại Biển
Đông và lớn hơn là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.[11]
Từ
góc độ kinh tế, giá trị thương mại qua Biển Đông đạt khoảng 3,4 nghìn
tỷ USD mỗi năm, và nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ phụ thuộc nhiều vào
cả hoạt động thương mại qua vùng biển này lẫn nguồn tài nguyên - từ cá
cho tới dầu mỏ và khí tự nhiên - mà có thể khai thác tại đây.[12] Nếu
Trung Quốc trở thành cường quốc có ưu thế vượt trội tại khu vực, nước
này sẽ có khả năng tạo "điểm nghẽn" tại một trong những tuyến đường
thương mại quan trọng nhất của thế giới, nếu họ muốn làm như vậy - hoặc
chỉ đơn giản Bắc Kinh sẽ ngầm đe doạ làm như vậy để đe doạ và tạo ảnh
hưởng lên các nước khác vốn lệ thuộc vào cung đường nhộn nhịp và cũng là
một trong những tài sản chung của thế giới này.
Từ
góc độ quân sự, bảy căn cứ của Trung Quốc tại Trường Sa (và các cơ sở
mới được nâng cấp tại Hoàng Sa) đã mở rộng đáng kể phạm vi của lực lượng
chống tiếp cận và tầm với của năng lực triển khai sức mạnh của nước
này. Cách phía nam Đảo Phú Lâm khoảng 500 dặm, các căn cứ của Trung Quốc
tại Trường Sa sẽ đặt thêm nhiều khu vực khác vào vòng nguy hiểm, cụ thể
là trong phạm vi hoạt động của máy bay và tên lửa Trung Quốc. Trong
thời bình, những căn cứ này là cơ sở để Bắc Kinh sử dụng lực lượng quân
sự, cảnh sát biển, và lực lượng dân quân biển để kiểm soát Biển
Đông.[13] Trong thời chiến, những căn cứ này sẽ khó có thể an toàn trước
sự tấn công của Mỹ - tuy nhiên, chúng vẫn cho phép quân đội Trung Quốc
gây khó dễ cho hoạt động của Mỹ nếu nước này tìm cách hỗ trợ Philippines
hoặc các đồng minh, đối tác khác.[14]
Cuối
cùng, từ góc độ địa chính trị, lợi ích ở Biển Đông trên thực tế là rất
lớn. Mỹ từ lâu vẫn tìm cách ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào tìm cách bá
chủ Đông Á hay một phần lớn khu vực Đông Á. Vị thế của Mỹ tại Châu Á -
Thái Bình Dương phụ thuộc lớn vào khả năng nước này có duy trì được các
"bộ quy tắc đi đường" đang có, như tự do hàng hải và giải quyết hoà bình
tranh chấp hay không, và liệu Mỹ có dám đối diện với những thách thức
đang đe doạ tới trật tự, ổn định cũng như tính mở của khu vực hay không.
Do đó, việc cho phép Trung Quốc kiểm soát phần quan trọng của một khu
vực quan trọng sẽ là sự triệt thoái kéo theo những hệ luỵ chiến lược cho
Mỹ; nếu như vậy, nó sẽ càng khiến Trung Quốc tự tin và tìm cách định
hình nguyên trạng tại những khu vực khác, như Đài Loan, Biển Hoa Đông
hay Ấn Độ Dương.[15] Tương tự, điều này cũng phát đi thông điệp rằng
Washington không còn đóng vai trò như truyền thống tại Châu Á - Thái
Bình Dương, và do đó các nhà quan sát khu vực nên khuyến khích các quốc
gia tại đây tìm cách thích nghi với Bắc Kinh thay vì tham gia với Mỹ tìm
cách cân bằng lại một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán. Các quốc
gia Đông Nam Á nói rõ ràng về sự cần thiết của việc Mỹ duy trì can dự,
nếu không họ sẽ bị buộc phải "phù thịnh" Trung Quốc, như Philippines đã
làm dưới thời Rodrigo Duterte.[16] Do đó, từ góc nhìn địa chính trị,
cuộc đấu tại Biển Đông không phải nhằm tranh giành "các thực thể đá" đơn
thuần, mà là cuộc tranh đấu để quyết định xem các quốc gia Đông Nam và
rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ đi theo Mỹ hay Trung
Quốc.
Mặc
dù các lợi ích của Mỹ tại Biển Đông là rõ ràng, nhưng chính sách của Mỹ
tại đây vẫn còn nhiều mơ hồ.[17] Chính quyền Obama thường cảnh báo
Trung Quốc không được thực hiện "cải tạo, xây dựng hay quân sự hoá" Biển
Đông. Những tuyên bố này tạo ra kỳ vọng cho các quốc gia Đông Nam Á,
tuy nhiên lãnh đạo Mỹ lại không sẵn sàng làm những gì họ nói. Cùng với
đó, Washington cũng tập trung tăng cường quan hệ ngoại giao và năng lực
quân sự tại khu vực, nhưng lãnh đạo Mỹ lại không công khai về việc liệu
Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines có áp dụng với Biển Đông hay
không. Trên các diễn đàn ngoại giao và pháp lý, Mỹ cũng khuyến khích các
quốc gia Đông Nam chống lại hành vi cưỡng ép của Trung Quốc, và Nhà
Trắng cũng phối hợp với Quốc hội để bắt đầu các chương trình nâng cao
năng lực nhận thức các vấn đề trên biển cũng như năng lực quân sự của
đồng minh và đối tác tại khu vực. Đấy đều là những nỗ lực có mục đích
tốt đẹp, nhưng chính quyền Obama kết thúc nhiệm kỳ hai với một ASEAN bị
chia rẽ hơn, dù Trung Quốc vẫn đều đặn thực hiện hoạt động xây dựng và
cưỡng ép các nước ASEAN. Khoảng cách giữa Bắc Kinh và các nước láng
giềng về sức mạnh quân sự cũng như năng lực cưỡng ép vẫn rất lớn, và
trong hầu hết các vụ việc - đáng kể nhất là việc chiếm Bãi cạn
Scarborough năm 2012 - Bắc Kinh ung dung thực hiện hoạt động cải tạo,
xây dựng, quân sự hoá, hoặc các hành vi mang tính bất ổn khác bất chấp
các cảnh báo hay các động thái nhằm hoà giải từ Mỹ. Khi nhiệm kỳ tổng
thống của Obama kết thúc, khu vực - và thậm chí là ngay cả một số nhà
hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ - ngày càng bị ám ảnh bởi suy nghĩ
rằng chính quyền Obama đã đưa ra làn ranh đỏ mà cuối cùng thì đã không
giữ được nó, và chính quyền Obama trong đa số trường hợp đã không thể
làm chậm, chứ chưa nói đến việc hoá giải, đòn tấn công giành quyền bá
chủ của Trung Quốc.[18]
Cho
đến nay, chính quyền Trump cũng đang loay hoay tìm cách phác thảo một
chính sách hiệu quả. Các quan chức trong chính quyền ban đầu tỏ ra cứng
rắn, như Rex Tillerson, người khi đó được đề cử chức Ngoại trưởng, nói
trong phiên điều trần phê chuẩn rằng Washington có thể dùng sức mạnh để
ngăn không cho Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo tại Trường Sa.[19] Sau
đó, vấn đề có vẻ lại bị chìm trong các chương trình nghị sự về chính
sách với việc chính quyền Mỹ tập trung vào quan hệ thương mại song
phương và Bắc Triều Tiên, coi đây là những vấn đề mang tính chi phối
trong quan hệ Mỹ - Trung. Mặc dù quân đội Mỹ vẫn thực hiện hoạt động tự
do hàng hải (FONOPs) để phản đối yêu sách thái quá của Trung Quốc (và
các quốc gia khác), chính quyền Trump vẫn tạo ra ấn tượng - mà các quốc
gia chủ chốt tại khu vực như Việt Nam đã nhận ra - rằng Mỹ đang không có
một chiến lược tổng thể để giải quyết hành vi lấn tới của Trung
Quốc.[20] Cụ thể, nếu những thông tin nói rằng vào tháng 7/2017 Việt Nam
không tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên của mình, thay vào đó là lùi
bước sau lời đe doạ thẳng thừng từ phía Trung Quốc là đúng, thì đây là
một chỉ dấu mới, đáng lo ngại, thể hiện sự hiệu quả của chiến lược cưỡng
ép mà Bắc Kinh đang thực hiện.[21]Việc thiếu nhân sự cấp cao phụ trách
Châu Á trong Bộ Ngoại giao và trong các cơ quan quan trọng khác càng
khiến vấn đề thêm trầm trọng.[22]
Với
việc Trung Quốc gia cố những gì đã giành được, và có lẽ tìm kiếm thêm
những mục tiêu mới, các lựa chọn chiến lược của Mỹ và dư địa hành động
sẽ ngày càng hạn chế. Đã đến lúc các lãnh đạo Mỹ quyết định hướng đi sắp
tới - sẽ là đảo ngược, ngăn chặn, đáp trả hay thích nghi với sự gia
tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông.
CÁC LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC
Đảo ngược
Chiến
lược tham vọng nhất là tìm cách đảo ngược những gì mà Trung Quốc đã
giành được - về cơ bản là buộc Bắc Kinh phải rút khỏi các thực thể quan
trọng tại Biển Đông (trong đó đương nhiên có các đảo nhân tạo tại Quần
đảo Trường Sa, và có lẽ là cả các cơ sở tại Quần đảo Hoàng Sa), hoặc ít
nhất là phi quân sự hoá những thực thể này bằng việc dỡ bỏ các cơ sở và
thiết bị quân sự. Như đã đề cập, Rex Tillerson ban đầu có vẻ ủng hộ
chính sách này khi ông không chỉ kêu gọi Trung Quốc dừng hoạt động xây
đảo mà còn cảnh báo sẽ ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà
nước này đã xây dựng đến thời điểm đó.[23] Ngoài việc ngăn tiếp cận tới
các đảo, chiến lược đảo ngược còn có thể tìm cách buộc Trung Quốc phải
thay đổi yêu sách biển của mình tại Biển Đông - cụ thể, là từ bỏ đường
chín đoạn và chấp nhận phán quyết của toà trọng tài năm 2016, trong đó
kết luận rằng yêu sách các quyền trên biển của Trung Quốc phải xuất phát
từ các yêu sách hợp pháp đối với thực thể đất liền.
Tiền
đề cơ bản của chiến lược đảo ngược đó là sự thống trị ngày càng rõ ràng
của Trung Quốc tại Biển Đông đang tạo ra nguy cơ không thể chấp nhận
được với các lợi ích của Mỹ, và rằng Biển Đông sẽ trở thành "ao nhà của
Trung Quốc" trừ phi các hành động lấn tới của Trung Quốc không chỉ bị
ngăn chặn mà còn bị đảo ngược. Theo logic này, việc để cho Trung Quốc
củng cố, dù chỉ là củng cố những gì mà nước này đang có, sẽ cho phép
Trung Quốc đe doạ hoặc làm gián đoạn dòng chảy thương mại, chiếm đoạt
nguồn tài nguyên mang nhiều giá trị kinh tế vô cùng quan trọng với các
quốc gia Đông Nam Á, và tăng cường vị thế quân sự tại khu vực theo cách
thức có thể đe doạ không gian tự do hành động của Mỹ. Quan trọng nhất,
các quốc gia khu vực - vốn luôn nhạy cảm trước việc ai sẽ thắng trong
cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung - sẽ tìm cách phù thịnh Bắc Kinh nếu họ
kết luận rằng Washington không có năng lực hoặc ý chí để khôi phục hiện
trạng như trước. Do đó, đây là thời điểm Mỹ cần phải đối đầu với Trung
Quốc tại Biển Đông, bởi Mỹ vẫn đang có ưu thế quân sự và sức mạnh địa
chính trị tại khu vực. Còn trong tương lai, có thể cán cân sẽ dịch
chuyển hoàn toàn về phía có lợi cho Trung Quốc bởi tốc độ phát triển
kinh tế nhanh chóng đi kèm với việc gia tăng sức mạnh quân sự một cách
tương ứng.
Do
đó, đảo ngược là chiến lược thiên hẳn về hướng tấn công, trong đó sẽ
dựa chủ yếu vào việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, cũng như các biện pháp
cưỡng ép khác, để buộc Trung Quốc lùi bước. Trong tình huống cực đoan
nhất, Mỹ có thể tấn công quân sự các thực thể tại Trường Sa và Hoàng Sa,
hoặc đe doạ làm như vậy, để loại bỏ các cơ sở quân sự và buộc Trung
Quốc phải rút lui. Một lựa chọn khác ít mang tính gây hấn hơn là bao vây
hoặc cô lập các đảo này (với cơ sở pháp lý là Trung Quốc không có quyền
tiếp cận các đảo mà nước này đã xây trái phép), nhưng quân đội Mỹ vẫn
phải chuẩn bị sẵn sàng, dám chấp nhận chiến tranh nếu các tàu và máy bay
Trung Quốc can thiệp tìm cách phá thế bao vây.[24] Một lựa chọn khác và
cũng có thể có tác dụng bổ sung cho cách tiếp cận này là Mỹ sẽ sử dụng
các biện pháp kinh tế và ngoại giao - áp dụng trên diện rộng các biện
pháp trừng phạt thương mại, đe doạ công nhận sự độc lập của Đài Loan và
ký kết thoả thuận phòng thủ chung chính thức với Đài Bắc, hoặc các bước
đi khác dù cứng rắn nhưng không sử dụng đến vũ trang - nhằm mục đích tạo
ra hình phạt mang tính cưỡng ép cần thiết để buộc Trung Quốc phải từ bỏ
yêu sách Biển Đông.[25]
Hal Brands & Zack Cooper
Nguồn: Naval War College Review
Khắc Tiệp (dịch)
Đinh Anh (hiệu đính)
[1] Những đóng góp gần đây trong các cuộc tranh luận này bao gồm Ely Ratner, “Course Correction: How to Stop China’s Maritime Advance,” Foreign Affairs (tháng 7/8/2017), truy cập tại www .foreignaffairs.com/, và Ross Babbage, Countering China’s Adventurism in the South China Sea: Strategy Options for the Trump Administration (Washington, DC: Center for Strategic and Budgetary Assessments, 2016).
[2] Công trình của Michael McDevitt là một ngoại lệ đáng chú ý và xuất hiện từ khá sớm. Michael McDevitt, The South China Sea: Assessing U.S. Policy and Options for the Future, CNA Occasional Paper (Arlington, VA: Center for Naval Analyses, 2014), truy cập tại www.cna.org/.
[3] Về lịch sử cuộc tranh luận, xem Bill Hayton, The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (New Haven, CT: Yale Univ. Press, 2014). Về Indonesia, xem John McBeth, “China Drags Indonesia into South China Sea Morass,” Asia Times, ngày 7/9/2017, www.atimes.com/, và Prashanth Parameswaran, “The Truth about China’s Indonesia South China Sea Tantrum,” The Diplomat, ngày 6/9/2017, thediplomat .com/.
[4] “Vietnam’s Island Building: Double-Standard or Drop in the Bucket?,” Asia Maritime Transparency Initiative, ngày 11/5/2016, amti.csis .org/.
[5] The South China Sea Arbitration (Phil. v. China), Case No. 2013-19, Award (Perm. Ct. Arb. 2016), pca-cpa.org/.
U.S. Defense Dept., Annual Report to Congress: Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2017 (Washington, DC: Office of the Secretary of Defense, 2017), truy cập tại www .defense.gov/.
Ryan Martinson và Katsuya Yamamoto, “Three PLAN Officers May Have Just Revealed What China Wants in the South China Sea,” National Interest, ngày 9/7/2017, nationalinterest.org/.
[9] Robert A. Manning và James Przystup, “Stop the South China Sea Charade,” Foreign Policy, ngày 18/8/2017, foreignpolicy.com/.
[10]
Quan trọng hơn, bài viết tập trung chủ yếu vào các thách thức đặt ra từ
hoạt động xây các đảo nhân tạo và các hành vi cưỡng ép ngoại giao-kinh
tế của Trung Quốc chứ không đi sâu vào các vấn đề lớn khác tại Biển
Đông, như quản lý nghề cá, các lo ngại về hệ sinh thái, hay hoạt động
khai thác dầu và khí đốt. Về sự khác biệt giữa các mục đích tại Biển
Đông, xem Peter Dutton, “Three Disputes and Three Objectives: China and the South China Sea,” Naval War College Review 64, no. 4 (Mùa thu 2011), xem tại www.usnwc.edu/.
[11] “Carter: US ‘Deeply Concerned’ by Risk of South China Sea Conflict,” Voice of America, ngày
7/11/2015, www.voanews.com/. Một trong những tuyên bố công khai rõ ràng
nhất về lợi ích của Mỹ tại Biển Đông được Lầu Năm Góc đưa ra vào năm
2015. U.S. Defense Dept., Asia-Pacific Maritime Security Strategy: Achieving U.S. National Security Objectives in a Changing Environment (Washington, DC: tháng 8/2015), truy cập tại www.defense .gov/.
“How Much Trade Transits the South China Sea?,” ChinaPower, ngày 2/8/2017,
chinapower.csis.org/. Xem thêm Clive Schofield, Rashid Sumaila, và
William Cheung, “Fishing, Not Oil, Is at the Heart of the South China
Sea Dispute,” The Conversation, ngày 15/8/2016, theconversation.com/.
[13] Andrew S. Erickson and Conor M. Kennedy, “Beware of China’s ‘Little Blue Men’ in the South China Sea,” National Interest, ngày
15/9/2015, nationalinterest.org/; Andrew Erickson and Conor Kennedy,
“China’s Maritime Militia: What It Is and How to Deal with It,” Foreign Affairs, ngày 23/6/2016, www .foreignaffairs.com/.
[14] Thomas Shugart, “China’s Artificial Islands Are Bigger (and a Bigger Deal) Than You Think,” War on the Rocks, ngày 21/9/2016, warontherocks.com/.
[15] Steven Groves và Dean Cheng, A National Strategy for the South China Sea, Backgrounder 2908 (Washington, DC: Heritage Foundation, 2014), truy cập tại report.heritage.org/.
[16] Về lựa chọn của các quốc gia ASEAN, xem Gregory Poling, “South China Sea: Vietnam Takes Up Fight against China,” CNN, ngày
14/8/2017, www.cnn.com/, and Ja Ian Chong, “Diverging Paths?
Singapore-China Relations and the East Asian Maritime Domain,” Maritime Awareness Project, ngày 26/4/2017, maritimeawarenessproject.org/.
[17] Về đánh giá chi tiết cách tiếp cận của Mỹ với những tranh chấp biển liên quan Trung Quốc, xem Ronald O’Rourke, Maritime Territorial and Exclusive Economic Zone (EEZ) Disputes Involving China, CRS Report R42784 (Washington, DC: Congressional Research Service, ngày 17/8/2017).
[18] Mira Rapp-Hooper và Charles Edel, “Adrift in the South China Sea,” Foreign Affairs, ngày 18/5/2017, www.foreignaffairs.com/.
[19] Michael Forsythe, “Rex Tillerson’s South China Sea Remarks Foreshadow Possible Foreign Policy Crisis,” New York Times, ngày
12/1/2017, www.nytimes.com/; Simon Denyer, “Is Trump Ready for War in
the South China Sea, or Is His Team Just Not Being Clear?,” Washington Post, ngày 24/1/2017, www .washingtonpost.com/.
[20] Xem Bill Hayton, “The Week Donald Trump Lost the South China Sea,” Foreign Policy, ngày 31/7/2017, foreignpolicy.com/.
[21] Bill Hayton, “South China Sea: Vietnam Halts Drilling after ‘China Threats,’” BBC News, ngày 24/7/2017, www.bbc.com/.
[22] Barbara Starr và Ben Westcott, “Is US Steering Clear of South China Sea under Trump?,” CNN Politics, ngày 5/5/2017, www.cnn.com/.
[23] David Brunnstrom và Matt Spetalnick, “Tillerson Says China Should Be Barred from South China Sea Islands,” Reuters, ngày 11/1/2017, www.reuters.com/.
[24] Về lý thuyết này, xem James Kraska, “Tillerson Channels Reagan on South China Sea,” Lawfare (blog), January 12, 2017, www .lawfareblog.com/.
Tyler Hlavac, “Rubio Introduces South China Sea Sanctions Legislation,” Stars and Stripes, ngày 17/3/2017, www.stripes.com/.
* Giáo sư Hal Brands thuộc
Trung tâm
Nghiên cứu Quốc tế Tiến bộ, Trường Johns Hopkins; nhà nghiên cứu cao cấp
tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược Ngân sách (CSBA). Zack Cooper là nhà
nghiên cứu cao cấp Chương trình Nghiên cứu Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu
Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
(Nghiên cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào