Cứ đến ngày Vu Lan, bà Cao Thị Thanh
Hằng lại dành toàn bộ tiền lương tặng hết cho người khuyết tật. Ngoài ra
khách đi xe, nhất là khách Tây luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình khi
thì viên kẹo, khi làm “hướng dẫn viên,” thậm chí tìm giúp nhà để thuê.
Bà Hằng thường trò chuyện với hành khách trên xe. (Hình: Thanh Niên) |
Hành
động đẹp và tính tình dễ thương của bà Cao Thị Thanh Hằng (47 tuổi)
không còn xa lạ đối với những người thường đi trên chuyến xe buýt số
122, tuyến Bến Xe An Sương (huyện Hóc Môn) – Tân Quy (huyện Củ Chi).
Theo
báo Thanh Niên, thời còn trẻ, bà Hằng làm công nhân may, sau đó sang Mỹ
sống. Ở Mỹ, bà làm lụng vất vả để cố gửi tiền về nuôi gia đình.
Rồi
bà lấy chồng, sinh con nhưng cuộc sống không như mong đợi. Ly dị chồng,
bà Hằng ôm con trở về Việt Nam sinh sống. Để mưu sinh trong cuộc sống
mới, bà lưu lạc từ Bình Dương đến tận Vũng Tàu.
Trở
về Sài Gòn, không có việc làm, biết một người bạn đang làm chủ vài
chiếc xe buýt, bà Hằng nhờ bạn xin vào làm tiếp viên bán vé và gắn bó
luôn với công việc này.
Những
ngày đầu vào nghề, công việc bán vé cực khổ nhưng bà không nản chí. Hơn
bốn năm qua, công việc dậy sớm về muộn cũng trở nên bình thường đối với
bà. Mỗi ngày, bà được tiếp xúc với nhiều người, gặp nhiều hoàn cảnh
khốn khó khi đi xe buýt.
“Nghề
này nó cực nhưng mà tôi thấy thích lắm. Lên xe được giao tiếp với nhiều
người, gặp được nhiều người, nói chuyện nhiều làm tâm trạng tôi thấy
thoải mái, bớt đi nhiều phiền muộn,” bà Hằng cho biết.
Dần
dà, bà cảm thấy thương cảm những người khó khăn nên bà ra tay giúp đỡ.
Mỗi năm, đến ngày lễ Vu Lan, bà dành toàn bộ số tiền lương của tháng để
mua quà, cho tiền những người khuyết tật thường đi xe.
“Tiền
bạc nó không ở với mình. Thay vì tôi đi chùa làm từ thiện nhưng tôi
thấy thôi mình vừa đi làm vừa cho những người khuyết tật cũng làm mình
vui rồi,” bà Hằng nói.
Trên xe, bà cũng mua thủ sẵn những viên kẹo dành tặng cho những phụ nữ đi xe.
Hộp kẹo của bà Hằng để dành tặng cho những phụ nữ khi đi xe buýt. (Hình: Thanh Niên)
“Những
niềm vui đó là chân thật, chứ về già sau này tiền để làm gì đâu. Chị
Hằng tích đức mà. Có khi những viên kẹo này còn xóa nhoà khoảng cách của
những hành khách khó tính với tụi tui nữa đó,” bác tài Võ Văn Tân (56
tuổi) nói.
Ngoài
chuyện giúp đỡ người khó khăn, câu chuyện về việc nói tiếng Anh của bà
Hằng cũng trở nên thú vị đối với người đi xe buýt. Không phải bà khoe
khoang mình, nhưng vì hoàn cảnh khách ngoại quốc đi xe mỗi ngày và bà là
người duy nhất giao tiếp với họ.
Bà
có thể nhớ và kể vanh vách tên những người ngoại quốc nào đã từng đi xe
mình. Giờ đấy người nào lên xe, khách đi làm hoặc đi du lịch bà đều nhớ
rõ. Những thầy giáo dạy tiếng Anh lên Củ Chi sinh sống đều trở nên thân
thiết với bà.
Không
những thế, những giáo viên ngoại quốc thường rất thích đi trên xe của
bà Hằng, bởi bà là người duy nhất có thể trò chuyện với họ trên suốt
hành trình.
Thậm
chí, có lúc bà Hằng lại trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Giới thiệu
về các món ăn ở Củ Chi, chỉ những con đường người nước ngoài nên đi. Có
khi bà còn tình nguyện tìm nhà thuê giúp cho giáo viên người nước ngoài
mới đến.
“Bữa
kia có đoàn người nước ngoài lên thăm Củ Chi bằng xe buýt. Khi cô dẫn
đoàn kia ú ơ vài câu thì chị Hằng nhào vô tiếp sức. Cả xe lẫn cô dẫn
đoàn đều ngạc nhiên hết sức,” ông Tân cho biết.
Kỷ
niệm đầu tiên gặp người nước ngoài của bà là một phụ nữ người Úc bị lạc
đường đứng chơ vơ dưới Bến Xe An Sương. Tất thảy nhân viên xe buýt bến
xe đều không thể giao tiếp với người phụ nữ này.
“Thấy
vậy tôi vẫy tay và gọi: ‘You want to go home?’ và kéo bà này lên xe rồi
ngồi một góc. Tôi liền mua xe vé tặng cho bà này. Thấy bà này khóc
nhiều quá tôi liền nói vài câu tiếng Anh chọc cho bà vui. Bà cười rồi
khóc, khóc rồi cười cho đến khi xe tới bến An Sương. Rồi tôi hướng dẫn
bà đi xe khác để về trung tâm cho an toàn,” bà Hằng kể lại.
(Người Việt)
Không có nhận xét nào