Thông tin từ Đại sứ quán Đức tại Hà
Nội cho biết, ông Peter Altmaier Bộ trưởng Bộ kinh tế cùng một phía đoàn
kinh tế cấp cao và một số nghị sĩ quốc hội liên bang Đức có chuyến thăm
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-26/3. Hai bên sẽ tiến hành
nhiều cuộc trao đổi song phương với đại diện Chính phủ Việt Nam và tiếp
kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Peter Atlmaier. |
Ngay
trước chuyến thăm, Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Atlemaier được trích lời
trong một thông cáo của Đại sứ quán Đức cho biết “Việt Nam là một đối
tác kinh tế trung tâm của Đức tại Châu Á. Tôi sẽ bàn bạc với các đại
diện Chính phủ Việt Nam để làm thế nào tăng cường quan hệ hợp tác giữa
hai quốc gia”
Quan
hệ Đức và Việt Nam đã gặp khủng hoảng sau khi Đức hồi năm 2017 lên
tiếng cáo buộc Việt Nam cho mật vụ sang Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân
Thanh, một cựu quan chức dầu khí của Việt Nam đang bị truy nã vì các cáo
buộc liên quan đến tham nhũng. Ông Thanh lúc đó đang xin quy chế tị nạn
tại Đức. Sau đó phía Đức đã tuyên bố tạm ngưng đối tác chiến lược với
chính phủ Hà Nội và yêu cầu Hà Nội phải lên tiếng xin lỗi chính thức và
trao trả Trịnh Xuân Thanh về cho phía Đức. Cho đến lúc này, Trịnh Xuân
Thanh vẫn đang thụ án tù ở Việt Nam sau khi bị tòa án ở Việt Nam hồi đầu
năm ngoái tuyên hai án chung thân về tội tham ô.
Đây
là lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, có một
chuyến công du Việt Nam cấp bộ trưởng và cũng là một dấu hiệu có thể cho
thấy mối quan hệ đối tác chiến lược bị gián đoạn hơn 1 năm rưỡi này dần
được nối lại.
Tiến
sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà
Lan cho rằng, chuyến thăm lần này được xem rất quan trọng với Việt Nam
sau một khoảng thời gian dài ngưng đọng và thụt lùi mà ai cũng biết rõ
nguyên nhân từ đâu.
“Sau
từng ấy thời gian thì ngay cả Việt Nam lẫn phía Đức thấy rằng giờ đây
là lúc cả hai phía khôi phục lại mối quan hệ đối tác chiến lược. Đây là
đòi hỏi khách quan trong bối cảnh cả Châu Âu lẫn Đông Nam Á đang có
những chuyển động khá cấp tấp do tác động của cuộc thương chiến giữa Hoa
Kỳ và Trung Quốc lẫn những rạn nứt trong mối quan hệ kinh tế nói chung
và cấp độ khu vực toàn cầu. Tất nhiên ở đây chúng ta không biết được cụ
thể đằng sau hậu trường hoặc trên các bàn đàm phán của cả hai phía và
chắc chắn Việt Nam đã có những tương nhượng để bộ trưởng kinh tế Đức
thừa nhận là Việt Nam là đối tác trung tâm của Đức tại Châu Á.”
Đồng
thời tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng còn nói thêm, Việt Nam luôn coi Đức và
Pháp như hai đầu tàu không chỉ quan trọng trong khốii Châu Âu mà cũng vô
cùng thiết yếu với dòng hàng hóa từ Việt Nam sang EU và ngược lại.
Theo
cơ quan thống kê Liên bang Đức, năm 2018 kim ngạch thương mại Việt Đức
đạt lên tới 13.8 tỷ Euro, trong đó 9,7 tỷ Euro là nhập khẩu từ Việt Nam
và 4,1 tỷ Euro là xuất khẩu sang Việt Nam
Chúng
tôi liên lạc với nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thời Báo bằng Tiếng Việt
tại Berlin để tìm hiểu thông tin về chuyến đi này và được anh cho biết,
nhiệm vụ chính của ông Bộ trưởng kinh tế Đức trong chuyến thăm Việt Nam
lần này là bàn về kinh tế và kết nối lại quan hệ giữa Việt Nam và Đức
sau thời gian dài bị đóng băng.
“Tuy
nhiên trước chuyến đi theo tôi được biết tại tổ chức phóng viên không
biên giới của Đức đã nói với chúng tôi rằng, họ đã gặp bộ trưởng bộ kinh
tế Đức để tham vấn và đưa những thông tin và mong rằng trong cái chuyến
đi về Việt Nam ngoài việc hợp tác về kinh tế thì ông Atlmaier sẽ nói
những công việc và câu chuyện về dân chủ nhân quyền, tự do báo chí và tự
do biểu đạt cái mà Việt Nam đang rất thiếu và cái điều mà Châu Âu và
Đức cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế trong vấn đề đó.”
Trước
chuyến đi, hãng tin AFP vào ngày 23/3 có đưa tin khối Đảng Xanh trong
Quốc hội Liên bang Đức đã gửi thư kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế Atlmaier đề
cập đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nhân chuyến thăm nước này.
Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức cho biết “Theo
thông tin mà tôi nắm được và theo trả lời phỏng vấn trên đài truyền
hình nhà nước Đức cũng có nói về việc thúc dục Bộ trưởng kinh tế Đức có
những cuộc gặp với những người trong nước tạm gọi là phản biện và bất
đồng chính kiến ở trong nước và điều đó có diễn ra hay không thì chúng
ta phải đợi xem như thế nào.”
Nhà
báo và nhà quan sát chính trị tại Việt Nam, tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ
Sài Gòn cho hay, đây là chuyến thăm cấp bộ trưởng lần đầu tiên sau vụ
Trịnh Xuân Thanh, đây là một dấu hiệu đáng chú ý. Tuy nhiên ông không
chắc vấn đề Trịnh Xuân Thanh và nhân quyền trong chuyến đi lần này của
Bộ trưởng Kinh tế Đức đến Việt Nam
“Chưa
biết là ông đến Hà Nội thì ông có nêu vấn đề nhân quyền hay việc Trịnh
Xuân Thanh hay không nhưng có vẻ chuyến thăm trước đó của ông Phạm Bình
Minh đã hứa hẹn là trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và do đó Đức có vẻ cảm
thấy nới ra và bớt căng thẳng hơn trong mối quan hệ ngoại giao và có thể
phục hồi đối tác chiến lược.”
Ngoài
ra, nhà báo Phạm Chí Dũng còn cho biết thêm tính đến thời điểm này, anh
không có bất kỳ thông tin nào về việc phía Đức sẽ gặp gỡ và muốn gặp
các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam và anh tin chắc sẽ không có
cuộc gặp nào được diễn ra.
Trong
thư gửi Bộ trưởng kinh tế Đức phát ngôn về nhân quyền của khối Đảng
Xanh trong quốc hội liên bang Đức có chỉ ra rằng các tổ chức phi chính
phủ luôn mô tả tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là vô cùng đáng lo ngại,
các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội bị giới hạn một cách có hệ
thống và tùy tiện. Tổng cộng có 130 nhà hoạt động nhân quyền đang bị
giam giữ trong tù.
Đức
là nước luôn quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và thời
gian qua đã tiếp nhận những nhà hoạt động vì nhân quyền bị cầm tù như
Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự cô Lê Thu Hà.
Dư
luận Việt Nam lên tiếng cho rằng, sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã
mối quan hệ Việt Đức gặp rất nhiều rắc rối và Đức ngưng ban giao với
Việt Nam nhưng sau một thời gian dài Đức lại lên tiếng khẳng định Việt
Nam là đối tác kinh tế trung tâm chiến lược tại Châu Á. Liệu rằng vụ bắt
cóc Trịnh Xuân Thanh đã bị phía Đức cho qua đi.
Tiến
sĩ Đinh Hoàng Thắng nói với chúng tôi rằng, tuy không có bằng cớ xác
thực nhưng bằng phép suy đoán thì chúng ta có thể giả định vụ Trịnh Xuân
Thanh đã được phía Đức bỏ qua.
“Chúng
ta nhớ lại là qua vụ TXT thì từng có những tuyên bố cứng rắn từ phía
các chính khách Đức và chính phía Đức đã treo mối quan hệ đối tác chiến
lược với Việt Nam trong ngần ấy thời gian và nay cũng chính phía Đức
cũng nói rằng đã đến lúc khôi phục lại mối quan hệ song phương và tất
nhiên họ nhấn mạnh về đối tác chiến lược về kinh tế trước nhưng rõ ràng ở
đây có một sự trao đổi ít nhất tôi nghĩ phải ngang giá và một sự tương
nhượng nào đó trên thực tế để hai phía có thể tái ngộ và đồng thuận như
hiện nay.”
Còn đối với nhà báo Phạm Chí Dũng thì cho rằng chắc chắn phía Đức sẽ không bỏ qua vụ bắt cóc này.
“Bởi
vì Đức cần Việt Nam tôn trọng nhà nước pháp quyền của Đức đây không
phải là Đức đang bảo vệ cho một kẻ tham nhũng như TXT, chúng ta điều
biết TXT là một quan chức có rất là nhiều tham nhũng và việc TXT xin tị
nạn chính trị ở Đức thì người Đức chỉ làm theo thủ tục mà thôi và việc
Đức yêu cầu trả TXT đó cũng là theo thủ tục trả nguyên trạng để Đức làm
thủ tục chứ không phải Đức bảo vệ một kẻ tham nhũng, nhưng muốn Việt Nam
tôn trọng nhà nước pháp quyền đó là tiêu chí đầu tiên của Đức.”
Đồng
ý với điều này nhà báo Lê Trung Khoa cho biết, Đức là một nhà nước Tam
quyền Phân lập cho nên bên Hành pháp là cơ quan mà Bộ kinh tế Đức sang
làm việc với Việt Nam để kết nối kinh tế thì họ vẫn làm, còn phía Tư
Pháp họ độc lập nên vẫn tiếp tục điều tra và điều tra rất sâu về vụ bắt
cóc này.
Ngoài
ra, nhà báo Lê Trung Khoa còn cho biết thêm, hiện nay phía cảnh sát Đức
đã cử cán bộ sang Slovakia để lấy cung những là nhân chứng của vụ bắt
cóc đó.
(RFA)
Không có nhận xét nào