Tháng 8 năm 1967. Tại Đại sứ quán Liên-xô ở phố Trần Phú, Hà Nội xảy ra một vụ trộm vô cùng kỳ lạ.
Một
buổi sáng, khi đến phòng làm việc của mình tại tầng 3 của toà nhà chính
trong Sứ quán, sau khi mở toang hai cánh cửa sổ, Tham tán Thương mại
Ma-ca-rop bỗng nhận thấy con gà bằng vàng vẫn để trên bàn làm việc của
mình đã không còn nữa. Ông định thần lại một lúc rồi thận trọng kiểm tra
lại sàn nhà và bên thành bàn làm việc. Vẫn không thấy con gà vàng. Lúc
này ông mới lên tiếng gọi người thư ký, và nhẹ nhàng hỏi về con gà vàng.
Viên thư ký Mi-sen-ko ngây người ra một lúc, rồi nghiêng ngó quanh bàn.
Ông này cũng hy vọng là con gà vàng bị rơi xuống đâu đó trên sàn nhà.
Nhưng rồi kết quả cũng không có gì. Khi đã xác định chắc chắn sự việc,
viên thư ký liền báo gọi bộ phận an ninh của Sứ quán. Hiện trường được
giữ nguyên.
Một
cuộc truy tìm trong phạm vi hẹp được tiến hành. Trong khu nhà làm việc 3
tầng chính này của Sứ quán, chỉ có các cán bộ người Liên-xô. Mặc dù
trong phạm vi cơ quan của Sứ quán còn có nhiều người Việt Nam, nhưng họ
thuộc bộ phận phục vụ, và chỉ làm các việc như lái xe, dọn dẹp vệ sinh
ngoài sân, chăm sóc vài luống hoa, cây cỏ trong khuôn viên của Sứ quán.
Hết giờ làm việc, không có người Việt Nam nào được phép ở lại. Ngay cả
các cán bộ người Liên-xô của Sứ quán cũng về nhà riêng sau khi hết giờ
làm. Trong Sứ quán, ban đêm chỉ có một bộ phận nhỏ bảo vệ là người
Liên-xô. Bên ngoài cổng ra vào của Sứ quán có các trạm gác của cảnh vệ
Việt Nam. Về nguyên tắc thì họ chỉ canh gác vòng ngoài và cũng không
được phép đi vào bên trong Sứ quán.
Kết
quả ban đầu của cuộc điều tra không thu được thông tin gì. Bộ phận an
ninh của Sứ quán xác định, sau giờ làm việc hôm qua, không có ai ở lại
ban đêm. Trong đêm cũng không phát hiện được điều gì lạ. Tại hiện
trường, mọi quan sát tìm tòi dấu vết và tìm dấu vân tay đều không có kết
quả. Các dấu vết khoá cửa vẫn nguyên vẹn. Tìm các dấu vết trèo tường
qua cửa sổ cũng không có. Ngoài con gà vàng bị mất, mọi thứ trong phòng
đều còn nguyên và không có gì xáo trộn.
Các
cán bộ, nhân viên của Sứ quán, thậm chí cũng không ai xác định rõ mình
nhìn thấy con gà vàng lần cuối cùng vào lúc nào. Tất cả mọi người đều
biết ông Tham tán có con gà bằng vàng ròng vẫn bày trang trí trên bàn
làm việc, nhưng vì đã quá quen thuộc nên cũng không ai chú ý nhiều. Chỉ
có bản thân Tham tán là người khẳng định chiều qua trước khi ra về, ông
vẫn còn nhìn thấy con gà vàng, và chính tay ông là người khoá cửa.
Một
mất thì mười ngờ. Một cuộc thẩm vấn nhẹ nhàng và cố gắng tiến hành hết
sức tế nhị diễn ra trong nội bộ cán bộ Sứ quán. Kết quả vẫn không có gì,
ngoài việc tạo nên một bầu không khí trầm lắng trong Sứ quán.
Sang
đến ngày thứ hai, an ninh Sứ quán mới thông báo cho các bộ phận có
trách nhiệm trong Tổng cục An ninh và Bộ Ngoại giao của Việt Nam. Lại
tiến hành điều tra, thẩm vấn, nhưng lần này là đối với các nhân viên
người Việt Nam được bố trí làm việc trong Sứ quán Liên-xô. Tất cả đều
không biết gì. Thậm chí, mọi người còn khẳng định là mình chưa bao giờ
được nhìn thấy hình thù cái con gà vàng ấy nó như thế nào.
Bộ
phận cảnh vệ gác ngoài cổng được đặt ngoài diện nghi vấn. Các ca gác
của đêm hôm đó còn trình đầy đủ nhật ký gác, xác định không phát hiện có
gì khả nghi. Thời gian này, đế quốc Mỹ đang leo thang chiến tranh, đưa
không quân ra đánh phá miền Bắc. Hà Nội cũng đã bị đánh bom nhiều lần.
Người dân Hà Nội đã đi sơ tán hết, chỉ còn những người có trách nhiệm ở
lại sản xuất và chiến đấu. Ban đêm, đường phố Hà Nội vắng ngắt. Chỉ có
một số con đường là có cánh tự vệ — công nhân đi về lúc ca ba. Vì thế
nên cũng loại trừ được khả năng đông người trà trộn để qua mắt cảnh vệ
lúc đêm.
Cả
phía Liên-xô và Việt Nam đều cố gắng, hợp tác cùng nhau, song vẫn không
tìm ra manh mối gì. Vài ngày, rồi một tuần, thậm chí hai tuần trôi qua.
Các bên đều sốt ruột. Vụ việc này có phần khó xử, liên quan đến tính
chất ngoại giao, nên làm các quan chức liên quan của cả hai bên, dù lớn
hay bé đều hết sức đau đầu. Phía Liên-xô còn cử một ông chuyên gia của
KGB có tên là Cu-do-nhet-xop sang hỗ trợ.
Ông
này làm việc rất bài bản. Việc trước tiên của ông là tìm hiểu, đánh giá
khả năng, trình độ của các cán bộ an ninh Việt Nam để tìm cách phối
hợp. Các sĩ quan KGB đang công tác tại Việt Nam tìm và cung cấp cho ông
đủ loại tài liệu về công an Việt Nam. Nghe đâu còn lẫn vào trong đó cả
cuốn tiểu thuyết "Trinh thám An Nam" của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết
từ trước năm 1945 về vụ án "cái lò gạch", khiến ông phải kêu trời và
nghi ngờ khả năng nghiệp vụ của các đồng nghiệp Việt Nam. Cũng còn may
lúc này, các tác phẩm của đồng chí Azit Nexin người Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa
phổ biến và chưa được dịch ra tiếng ta, chứ nếu không, ông
Cu-do-nhet-xop còn rối bời hơn nữa.
…Nhóm
chuyên gia KGB của bạn có tiến triển thêm được một chút. Họ phát hiện
ra rằng vào cái đêm bị mất con gà vàng, cửa sổ phía bàn làm việc của vị
Tham tán chỉ đóng có cửa chớp, còn cửa kính để mở. Như vậy rất có khả
năng kẻ gian vào qua đường cửa sổ. Nhưng kiểm tra bên ngoài tường suốt
từ dưới đất lên vẫn không phát hiện ra vết trèo tường, hay vệt chân trên
bậu cửa sổ. Cạnh cửa sổ cũng không có ống thoát nước hay dây thu lôi để
mà trèo. Cửa chớp cũng không bị phá. Chả lẽ kẻ gian bay vào? Phía ngoài
sân có một cây sà cừ to, nhưng cách nhà rất xa. Chỉ có cành của nó vươn
vào phía nhà, nhưng lại cao vút lên tận nóc nhà. Xem xét thân cây từ
gốc lên không có vệt xước của sự leo trèo. Không hiểu kẻ gian vào, ra Sứ
quán lúc nào, bằng cách nào mà không ai phát hiện được.
Sự
nghi ngờ quay sang nội bộ. Xuất phát từ suy đoán kẻ gian phải là người
biết rõ trên bàn vị Tham tán có con gà vàng, các cán bộ KGB cho rằng kẻ
gian rất có thể là người Liên-xô trong cơ quan Sứ quán. Do tìm mãi mà
chưa ra dấu vết gì, ngay cả ngài Tham tán Ma-ca-rop đáng kính cũng được
các nhân viên KGB đặt cho một dấu hỏi to tướng. Nhưng nếu như vậy, thì
không phải là mục đích kinh tế, mà là vì mục đích chính trị. Có thể từ
chuyện con gà vàng, kẻ địch muốn làm xấu đi quan hệ ngoại giao giữa Việt
Nam và Liên xô. Thế thì tầm cỡ của kẻ địch trong vụ này phải là một tên
gián điệp được đào tạo rất cơ bản…Thật là rối bời. Nhất định vụ này
phải tìm ra để giải quyết vấn đề danh dự và quan hệ ngoại giao hai nước.
Nhưng tìm như thế nào, thì tất cả đều tịt.
May
sao, các "trinh thám An nam" nhà ta lại tìm ra đúng hướng. Tây có cách
nghĩ của Tây, mà ta thì có cách nghĩ của ta. Vốn mang trong đầu tư tưởng
sùng bái người Tây thời đó, quân ta thiên về hướng kẻ gian là người
Việt Nam ta. Động cơ của vụ trộm này có khi lại rất đơn giản cũng nên.
Người dân ta vốn đâu có ham mê cái chuyện chính trị. Chắc là "đói ăn
vụng, túng làm liều" thôi. Phải công nhận cái thằng trộm này quá giỏi.
Nhưng giỏi mấy thì cũng phải cần ăn. Lúc đói, nó sẽ phải đi bán con gà
vàng đó để lấy tiền. Thế là công an ta, chìm có, nổi có, dù là dân an
ninh hay công an giao thông đều được huy động đi rình mò, theo dõi xem
có ai bán gà vàng.
Trong
giai đoạn này, việc buôn bán vàng ở Việt Nam bị coi là cấm. Cả Hà Nội
chỉ có mấy cái tổ hợp tác mỹ nghệ vàng bạc, chế tác đồ trang sức nằm ở
phố Hàng Bạc. Ngay cả hoạt động của các thợ thủ công đó cũng nằm trong
sự quản lý của Nhà nước. Thế là cái phố Hàng Bạc bé tẹo ở khu Hoàn Kiếm,
dài có vài trăm mét đó trở thành mục tiêu chính, mật độ công an chìm
nổi đông hơn dân thường.
Kể
từ hôm ngài Tham tán Ma-ca-rop mất con gà vàng, ba tháng trời đã trôi
qua. Mọi việc có vẻ im ắng và đi vào bế tắc. Cấp trên thì ăn không ngon,
ngủ không yên, còn cánh trinh sát thì đã có phần uể oải.
May
sao, vào một buổi chiều, có một người đàn bà ăn vận như người mua bán
đồng nát đi vào một tổ hợp tác chế tác vàng trên phố Hàng Bạc. Dáng vẻ
ngập ngừng của bà ta lập tức được trinh sát công an để ý. Vì vậy, khi bà
ta vừa mở chiếc khăn tay lấy ra một mẩu vàng để dạm bán, lập tức các
"trinh thám An Nam" ập lại. Mẩu vàng đó có hình một chiếc chân gà con,
tuy đã bị bóp bẹp.
Tại
cơ quan công an, bà ta dễ dàng khai ngay ra người bán. Theo đó, các
chiến sĩ công an tìm đến một căn nhà tập thể nằm cuối phố Cát Linh.
Trong nhà chỉ có một cậu bé gầy gò, đen nhẻm chừng 12, 13 tuổi. Trên
khuôn mặt gầy là đôi mắt sáng và có vẻ lanh lợi.
Thấy
nhiều người đến nhà, có cả bà bán đồng nát, cậu bé hiểu ngay ra sự
việc. Tuy có hơi sợ, nhưng cậu ta không tìm cách bỏ trốn, cũng không
chối quanh co. Cậu chui vào gầm giường và lôi ra một gói giấy, giao nộp.
Trong đó là một con gà bằng vàng to bằng nắm tay trẻ con, bị mất một
chân.
Câu chuyện lấy cắp con gà vàng được kể lại qua lời khai của cậu bé:
Cậu
ta tên là Hào. Hào năm nay 13 tuổi, là con một cán bộ có cỡ trong ngành
Ngoại giao Việt Nam. Hiện ông đang làm Tham tán tại Đại sứ quán Việt
Nam tại Liên-xô. Do quan hệ công tác nên ông có quen biết với Tham tán
Liên-xô Ma-ca-rop, có phần hơi thân một chút. Đầu năm nay, ông có dịp về
Việt Nam nghỉ phép. Vì chỉ có một cậu con trai cưng, nên hầu như đi
đâu, ông cũng cho Hào đi theo. Trong một lần như thế, Hào đã được cùng
bố vào cơ quan Đại sứ quán Liên-xô thăm Tham tán Ma-ca-rop. Trong lúc bố
và ông Tham tán nói chuyện thì Hào ngồi im, khép nép và lặng lẽ ăn kẹo.
Nhưng có lẽ trong người nó đã có phẩm chất của một người lính trinh sát
bẩm sinh. Những chiếc kẹo Tây có vị ngòn ngọt, chua chua của ông Tham
tán cho nó, dầu là của hiếm cũng không làm át đi được tính cách lanh lợi
của nó lúc này. Hào đã kín đáo quan sát được khá đầy đủ căn phòng làm
việc của ông Tham tán. Dĩ nhiên, nó nhìn thấy con gà vàng.
Về
nhà, Hào hỏi chuyện bố nhiều thứ, trong đó có con gà vàng. Bố cậu đã
hào hứng kể cho con trai nghe về lai lịch con gà vàng. Trong một nhiệm
kỳ công tác tại Nam Phi, ông Ma-ca-rop đã được một người bạn là thương
gia Nam Phi tặng cho một món quà quý: một con gà vàng. Nó được làm từ
gần 300gr vàng nguyên chất theo dáng của một chú gà con. Ông Ma-ca-rop
rất quý món quà này. Khi nhận nhiệm vụ sang Việt Nam làm Tham tán thương
mại, ông đã mang theo con gà vàng kỷ niệm. Hầu như tất cả bè bạn, và
các cán bộ của Cơ quan Sứ quán Liên-xô đều biết đến con gà vàng của ngài
Tham tán.
Sau
đó ít lâu, bố Hào trở lại Liên-xô công tác. Vốn là một chú bé thông
minh và hết sức tinh nghịch, Hào đã nảy ra ý định lấy cắp con gà vàng.
Nó hình dung trong đầu và lập một kế hoạch có phần hoàn hảo tới mức ngay
cả các cán bộ công an thực thụ cũng chưa chắc đã nghĩ ra.
Hào
tìm cách thâm nhập trở lại cơ quan Sứ quán. Nó theo dõi và phát hiện ra
một việc gần như qui luật. Cứ khoảng 7 giờ tối là có một chiếc xe
Com-măng-ca đi từ đường Cát Linh xuyên tắt qua con đường đất phía bên
phải sân vân động Hàng Đẫy, để ra góc đường giữa phố Hàng Cháo và Nguyễn
Thái Học, rồi từ đó đi sang phố Trần Phú về cơ quan Sứ quán Liên-xô.
Quãng đường vòng qua sân vận động Hàng Đẫy là đường đất, gập ghềnh có
nhiều ổ voi. Tại góc ngoặt, chỗ cột đèn pha cao thế phía phố Phan Phù
Tiên có một cái ổ lõm to. Khi đi qua đó, chiếc xe phải đi chậm, và đèn
xe không rọi rõ được trong lòng hố. Cả đoạn đường này lại không hề có
đèn đường. Buổi sáng hôm sau, vẫn chiếc xe đó từ cơ quan Sứ quán đi ra
theo đường cũ vào lúc 5 giờ sáng. Lúc này trời hãy còn tối, và hầu như
không có người qua lại trên đường.
Hào
đã thận trọng quan sát và kiểm tra kỹ nhiều lần. Đoạn đường từ cái ổ
voi to mà nó chọn đến cổng cơ quan Sứ quán chỉ dài hơn nửa cây số. Chiếc
xe Com-măng-ca đi theo chiều ra hay vào thì lần nào cũng chỉ hết chưa
đầy 10 phút. Đó chính là cơ sở để nó quyết định chọn kế hoạch đột nhập
cơ quan Sứ quán Liên-xô.
Một
buổi tối trời, Hào đã nằm sẵn trong lòng cái hố to ở góc ngoặt chỗ cột
đèn pha cao áp đó. Nó chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi và bôi đất khắp người.
Khi chiếc xe ô-tô chầm chậm đi qua hố, nó ôm bám vào gầm cầu xe và nằm
treo như thế để theo xe vào cơ quan Sứ quán. Chiếc ô-tô vào cổng và đi
vòng ra sau toà nhà chính rồi đỗ lại, để chủ nhân xuống xe. Sau đó người
lái xe lùi xe vào khu ga-ra. Nhà để xe ô-tô của Sứ quán cũng chỉ là một
dãy nhà thấp sát tường lợp phibro xi-măng và không có cửa. Người lái xe
tắt máy, đóng cửa xe và ra về. Hào còn đợi một lúc, rồi nó mới buông
mình rơi xuống nền nhà và nằm im tại đó.
Về
đêm, khu cơ quan Sứ quán im lìm. Những người trực đêm chỉ ngồi trong
phòng và không tổ chức đi tuần. Cửa sổ căn phòng làm việc của ông Tham
tán thuộc mặt sau của toà nhà. Cả vùng sân sau của Sứ quán chỉ có hai
ngọn đèn tròn mắc tít trên góc, sát mái tầng ba của toà nhà, hắt xuống
đất một thứ ánh sáng mờ mờ vàng ệch và không soi sáng được cả sân. Trong
sân có nhiều cây sà cừ to, tạo thành nhiều bóng khuất. Có một cây sà cừ
vươn cành cao quá nóc nhà và chếch phía trên cửa sổ phòng làm việc của
ông Tham tán. Toàn bộ sân được rải một lớp sỏi, những hòn cuội to như
ngón chân cái. Khi bước chân qua, đám sỏi trượt vòng lạo xạo và không
thể lưu lại dấu vết.
Đó
là tất cả những gì Hào thu thập được trong một đêm quan sát. Mờ sáng,
nó bám sẵn vào gầm cầu xe ô-tô và theo xe ra được bên ngoài. Khi tới cái
ổ voi ngoài đường đất, Hào thả tay rơi xuống đất. Đợi chiếc xe ô-tô
chạy khuất, nó mới lồm cồm bò dậy và về nhà. Mẹ nó bận đi làm ca nên
cũng không hay biết gì.
Kế
hoạch tiếp tục được thằng Hào hoàn thiện và ngấm ngầm chuẩn bị. Cũng
vào một đêm tối trời, vụ lấy cắp con gà vàng chính thức bắt đầu. Hào mặc
một chiếc quần đùi đen và một cái áo sẫm mầu. Vạt áo được cài vào cạp
quần. Người vốn đã đen, nên nó chỉ lấy một chút đất bùn xoa thêm lên vài
chỗ trên người là đã khó nhận ra nó trong bóng tối. Lần này nó đem theo
một sợi dây thừng dài, một cái túi vải nhỏ, một đôi tất và một chiếc
nan hoa xe đạp.
Chập
tối, Hào nằm phục sẵn trong lòng hố. Lần này, nó dễ dàng bám vào được
gầm xe, khi chiếc ô-tô Com-măng-ca chậm rãi lăn bánh qua. Vào đến cơ
quan Sứ quán, nó lại lọt được vào khu ga-ra ô-tô và nằm im tại đó. Chừng
quá nửa đêm, Hào chui ra khỏi nhà xe. Không gian bốn bề vẫn yên tĩnh.
Hào khom người rón rén tiến lại cái cây sà cừ to thẳng với cửa sổ phòng
làm việc của ông Tham tán. Nó lấy sợi dây thừng, buộc vào đó một viên
sỏi to rồi ném vắt lên cành sà cừ ở tầm ngang cách đất chừng 4 mét. Sau
đó nó túm lấy đầu dây có viên sỏi, so 2 đầu dây buộc lại rồi đu người
leo lên cây sà cừ. Tại đây, Hào rút lại sợi dây thừng rồi trèo dần lên
tận tít cành cao phía trên cửa sổ tầng 3, chỗ phòng làm việc của ông
Tham tán. Từ chỗ đó, nó lại buộc sợi dây thừng vòng vào cành cây. Đầu
kia, Hào buộc thắt quanh bụng rồi đu người theo sợi dây tụt xuống, lơ
lửng đúng vị trí cửa sổ. Cứ treo người như thế, Hào xỏ tay vào chiếc tất
rồi loay hoay dùng chiếc nan hoa xe đạp luồn vào cậy chốt cửa. Cũng
phải nói thêm là thằng Hào tuy gầy, nhưng khoẻ, cơ bắp tốt, chứ bọn trẻ
con ở vào tuổi nó, đã mấy ai có thể treo được mình trên sợi dây thừng
suốt mấy chục phút như thế. Rồi thằng Hào cũng cậy được cái chốt và nhẹ
nhàng kéo mở được cánh cửa chớp. Nó mừng rơn khi thấy hai cánh cửa kính
mở toang, và con gà vàng vẫn đặt ở góc bàn ngay sát cửa sổ. Vẫn trong tư
thế treo mình, Hào lắc người đu đưa vài nhịp để văng mình vào sâu trong
cửa sổ, rồi nhoài tay vào túm lấy con gà vàng. Nó nhanh chóng cất con
gà vào cái túi đeo ở cổ, lựa chốt khép lại hai cánh cửa chớp, rồi rút
người trèo ngược lên cành cây. Nó bình tĩnh ngồi nghỉ ít phút trên cành
cây cho lại sức, rồi theo đúng lối cũ tụt xuống đất. Sau khi lò dò lại
gầm cái ô-tô, Hào buộc chặt lại mọi thứ rồi nằm nghỉ. Buổi sáng hôm sau,
Hào lại bám gầm ô-tô và thoát được ra ngoài tại cái ổ voi ở con đường
đất cạnh sân Hàng Đẫy, đúng y như cách nó đã làm trong lần trinh sát
trước.
Không một ai nhìn thấy nó. Cu cậu về nhà bình an vô sự.
Mọi
dấu vết của cuộc đột nhập chỉ bao gồm hai cái vết lằn của sợi dây thừng
buộc ở hai chỗ trên cây sà cừ, và vết thằng Hào bò trên một đoạn cành
cây giữa hai chỗ buộc đó, nhưng chắc chỉ mờ mờ. Vì không một ai, kể cả
các cán bộ an ninh Việt nam và Liên xô có thể suy đoán ra đối tượng và
cách đột nhập, nên cũng chẳng ai đề xuất ra việc kiểm tra dấu vết trên
cành cây ở tít cái chỗ trên cao ấy. Mọi việc kiểm tra thông thường như
tìm dấu vết trong nhà, trên cửa sổ, trên tường, lấy dấu vân tay, hay tìm
dấu vết tại ngay các gốc cây đều không có kết quả là điều dễ hiểu.
Không
thể ngờ đến đối tượng của vụ trộm là một đứa trẻ dân thường như Hào,
lại càng không thể ngờ đến diễn biến xảy ra như lời kể của nó, dù sự
thật đã là hiển nhiên, vụ việc được yêu cầu dựng lại. Ngoài các cán bộ
nghiệp vụ an ninh của cả ta và bạn, có đích thân Thứ trưởng Công an Tạ
Đình Khai, cán bộ KGB Cu-do-nhet-xop và cả ngài Tham tán Ma-ca-rop cùng
chứng kiến cảnh diễn lại của Hào. Theo yêu cầu của ông Cu-do-nhet-xop,
cuộc trình diễn được thực hiện theo đúng các mốc thời gian như Hào đã
trình bày.
Tất
cả những người có mặt đều vô cùng hồi hộp và phấn khích theo dõi các
động tác của Hào. Nó đã thực hiện cuộc trình diễn một cách chính xác và
hoàn hảo, cứ như nó sinh ra để làm việc đó vậy. Cảm giác cuối cùng của
mọi người là vô cùng thán phục thằng bé Việt Nam 13 tuổi ấy.
Tất
nhiên là thằng Hào có tội. Tội to nữa là đằng khác. Song, cảm phục tài
năng của Hào và cũng vì nó mới là một thiếu niên, nên đã có nhiều sự tác
động tích cực của nhiều người, từ nhiều phía đến số phận của nó. Hào
được đưa vào trường Thiếu sinh quân. Cũng năm đó, Binh chủng Đặc công
được thành lập, và Hào được chuyển tiếp về trường Đặc công.
Ba năm sau, khi mới 16 tuổi, Hào trở thành một chiến sĩ đặc công, và tình nguyện vào Nam chiến đấu.
*
Trong
một đêm mưa tầm tã ở chốt Khe Đá dưới chân dãy núi Chư Giông Giàng giữa
mùa mưa năm 1974, tôi đã được đại đội trưởng đặc công Phan Thế Hào kể
cho nghe câu chuyện này. Đơn vị chúng tôi nhận bàn giao chốt thay cho
đại đội đặc công của Hào. Các đơn vị đặc công thường chỉ đánh mật tập
vào các sở chỉ huy hay căn cứ tập trung của địch trong những chiến dịch
then chốt, giành chiến thắng nhanh. Nói chung, họ không cần phải chiếm
giữ trận địa. Trường hợp cần giữ địa bàn lâu dài như vùng Khe Đá này,
thì các đơn vị bộ binh phải tiếp quản. Quen nhau đã 3 ngày, và khi biết
tôi là lính Hà Nội, lại trạc tuổi, nên đêm nay anh nằm cùng hầm và kể
lại chuyện cho tôi. Tiếng anh kể đều đều và nhỏ, đôi lúc lẫn vào tiếng
mưa rơi lộp bộp trên mặt tấm tăng căng che xéo trên nóc cửa hầm. Thỉnh
thoảng anh dừng kể, im lặng một chút như để nhớ cho rõ lại sự việc.
Những lúc đó, tôi vẫn nằm lặng im, không ngắt lời và cố hình dung ra
từng hành động của anh trong câu chuyện.
Kể
xong, Hào ngồi dậy quấn một điếu thuốc rê và châm lửa hút. Hơi thuốc
anh phả ra nồng nồng, nhưng cũng làm cho căn hầm ấm áp thêm trong đêm
mưa lạnh. Bên ngoài căn hầm, mưa vẫn rơi nặng hạt. Thỉnh thoảng lại có
đợt gió thổi ào ào, kéo nghiêng ngả những cây Bằng lăng lưa thưa trên
chốt, hắt cả đám nước mưa ràn rạt lên nóc tăng. Chúng tôi cùng lặng im
và nhớ về Hà Nội. Tôi nhìn cái vóc dáng nhỏ bé và rắn chắc của anh, hình
dung ra cái lúc anh trèo cây và đu đưa người trước cửa sổ tầng 3 của Sứ
quán Liên-xô.
Tôi bảo:
— Cậu ghê thật đấy. Tớ chỉ nghe thôi mà cũng thấy hồi hộp và run hết cả người. Thế cậu định lấy con gà vàng để làm gì?
— Chơi thôi, nghịch ngợm trẻ con ấy mà.- Hào cười, giọng bình thản.
—
Nhưng mà cậu cũng liều thật. Nhỡ mấy ông Tây trong Sứ quán mà canh gác
hẳn hoi, tương cho cậu mấy phát đạn thì xong rồi còn gì.
— Đúng vậy, bây giờ nghĩ lại thấy cũng hơi liều mà dại. Chứ lúc đó chỉ thấy hăng hái thôi.
— Hào thú nhận.
—
Nhưng dầu sao cũng có cái hay. Tớ nghĩ, lúc đó mà cậu đã thế rồi thì
bây giờ đánh nhau giỏi là phải. Bốn năm chiến đấu, lên đến đại đội
trưởng rồi còn gì.
Hào im lặng một lúc, rồi bảo, có vẻ như lạc đề:
—
Cũng chẳng giỏi giang gì đâu. Tớ nghĩ đặc công giỏi đánh mật tập, đánh
điểm, nhưng ở kiềng, giữ chốt thì thua xa cánh bộ binh các cậu.
— Thế nên bọn mình mới phải ra thay chốt ngay cho các cậu.
Hào cười. Sao lúc ấy trông anh hiền thế.
Chúng tôi còn tán gẫu vơ vẩn nhiều chuyện khác nữa. Rồi hai thằng ôm nhau ngủ. Lính mà.
Sáng
hôm sau, chúng tôi chia tay nhau. Đơn vị Hào chuyển địa bàn nhận nhiệm
vụ khác, còn chúng tôi ở lại giữ chốt Khe Đá. Chúng tôi đã ở đó và đánh
địch, giữ chốt đến cuối mùa mưa.
*
Tháng 3 năm 1975.
Quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên.
Các
đơn vị thuộc Quân đoàn 3, mặt trận Tây Nguyên tấn công đánh chiếm Thị
xã Buôn Ma Thuột. Nằm trong đội hình của Đoàn Đặc công 198, đại đội của
Hào đánh chiếm Phi trường Hoà Bình nằm ở phía Đông Thị xã. Trận đánh phi
trường của đặc công diễn ra thật gọn gẽ. Lúc 10 giờ sáng ngày 10/ 3/
1975, khi các đơn vị bộ binh của Sư 316 và Trung đoàn 95B của ta còn
đang giằng co đánh nhau với địch tại khu căn cứ của Sư 23 ngụy và khu
kho Mai Hắc Đế, thì đại đội của Hào đã làm chủ Phi trường Hoà Bình. Xác
bọn lính nguỵ và súng đạn của chúng ngổn ngang khắp trận địa. Cả đại đội
của Hào được lệnh nằm lại chốt giữ Phi trường, sẵn sàng đánh quân phản
kích. Không có đơn vị bộ binh nào của ta tiếp quản Phi trường, thay thế
cho đơn vị của Hào.
Điều
Hào nghi ngại và tâm sự với tôi vào cái đêm mưa năm trước ở chốt Khe
Đá, thì nay đã xảy ra. Trong Phi trường Hoà Bình có khu hầm ngầm của
địch mà trinh sát ta không biết. Buổi sáng, khi bị đặc công ta bất ngờ
tấn công, một lực lượng lớn của đich đã nhanh chóng và bí mật rút xuống
hầm ngầm. Lính đặc công quen mật tập, giỏi chiến thuật "Nở hoa trong
lòng địch", đánh nhanh, thắng nhanh nhưng không thạo đánh chốt. Sau khi
làm chủ trận địa, đơn vị đặc công được lệnh chốt giữ tại đó, sẵn sàng
đánh địch phản kích để giữ vững Phi trường. Họ không có đủ người và cũng
đã không tổ chức sục sạo khắp cả Phi trường, không phát hiện ra khu hầm
ngầm. Trong ngày hôm đó, cả đại đội của Hào hầu như chỉ nghỉ ngơi lấy
sức. Đến đêm, họ cũng chỉ tổ chức canh gác bình thường, mà hướng quan
sát chủ yếu lại là phía bên ngoài. Tất cả hầu như vẫn trong trạng thái
nghỉ ngơi, chờ sáng để đánh địch từ ngoài phản kích vào.
Không
phải chờ đến hôm sau, mà ngay đêm đó, vào lúc 2 giờ sáng, bọn Nguỵ từ
dưới khu hầm ngầm đã chui lên tổ chức phản kích. Chúng hoàn toàn nắm thế
chủ động, bất ngờ xuất hiện ngay giữa đội hình đơn vị đặc công. Đại đội
của Hào đã bị tổn thất nặng ngay từ đầu. Số chiến sĩ còn lại, mặc dù
chiến đấu dũng cảm nhưng cũng không chống lại được bọn Nguỵ đông và có
tổ chức tốt. Cả đại đội hy sinh gần hết, trong đó có đại đội trưởng Phan
Thế Hào. Khi đó, Hào mới vừa tròn 21 tuổi.
Phải đến gần trưa hôm sau, các đơn vị bộ binh của trung đoàn 95B mới được điều đến đánh chiếm lại sân bay.
*
Trong
chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị chúng tôi chiến đấu ở chi khu quân sự
Thuần Mẫn bên đường 14, cách thị xã Buôn Ma Thuột hơn 60 cây số về phía
Bắc. Sau đó Sư đoàn chúng tôi qua Cheo-reo đánh cắt xuống đồng bằng Tuy
Hoà. Chiến sự ở Buôn Ma Thuột, chúng tôi không biết được gì thêm ngoài
thông báo: Thị xã đã được giải phóng.
*
Tin
tức cuối cùng của Hào, tôi chỉ được biết sau khi miền Nam đã giải
phóng. Từ khu Bình Dương, Sư đoàn chúng tôi trở lại Cao nguyên làm nhiệm
vụ tiễu trừ Fulro vào tháng 8/ 1975. Tiểu đoàn chúng tôi đóng quân ngay
tại Phi trường Hoà Bình. Tôi đã có dịp đi khắp trong Phi trường, được
xem xét khu công sự và khu hầm ngầm của bọn Nguỵ. Lúc đó trên mặt đất và
trong các hầm hào vẫn còn vương đầy các loại đạn đại liên, đạn cối cá
nhân M79, rốc két M 72 và nhiều khí tài của địch. Tại đây, tôi đã được
nghe kể lại cuộc chiến đấu của đơn vị đặc công trong một buổi học tập
rút kinh nghiệm các trận đánh điển hình. Tôi đã lặng người trước tin Hào
hy sinh. Tôi nghĩ, nếu như có bộ binh phối thuộc kịp thời, chắc Hào đã
không chết.
*
Bây
giờ, tôi vẫn có dịp đi qua phố Trần Phú của Thủ đô Hà Nội. Khu Sứ quán
Liên-xô cũ, giờ là trụ sở của cơ quan Bộ Tư pháp. Tôi không có điều kiện
được vào trong đó để nhìn lại toà nhà cơ quan và cái cây sà cừ trong
câu chuyện của Hào. Nhưng chắc là cái cây đó vẫn còn. Đôi khi tôi tự
hỏi, trong những người đang ra vào cơ quan Bộ Tư pháp kia, có mấy người
biết được là nơi đó đã ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của một
người lính đặc công Việt nam tài giỏi.
Ngày
19/3 là ngày truyền thống của Bộ đội Đặc công. Tôi viết lại câu chuyện
này, như một nén hương thắp cho hương hồn người đại đội trưởng đặc công
Phan Thế Hào, mà cuộc đời và tên tuổi của anh đã lẫn vào trong cuộc đời
của muôn vạn người lính đã ngã xuống trong chiến tranh.
Vũ Công Chiến
(FB Vũ Công Chiến)
Không có nhận xét nào