Ảnh minh họa bài viết “Điều kỳ lạ chỉ có ở nước Đức nhỏ nhen”, đăng trên trang Quyền Được Biết |
Trước
sự kiện ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ của ông bất ngờ bị Đức trục
xuất về Việt Nam vào ngày 26/03/2019, nhiều người đã không tránh khỏi
nỗi thất vọng về nước Đức. Chẳng hạn như tác giả Dương Hoài Linh viết
bài “Điều kỳ lạ chỉ có ở nước Đức nhỏ nhen“ với lời lẽ giận dữ lên án
nặng nề: “Hành động trả một công dân Việt từng chịu đựng 20 năm tù
dưới chế độ CS vào tay chúng không khác gì hành động trục xuất người
chống phát xít vào tay Hitler. Đó không phải là hành động của một nhà
nước pháp quyền. Đó là hành động của một chính phủ vô nhân” và kèm theo ảnh minh họa trên.
Cơn
giận dữ làm cho tác giả Dương Hoài Linh quên mất nước Đức là nước duy
nhất trên thế giới đã đưa Quyền tỵ nạn vào trong Hiến pháp Đức, tức là
quyền tỵ nạn (dành cho người nước ngoài) được hiến định. Nước Đức cách
đây không lâu đã mở cửa biên giới cho cả triệu người Syria vào tị nạn và
hiện nay nước Đức đang cưu mang gần 200.000 ngàn người Việt Nam (theo
thống kê chính thức).
Thiết
nghĩ, trên trái đất này không có cái gì là hoàn hảo 100% cả, bất cứ
luật lệ nào cũng có kẽ hở đôi khi bị lạm dụng, và ngược lại cũng có
những thiếu sót làm cho thỉnh thoảng cũng có người đáng được hưởng bị
rơi ra ngoài, chứ nó không phải là vấn đề mang tính hệ thống.
Một
tác giả khác, blogger Nguyễn Ngọc Già chắc hẳn đã băn khoăn tự hỏi, tại
sao nước Đức có thể trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân về lại cái
quốc gia mà nơi đó ông đã bị kết án 20 năm tù với cáo buộc “hoạt động
tuyên truyền chống phá nhà nước”. Cũng với cáo buộc này mà chính bản
thân blogger Nguyễn Ngọc Già là nạn nhân, ông bị kết án 3 năm tù giam và
3 năm quản chế hồi cuối tháng 3 năm 2016.
Có
lẽ với nỗi thất vọng đó và trong một tâm trạng hoang mang, blogger
Nguyễn Ngọc Già đã viết bài và đồng thời cũng là tìm cách lý giải, tìm
câu trả lời cho chính mình “Tại sao ông Nguyễn Quang Hồng Nhân bị trục
xuất khỏi nước Đức?“, đăng trên trang web của đài RFA Việt ngữ ngày
28/03/2019.
Năm
2015 khi người con gái là cô Nguyễn Quang Hồng Ân đi dự thi Piano ở Áo
và Đức, do cô bé Hồng Ân dưới 18 tuổi, nên phải có cha mẹ tháp tùng.
Nhân dịp nầy, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân cùng vợ và con gái xin tị nạn
chính trị ở Đức và đơn xin tỵ nạn được nộp vào ngày 21/08/2015 tại bang
Bayern miền Nam Đức, một bang “khét tiếng” là có chính sách xét tị nạn
khó khăn nhất và trục xuất người tị nạn nhanh chóng nhất trên toàn Liên
bang Đức.
Blogger
Nguyễn Ngọc Già nghĩ rằng đơn xin tỵ nạn này bị Đức từ chối, bác bỏ là
bởi vì “lúc bấy giờ Đức cho là nhà cầm quyền VN không có vấn đề nhân
quyền bị vi phạm tại VN”. Không chỉ Nguyễn Ngọc Già mà nhiều người khác
cũng tin như thế.
Vậy
chúng ta thử tìm hiểu có phải đúng là “lúc bấy giờ (năm 2015) Đức cho
là nhà cầm quyền VN không có vấn đề nhân quyền bị vi phạm tại VN”?
Ngày
16.12.2015 ông Christoph Strässer, Đặc ủy nhân quyền và viện trợ nhân
đạo của Chính phủ Liên bang Đức đã ra tuyên bố như sau: “Tôi bàng
hoàng khi biết tin ông luật sư Nguyễn Văn Đài, một người bảo vệ nhân
quyền và một blogger, đã bị bắt giữ hôm nay tại Việt Nam. … Tôi yêu cầu
các cơ quan chính quyền Việt Nam từ bỏ những buộc tội đối với ông Nguyễn
Văn Đài và trao trả tự do cho ông ấy ngay lập tức.
Việt
Nam theo đuổi quá trình cải cách trên nhiều phương diện. Đồng thời tại
Việt Nam vẫn còn nhiều người bị giam giữ trong tù, vì họ biểu đạt chính
kiến của mình và phê phán chính phủ hoặc phê phán Đảng Cộng sản. Tôi kêu
gọi các cơ quan chính quyền Việt Nam cũng phải trao trả tự do ngay cho
những người này và hoàn toàn từ bỏ việc áp dụng những quy định hình sự
hạn chế quyền tự do chính kiến và tự do biểu tình.”
Trước đó ông Christoph Strässer cũng đã đi thăm Việt Nam từ 3/6 đến 9/6/2015. “Một
phần không thể thiếu trong mối quan hệ của chúng tôi cũng là những vấn
đề trong lãnh vực nhân quyền, nơi quan điểm của hai bên trên nhiều khía
cạnh vẫn còn cách xa nhau”, ông Christoph Strässer tuyên bố khi bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam.
Ông
Strässer cho biết buổi gặp gỡ với bộ công an đã diễn ra trong bầu không
khí thảo luận sôi nổi, nhiều dị biệt, khi ông nêu ra 23 trường hợp bắt
giam tùy tiện cũng như việc blogger Anh Chí bị hành hung.
Ông
Strässer đã tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm
(thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam) một ngày sau khi gia đình
blogger Phạm Thanh Nghiên và các thành viên MLBVN bị hành hung tại Hải
Phòng.
Cũng
tại Hà Nội ông Strässer đã gặp gỡ một số nhà hoạt động nhân quyền như
Nguyễn Chí Tuyến (blogger Anh Chí), LS Nguyễn Văn Đài và TS Nguyễn Quang
A.
Ngày
thứ ba của chuyến công du, ông Strässer đã vào thăm LS Lê Quốc Quân
trong nhà tù. Ông cho hay LS Quân rất cảm động khi thấy ông vào thăm, dù
cuộc thăm viếng ngắn ngủi chỉ có 30 phút nhưng là 30 phút đầy xúc động.
Ngày 8/6/2015 ông Strässer đã gặp một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. “Chúng
tôi đã gởi cho phái đoàn [Đức] hồ sơ các tù nhân lương tâm là tín đồ
Phật giáo Hòa Hảo đang còn bị giam giữ, cùng các hồ sơ vi phạm nhân
quyền của nhà cầm quyền và những tài liệu này rất hữu ích cho phái đoàn
hiểu thêm về hoàn cảnh của PGHH”, ông Nguyễn Bắc Truyển cho biết.
Những
bằng chứng vừa nêu trên cho thấy, không hề có chuyện “lúc bấy giờ (năm
2015) Đức cho là nhà cầm quyền VN không có vấn đề nhân quyền bị vi phạm
tại VN”. Nói cách khác, gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân bị bác đơn
xin tị nạn KHÔNG phải vì “lúc bấy giờ Đức cho là nhà cầm quyền VN không
có vấn đề nhân quyền bị vi phạm tại VN”.
Gia đình ông Hồng Nhân đã xin tị nạn hay xin di dân sang Canada?
Blogger
Nguyễn Ngọc Già viết tiếp, trích nguyên văn: “Sau khi bị Đức từ chối,
ông Nguyễn Quang Hồng Nhân làm lại đơn xin tị nạn với chính quyền Canada
tại Tòa Đại Sứ của nước nầy ở Áo – quốc gia đầu tiên gia đình ông đặt
chân đến khi rời VN.
Cách
đây hơn một tuần, Tòa Đại sứ Canada ở Vienna gửi thư báo tin cho ông
hay, gia đình ông được mời phỏng vấn để tiến hành thủ tục cấp visa”.
Một
câu hỏi được đặt ra, sau khi bị Đức bác đơn xin tị nạn, ông Nguyễn
Quang Hồng Nhân có làm đơn xin tị nạn với chính quyền Canada hay không?
Thư của Đại sứ quán Canada tại Berlin thông báo cho Sở Ngoại kiều Nürnberg rằng đơn xin di dân sang Canada của ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và gia đình đang được cứu xét |
Ngày
28.09.2017 Đại sứ Canada tại Đức là ông Stephane Dion đã viết một lá
thư gửi đến Sở Ngoại kiều Nürnberg, thông báo rằng, đơn xin di dân sang
Canada của ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và gia đình đang được cứu xét.
Trong
thư được viết rõ ràng bằng tiếng Đức là “Einwanderungsantrag”
(immigration application) tức là “đơn xin di dân”. Nếu “đơn xin tỵ nạn”
thì phải dùng chữ tiếng Đức là “Asylantrag” (application for asylum).
Có
lẽ sau khi đọc tin thấy tòa Đại sứ Canada ở Vienna gửi thư mời gia đình
tới phỏng vấn và tiến hành thủ tục cấp visa, nên blogger Nguyễn Ngọc
Già và nhiều người khác đã dựa vào đó suy đoán rằng, sau khi bị Đức bác
đơn xin tị nạn, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đã nộp đơn xin tị nạn tại Tòa
Đại sứ Canada ở Vienna, thủ đô nước Áo.
Suy
đoán này mới nghe qua cũng có lý, vì gia đình ông Hồng Nhân đang ở nước
Đức, tại sao không được mời tới Đại sứ quán Canada tại Đức phỏng vấn mà
lại là Đại sứ quán Canada tại Áo? Blogger Nguyễn Ngọc Già và nhiều
người khác không thể ngờ rằng nguyên do thì rất đơn giản:
Ảnh chụp màn hình trang web của Đại sứ quán Canada tại Đức
Trên
trang web của Đại sứ quán Canada tại Đức có thông báo rằng, Đại sứ quán
Canada tại Đức (Berlin) không có bộ phận cấp visa và lo thủ tục di dân.
Các công việc về visa và di dân được Đại sứ quán Canada tại Áo (Vienna)
giải quyết.
Chính
vì thế mà gia đình ông Hồng Nhân được mời sang Đại sứ quán Canada ở
Vienna – Áo để phỏng vấn và làm thủ tục cấp visa, chứ không phải như
nhiều người “đoán già, đoán non” là tại vì “sau khi bị Đức từ chối, ông
Nguyễn Quang Hồng Nhân làm lại đơn xin tị nạn với chính quyền Canada tại
Tòa Đại Sứ của nước nầy ở Áo – quốc gia đầu tiên gia đình ông đặt chân
đến khi rời VN”.
Thông điệp của chính phủ Đức muốn gửi đến nhà nước Việt Nam?
Sau
khi nêu ra một chuỗi sự kiện mà trong đó có những sự kiện sai sự thật,
blogger Nguyễn Ngọc Già đột ngột – không hề nêu ra một lý giải lô-gíc
nào – đi đến kết luận rằng, qua việc trục xuất Nguyễn Quang Hồng Nhân và
vợ, Chính phủ Đức muốn gửi một thông điệp đến nhà cầm quyền Việt Nam.
Thông điệp này gồm có 3 nội dung, trích nguyên văn:
“Ông
Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị trục xuất khỏi Đức thô bạo và vội vã,
như là một thông điệp không thể rõ ràng hơn của nhà nước Đức, đối với
nhà cầm quyền Việt Nam:
– Nước Đức là của người Đức. Cho phép cư trú hay buộc phải ra “khỏi nhà” là quyền của người Đức.
–
Nhân quyền là giá trị phổ quát toàn thế giới, nhưng nó vẫn buộc phải đi
cùng danh dự – phẩm giá của người Đức và an ninh quốc gia của nước Đức.
–
Những chuyến đi của Phạm Bình Minh, Nguyễn Chí Dũng và cả của Bộ trưởng
Bộ Kinh tế Đức không mang lại một kết quả khả quan nào hơn cho quan hệ
ngoại giao Đức – Việt”.
Việc
Đức trục xuất 2 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, đình chỉ
quan hệ đối tác chiến lược, và thậm chí hiện nay vẫn còn tiếp tục đình
chỉ Hiệp định miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam, thậm chí mới
đây Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đi đến Đức
cũng phải xin visa; chẳng nhẽ những biện pháp đó không phải là những
thông điệp mạnh mẽ mang 3 nội dung trên hay sao? Đến nỗi nhà nước Đức
phải trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ, thì mới gửi được thông
điệp này cho nhà cầm quyền Việt Nam? Đó là một điều cực kỳ phi lý.
Để
trả lời câu hỏi mà đã được đặt ra ngay từ đầu bài “Tại sao ông Nguyễn
Quang Hồng Nhân bị trục xuất khỏi nước Đức?”, blogger Nguyễn Ngọc Già
kết thúc bài viết của mình bằng lời giải đáp “Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân
và vợ thật vô phước, khi trở thành nạn nhân cho mối bang giao Đức –
Việt rạn vỡ, vốn không phải do gia đình ông gây ra!”.
Lời
giải đáp này có hợp lý hay không? Chúng ta chỉ cần so sánh với lời do
chính blogger Nguyễn Ngọc Già viết trước đó: Gia đình ông Nguyễn Quang
Hồng Nhân bị bác đơn xin tị nạn vì “lúc bấy giờ Đức cho là nhà cầm quyền
VN không có vấn đề nhân quyền bị vi phạm tại VN”, tức là lúc quan hệ
giữa hai nước còn nồng ấm tốt đẹp. Ai cũng biết, hậu quả của việc bị bác
đơn xin tị nạn là tất nhiên sẽ bị trục xuất về nước. Như vậy, bất kể
mối bang giao Đức – Việt như thế nào, rạn vỡ hay tốt đẹp nồng ấm, thì
gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đều là nạn nhân, bị trục xuất về
nước.
Như
đã nói trên, blogger Nguyễn Ngọc Già có lẽ đã viết bài này trong một
tâm trạng hoang mang hỗn loạn do nỗi thất vọng ê chề về nước Đức giống
như nhiều người khác.
Hiếu Bá Linh, Tổng hợp
(FB Hiếu Bá Linh)
Không có nhận xét nào