Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao quan chức Việt bắt đầu thích… tị nạn chính trị?

    Sau hàng loạt cái tên Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Đình Duy, Lê Chung Dũng thuộc ‘họ dầu khí’, Phan Văn Anh Vũ… phải ‘ra đi tìm đường cứu nước’ vào hai năm 2016, 2017 và 2018 - hoặc bằng ‘thẻ xanh’ hoặc đào thoát, đến đầu năm 2019 đã xuất hiện một hiện tượng ‘lạ’ khác: một sĩ quan quân đội Việt Nam cũng đang tìm cách xin tị nạn chính trị.

    Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng Việt Nam ra lệnh truy nã ông Lê Quang Hiếu Hùng, người hiện được cho là bị Cuba tạm giam. Ảnh: VOA
    Từ bản tin VOA

    Ngày 4/3/2019, một người đàn ông gọi cho VOA Việt Ngữ, nói rằng ông tên là Lê Quang Hiếu Hùng, cựu quân nhân làm việc cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, hiện đang bị bắt giam ở nhà tù Cuba.

    “Tôi tên là Lê Quang Hiếu Hùng, sinh ra ở Việt Nam và hiện nay đang có quốc tịch Grenada ở vùng Caribe. Tôi bị chính phủ Việt Nam yêu cầu cảnh sát Cuba bắt tôi. Việc bắt giữ này là trái phép. Hiện tôi đang bị giam ở nhà tù La Condesa.”

    Ông Hùng cho biết nguyên nhân ông bị Việt Nam ra lệnh bắt:

    “Người ta nói Interpol Việt Nam đăng tin là tôi pha chế xăng dầu giả. Tôi từng là một quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, thuộc Bộ Quốc phòng của Việt Nam. Tôi không có sai phạm như cáo buộc. Đây là một việc chính trị. Tôi đã xin tị nạn chính trị tại Mỹ… Đã có tình báo của Việt Nam tại Mỹ tìm tôi tại Mỹ và hăm dọa tôi, nên tôi đã rời khỏi nước Mỹ.”

    Báo Công an Nhân dân vào tháng 11/2018 loan tin rằng ông Lê Quang Hiếu Hùng, 44 tuổi, ngụ tại Tp. HCM, nhân viên quốc phòng thuộc Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, đã bị Cơ quan Điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp, Bộ Quốc phòng, ra lệnh truy nã theo một quyết định đề ngày 22/10 với tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ Luật hình sự.”

    Từ Virginia, bà Nguyễn Thụy Tú Quỳnh, vợ của ông Hùng, cho VOA biết chồng bà đã rời Mỹ hôm 8/2 và tìm cách đến Grenada nhưng đã bị bắt ở Panama:

    “Khi tới Panama thì bị Hải quan ở đó giữ lại trong một ngày. Ngày hôm sau thì bị đưa về Cuba và bị giam ở đó cho tới bây giờ. Sau khi ở đó hơn 1 tuần, anh được phép gọi về báo cho tôi biết tình trạng như vậy. Theo một viên đại úy trong nhà tù ở đó cho anh biết thì trong 4 ngày nữa anh sẽ bị công an Việt Nam qua để đưa anh về nước.”

    Theo bà Tú Quỳnh, ông Hùng từng mang cấp hàm thiếu tá, Trưởng phòng Kinh doanh của Chi nhánh Đầu tư Xây dựng Miền Nam, thuộc Tổng Công ty Lũng Lô, dưới trướng của Đại tá Trần Văn Đồng, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lũng Lô.

    Bà Quỳnh cho biết Đại tá Đồng vừa bị Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra vào tháng 6/2018 về những sai phạm với vai trò Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lũng Lô…

    Vì sao?

    Trong khoảng 6 năm qua, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, đã khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada và Mỹ. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…

    Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay”.

    Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.

    Nhiều thông tin không chính thức cho biết nhiều quan chức trung cấp, trong đó có cả những cái tên cụ thể, đang làm việc cho có và dường như chỉ chờ cơ hội thuận lợi là xin nghỉ việc để cùng gia đình đến một nước nào đó định cư, kể cả việc phải trả lại thẻ đảng hoặc giấu biến gốc gác đảng viên đảng cộng sản.

    Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada… là những điểm đến đầy hấp dẫn.

    Với quan chức cao cấp (từ bộ trưởng trở lên), tin tức về tài sản, tâm trạng và đường đi nước bước của họ kín đáo hơn. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng xuất hiện một cái tên nào đó đang nhấp nhổm “hưu non” và”chờ vé bay”.

    Nhưng tình trạng vợ con của một số trong giới quan chức trung – cao cấp từ lâu đã ung dung ở các nước phương Tây thì không thể che mắt thiên hạ. Không thiếu gì bằng chứng về các công tử “ăn chơi nhảy múa” và sắm xe xịn, mua nhà không cần trả giá bên trời tây bằng tiền của cha mẹ.

    Trong những năm gần đây, làn sóng “ra đi tìm đường cứu nước” của giới quan chức và người giàu Việt Nam có nhiều dấu hiệu tăng vọt. Theo hồ sơ Panama, chỉ riêng trong năm 2015, lượng ngoại tệ từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài đã lên tới 19 tỷ USD.

    Tình hình trên diễn ra trong bối cảnh “lò” của ông Nguyễn Phú Trọng đang rừng rực cháy ở Việt Nam, đầy triển vọng biến năm 2018 và cả vài năm sau đó thành một chiến trường “truy sát tham nhũng” mà sẽ khiến không chỉ quan chức cấp trung ương mà cả nhiều quan chức cấp địa phương bị tống vào “lò”.

    Có lẽ vụ Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức vào nửa cuối năm 2016 và sau đó làm hồ sơ xin tị nạn chính trị ở Đức khá ‘thành công’ đã kích thích nhiều quan chức tham nhũng khác đi theo con đường đó, thậm chí còn có thể tự biến thành… nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp.

    Trong cuộc gọi điện cho đài VOA, Thiếu tá Lê Quang Hiếu Hùng đã không hề chứng minh rằng vụ việc của anh ta là ‘việc chính trị’, trong khi lại có khá nhiều dấu hiệu cho thấy Hùng dính vào một vụ làm ăn phi pháp vốn đầy rẫy ở Việt Nam.

    Dự liệu là sau trường hợp của Lê Quang Hiếu Hùng, sẽ có thêm những quan chức Việt ‘ra đi tìm đường cứu nước’ ở xứ ‘tư bản giãy chết’, mà nếu phương thức lo thẻ xanh không thật an toàn thì chắc chắn họ sẽ không ngần ngại tìm ra một lý do nào để tị nạn chính trị.

    Nhưng muốn được các quốc gia phương Tây hoặc Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn chấp nhận tư cách tị nạn chính trị, những quan chức Việt này lại phải chứng minh được là họ có những hoạt động bất đồng hoặc đối lập với chính quyền cộng sản ở Việt Nam và đã bị đàn áp. Làm thế nào để họ có thể ‘kiến tạo’ được một hồ sơ đắt giá đến thế? Liệu họ có dám đứng lên đối kháng với chính quyền như giới đấu tranh dân chủ nhân quyền đã làm?

    Thường Sơn

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào