Boeing đang tiến gần tới việc đạt
được một thỏa thuận bán máy bay trinh sát không người lái cho Việt Nam,
theo một quan chức của công ty Mỹ được tạp chí an ninh Jane’s trích lời
cho biết.
Đây
sẽ là lần đầu tiên Việt Nam mua thiết bị quân sự đáng chú ý nhất của Mỹ
kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2016.
Tại
sự kiện LIMA 2019 ở Malaysia, Giám đốc marketing mảng thiết bị quốc
phòng của Boeing ở Đông Nam Á, Yeong Tae Pak, hôm 27/3 cho biết thương
vụ cung cấp máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm xa ScanEagle
đang được hỗ trợ từ Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Bộ Quốc
phòng Mỹ. Jane’s trích lời ông Pak nói rằng nơi tiếp nhận là Cảnh sát
biển Việt Nam.
“Đây
là lần đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ
tiếp nhận ScanEagle,” ông Pak được tuần san của Anh trích lời nói.
“Thương vụ này đang được tiến hành.”
Cựu
Tổng thống Barack Obama tuyên bố việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ
khí sát thương cho Việt Nam khi ông tới Hà Nội hồi tháng 5/2016.
ScanEagle
là một loại UAV cỡ nhỏ do Boeing Insitu, một công ty con của Boeing,
thiết kết cho nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất và trên biển từ trên
không. Theo mô tả của Boeing về thiết bị này, nó có thể bay trên độ cao
4.572m và có thời gian hoạt động lên tới 24 tiếng. ScanEagle, nằm trong
hệ thống máy bay không người lái của Boeing, có chiều dài 1,5m và sải
cánh 3m.
Năm
2004, ScanEagle được đưa tới Iraq để trợ giúp các lực lượng của Mỹ tại
đây. Vào năm 2005, Hải quân Mỹ ký một hợp đồng trị giá 14.5 triệu USD
với Boeing để mua thiết bị này. ScanEagle cũng đã được trang bị cho một
số tàu của Tuần duyên Hoa Kỳ.
Đơn
giá một hệ thống (gồm 4 chiếc UAV) vào năm 2006 ước tính 3,2 triệu USD,
theo dữ liệu từ trang web chính thức của Không lực Hoa Kỳ.
Tổng số tiền của thương vụ giữa Boeing và Việt Nam không được tiết lộ.
Ngoài
Việt Nam, Boeing đã cung cấp UAV trinh sát ScanEagle cho một số nước
ASEAN khác như Singagpore, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Ông
Park, lưu ý rằng việc bán máy bay không người lái ScanEagle là chiến
lược của Boeing nhắm vào các thị trường mới trong khu vực như Việt Nam
và thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Boeing trong việc cung cấp các sản
phẩm hàng không thương mại, theo Jane’s.
“An
ninh hàng hải là một trọng tâm đối với nhiều nước ở Đông Nam Á,” ông
Park nhận định. “ScanEagle tuy là sản phẩm cấp thấp nhưng rất hiệu quả
trong việc trinh sát và thu thập dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin.”
Hồi
tháng 2, Đô đốc Philip Davidson tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về việc Việt
Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ
Hoa Kỳ. Theo vị chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ,
Việt Nam sẽ mua ScanEagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 cùng một chiếc
tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ.
Vào
tháng 8 năm ngoái, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết rằng
Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới
94,7 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không khẳng định hay phủ nhận thông tin trên.
Tháng
3 năm ngoái, tàu sân bay đầu tiên của Mỹ, USS Carl Vinson, cập cảng Đà
Nẵng trong chuyến thăm lịch sử kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt
Nam năm 1975. Sứ quán Mỹ cho biết trong chuyến thăm của tàu sân bay USS
Carl Vinson, Mỹ đã giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam để
chống “những người xấu” trên vùng Biển Đông.
(VOA)
Không có nhận xét nào