Nhiều câu hỏi đang đặt ra quanh việc
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xin từ chức trong khi Bộ
Công an tiếp tục điều tra dự án khai thác của PVN ở Venezuela.
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn (trái) vừa nộp đơn xin từ chức |
Hôm 12/3 Hội đồng quản trị PVN họp xem xét đơn xin nghỉ của tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn, chỉ mới nhậm chức tháng 3/2016.
PVN không xác nhận đơn xin của ông Sơn được chấp thuận hay không, và vì sao ông Sơn xin từ chức.
Trong
diễn tiến khác, Bộ Công an gần đây có văn bản gửi PVN đề nghị cung cấp
hồ sơ về dự án khai thác dầu khí ở Venezuela, ký hợp đồng từ hồi năm
2010.
'Nhóm lợi ích'
Theo
truyền thông Việt Nam, dự án đầu tư khai thác mỏ lô Junin 2 tại
Venezuela do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), công ty
con của PVN, làm chủ đầu tư, từ năm 2010.
Thời gian đó, tổng giám đốc PVEP chính là ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, người vừa đệ đơn từ chức Tổng giám đốc PVN.
Đây
cũng là giai đoạn khi ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị đang
thụ án tù, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN (2008-2011).
Tiến
sĩ Alexander L. Vuving chỉ ra rằng dự án tiến hành vào giai đoạn người
đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Nông Đức Mạnh, còn người đứng đầu chính
phủ là ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam từ 2006 đến 01/2016.
Ông
Vuving cho rằng quyết định đầu tư ra nước ngoài của PVN khi đó "là một
quyết định chính trị, có sự thúc đẩy của một số nhóm lợi ích, giống như
những dự án cùng thời điểm như khai thác bauxite Tây Nguyên hay sáp nhập
Hà Tây vào Hà Nội".
Nói
với BBC, ông Vuving, đang làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu
Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, Hoa Kỳ, nhấn mạnh những dự án như
vậy thường gây tranh cãi, khó thông qua "nếu tôn trọng đầy đủ ý kiến
công luận và các bên liên quan".
"Thế nên các nhóm lợi ích thường nhờ đến các thế lực cấp cao, lên tới cấp 'tứ trụ' và Bộ Chính trị," ông Vuving dẫn giải.
'Cảnh báo' của các bộ
Sự
tranh cãi của dự án được đề cập qua một bài trên tờ Pháp luật TPHCM
ngày 18/3, nói rằng năm 2010, hai bộ của Việt Nam có ý kiến 'cảnh báo'.
Theo
bài này, tháng 8/2010, bộ kế hoạch đầu tư đề nghị dự án "phải được cân
nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước
và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước".
Đồng
thời, bộ tài chính yêu cầu PVN giải trình khoản thanh toán 584 triệu
USD bằng tiền mặt trong khoảng thời gian ngắn với cái gọi là "phí tham
gia hợp đồng" (bonus) cho phía Venezuela (một nửa số tiền phải thanh
toán ngay trong vòng sáu tháng từ ngày hợp đồng có hiệu lực và phần còn
lại thanh toán lần lượt trong vòng 18 tháng và 30 tháng kể từ ngày hợp
đồng có hiệu lực).
Tờ
báo này cũng viết: "Vấn đề ở đây là trước đó, một số cảnh báo đã được
đưa ra với PVN về các rủi ro trên. Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi,
trong một văn bản gửi cho thủ tướng khi đó (là ông Nguyễn Tấn Dũng) vào
tháng 8-2010, Bộ KH&ĐT đã phân tích các rủi ro tại thị trường
Venezuela."
Còn
tờ Giáo dục Việt Nam cho hay hồi tháng 11/2008, Bộ KHĐT đã báo cáo Thủ
tướng và kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách để sớm cấp
giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Junin 2.
Nhưng
đề nghị này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ bằng văn bản kèm theo yêu
cầu chính phủ phải có tờ trình Ủy ban để làm rõ phần vốn đóng góp của
nhà nước vào dự án này.
Thế
nhưng khi Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội tờ trình, thì phần
vốn góp của nhà nước thay đổi, từ 956 triệu đô la dự kiến ban đầu,
xuống còn 547 triệu đô la, tức chỉ còn 29,9% tổng vốn góp của Việt Nam.
Nghĩa là dự án này thoát diện phải báo cáo Quốc hội (dự án có mức góp
vốn 30% trở lên).
"Chỉ "sâu chúa" mới dám và vượt mặt Quốc hội, ném chục ngàn tỉ ra ngoài như thế?," tờ Giáo dục Việt Nam viết.
Còn
VietnamNet viết về dự án Junin 2 này rằng "hiện nay dự án đã tạm dừng
triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày
2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ".
Dự án 'khó khăn'
Theo
thông tin đã được công bố, trong dự án ở Venezuela, PVEP, trực thuộc
PVN, đã góp 40% vốn cùng với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA)
để thành lập liên doanh PetroMacareo.
Ý tưởng về dự án xuất phát từ năm 2006, khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thăm Việt Nam.
Các báo Việt Nam luôn nhắc đến tình hữu nghị 'đặc biệt' với Venezuela.
Ngày
31/7/2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hugo Chavez đã
chứng kiến quan chức hai nước ký các văn kiện hợp tác song phương,
trong đó có Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Tháng
6/2007, chính phủ Việt Nam đồng ý về nguyên tắc để PVN đàm phán với
Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela về việc thành lập các công ty
liên doanh khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela.
Tổng thống Hugo Chavez và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác dầu khí ở Hà Nội hồi năm 2006 |
Ngày
24/11/2010, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
nói "đây có chủ trương của Chính phủ và đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí
Chủ tịch nước cũng đã có thảo luận với Tổng thống Venezuela về chủ
trương này".
"Cũng
nói như các đồng chí là chúng ta thiếu năng lượng, chúng ta phải tìm
kiếm các nguồn năng lượng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất
nước."
"Chủ
trương Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có
thêm nguồn dầu, thêm nguồn năng lượng là một chủ trương đúng," ông
Nguyễn Tấn Dũng nói.
Tháng
4/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự Lễ khai trương mỏ đầu tiên của
Liên doanh dầu khí Việt Nam - Venezuela tại khu vực Junin 2.
Nhưng
đầu năm 2013, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phùng Đình
Thực công khai xác nhận dự án Junin 2 đang gặp khó khăn, thách thức lớn
và chậm tiến độ.
Ngày 2/12/2013, văn phòng chính phủ thông báo, theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự án tạm dừng triển khai.
Sản phẩm một thời?
Nhà
cựu ngoại giao Mỹ David Brown, nay là một cây bút bình luận, nói liên
doanh PVN ở Venezuela bắt đầu từ 2010, ngay trước khi hai công ty nhà
nước Vinashin và Vinalines sụp đổ.
"Chính
phủ Việt Nam thời gian đó ủng hộ quan niệm rằng việc thành lập các nhóm
kinh tế hùng mạnh, không bị kiểm soát chặt, được phép quản lý tài sản ở
quy mô lớn, sẽ giúp kinh tế Việt Nam hội nhập thành công."
"Được
chính phủ khi đó khuyến khích, cả PVN và Viettel tích cực tìm kiếm liên
doanh ở nước ngoài, đặc biệt với các đối tác ở các nước có thể chế
tương đồng như Cuba, Angola, Myanmar, khu vực Liên Xô cũ và Venezuela."
Ông David Brown nói tiếp: "Khai thác dầu khí vốn là ngành rủi ro cao. Một số thành công lớn, nhiều cái khác thất bại."
"Bộ
Công an hiện được cho là đang điều tra về việc PVEP thoả thuận 'trả cho
đối tác Venezuela chỉ đơn giản để đổi lấy quyền khai thác dầu bất kể
khả năng lợi nhuận ra sao.' Tuy nhiên, những khoản chi trả như thế là
bình thường trong ngành khai thác dầu khí."
"PVEP
có thể chỉ đơn giản là làm theo thông lệ như các công ty khác trong
việc 'mua' vai trò trong việc khai thác dầu ở Venezuela, điều hoá ra lại
diễn biến xấu đi."
Trong khi đó, tiến sĩ Alexander L. Vuving cho rằng những "quyết định chính trị" vẫn còn tiếp tục đến ngày nay ở Việt Nam.
"Trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành hay gần đây nhất là đề án đặc khu kinh tế," ông Vuving nói.
Từ PVN, sẽ kỷ luật cấp nào?
Ông
David Brown nói: "Nay PVN đang bị tố cáo giảm nhẹ rủi ro và kế toán
không minh bạch - những lỗi lầm mà có thể dễ dàng đổ cho người đã đi tù
Đinh La Thăng, và người kế nhiệm Nguyễn Vũ Trường Sơn, vừa mới xin từ
chức."
Còn nhà quan sát Alexander L. Vuving tự hỏi liệu Tổng Bí thư hiện thời Nguyễn Phú Trọng có đi xa hơn trong cuộc điều tra.
"Cuộc
chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có thể xem khởi xướng
từ 2011 đến 2015 là giai đoạn một, chủ yếu nhắm vào Thủ tướng lúc đó
Nguyễn Tấn Dũng."
"Sau khi ông Dũng bị buộc nghỉ hưu sau Đại hội 12 năm 2016, cuộc chiến chống tham nhũng sang giai đoạn hai."
"Trong
mắt tôi, giai đoạn hai đánh vào bốn nhóm lợi ích, Big Four, là nhóm ông
Dũng, nhóm quân đội, nhóm công an (điển hình là vụ Vũ Nhôm), nhóm ông
Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM)."
Cái
chết của ông Chavez cũng đánh dấu sự đi xuống của mô hình 'Cách mạng
XHCN Venezuela'. Nước này hiện đang gặp khủng hoảng nặng nề
"Vụ điều tra PVN đầu tư vào Venezuela có thể sẽ tiếp tục dọn đường đến ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng cũng có thể không."
Ông
Vuving nêu quan điểm: "Hy vọng các vụ án này sẽ bóc trần thêm sự thật
về các nhóm lợi ích đã tàn phá đất nước, để công luận có thêm động lực
chống lại những cái xấu trong xã hội."
Các
sai phạm của PVN cũng đã khiến nhiều quan chức cao cấp, bao gồm ông
Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN 2005-2008; Phùng
Đình Thực, cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch PVN 2011-2014; Nguyễn Xuân Sơn,
Cựu Chủ tịch PVN 2014-2015; Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch PVN 2016-2017,
dính vòng lao lý.
Ông Nguyễn Xuân Sơn chịu mức án cao nhất: Tử hình.
Tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố bốn đời chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Quan hệ 'đối tác toàn diện'
Sau
khi Liên Xô tan rã, CHXHCN Việt Nam có xu hướng tìm đồng minh hoặc
các đối tác không chỉ giúp về kinh tế mà còn 'đồng cảm' về ý thức hệ
vốn đã cũ.
Riêng về Venezuela, người dân nước này không biết nhiều đến Việt Nam, như ý kiến của một nhà báo Venezuela từng nói.
Nhưng
từ phía chính quyền Việt Nam, báo chí nước này luôn nhắc đến tình hữu
nghị 'đặc biệt' với Venezuela, được đặt gần bằng quan hệ với Cuba,
một đồng minh ý thức hệ lâu năm của CHXHCN Việt Nam ở Tây Bán Cầu' mà
quá khứ chống Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng.
"Từ
lâu, nhân dân hai nước đã có sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau. Trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, hòa cùng làn
sóng đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới,
nhân dân Venezuela đã dấy lên phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam."
"Điển
hình là sự kiện tháng 10/1964, các cựu chiến binh Caracas đã tham gia
bắt cóc viên trung tá Mỹ Smolen nhằm đánh đổi tự do cho anh hùng Nguyễn
Văn Trỗi, người bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt và kết án tử hình,"
bài báo 'Việt Nam - Venezuela: 25 năm quan hệ phát triển bền vững'
viết.
(BBC)
Không có nhận xét nào