Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam có khuynh hướng có các tập đoàn tư bản cấu kết với nhà nước

    Trong số báo ra ngày 17/3/2019 của tờ VnEconomy, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam được trích lời nói rằng cơ cấu kinh tế của nền kinh tế Việt Nam đang có vấn đề.
     
    Cổng nhà máy sản xuất xe hơi của tập đoàn Vingroup tại Hải Phòng. 2/2019.
    Đó là những vấn đề gì?

    Trong một Diễn đàn về phát triển kinh tế tư nhân, ông Trần Đình Thiên nhận xét rằng hiện nay các công ty vừa và nhỏ của người Việt không phát triển, bộ phận doanh nghiệp phát triển nhất là các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

    Trước đó vài ngày, ông cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ljungreen, viết trên tạp chí YaleGlobal rằng việc thu hút FDI của Việt Nam có vẻ dễ dàng hơn là phát triển những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện sống tại Hội An, đồng tình với đánh giá của ông Trần Đình Thiên và ông cựu đại sứ Thụy Điển.

    Xuất khẩu của Việt Nam hàng năm là có 75 đến 78% là do các công ty nước ngoài. Còn mấy triệu cái doanh nghiệp Việt Nam không được 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thành ra nền kinh tế Việt Nam nó không có vững, những doanh nghiệp Việt Nam không tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế.”

    Ông Bùi Kiến Thành nêu các lý do sau đây làm doanh nghiệm vừa và nhỏ của Việt Nam không phát triển:

    Không có nhân sự được đào tạo tốt.

    Không tiếp cận được với nguồn vốn vay.

    Khó tiếp cận được các cơ sở hạ tầng đất đai.

    Ngoài ra theo ông Bùi Kiến Thành, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối đầu với nạn hối lộ mà các doanh nghiệp FDI không phải chịu.

    Một chuyên gia kinh tế khác là ông Nguyễn Huy Vũ hiện làm việc tại Na Uy cho biết:

    Các doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam thì có sự cam kết giữa hai chính phủ, nếu có chuyện gì xảy ra với chính quyền thì chính phủ của họ can thiệp. Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì không có ai can thiệp với chính quyền trung ương cả.”

    Ông Nguyễn Huy Vũ dẫn chứng nhiều trường hợp các doanh nghiệp bị cơ quan chức năng tùy tiện áp dụng những biện pháp chế tài, trong đó có vụ lực lượng công an tịch thu vàng bạc đá quí của một doanh nghiệp tại Cần Thơ cách đây không lâu.

    Ngay trong các sản phẩm được các doanh nghiệp FDI làm ra tại Việt Nam, theo vị cựu đại sứ Thụy Điển, thành phần do người Việt Nam làm ra hầu như chỉ gói gọn trong lao động giản đơn.

    Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà quan sát từ Đại Học Maine, Hoa Kỳ, nói với RFA rằng đừng thấy những con số hàng tỉ đô la hàng xuất khẩu của Việt Nam mà lạc quan, vì trong đó phần lớn là các giá trị được làm ra tại nước ngoài.

    Ông Bùi Kiến Thành gọi đây là một nền kinh tế tạm nhập tái xuất.

    Gần đây có tin cho biết tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam hiện nay, mở hai trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

    Xoay quanh sự việc này có hai luồng ý kiến khác nhau.

    Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội cho biết:

    Việt Nam luôn thúc đẩy Samsung làm nhiều hơn nữa, các linh kiện các bộ phẩn tại Việt Nam và các bộ phận nghiên cứu và phát triển. Đấy là những bước triển khai hơn nữa ngoài việc gia công thuần túy của Samsung, rất đáng hoan nghênh.

    Nhưng ông Bùi Kiến Thành tỏ ý dè dặt hơn, ông nói rằng phải chờ một thời gian nữa xem có kết quả gì hay không.

    Ông Nguyễn Huy Vũ thì nói rằng việc các tập đoàn lớn cho triển trai các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam là khó xảy ra, nếu có thì có thể là họ sẽ cho người của xứ họ vào làm việc để tận dụng việc ưu đãi về thuế của Việt Nam.

    Trong thời gian gần đây, xuất hiện tập đoàn Vingroup của “đại gia” Phạm Nhật Vượng tại Việt Nam với nhiều dự án công nghiệp làm cho một số nhà quan sát lạc quan về một bước phát triển mới của kinh tế Việt Nam.

    Ông Bùi Kiến Thành nói về những dự án của Vingroup:

    Ông Vượng có những việc làm tốt, chuyển từ dịch vụ sang sản xuất xe ô tô. Những công việc của anh Vượng cũng nằm trong khả năng và tiến triển tương đối tốt.”

    Tuy nhiên ông cũng nói thêm là phải chờ xem là sự tiến triển đó như thế nào.

    Ông Nguyễn Huy Vũ cho rằng muốn phát triển kinh tế tạo ra nhiều giá trị, cần có hai điều kiện, là ý tưởng mới và môi trường kinh doanh thuận lợi, và ông chưa thấy hai điều kiện đó xuất hiện tại Việt Nam.

    Nhận xét về những tin tức vừa qua xung quanh các dự án của tập đoàn Vingroup, ông Nguyễn Huy Vũ cho biết:

    Trường hợp của Phạm Nhật Vượng giống như Cheabol của Hàn Quốc hay Keiretsu của Nhật Bản. Đó là những tập đoàn lớn cấu kết với nhà nước tổ chức sản xuất đối với những ngành công nghiệp nặng chậm thay đổi, cần vốn lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá khứ.”

    Tuy nhiên, trong hoàn cảnh những ngành kinh tế hiện đại thay đổi nhanh chóng, ông Vũ cho rằng Việt Nam chưa có tác nhân mới nào đáng lạc quan.

    Bình luận về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay bà Phạm Chi Lan cho rằng đã có nhiều sự thay đổi tích cực, vì thế các doanh nhân lớn sẽ không bị những trường hợp đáng tiếc như vụ ông Tăng Minh Phụng bị án tử hình hồi sau đổi mới 1986.

    Bà Phạm Chi Lan hoan nghênh những dự án lớn của Vingroup , nhưng mặt khác bà cũng e ngại việc xuất hiện các tập đoàn lớn nhiều tiền của:

    Những công ty rất lớn thì sẽ có nhiều ảnh hưởng đến quyết sách của chính phủ. Họ dễ đi lobby để có chính sách có lợi cho họ và bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác.”

    Trong bài viết tổng quát về phát triển kinh tế và chính trị Việt Nam trong thời gian mấy mươi năm qua, ông cựu đại sứ Thụy Điển nhận thấy rằng việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển cần những nổ lực chính trị lớn.

    Ông kết thúc bài viết rằng mặc dù Việt Nam đã thực hiện một đường lối cải cách kinh tế phi cộng sản nhưng cần nổ lực nhiều hơn để đánh thức tiềm năng rất to lớn của Việt Nam.
     
    Kính Hòa
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào