Header Ads

  • Breaking News

    30 Tháng Tư – Mất, còn?

    Ba Mươi Tháng Tư, khi Việt Cộng tiến chiếm miền Nam, không ít người dân quan niệm biến cố 30 Tháng Tư là biến cố mất nước, nên nhiều người có ý nghĩ phải tranh đấu phục quốc.
    Hố sâu cách biệt giàu nghèo trong xã hội Việt Nam sau 44 năm biến cố 30 Tháng Tư ngày càng trầm trọng. (Hình: Getty Images)
    Cũng có người phản bác, cho rằng nước vẫn còn, chỉ có chế độ là thay đổi, như ông Nguyễn Cao Kỳ trong một câu nói chuẩn bị cho thái độ “hồi đầu” sau này, đã phát biểu: “Nước Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà phục quốc?”

    Bắc Việt xả thân đánh miền Nam cho ai, nếu không là cho Tàu cho Nga? Những thứ mất đó, ai cũng thấy.

    Rõ ràng là miền Nam bị xâm lược. Theo Điều 1 của Nghị Quyết 3314 nhằm định nghĩa về xâm lược của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974, “xâm lược là việc sử dụng lực lượng vũ trang hoặc là bất kỳ hành động nào trái với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc của một quốc gia hay liên minh các quốc gia nhằm chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác hoặc của một liên minh các quốc gia khác.” Mặt khác, Bắc Việt còn công khai xé bỏ hiệp định Paris 1973.

    Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị quân đội một quốc gia khác là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) – Bắc Việt- tấn công và chiếm đóng (Bắc và Nam Việt là hai quốc gia có thể chế khác nhau và được thế giới công nhận.)

    Người miền Nam bị mất nước, vì bị quân đội Bắc Việt xua quân chiếm đóng, lật đổ chính quyền, lập chính quyền mới.

    Quân chiếm đóng đã có chính sách bỏ tù lâu dài quân cán chính chế độ miền Nam, đày ải lưu đày đội quân bại trận và đưa đến các vùng thâm sơn cùng cốc để đày đọa họ. Đội quân chiếm đóng cướp bóc tài nguyên, tịch thu tài sản, kho tàng, của cải của miền Nam đem về Bắc, cướp nhà, cướp đất, chia cho đoàn quân chiếm đóng với danh nghĩa “cải tạo tư sản,” dùng chính sách kỳ thị lâu dài để triệt tiêu và lùa đẩy thế hệ tinh hoa của miền Nam vào nhà tù hay đẩy ra biển cả.

    Hành động cướp nước này còn tinh vi và tàn bạo hơn cả thời thuộc địa Pháp, số người thua trận bị giết và đày đọa, kỳ thị chưa bao giờ lên cao như ngày nay, giữa một giống người cùng quê hương với nhau, được tuyên truyền dưới chiêu bài “giải phóng” và “thống nhất” đất nước!

    Dù có tuyên truyền đến mức độ nào về chuyện mất cả nước về tay Pháp hay chuyện “xâm lược” miền Nam của Mỹ, thì người dân ngày nay cũng đủ trình độ hiểu biết để nhận thức về việc này!

    Dưới thảm họa mất nước, miền Nam rõ ràng đã mất nhiều thứ. Của cải tài sản là nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, kho đụn, vàng bạc… đằng đẵng trong gần 45 năm, cuộc cướp bóc vẫn còn tiếp diễn với một cường độ không thấy dấu hiệu thuyên giảm. Chế độ kỳ thị, phân biệt, thù hận gần nửa thế kỷ nay chưa chấm dứt. Dân miền Bắc nghèo đói, sống những vùng cạn kiệt tài nguyên, di dân tràn ngập lãnh thổ miền Nam, chia sự trù phú của miền Nam và đồng hóa con người.

    Về mặt tinh thần là quyền làm người bị triệt tiêu, tự do bị trói buộc. Cả nước chỉ có một thứ báo, thứ loa, thứ “đài” là cơ quan tuyên truyền của đảng. Đảng cầm đầu và quyết định. Đảng viên thống trị đất nước từ chức vụ một viên công an gác đường cho đến chủ tịch nước, có đặc quyền, đặc lợi, có một thứ luật pháp miễn trừ, có chế độ giáo dục và y tế ưu đãi riêng.


    Một đất nước mà mọi người dân cũng như cả những viên chức chính phủ luôn lăm le tìm đường bỏ nước ra đi phải chăng là một xứ sở tốt đẹp mà các lãnh tụ cộng sản vẫn thường ca ngợi? Nếu cuộc sống hạnh phúc có thể tìm thấy trong chế độ này vì sao con người ta phải tìm vượt thoát, không bằng con đường lén lút ra khơi thì cũng cậy cục bán nhà, vay mượn, cầm cố để đi lao động, làm thuê, ở đợ, lấy chồng, hay thậm chí bán thân nơi xứ người?

    Xã hội rêu rao “mình sống vì mọi người,” “con người là vốn quý,” “làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu,” cuối cùng cũng chỉ là một xã hội bóc lột, giàu nghèo cách biệt, cán bộ đảng viên làm giàu trên quyền lực, nhờ súng đạn và nhà tù và băng đảng trong tay.

    Nhưng điều mất mát lớn lao nhất mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu hôm nay, cho đến cả trăm năm sau, dù một ngày kia chế độ cộng sản không còn trên quê hương nữa, là sự mất mát đạo lý và nhân tính của con người. VNCH xây dựng con người trong cả thế kỷ, cộng sản phá nát con người chỉ trong vòng vài năm.

    Con người đối với nhau “cạn tàu ráo máng” như loài thú hoang, không phải chỉ là nhà cầm quyền đối với dân bị trị, mà còn là giữa con người với nhau, trong đó có láng giềng, làng nước. Con giết cha mẹ, vợ chồng dâm chém nhau, tình yêu thương được thay thế bằng luật giang hồ. Những vụ cướp đất, cưỡng chế từ quyền lực, tranh giành, thù hận giữa con người với nhau đến mức khó tin. Cả một vườn chuối bị đốn ngang, một ao cá bị bỏ thuốc độc, thuốc chuột được bỏ vào một nồi bún riêu để hại người thân thuộc. Ngoài đường phố, dao bầu, mã tấu, gậy gộc được dùng để đối thoại, giải quyết mâu thuẫn với nhau. Chuyện hiếp dâm, tấn công tình dục, nhất là đối với trẻ con đã trở thành một tệ nạn lan tràn. Những vụ án mạng của băng đảng và giết tróc hàng loạt, hiếp dâm tập thể không gờm tay, nhờ sự tiếp sức của ma túy, rượu chè.

    Người xưa vẫn đem tiêu chuẩn “trọng tài khinh nghĩa” ra để giữ gìn cương thường, đạo lý cho con người, ngày nay đồng tiền là cứu cánh và mục đích tối thượng. Ngay trong hai ngành tiêu biểu cho hoạt động căn bản của một quốc gia của xã hội là giáo dục và y tế, đồng tiền một mặt làm hư hỏng, mặt khác có thể giết chết con người không thương tiếc.

    Tình nghĩa giữa thầy trò trong nhà trường, bác sĩ -y tá với bệnh nhân trên giường bệnh, quan chức và dân đen nơi chốn công đường, không còn chỗ cho sự tử tế, tình nghĩa giữa con người với nhau, mà chỉ thấy toàn sự thủ lợi, ích kỷ giẫm đạp lên nhau mà sống!


    Ngay trong cả tập thể lãnh đạo của đảng cầm quyền, truyền thống của những đảng Cộng Sản, đã có những vụ thanh toán, giết tróc nhau công khai mà không bao giờ có thủ phạm.

    Trong một xã hội băng hoại, đạo đức xuống cấp trầm trọng, nhưng danh từ như “nếp sống văn hóa,” “đời sống nhân văn” thành ra những khẩu hiệu trơ trẽn, vẫn viết bằng những hàng chữ lớn, hoa mỹ trên nền đỏ thẫm tượng trưng cho chế độ, hiện diện ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Con người sống với nhau bằng sự dối trá, lường gạt nhau càng nhiều càng tốt, từ thực phẩm vào con đường dạ dày, đến niềm tin và trí tuệ cho phần tinh thần.

    Những ngày cộng sản Bắc Việt mới vào Nam, dân chúng còn thấy được những điều tốt xấu, lối sống khác biệt giữa hai miền Nam Bắc, từ lối ăn nói, cử chỉ, phản ánh từ văn hóa, giáo dục và nếp sống hằng ngày giữa hai miền. Từ những khác biệt giữa hai miền, chúng ta thấy bật rõ, từ thói quen của một đứa trẻ trong trường học, thái độ của một cô bán hàng, lối cư xử của một nhân viên công lực… Nhưng dần dần cái xấu tràn lan, áp đảo những điều tốt đẹp, mảnh đất không được chăm bón, trở thành môi trường cho cỏ dại, loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời (theo ý của Đức Đạt Lai Lạt Ma,) nên đất nước ngày hôm nay không còn mấy tốt đẹp, tử tế và cũng chẳng còn mấy ai chú ý hay muốn duy trì hay phục hồi những điều tốt đẹp ấy nữa.

    Nỗi mất mát đó, tưởng chừng khó có thể tìm lại được. Miền Bắc đã ở dưới chế độ Cộng Sản hơn 70 năm, miền Nam đã mất 44 năm, thời gian đó đã sinh sản ra những thế hệ con người gọi là “xã hội chủ nghĩa,” của một thế hệ hãnh tiến, còn được gọi là “thế hệ Hồ Chí Minh.” Liệu rằng, một ngày nọ, chế độ này không còn, dân tộc phải trải qua bao nhiêu thời gian nữa để xây dựng lại con người? 
     
    Huy Phương
     
    (nguoi-viet.com)

    Không có nhận xét nào